Phê bình trong cơ chế tự thỏa mãn của đời sống văn học






Thời gian qua, mỗi khi bàn về những nhân tố hạn chế sự sáng tạo
trong văn nghệ người ta chỉ mới nói đến cơ chế trói buộc. Chức năng
sợi dây trói do phần tự kiểm duyệt ngự trị trong từng người cầm bút
đảm nhiệm. Và ở quy mô xã hội, nhiệm vụ ấy được cụ thể hóa trong công việc của giới
phê bình. Nhớ lại những vụ việc "có vấn đề" trong mấy chục năm qua,
từ Cái gốc (Nguyễn Thành Long), Tình rừng (Nguyễn
Tuân), Đêm đợi tàu (Đỗ Phú), Cây táo ông Lành (Hoàng
Cát) ..., người ta hẳn thấy giới phê bình đã đóng một vai trò không lấy
gì làm đẹp đẽ cho lắm.



Có điều đời sống văn học không phải chỉ có những vụ việc.





Là nhu cầu tự bộc lộ của mỗi người cầm bút, nhưng sáng tác cũng là
một hoạt động mà xã hội cần thiết. Đời sống đòi hỏi phải có các tiểu
thuyết, các tập truyện ngắn, tập thơ, các công trình nghiên cứu văn
học như phải có cơm, có thịt, có điện, có nước, có đồ chơi cho trẻ
thơ, gương lược cho phụ nữ.



Bởi vậy, giữa hai vụ việc, để làm nên nhịp sống hàng ngày của đời
sống văn học, người sáng tác vẫn làm việc đều đều. Tác phẩm ra đời
rồi có sự trao đổi thảo luận, khen chê, có cả tặng giải cho nhau
nữa. Chính ở đây đã bộc lộ căn bệnh: mẹ hát con khen hay. Sự
tự lừa mị,
nếu có thể nói như thế.



Thử nhớ lại những bản tổng kết, những báo cáo về tình hình văn học
sau một thời kỳ nào đó, sau một đợt đi thực tế chẳng hạn, hoặc thử
nhớ lại những bài xã luận ra trong những ngày lễ lạt là chúng ta đủ
rõ. 


Sẵn giấy mực trong tay, chúng ta tha hồ trưng ra những lời tự
khen mình, người nọ khen người kia, làm chứng cho tâm lý Ta là ta
mà lại cứ mê ta
mà Chế Lan Viên đã phát biểu một cách thành
thực. 


Với một sự tự tin không che giấu, chúng ta sẵn sàng coi những
sáng tác của mình là bất tử, là có thể sánh ngang với những giai
đoạn rực rỡ trong lịch sử văn học dân tộc và không kém gì nước
ngoài. 


Rõ ràng, ngoài lý do tạo sự cân bằng trong tâm lý sáng tác
sau những vụ việc, xu thế tự thỏa mãn này là để biện minh cho những
hạn chế ngặt nghèo trong giao tiếp với văn học thế giới cũng như
trong việc tiếp nhận di sản văn học quá khứ.



Nguyễn Minh Châu từng nói tới cái lối lãnh đạo đáng phục "trói xong lại bảo đố mày
bay lên"


Cần nói thêm, trong cảnh trói buộc đó, tất cả đã nói với
nhau để cùng tin rằng mọi người đang bay lên.



Cơ chế của sự tự thỏa mãn gồm nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất,
là tạo ra một cái chuẩn thấp hơn hẳn so với chuẩn thông thường mà
mọi nền văn học ở mọi nơi và mọi lúc vẫn dùng. 


Theo cái chuẩn giả
tạo này, tác phẩm nào đi vào các vấn đề siêu hình, tác phẩm nào có
vẻ khó hiểu một chút là xa lạ và không có giá trị. 


Cũng theo tiêu
chuẩn này, nội dung và hình thức có sự tách rời rõ ràng và mặc dù
vẫn cho hình thức là quan trọng, nhưng lại đặc biệt lưu ý nội dung
mới là yếu tố quyết định, mà cái nội dung này thì được hiểu thiển
cận, vụ lợi


Thói láu cá có thể tìm thấy ở đây mảnh đất tuyệt diệu.




Cũng như khi nói về sự trói buộc chúng tôi cho rằng sự lạc hậu này
trước tiên nằm trong ý thức từng người cầm bút.


Nó cũng là cái tâm lý một thời cần giải tỏa.


Nhưng không ở đâu nó hiện ra lộ liễu và gây tác hại như trong phê
bình văn học. Đọc các bài viết hồi ấy, chỗ nào chúng ta cũng gặp
những giọng điệu đại loại "một bước tiến mới", "một bước phát triển
của ngòi bút", "một đóng góp vào đời sống"... 


Rồi "người mở đầu" cái
nọ, người "tiêu biểu" cái kia, rồi "đỉnh cao" của lối này, lối khác.
Đọc mãi người ta đâm nghi ngờ, hoặc người phê bình dễ dãi đến mức vô
nguyên tắc
, hoặc anh ta định dùng những lời khen này vào mục đích
đen tối
nào đó.


Nếu những lời khen dễ dãi vô trách nhiệm nói trên chỉ xuất hiện
trên các bài báo vặt thì còn đi một nhẽ. Đằng này, người ta cũng
thường xuyên gặp nó trong những lời giới thiệu mở đầu các tuyển tập,
các bài tổng luận mở đầu hay kết thúc cho các sách giáo khoa văn
học, từ phổ thông cho đến đại học, thậm chí, cả các từ điển văn học.


 Ngay trong những công trình được coi là nổi tiếng một thời, người ta
cũng gặp lối khen chê kiểu đó.


 Chẳng hạn cuốn Tiểu thuyết Việt
Nam hiện đại
của Phan Cự Đệ. Gạt đi phần lý luận dang dở, chắp
vá, thì chỗ hỏng chính của cuốn sách này là nó trình bày một bức
tranh sai lạc về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. 


Tác giả thường có
lối khen quyển sách này là "mẫu mực chín muồi của tiểu thuyết hiện
thực xã hội chủ nghĩa", trong quyển sách kia "có sự kết hợp nhuần
nhuyễn tính hiện thực và tính đảng". 


Lại nữa, trong khi minh họa cho
những luận điểm của mình, tác giả có lối trộn lẫn rất tự nhiên, đoạn
trên là Balzac, Hugo, Tolstoi, Dostoevski, đoạn dưới là Tô Hoài,
Nguyễn Đình Thi, Chu Văn, Phan Tứ, và nếu căn cứ vào những hình dung
từ định giá thì hình như là họ rất gần nhau, là những giá trị tương
đương nhau!


 Một ví dụ khác, phần viết về văn học VN đương đại trong
cuốn Từ điển văn học (nhiều tác giả thực hiện) cũng có sự dễ
dãi khó chấp nhận. Viết như thế về một nền văn học còn đang vận
động, không chỉ không đúng sự thật mà còn làm cho cả bộ từ điển trở
nên khập khiễng, thiên lệch.


Những gì xảy ra với phê bình khi sự ngợi khen dễ dãi trở thành chức
năng chủ yếu của nó?


Điều đập vào mắt chúng ta là phê bình đã tạo ra
một hệ thống "ngôn ngữ" kỳ lạ. 


Để hiểu giá trị một quyển sách và tầm
cỡ tác giả, người ta phải xem bài phê bình viết về nó được đặt ở
trang nào, ở mục phê bình hay đọc sách. Số lượng chữ
nghĩa dành để nói về nó cố nhiên phải là một yếu tố được tính toán
từ đầu. 


Chất lượng sách thì khác nhau mà lời khen thì có hạn, và sự
chê bai bị coi là không nên nói ra, cho nên nhiều người viết phê
bình (trong đó có cả người viết bài này) phải tìm một hệ thống uyển
ngữ, nào là thành tựu bước đầu, thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp
không nhỏ, bước tiến nhất định... 


Việc tìm cho ra những chữ làm
cho người có sách được phê bình bằng lòng nhiều khi chiếm phần quan
trọng trong những cuộc mặc cả giữa biên tập viên các báo và người
viết phê bình. Bởi vì đó là đối nhân xử thế, giải quyết không khéo
dễ gây va chạm. 


Còn như việc nhà phê bình nhân dịp đọc sách trình
bày những luận điểm học thuật, hoặc những suy nghĩ về đời sống về
nghề nghiệp, việc đó càng thu hẹp càng tốt. 


Lâu dần rồi điều đó
chẳng ai đợi chờ ở phê bình nữa. Ấy thế nhưng phần mình, thì chỉ vai
trò người ngợi khen dễ dãi cũng đã làm cho nhiều nhà phê bình
vênh vang lắm. 


Trong nhiều bài viết, người ta bắt gặp một giọng điệu
đáng sợ: cái giọng cả quyết của người tưởng mình nắm giữ chân lý và
ban phát danh vọng
, cái giọng tự tin khó chịu của kẻ nghĩ rằng mình
đã xếp hạng ai thì chỉ có tuyệt đối chính xác. 


Thường những nhà phê
bình này luôn luôn tự đồng hóa mình với dư luận xã hội, với người
đọc, họ tự coi mình đại diện cho yêu cầu thời đại và đủ thứ quyền
lực khác. Người ta cứ viết khơi khơi Đảng ta nhận định rằng... Đảng ta luôn luôn cho rằng... mặc dù chưa bao giờ có một văn bản chính
thức nào xác định người ấy phát ngôn thay Đảng cả.


Thế còn giới sáng tác, thái độ của họ với
những người dựng bia này ra sao? 


Cố nhiên, sau khi viết sách lại
nhận được một lời phê bình đích đáng thì cũng thú lắm. Song khốn
nỗi, những lời khen giá trị đâu có mấy, điều thường xảy ra là lời
khen xuất phát từ những mỹ cảm thô thiển và nhiều khi dựa hẳn vào sự
nghe ngóng từ cấp trên
, nên như chúng ta đều biết, nhiều người sáng
tác tỏ ra ý khinh nhờn người viết phê bình và nghề phê bình ra mặt. 


 Sinh thời, Chế Lan Viên có nói một câu nổi tiếng: "Nhà văn học ba
năm trở thành nhà phê bình, nhưng nhà phê bình học 30 năm cũng không
trở thành nhà văn được
". 


Có hàng loạt người sáng tác, nhất là người
làm thơ,
lâu lâu lại tạt sang phê bình, coi phê bình là một thứ nghề
phụ trở về lúc nào cũng kịp. 


Thật ra không phải họ không có lý: khi
chỉ rút lại trong việc khen chê từ một cái chuẩn thấp thì người
trong cuộc nhất định phải giỏi hơn rồi. 


Nhưng dẫu sao cả nền phê
bình cũng cần vài tên tuổi làm mặt hàng. Và đây là điều đã xảy ra
trong mối quan hệ tuyệt vời này: một mặt khinh phê bình như vậy,
nhưng mặt khác, nhiều người sáng tác lại tìm cách lợi dụng phê bình


 Họ hiểu nếu thời trì trệ kéo dài thì chính những người phê bình kia
lại đưa họ lên đài danh vọng và ở lại với lịch sử
. Thật là một quan
hệ đáng ghê sợ.


Trong không khí cởi mở hiện nay, rõ ràng giới phê bình chúng ta cần
nghĩ lại về chính mình. 


Có những chỗ lâu nay ta yên chí mọi việc đâu
vào đó, hình như đã đúng hướng rồi, chỉ cần cố lên một tí là được,
thực chất lại vẫn là việc hỏng.


Công việc ngợi khen mà phê bình đảm nhiệm trong những ngày qua là
thuộc loại đó.


Trong cả hai vai trò sợi dây trói người ngợi khen
một cách dễ dãi, phê bình đều hiện ra như một nhân tố cản trở sự
phát triển lành mạnh của văn học
. Khó lòng nói khi nào có tội hơn,
khi nào đáng thể tất hơn.


Qua đây càng thấy phê bình là khó.


 Không phải
ngẫu nhiên nhìn lại văn học

Xô viết hơn 70 năm qua, người ta
nhận thấy không có nhà phê bình nào được coi là chứng nhân tin cậy, hậu thế có thể trông vào để hiểu văn học Nga thế kỷ XX. Ngay một cuốn
lịch sử văn học Xô viết
 đươc giới nghiên cứu các nước khác công nhận vẫn chưa
được viết ra.


Tôi không nghĩ rằng số phận chúng ta lại may mắn hơn.







 Đã in trong Những kiếp hoa dại, 1993

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét