Một quan niệm đơn sơ về thế giới


Sự
đơn điệu nghèo nàn là cảm giác chính còn lại trong Nhất Linh sau khi dự Hội chợ
hàng VN 1934 mở ở Nhà Đấu xảo Hà Nội


    Trong bài tường thuật trên Phong Hóa số ra 30-11-1934, người đứng
đầu văn đoàn Tự Lực viết :”Mấy gian hàng Hải Dương Nam Định vẫn như mọi năm
không có gì tiến bộ.Thăm gian hàng Trung Kỳ, người ta cảm thấy như sống lùi lại
mười năm trước bởi chỉ có ít đồ gỗ nét chạm non nớt. Đồ đồng của ta có lẽ nghìn
vạn năm nữa không thay đổi. Từ cái thau cái mâm cho đến cái đỉnh thứ nào cũng
nguyên như cũ, hình như đổi mới nó đi là một cái tội vậy. Đồ sứ Bát Tràng men
trông cũng khéo, chỉ tiếc rằng kiểu không đẹp. Phần nhiều là bắt chước Tầu“.




   Những nhận xét này có thể áp dụng cho toàn
bộ thế giới đồ vật mà người Việt sáng tạo ra để phục vụ đời sống của chính mình. 


    Một
đôi dép để đi ư ? Ở Bắc bộ, nó chỉ là một chiếc mo cau hoặc miếng da, có thắt
một nút trồi lên vừa để xỏ một ngón chân. Trong khi người dân nông thôn xưa chỉ
đi chân đất thì một đôi dép như thế còn là xa xỉ, và chỉ những dịp hội hè người
ta mới dám sử dụng. 


    Một cái diều ư? Chỉ là mấy tờ giấy phết vội trên mấy nan
tre. 


    Một cây sáo ư, chỉ là một ống tre có khoét mấy lỗ sơ sài. Nếu chúng ta
biết rằng trên thế giới này, không chỉ Trung Quốc Nhật Bản mà cả các nước
phương Tây những cái diều bộ sáo có cấu tạo phức tạp tinh vi như thế nào thì
người ta  phải tự trách rằng sao  dân mình dễ bằng lòng với những gì làm ra,tức
dễ dừng lại trên đường sáng tạo đến thế.


   Thời nay, khi làm hàng xuất khẩu, người mua
các nước cũng thường chê hàng Việt mẫu mã đơn giản, có học lỏm được cái gì của
người khác thì cũng chỉ loay hoay ở vài cái lặt vặt mà không biết khai thác hết
những khả năng đa dạng có thể có.  


   Chẳng những chúng ta rất ít phát minh mà
nhìn vào cái đã phát minh ra, thấy không vượt khỏi tình trạng bột phát ban đầu. 


    Các ý tưởng không được hoàn thiện và đẩy tới cùng. 


    Nguyễn Văn Vĩnh sớm nói thẳng
là  trước khi học của nước ngoài, những
cái nhà của chúng ta quá trống trải và chẳng có gì mà bầy, ghế giường bàn tủ
dáng dấp nặng nề, nếu cố trau chuốt thì lại phô ra một mỹ cảm cầu kỳ vụn vặt.


   Ở đồng bằng Bắc  bộ, ngoài nghề trồng lúa nước, gần như không
có nghề làm vườn. Các giống vật nuôi trong nhà không đặc biệt, như con chó
Vịệt, đặc tính chính của nó là sự tầm thường. 


    Không có con đường làng nào là
thẳng, con đường nào cũng cong queo vẹo vọ.


  Tự bằng lòng với cuộc sống tự nhiên của mình
ở các làng quê, người Việt gần như từ bỏ khả năng tổ chức lại cuộc sống một
cách có suy nghĩ ở các đô thị.


   Cho đến cả trong cách tổ chức xã hội, trí
tưởng tượng nghèo nàn cũng níu kéo chúng ta lại.


   Thần thánh trong các truyện thần thoại cổ
tích của ta quá gần người và cũng nghèo như người, cả về vật chất lẫn tinh thần.


   Còn những ước mơ của chúng ta thì sao ? Ngày
xưa, bao chàng trai bỏ làng ra đi chống ngoại xâm, rút cuộc “súng gươm vứt bỏ
lại hiền như xưa“ (thơ Nguyễn Đình Thi), mơ ước lớn nhất là quay về làng tiếp
tục đi cầy và cưới được cô thôn nữ.


   Còn hôm nay, có một câu chuyện dân gian đang
được lưu truyền rộng rãi. Một thanh niên Nhật hỏi người Việt cùng tuổi với mình
là mơ ước gì thì được trả lời là mơ ước có cái Honda để đi, nhà có cái tủ
lạnh Hitachi, cái máy giặt Sanyo để dùng.
Nói chung là ao ước dân Nhật xài đồ gì thì mình có đồ đó để xài.


   Còn người thanh niên Nhật khi được hỏi lại
chỉ nói gọn một câu là ước sao giỏi giang hiểu biết để thực hiện được tất cả
những ước mơ của các bạn Việt cùng tuổi.


   Câu thơ của Chế lan Viên “ Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp –
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
“ không chỉ đúng với con người thời tiền
chiến mà đúng với người Việt gần như suốt thời quá khứ, không chỉ con người
bình dân mà cả những tầng lớp tinh hoa.  





TT&VH 19-6-07              






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét