Hai bài viết trên Ngày nay liên quan tới Lễ ra mắt hội Ánh sáng


         Trên 
mạng Bauxite hôm nay 7-7-2013 có đăng bài viết Phong trào Nhà
Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn

của Đỗ Quý Toàn. Trong bài có nhắc tới buổi ra mắt công chúng đầu tiên của
Hội Ánh Sáng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vào 9 giờ tối Thứ Hai, 16 tháng Tám năm
1937.


      
 Nhân đây xin mời bạn đọc có quan
tâm tới vấn đề này đọc thêm hai tài liệu có liên quan 1/ Diễn văn đọc tại
Nhà hát Lớn hôm 16 Aout, buổi họp đầu tiên của hội Ánh Sáng
  của Nhất
Linh và 2/ bài tường thuật của Khái Hưng có liên quan tới sự kiện này. Cả hai
đều in trên  Ngày nay số 73, 22-8-1937.



     Vẫn biết rằng, giờ đây, muốn đọc lại Phong
hóa Ngày nay
, bạn đọc có thể tự mình tìm trên mạng. Song với thiện ý muốn để
những bạn đã quá bận bịu đỡ tốn công sức, và những gì Nhất Linh Khái Hưng đã
nói đã viết có thể đến với chúng ta nhanh hơn, chúng tôi cứ đưa lên đây. Văn
bản  được chuẩn bị theo kiểu làm ăn thủ
công cũ tức là chụp theo bản Ngày nay ở các Thư viện và đánh máy  lại.  Dù người sưu tầm đã soát xét lại kỹ, song nếu tài
liệu dưới đây còn chút nào thiếu sót, kính mong các bạn lượng thứ.







       Ý NGHĨA XÃ HỘI CỦA "ÁNH SÁNG"





Kính trình các ông,
các bà, các anh em, chị em... các bạn,


Tôi thay mặt Uỷ ban
tạm thời hội Ánh Sáng tỏ lời trân trọng cảm tạ ông Thống Sứ Yves Châtel là
người đã hứa nhận đỡ đầu cho hội, và cảm ơn hết thẩy các bạn hữu đã đến để tỏ
lòng hăng hái với một công cuộc có tính cách xã hội, nhân đạo, một công cuộc
gây dựng đầu tiên của người An Nam.


Cũng như hết thảy
các bạn đến đây, tôi cảm động vì thấy một điều hằng tha thiết bấy lâu sắp đến
ngày thực hiện, và khi anh em cử tôi ra để bầy tỏ cái ý kiến của hội Ánh Sáng,
tôi rất lấy làm bối rối vì cái ý nghĩa của hội ta rộng rãi quá, không biết nói
sao cho đầy đủ được.


Đã từ lâu, những
người nhiễm học mới, nhiều lần được thấy, khi đọc sách, đọc báo, xem tranh ảnh
hoặc trong các rạp chiếu bóng hay trong khi du lịch nước ngoài, những cảnh đời
khác hẳn cái cảnh đời ảm đạm, buồn nản của dân quê trong những túp nhà hang tối
- chung quanh mình - những người đó chắc đã nhiều lần nẩy ra trong trí câu hỏi
đau đớn này:


- Liệu có thể đổi
khác được không?


Nhưng ai nấy cũng
chỉ chua chát nhận ra rằng việc ấy khó khăn quá, gần như không thể được.


Câu hỏi trên kia nảy
ra trong óc các bạn chỉ như một tia sáng yếu ớt loè ra trong đêm tối dầy đặc,
chỉ như một giây phút hy vọng biến ngay thành một nỗi thất vọng dài và chua
sót.


Nhưng bao giờ cũng
vậy: đã nghĩ đến thay đổi thì rồi sẽ có sự thay đổi.


Nỗi thất vọng riêng
từng người nay đã sắp biến thành một mối hy vọng chung, mối hy vọng chung ấy
tức là Ánh Sáng.


Nhiều tia yếu ớt hợp
lại sẽ thành một luồng ánh sáng lớn. Dấu ánh sáng mà các bạn gài trên ngực như
một cái vinh dự, vẽ ba tia sáng xuyên qua một vòng tròn tối đen: tức là diễn
cái ý nghĩa đó một cách giản dị và mạnh mẽ. Một người không làm nổi, thì nhiều
người sẽ làm nổi - Sức mạnh của hội ta là ở sự đông người và cũng vì thế cái
tính cách hội ta có phần khác với các hội hiện có.


Không phải đông
người là được nhiều tiền. Tiền là cần, nhưng tiền thôi - không đủ. Ta có thể
tưởng tượng một nhà giàu có hảo tâm bỏ ra một lúc mấy triệu bạc, dựng lên rất
nhiều nhà mới cho dân nghèo ở. Những việc ấy cũng chỉ là một cái chớp nhoáng.


Nhà nát, tiền hết,
cảnh hang tối lại hiện nguyên hình cảnh hang tối.


Cái gì bền chặt, còn
mãi mãi, không phải là những căn nhà dựng lên, mà chính là cái ý muốn chung của
chúng ta, của dân quê, cái ý muốn có sự thay đổi mãi mãi, cái lòng nhiệt thành
với công việc ta làm, lúc nào ta cũng hết sức, chắc ở mình và chắc ở tương lai.


Hội đông người, lại
gồm toàn những người quả quyết phấn đấu, cái sức mạnh ấy có thể thắng nổi hết
các sự khó khăn.


Song những sự khó
khăn ấy, trước khi hô hào lập hội, anh em chúng tôi cũng đã từng cân nhắc. Câu hỏi
thường luẩn quẩn trong trí chúng tôi là câu hỏi này:


- Làm nhà cho dân
nghèo và thợ thuyền ở, nhưng rồi sau... sẽ ra sao? Chín phần mười nhà Annam
ta là nhà hang tối. Làm thế nào cho đủ được?


Tôi cũng  nhận rằng như vậy rất đúng. Vì thế mà hội ta
không phải là một hội chỉ cốt lập ra để làm phúc. Đem một người yếu vì ở khổ sở
về săn sóc, chữa chạy cho khỏi rồi lại thả người ta về chỗ ở khổ sở, rồi người
ta lại đau yếu như trước, tức là làm một việc từ thiện, chỉ biết làm một việc
từ thiện thôi, không cần xét đến căn nguyên và trừ tiệt cỗi rễ của những sự
khốn khó ở đời.


Việc làm phúc là một
việc hay, nhưng ngoài cái ý nghĩa làm phúc ấy, hội ta còn gồm có một ý nghĩa
khác, không phải tốt đẹp hơn nhưng cần có để cho xã hội thay đổi và bởi cần có
nên hội ta- như trên tôi đã nói- khác với các hội hiện có ở trong nước. Đó là
cái ý nghĩa xã hội của hội Ánh Sáng.


Vì có cái ý nghĩa xã
hội ấy nên hội sẽ không làm những nhà gạch đắt tiền. Kể ra, bằng số tiền hội
quyên được, hội Ánh Sáng có thể dựng lên rất nhiều nhà gạch, cực kỳ sang trọng,
mời một số ít dân quê và thợ thuyền đến ở. Nhưng thế để làm gì? Vì không bao
giờ, thật không bao giờ, hội lại có một số tiền lớn để làm thế nào không còn
người nghèo ở ngoài nữa, không còn người nghèo ở nhà hang tối, ngày ngày ra đứng
trước những khu nhà gạch sang trọng mà hội đã dựng lên đó, nhìn vào thèm thuồng
cái cảnh may mắn của những người nghèo ở trong, nẩy ra những ý tưởng so sánh
bùi ngùi, mà không có cách gì cho đời sống riêng của mình khá hơn lên được. Nếu
như vậy thì việc làm phúc cho một số ít ấy chỉ làm tủi lòng một số nhiều không
được cùng hưởng.


Hội ta vì thế sẽ chỉ
toàn dựng những nhà tranh, nhà gỗ là thứ nhà thông thường trong nước. Hai nhà
kiến trúc sư, ông Nguyễn Cao Luyện hiện nay sang Pháp vắng, và ông Hoàng Như
Tiếp trên ba năm nay đã từng cùng chúng tôi bàn bạc mãi về vấn đề nhà cửa Ánh
Sáng.


Điều cần nhất, là
làm thế nào tỏ ra rằng nếu ta chịu để ý tìm tòi, nếu ta có ý muốn ở một căn nhà
ánh sáng thì cũng bằng ngần ấy tiền, ta có thể có một căn nhà ánh sáng được.


Nhưng khu nhà hội sẽ
dựng lên khắp trong nước, ở gần các tỉnh, ở trong các làng, từ Nam ra Bắc, sẽ
là những nhà mẫu biểu lộ sự tìm tòi có khoa học của các kiến trúc sư có chí.


Để một người nghèo
vào ở ít lâu rất sung sướng trong một căn nhà gạch sang trọng không có ích lợi
gì về sau. Nhưng một người nghèo vào ở 
căn nhà tranh Ánh Sáng, lúc ra ngoài người đó không phải là người nghèo
khi trước nữa. Họ nhận ra rằng ở trong một căn nhà rẻ tiền, họ cũng đã sống một
cách dễ chịu, sống một cách văn minh. Họ không thể lại quay về với những căn
nhà hang tối được nữa. Họ sẽ ngẫm nghĩ:


- Không cứ gì sang
trọng nhiều tiền mới là sung sướng. Ta không cần giàu có, ta cũng có thể dựng
lên một căn nhà sáng sủa, đẹp đẽ cho ta, cho vợ con ta như trong các trại Ánh
Sáng, ta cũng ở dễ chịu như một nhà giàu có.


Họ biết rồi. Họ biết
tức là họ có thể tự sức đưa mình ra khỏi nơi tối tăm.


Họ lại có thêm một
sự cần mới, một quan niệm mới: họ tuy nghèo nhưng cũng có quyền và nhất là có
cách sống một đời đáng sống.


Chính người đương
đứng nói chuyện với các bạn đây, hai mươi năm về trước đã sống trong một túp
nhà hang tối bên cạnh những túp nhà khốn khổ hơn ở một số chợ quê, và mới đây
chưa đầy hai mươi hôm đã ăn mặc quần nâu áo nâu để cố sống thử lại trong hơn
một tuần lễ cái đời lam lũ cùng với những người lam lũ khác trong một căn nhà
hang tối.


Cái nhà ẩm thấp, hôi
hám mà tôi ở đó, tôi nhận ra rằng tôi có thể không cần phải tốn nhiều tiền đổi
thành một căn nhà sáng sủa, sạch sẽ, có cả vẻ mỹ thuật nữa. Còn những người lam
lũ cùng ở với tôi thì không có thể ngờ được như thế.


Nếu dân quê họ cũng
biết như tôi, như các bạn đây, thì sự thay đổi của xã hội về mặt hình thức rất
mau chóng, mà sự thay đổi phải có tính cách ấy mới lâu bền và sâu xa, không có
vẻ phô trương như mấy căn nhà gạch lộng lẫy dựng vào giữa đám... nhà tranh vẫn
lụp xụp như thường, như có ý khoe khoang một cách ngạo nghễ: Có sự thay đổi
trông thấy.


Thật ra, như vậy,
không có sự thay đổi gì cả.


*


Tôi mới nói đến nhà
Ánh Sáng. Cách sống trong những gian nhà đó cũng phải là một cách sống xứng
đáng với nhà, một cách sống sáng sủa như những căn nhà sáng sủa.


Đổi khác cái quan
niệm về sự sống của họ đi cũng là một việc to tát và có lẽ khó khăn hơn việc
đổi khác nhà cửa của họ. Vẫn biết cơm ăn, áo mặc, nhà ở đồ dùng bao giờ cũng
cần, nhưng họ vẫn cho là những cái cần phụ, chẳng qua phải ở thì ở, phải ăn thì
ăn, cách sống thế nào xong thôi, không can hệ gì. Họ có những cái bổn phận mà
họ cho là to tát hơn, quý trọng hơn những sự cần về vật chất. Họ quá để lên cao
những bổn phận mà dân các nước Âu Mỹ không có, như bổn phận đối với quỷ thần,
đối với làng  xóm, đối với họ hàng.


Họ làm ăn vất vả có
được dư đồng tiền ư?


Đáng lẽ để tiền ấy
sửa lại cái nhà cho sáng sủa đẹp đẽ, may quần áo mặc cho ấm, sắm đồ đạc dùng
cho dễ chịu, thì họ lại đem dùng mua một chức nhiêu, xã (đó là vì chuộng hư
danh), làm cỗ bàn để đăng cai (đó là vì ông thần hoàng) hay là làm cỗ giỗ, cỗ
đám ma rất phí phạng (đó là vì họ hàng). Chừng ấy cái họ cho là bổn phận. Làm
xong những bổn phận ấy thì họ vừa sạt nghiệp.


Bây giờ làm thế nào
cho họ có cái quan niệm vật chất về cuộc đời là tự khác những cái kia sẽ mất.
Phải bỏ, quá bỏ cái đời mê muội, huyền bí của họ đi.


Họ chú trọng về tinh
thần quá, (tinh thần đây không phải là tinh thần lợi cho sinh kế như tinh thần
người các nước Âu Mỹ) bây giờ phải làm thế nào cho họ chú trọng về vật chất
(vật chất đây không có ý nghĩa gì xấu xa) 
phải cho họ biết rằng những cái về vật chất là những cái cần thứ nhất
trong đời họ. Họ có biết thế thì bao nhiêu tâm lực của họ mới xoay về một
chiều: là  giúp họ có được những món cần
ấy.


Nếu cứ ở thế nào
cũng được, ngủ thế nào cũng được, sống thế nào xong thôi, thì không bao giờ có
sự hơn lên được. Dẫu hội Ánh Sáng có dựng lên những nhà sáng sủa cho họ ở,
những nhà gạch bền chặt nữa, cũng chẳng bao lâu - tôi xin nhắc lại lần thứ hai
- cảnh hang tối lại hiện nguyên hình cảnh hang tối.


Vậy hội ta còn một
công việc nữa là khuyên dạy họ những cách ăn ở thế nào cho đáng là dân văn
minh, và đem đến cho họ những cái đẹp, cái vui của cách sống văn minh, những
cái vui rẻ tiền, người nghèo cũng có thể hưởng được, nếu biết hưởng.


Cách ăn ở mới cũng
như những điều phát minh mới về kiến trúc sẽ đem ghi vào sách gửi cho chi nhánh
các nơi để thực hành và bảo ban họ. Thực hành và bảo ban cách nào là tuỳ ở các  uỷ ban của hội. Tôi chỉ xin nói ngay rằng hội
ta sẽ đến với họ như một người bạn thân, lúc nào cũng dịu dàng tìm cách thay
đổi họ, không bao giờ ức bách cả.


Về việc này phải
kiên tâm và nhất là bao nhiêu khó nhọc mình phải chịu lấy. Tôi xin dẫn một thí
dụ cỏn con: nếu người ở rút nan phên để dùng vào việc riêng thì hội viên uỷ ban
trông nom sẽ xuống tận nơi yên lặng thay những nan phên khác vào, nếu có ai để
con mình làm bẩn lối đi chung thì tức khắc sai phu dọn sạch mà không được nói
họ, mắng họ nửa lời. Làm như thế lâu lâu họ sẽ cảm động, hối hận và bỏ dần cái
tính cẩu thả, ích kỷ của họ đi.


Bao nhiêu tính cách
cần có để trở nên một dân văn minh, mà người mình vẫn thiếu xưa nay, hội sẽ dần
dần bảo ban họ.


Tất có người nói:
dạy họ lau quét nhà cửa, xếp dọn đồ đạc, ăn ở ngăn nắp, song những điều ấy có
phải là những điều cần đâu.


Tôi xin trả lời: Rất
cần, vì đó là một thứ để định cái mực sống cao thấp của một dân tộc. Người ta
sống để làm những cái ấy cũng như sống để học cho trí thức mở mang. Dân nào
luộm thuộm bẩn thỉu về cách ăn ở là dân mọi rợ, dân văn minh bao giờ cũng ngăn
nắp và sạch sẽ trong cách sống. Người Hoà Lan đi đâu là đem chổi quét, giẻ lau
và nước rửa đến đấy. Họ có thì giờ để trở nên một dân một nước văn minh mà vẫn
có thì giờ để lau mặt bàn bóng loáng như gương và sàn nhà bóng loáng như mặt
bàn. Người Nhật Bản tuy bận bịu theo kịp dân các nước Âu Mỹ mà vẫn có thì giờ
tắm một ngày ba lần và sửa sang nhà cửa cho có vẻ mỹ thuật. Dân mình không phải
vì thiếu thì giờ mà chỉ vì lười hay nếu không lười thì không thích sự ngăn nắp,
sạch sẽ, không biết cách trang hoàng nơi ăn chốn ở.


Hội sẽ cho họ cái
tính tốt ấy, làm cho họ thích và dạy cho họ biết cách. Cũng như ở bên các nước
Thuỵ Điển, Na Uy, họ để ý đặc biệt đến cách sống của hạng bình dân, hội cũng sẽ
tìm tòi cho dân một nền mỹ thuật bình dân, rẻ tiền nhưng vẫn là mỹ thuật. Lại
dạy cho họ hiểu biết mỹ thật. Họ có những thứ đẹp đẽ rẻ tiền nhưng cần nhất là
họ phải hiểu để được hưởng- vì họ cũng có quyền hưởng- cái vui thú sống một đời
tuy nghèo nhưng vẫn đẹp đẽ và tươi sáng.


Cách ăn ở mới, nền
mỹ thuật bình dân mà từ trước đến giờ không ai để ý tìm tòi cho dân nghèo phải
là một hội như hội Ánh Sáng mới có thể đủ sức đem đến cho họ được.


Nói đến đây, tôi
không sao không tự hỏi:


- Dân quê ăn chưa đủ,
nghĩ làm gì đến cách ở?


Nghĩ như vậy thì
không bao giờ hết việc: việc ăn cũng như việc học là hai việc rất cần, nhưng
hội ta lập ra không phải để giải quyết hết các vấn đề khó khăn của xã hội. Công
việc của hội ta chỉ là một công cuộc xã hội trong nhiều công cuộc xã hội khác -
hiện chưa có nhưng ta sẽ làm dần.


Đó, các bạn coi, cái
ý nghĩa của hội ta rộng rãi là như vậy.


Dựng nhà cho dân
nghèo ở, và tìm tòi một lối kiến trúc mới có thể làm kiểu mẫu theo được- cần
nhất là theo được- cho những dân nghèo khác.


Tìm tòi những cách
ăn ở mới, một nền mỹ thuật bình dân và bảo ban, khuyên dạy họ cho họ biết, họ
hiểu, họ làm gương cho người khác để nâng cao cái mực sống của dân lên ngang
hàng với mực sống của dân các nước văn minh.


Ý nghĩa, mục đích
hội là như vậy nhưng không thể cứ có một cái mục đích hay là đủ cho hội sống
một cách mạnh mẽ. Chính chúng ta mắt đã thấy biết bao nhiêu hội có mục đích ghê
gớm mà về sau thành những hội mục nát cả. Muốn nâng cao trình độ của dân, muốn
khai hoá họ mà không thấy khai hoá được tí nào.


Vậy sự cần nhất là
cái ý muốn chung của chúng ta, coi công việc ta sắp làm đây - công việc thay
đổi xã hội - là một lý tưởng của đời ta, một lẽ để ta thấy cái vui, cái phấn
khởi sống ở đời.


Việc khó khăn, song
những cái khó khăn ấy chính là để thử sức phấn đấu của bọn trẻ chúng ta. Ta đã
nhất định bước đi, là đi không bao giờ nản lòng, tiến, tiến mãi đến một tương
lai tốt đẹp hơn. Ta không bao giờ được mãn nguyện, vì có không mãn nguyện thì
mới cố sức mãi cho một ngày một hơn lên.


Có hai điều chúng ta
nên tránh: một là để lòng nguội lạnh, uể oải dần, hai là để cho sai lạc cái ý
nghĩa cần thiết của hội ta.


Tôi rất mong rằng
làm một việc có tính cách mới, hội sẽ có những người có trí mới, dùng những
phương pháp hành động mới. Chúng ta lại nên nhớ rằng cái sức mạnh của hội ta là
ở số đông, dựa vào số đông ấy, hội Ánh Sáng sẽ có một nền tảng chắc chắn, không
bao giờ nghiêng đổ.


Xin các bạn nhiệt
liệt cổ động cho hội Ánh Sáng để hội có hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu người.
Thêm một hội viên tức là thêm một tia sáng chiếu rõi vào nơi tối tăm, thêm một
ít vui cho cái đời buồn trẻ của dân nghèo, thêm một sự thay đổi cho cái xã hội
rất chậm thay đổi của ta.


Các bạn sẽ thấy một
cái mộng của đời mình biến thành sự thực, các bạn sẽ được cái vui thấy hội Ánh Sáng
đem ánh sáng chiếu rõi vào tận các làng xa, xóm hẻm, và cái xã hội thảm đạm tối
tăm của ta đây, nhờ đó, không bao lâu sẽ biến thành một xã hội đẹp đẽ, vui
tươi, một xã hội ánh sáng.


               Nguyễn Tường Tam.


                    











                  
                   Tại Nhà Hát Lớn


     BUỔI HỌP
ĐẦU TIÊN CỦA


ÁNH SÁNG


Hơn hai nghìn thính giả, ngoài hai
nghìn người phải về vì hết chỗ. Bài trí giản dị và uy nghiêm hùng tráng, xưa
nay chưa từng thấy. Không khí trẻ trung.


 Tối thứ hai 16 Aout vừa rồi anh em chị em hội
viên hội Ánh Sáng đã họp lần đầu tiên ở nhà Hát Lớn.


Mà cũng lần đầu ta nhận thấy chữ
"lớn" không đúng nghĩa và như đem dùng một cách hơi ngoa ngoắt để tả
cái nhà hát của thành phố Hà Nội. Vì hôm ấy số hội viên hội Ánh Sáng vào nhà
hát đông gấp hai số ghế của nhà hát, và số hội viên hội Ánh Sáng hết cả chỗ
đứng nên không vào được cũng gần đông bằng số hội viên đã được vào.


*


Tám giờ hơn, rời bờ hồ Hoàn Kiếm đi lại
phía nhà hát, chúng tôi thấy bốn luồng hào quang chiếu vọt từ một vệt đen lên
thẳng trời trong.


Tuy biết đó là bốn lá cờ Ánh Sáng treo
từ nóc nhà hát xuống tới đất, tôi vẫn không khỏi kinh ngạc đứng sững ngắm hồi
lâu. Và tôi nghĩ thầm: "Ý chừng các hoạ sĩ đã sơn đen hoặc phủ vải thâm
trùm kín những bậc nhà hát để biểu hiện cõi tối tăm sắp được Ánh Sáng chiếu
rồi.”


Nhưng khi đến gần tôi thấy cái vệt đen
ấy động dậy rồi hiện thành một đám người rất đông mà ánh đèn nhà hát phía sau
làm cho nổi bật và đen ngòm. Mấy người hấp tấp chạy bảo nhau: "Dễ tới
vạn!"


*


Tôi len mãi mới vượt qua được mấy chặng
hàng rào người để vào tới cái hàng rào sắt của nhà hát. Anh em hướng đạo đã tề
chỉnh xếp hàng đứng giữ trật tự.


Tám giờ rưỡi. Bắt đầu mở cửa cho hội
viên vào.


Có thể nói một làn sóng tràn qua chỗ đê
vỡ, nhưng làn sóng đẹp mắt quá, vì có đủ các màu, màu hồng, màu đỏ của cái áo
tân thời tha thướt, màu trắng của y phục anh em thiếu niên, màu xanh, màu nâu
của quần áo anh em thợ thuyền và dân quê, màu đen của áo lương, áo the, khăn
lượt: Đủ các hạng người trong xã hội Việt Nam.


Làn sóng tuy đẹp mắt nhưng ồ vào hơi
mau và hơi dữ một chút nên mấy anh em hướng đạo phải cố sức hàn ngay lại chỗ đê
vỡ. Rồi xếp xong chỗ ngồi cho người đã vào, mới hé cửa để mời người đứng ngoài
vào dần.


*


Chín giờ kém 15. Trong nhà hát không còn
một chỗ nào để... đứng nữa. Cửa nhà hát đành phải đóng chặt. Phiền nỗi những
người đã lọt qua hàng rào sắt chen chúc trong hiên nhà hát. Chúng tôi ái ngại
cho các bà các cô mồ hôi chảy nhễ nhại làm trôi mất cả phấn. Nhưng không vì thế
mà các bà các cô nản chí bỏ ra về, và bỏ rơi nụ cười trên cặp môi tươi thắm.
Cũng có nhiều hội viên sốt ruột gõ tay vào các cửa kính rồi nói một tràng rất
dài, nhưng qua kính chúng tôi chỉ thấy cái mồm lắp bắp mà không nghe rõ tiếng
gì.


Những hội viên trong hàng rào sắt vào xong,
lại đến lượt những hội viên ngoài hàng rào sắt. Đối với những người này chúng
tôi không thể sao chiều được, vì nếu để vào cả thì nhà hát sẽ trở nên một hộp
cá dầu. Chúng tôi đành đem giấy xin lỗi ra phát. Hai nghìn tờ mà chúng tôi đã
in sẵn - vì đoán chắc thế nào số hội viên đến dự cũng đông quá - chỉ trong năm
phút anh em hướng đạo đã phát hết mà vẫn chưa đủ khắp hết số người đứng đợi.
Thực xưa nay chưa từng thấy hội viên đến tìm vào hội đông như thế.


- Ông Ngày Nay!


Nghe gọi tôi quay lại và nhận ra ông
hội viên vừa đến toà báo Ngày Nay lấy giấy mời đi dự thính.


- Tôi ở Hà Nam lên tận Hà Nội chỉ cốt được
nghe diễn thuyết Ánh Sáng như tôi đã nói với ông ban nãy, chẳng lẽ ông lại để
tôi không được nghe!


Thế là chúng tôi đành phải hé cửa mời
ông ấy vào. Nhưng một người theo liền sau, giọng khẩn khoản:


- Tôi ở tận Huế cũng vừa mới ra chiều
hôm nay để nghe diễn thuyết Ánh Sáng, chẳng lẽ các ông lại để tôi không được
nghe!


Rồi đến lượt mấy ông giáo ở Thái Bình
nhắc lại câu trên.


Anh Tô Ngọc Vân ghé tai thì thầm bảo
tôi:


- Tôi ở tận Cao Mên cũng mới ra mấy hôm
nay để dự ban bài trí hội Ánh Sáng đây.


Và anh mỉm cười, cho là câu khôi hài
của anh hóm hỉnh lắm. Mà hóm hỉnh thật!


*


Ai nấy vội vàng chạy đi lấy chỗ hoặc
ngồi, hoặc đứng, hoặc chắp tay đi quanh hiên vì đã hết cả chỗ ngồi lẫn chỗ
đứng. Anh Nguyễn Gia Trí thở dài trông theo nói một mình:


- Làm gì mà hấp tấp thế? Thì hãy đứng
lại một giây, ngắm bức tranh vẽ "cảnh tối tăm khốn cùng" của người ta
đã nào!


Tôi cười đáp:


- Cũng may đấy, vì nếu những em bé theo
mẹ đến dự thính mà trông thấy bức tranh của anh thì chúng nó sẽ khóc thét lên,
làm trùm lấp cả tiếng diễn giả.


Ý chừng anh Trí cũng hiểu rằng đó là
lời khen ngợi nên cười một cách rất khoái trí.


*


Có người đến đưa cho tôi một tập giấy
nhận vào hội Ánh Sáng kèm với một bức thư. Tôi mở ra đọc thì đó là thư của một
bạn ốm đã năm năm nay. Vì không đến dự thính được, anh viết mấy lời rất cảm
động để xin lỗi.  Anh hứa sẽ nằm nhà tâm
niệm cầu khẩn cho buổi diễn thuyết đầu tiên của hội Ánh Sáng được có kết quả
hoàn toàn.


Anh là một người rất sốt sắng với hội
Ánh Sáng, và tuy ngày đêm nằm trên giường bệnh, anh cũng rủ được cho hội tới
gần trăm hội viên, phần nhiều là thiếu, 
là nữ trí thức cả: theo ý anh, cần phải có nhiều phụ nữ vào hội.


*


Trong phòng nhộn nhịp ồn ào. Bỗng một
câu từ máy truyền thanh phát ra:


- Xin những ông nào cứng chân cứng tay
chịu khó đứng dậy nhường chỗ cho các bà các cô yếu đuối.


Một dịp "ồ!" cất lên phản
đối, và một cô thân thể nở nang đáp lại liền:


- Chúng tôi chẳng cần ai nhường chỗ!...
Sẵn lòng đứng như thường!


- Phải lắm!


Đó là câu bình phẩm của một trang thiếu
niên đã có chỗ ngồi khá tốt. Nhưng tiếng ồn ào vụt im khi anh Nhất Linh bắt đầu
diễn thuyết. Tôi có cái cảm tưởng xe hoả vừa đỗ lại ở một ga.


Tới đoạn anh Nhất Linh nói: Ban kiểm soát
của hội Ánh Sáng sẽ đem sự nhẫn nại dịu dàng ra để đối phó với cái tính cẩu
thả, ích kỷ của dân trại Ánh Sáng sau này, -- hết thảy các thính giả vỗ tay rất
ròn, để tỏ rằng diễn giả nói rất đúng và rất hợp ý mình, nghĩa là đã nêu ra một
tính rất thông thường mà riêng mình không có.


Anh giáo Tôn Thất Bình nói vui quá.
Nhưng vẻ mặt anh không được vui mỗi khi anh thoáng nhìn thấy Tô Tử. Ý chừng anh
sợ Tô Tử vẽ hai cánh tay ra ràng của anh.


Còn anh Phạm Văn Bính thì hơi làm cho
hội viên hội Ánh Sáng lo lắng, tuy bài diễn văn của anh rất màu mè và đầy đủ.
Họ tự nhủ thầm: "Anh ấy mới là thư ký tạm thời mà đã nói dài thế, vậy khi
anh ấy làm thư ký thực thụ, anh ấy sẽ nói dài đến đâu!"


Cô Thanh Quý kế tiếp lên diễn đàn để
phản đối anh Bính một cách hùng hồn, kịch liệt: Bài diễn văn của cô dài chỉ
được ngót năm phút, nghĩa là non một phần mười bài diễn văn của anh Bính. Nghe
đâu cô Thanh Quý doạ kỳ sau nếu còn lên diễn đàn thì cô sẽ cố ngắn hơn nữa.


Sau rốt đến lượt anh Hoàng Như Tiếp,
kiến trúc sư. Cố nhiên anh nói về kiến trúc, nghĩa là anh cãi rằng trời sinh ra
anh không phải chỉ để xây nhà Hát Lớn và nhà Hoả Lò như người ta tưởng, mà còn
để dựng cả những nếp nhà Ánh Sáng cho dân nghèo, như người ta... không tưởng.
Anh Tiếp đã nổi tiếng là người nói chuyện có duyên. Hôm nay, ngoài sự có duyên,
anh còn hóm hỉnh và khôn khéo nữa.


*


Ông "Anh phô-tô" bảo tôi:


- Chụp ảnh các diễn giả rất khó, vì cái
đầu diễn giả không lúc nào không động, mà ở trong nhà hát lại không được phép
dùng maghésium  vì sợ ngạt hơi.
Nhưng các thính giả thì dễ chụp quá, có cái ảnh tôi để tới hai giây mà chắc sẽ
không nhoà một tí nào. Các ông, các bà ấy ngồi nghe yên lặng, chăm chú như bụt
cả.


Tôi cũng nhận thấy thế. Hơn nữa, giữa
một cảnh tượng giản dị và uy nghi, có lúc tôi mơ màng tưởng thính giả là một
bọn ngoan đạo nghe giảng đạo ở nhà thờ.


Và tôi chân thành cảm động nghĩ thầm:
" Ý nghĩa Ánh Sáng thiêng liêng như một tôn giáo, hèn gì mà thính giả
chẳng kính cẩn ngồi nghe!"


Sau mỗi bài diễn văn bắt thính giả phải
lắng hết tinh thần, đoàn Sói con lại ra hát một bài ca Ánh Sáng, làm cho cân
não ai nấy dãn ra để chờ bài diễn văn sau. Trong khi nghe hát, Thạch Lam thủ
thỉ nói:


- Người mình không bao giờ vui bừa vui
phứa như người Âu tây cả. Giá ở bên Pháp, thì lúc đoàn Sói con hát đến đoạn
điệp, tất thính giả đã khoa tay mạnh bạo hát theo!


Có thế, người mình nghiêm chỉnh quá.
Nghiêm chỉnh đến nỗi giữa bài diễn văn có tiếng vỗ tay khen cũng không bằng
lòng, suỵt lấy suỵt để, làm như thính giả không được quyền ngắt lời diễn giả.


*


Những bài ca làm cho thính giả vui vẻ
bao nhiêu, thì những ảnh chiếu trên màn vải làm cho khán giả buồn rầu bấy
nhiêu. Buồn rầu ngắm những căn nhà hang chuột có nhan nhản ở xứ mình, buồn rầu
so sánh những căn nhà ấy với những nếp nhà tranh sáng sủa, đẹp đẽ của các nước
bên Âu-Mỹ.


Đó là thâm ý của ban tổ chức đem trộn
lẫn cái buồn với cái vui để thính giả được có một tính tình vừa phải, không
buồn không vui, hay vừa buồn vừa vui.


Nhưng dẫu sao, rốt cuộc, cái vui cũng
thắng cái buồn, chẳng thế mà lúc đứng dậy ra về, toàn thể thính giả lại giơ tay
hoan hô  chúc tụng hội Ánh Sáng bằng
những tiếng từ đáy trái tim phát ra.


Lúc ấy ai không bồi hồi cảm động! Ai
không sung sướng cúi nhìn dấu hiệu ba tia sáng cài ở ngực và tự trả lời thầm
câu hỏi của Nhất Linh:




- Có thể thay đổi khác hẳn trước được!
Chúng ta đều tin chắc như thế.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét