CHƯƠNG 1. TUỔI THƠ

      Vợ chồng Tuân Thu may mắn được Bùi Kim Thư gửi tặng cuốn hồi kí " NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI", Thu nhường Đình Tuân đọc trước. Đọc xong, Đình Tuân đã viết bài thơ đưa lên tri ân rồi. Song Thu mới đọc xong cách đây một hai hôm và thấy cuốn sách thật đáng đọc và rất cuốn hút. Cho nên đã đề nghị chị Kim Thư đưa lên blog cá nhân, ban biên tập sẽ trích đăng dần trên trang trian để mọi người cùng thưởng thức. Cuốn sách dày 707 trang (khổ 13 . 19). Gồm các phần: lời giới thiệu của nhà văn Lê Hoài Nam, 20 chương hồi kí và lời kết
          Tôi nghe kể lại,trong khi chạy tản cư từ Hà Nội về Hưng Yên (quê nội tôi), mẹ sinh tôi trong hầm trú ẩn ở Ấp Quán Bạc, xã Bạch Đằng, huyện Ân Thi vào buổi sáng sớm lúc bà con đi chợ, không thật rõ giờ nào, ngày 17 tháng 11 năm 1948. Bà mụ đã dùng nứa thay dao cắt rốn cho tôi.
          Nghe nói, tôi quấy mẹ lắm và háu ăn. Mẹ đến nhà ai cũng phải “kềnh” xuống giường cho tôi bú. Nhưng tôi không được mẹ chăm lâu. Mẹ mất khi tôi hơn một tuổi. Mẹ bị chửa ngoài dạ con, phải mổ tại bệnh viện Phủ Doãn nay là Việt Đức. Vì bị nhiễm trùng sau mổ, nên mẹ đã mất trước lúc bố tôi chuẩn bị đón mẹ xuất viện. Mẹ nằm viện, tôi ở với bố, và hình như biết thân biết phận nên rất ngoan không quấy khóc gì. Bố cho tôi ăn sữa bò, đêm ngủ với bố yên lắm. Bỗng nhiên, vào khoảng hai giờ sáng 25/7/1950 âm lịch, tôi khóc thét không thể nào dỗ được khiến bố trằn trọc lo lắng và vào bệnh viện lúc 5 giờ sáng (lẽ ra 7 giờ mới đón và làm thủ tục xuất viện). Thì ra mẹ tôi mất lúc nửa đêm. Chị Hiền Trang là chị cả của tôi 13 tuổi, trực nhưng ngủ quên, khi cô y tá gọi dậy thì mẹ đã mất rồi. Thế là tôi chẳng còn mẹ nữa. Đám tang mẹ tôi nghe nói thương lắm. Mẹ bỏ lại năm con gái mà tôi là nhỏ nhất. Thai trong bụng mẹ là con trai, giá như mẹ qua khỏi thì tôi đã có một em trai rồi. Vì mẹ mất sớm, mẹ già vợ cả của bố tôi, không có con, gọi là me không ở quê nữa mà ra Hà Nội chăm sóc chị em tôi và sống với tôi đến cuối đời. Cùng trong năm ấy, chỉ sau khi mẹ tôi mất mấy tháng, thì chị tôi, chị Hiền Thủy bị thương hàn và không cứu được, qua đời khi mới 9 tuổi, nên cả nhà buồn lắm. Năm 1953, mẹ tôi được cải táng từ nghĩa trang Hợp Thiện đưa về quê. Tôi chẳng nhớ gì ngoài những bông hoa mào gà to lắm nở bên mộ mẹ.
            Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Thủ đô Hà Nội giải phóng. Gia đình tôi ở ngôi nhà gác hai tầng cuối phố Hàng Bài. Đấy là nhà bố tôi thuê, rồi cho vài gia đình khác thuê lại một số phòng, ở đó có một bà Ấn Độ thật vui. Bà cho hai tay nhờn mỡ nhúng vào thùng phuy nước dùng chung để rửa, ai kêu thì bà chìa cả hai tay và bảo “đây tay tôi sạch mà!”. Một gia đình khác có hai bạn tên là  Tuấn và Loan. Các bạn hay chơi đùa với chị em tôi. Tôi thích nhất trò chơi thi nhau, đu người lên dạng hai chân bám vào hai thành cửa ra vào của phòng, rồi leo dần đến khi đụng đầu thì nhảy ùm xuống. Rõ ràng đó là trò chơi của con trai, vậy mà tôi-một bé gái béo tròn mũm mĩm-tưởng hiền, lại chơi rất thiện nghệ.
          Ngày Hà Nội giải phóng, cả nhà tôi đứng ở ban công tầng hai nhìn xuống đường xem quân Pháp giải giáp. Từng đoàn lũ lượt mệt mỏi kéo nhau đi. Họ tức giận khi thấy dân chúng ra xem nên đã nhặt gạch ném lên. Một tấm kính cửa sổ nhà tôi vỡ tan. Chúng tôi sợ quá thụt vào nhà chỉ thi thoảng chạy ra nhìn trộm.
          Quân Pháp đi rồi Bộ đội cụ Hồ đến. Tràn ngập đường phố là cờ đỏ sao vàng và các anh bộ đội với quân trang quân phục tề chỉnh đi đi lại lại. Suốt ngày, tôi ở ngoài đường co kéo mời bộ đội vào nhà chơi. Tôi nắm tay các anh và nói: “Anh bộ đội ơi! Em yêu anh lắm. Anh đi chậm chậm. Em kéo anh lui. Anh dạy em múa. Vui quá là vui”. Các anh vào chơi với chị em tôi trên phòng lớn nhất của tầng hai rộng gần 50 mét vuông. Phòng rộng và để trống nên chúng tôi tha hồ cầm tay nhau nhảy múa “Dân Liên xô vui hát trên đồng hoa”,“Sol sol sol do sol, sol sol sol do re”. Chúng tôi tìm gậy để các anh dạy nhảy múa sạp. Rồi các anh kể nhiều chuyện hay lắm, khiến chúng tôi nghe say mê với nét mặt sáng bừng tươi rói.
           Đã qua đi những ngày tháng mười sôi nổi. Tôi lại trở về với những trò chơi tinh nghịch của mình. Ở nhà, tôi trèo cửa. Ra đường, tôi nhặt sấu nhặt me rụng ở đường Ngô Quyền mỗi ngày bão về. Đối với tôi, bão và mưa lớn sao mà thích thế. Có bão, tôi mới được nhặt mấy thứ quả hấp dẫn này. Có mưa lớn, đường phố mới ngập lụt đến mép bậc cửa, để tôi có thể xắn quần lội qua lội lại từ bên này sang bên kia đường chứ.
          Gần nhà tôi có nhà thờ Hàm Long. Nghe nói, mẹ tôi và họ ngoại theo đạo Thiên Chúa, nhưng rồi mẹ tôi mất sớm, chúng tôi ít quan hệ với họ ngoại. Họ nội một số đi theo đạo Phật, một số theo Lương nghĩa là chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên thôi. Cứ mỗi chủ nhật, tôi sắp hàng theo người lớn vào nhà thờ. Tôi nghe Thánh ca du dương  trầm bổng nhưng không biết hát. Tôi được cha cố vẩy nước thánh, quỳ xuống lễ giống người lớn, và được tự bốc ngô rang trong một cái hòm to lắm. Ôi những hạt ngô rang mới nở to và trắng đẹp làm sao! Bàn tay tôi nhỏ nên không thể bốc nhiều. Tôi bốc hai nắm, lặng lẽ đi theo lối có thể ra được, trút ngô cho bọn trẻ đứng ngoài chờ, rồi trở lại xếp hàng nhiều vòng như thế. Bọn trẻ thích ăn ngô nhưng chẳng ai dám nghịch ngợm như tôi vậy.
          Tại khu nhà thờ này, có trường tiểu học. Những lớp học ở nhà hai tầng cũ kỹ  và đơn giản. Tôi học vỡ lòng bình thường như nhiều bạn khác. Tuy nhiên, học được mấy tháng, thầy giáo lại nhấc tôi lên một lớp, nên hết tiểu học tôi mới 8 tuổi. Tôi nhớ, có lần thầy dắt tôi về nhà, gặp bố tôi. Thầy nói tôi học giỏi nên muốn cho tôi nhảy lớp. Bố tôi không bằng lòng. Ông bảo: cứ để cháu học bình thường, học nhanh không có lợi, cháu còn nhỏ quá. Nhưng rồi thầy vẫn tự động thu xếp, còn dắt tôi đi chơi và cho ăn kem cốc nữa. Thầy đeo kính cận, dáng thư sinh mảnh khảnh và trắng trẻo. Tôi học các lớp do thầy sắp đặt. Tôi ngạc nhiên vì luôn có những bài tính đố thật khó hiểu mà mình phải làm. Quả là tai hại như bố tôi tiên đoán. Tôi không được thi tiểu học vì thiếu tuổi nên không được vào lớp năm (cấp 2). Bố tôi đành viết đơn lên Sở Giáo dục trình bày hoàn cảnh, thế rồi họ cho tôi học thử lớp năm tại trường Cộng hòa Kiến Thiết. Vì học khá nên tôi được vào học chính thức cấp 2 tại đây. Cả lớp có tôi bé nhất, còn các bạn hơn tôi 6, 7 tuổi. Các bạn gái đã có kinh nguyệt, còn tôi là một bé gái 8 tuổi tinh nghịch nhưng chỉ chơi một mình vì các bạn không thích chơi với trẻ con. Từ phố Hàng Bài đến phố Quang Trung, tôi tập xe đạp người lớn để đi học, chỉ đạp đứng và có nửa vòng pê đan. Sang năm lớp 7, trường chuyển về phố Hàm Long, nhà tôi chuyển về chợ Trời. Thế là tôi đi bộ từ nhà đến trường. Trên đường đi học, tôi trèo bấm chuông một lượt các nhà rồi đi thẳng như không có chuyện gì xảy ra, để lại đằng sau vẻ bực tức của chủ nhà không tìm ra thủ phạm ai đã nghịch bấm chuông; không lẽ nghi cho một con bé khoảng 10 tuổi thấp tẹo đang xách cặp đi chậm rãi ở phía trước?


Trích từ Hồi kí NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI 
           (Còn nữa)
           Bùi Thị Kim Thư
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét