Đõ Hồng Ngọc
Tranh hoa súng Claude Monet
tặng NXT
Bạn thân,
Cảm ơn bạn đã nhắc khéo tôi coi bộ muốn giống Ông già lười làng Hải Thượng rồi hay sao mà đã lâu chẳng thấy có bài nào mới cả. “Ông già lười làng Hải Thượng” chính là Hải Thượng Lãn Ông, ông tổ của ngành Y đó bạn ạ, không dễ mà bắt chước đâu! Ông tự nhận mình là “Ông già lười” chỉ vì ông luôn ước muốn sao cho mọi người không ai phải đau ốm bệnh hoạn gì cả để ông được thảnh thơi làm thơ uống rượu, tự tại thong dong…
Tôi thì mấy lúc nay hơi bận bịu vì một số chuyện phải lo để đi mổ mắt cườm (cataract) đó bạn. Cườm già đó mà. Lão hóa đó mà! “Ai bảo… già chi?”. Thế nào bạn cũng cười! Nhưng thời buổi này ai mà không già kia chứ? Rồi bạn cũng sẽ thế thôi. Theo các nghiên cứu thì từ năm 1000 đến năm 1900, tuổi thọ bình quân của loài người chỉ tăng từ 24 đến 30, nhưng từ 1900 đến 2000 thì tuổi thọ bình quân đã tăng lên hơn gấp đôi, đến 65. Các vấn đề bệnh tật của tuổi già trở thành tâm điểm của ngành Y hiện nay. Nhờ những tiến bộ của khoa học y học mà những điều trước kia tưởng không thể làm được thì nay đã trở nên chuyện thường ngày. Chẳng hạn xưa kia một người già bị cườm đành chịu mù lòa thì nay người ta đã có thể lấy cườm đó ra và thay vào một thủy tinh thể nhân tạo…
Trường hợp tôi phức tạp một chút, vì 20 năm trước đây tôi đã từng được mổ cườm một lần- cườm chấn thương, sinh biến chứng, phải đi cấp cứu. Lần này thì cườm già ở mắt còn lại. “Con mắt còn lại nhìn một thành hai” (TCS) bạn nhớ không? Người bạn đồng nghiệp trẻ chuyên khoa mắt ở bệnh viện sau khi giúp tôi làm các thủ tục hành chánh rồi siêu âm, thử máu, khám tổng quát nội tim mạch… các thứ đã nói không chỉ bị cườm già mà tôi còn thoái hóa hoàng điểm nên mắt mổ xong cũng sẽ nhìn kém so với những trường hợp khác. Tôi cười dù vậy cũng còn khá hơn một số người mà! Mọi người nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên.
Thiệt ra tôi cũng hồi hộp. Mổ mắt đâu phải chuyện dễ. Tôi tự nhủ tùy duyên, tùy hỷ, quán niệm hơi thở… vậy mà huyết áp cũng vọt lên như thường.
Kinh nghiệm cho biết người trong ngành mỗi khi có chuyện thường rắc rối hơn thiên hạ! Trước kia, một người bạn tôi bị viêm ruột thừa, được một giáo sư ngoại khoa đầu ngành mổ… mất 3 tháng sau mới lành, trong khi người bình thường chừng tuần lễ là xong! “Cưng” quá mà! Cũng vậy, nhiều nữ bác sĩ rặn đẻ hoài không ra, phải can thiệp! Thì ra trong nghề, biết nhiều quá dễ sinh sự. Người đồng nghiệp trẻ “động viên” tôi, nhẹ nhàng thôi, nhanh thôi, không đau, anh yên tâm. Người phụ mổ nói bác sĩ P mát tay lắm, đừng lo. Rồi người ta chích cho tôi một phát vào mắt để gây tê. Sau đó tùy hỷ. Muốn làm gì thì làm, tôi nhủ. Nghe có tiếng nói quả tôi có duyên với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, vì 20 năm trước, chính tôi cũng đã phụ mổ ca của bác sĩ, lúc đó biến chứng nặng. Lại có tiếng reo vui ủa, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hả, em rất mê cuốn Nghĩ từ trái tim của thầy. Hôm nào em mang đến nhờ thầy ký tên nhé.
Xong rồi. Tốt đẹp – bác sĩ P nói – anh có thể về được rồi. Người bạn đọc mê sách tôi bấy giờ tình nguyện dắt tôi về phòng. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là… phải vịn vào vai người khác lò dò đi vì mắt đã được băng kín. Bỗng dưng tôi nghĩ mình may mắn ở trong ngành nên đã được nhiều ưu đãi, mọi thứ nhanh chóng, nhẹ nhàng, răm rắp… và ước chi điều này có được với tất cả mọi người. Sáng đến thấy bệnh nhân đông nghẹt, chen chúc, gây gổ, hỏi sao hôm nay đông vậy, cô điều dưỡng bảo hôm nay trời mưa nên chỉ bằng một phần ba những hôm trước!
Sáng ngày hôm sau tôi mở băng mắt của mình ra trước gương soi và giật mình thấy một …quái vật đang trừng trừng nhìn tôi! À mà không, một người lạ quắc! Lắc lắc vài cái, thì ra mình đó. Không ngờ mình già đến thế! Nhăn nheo, nhăn nhúm, da mồi, tóc bạc, tàn nhang đâu đó đậm đà, rõ nét. Tóc nào bạc thì ra bạc, trắng xóa. Tóc nào đen thì đen thủi đen thùi. Nếp nào nhăn thì ra nhăn, sâu hóm… Đâu đó rõ ràng phân minh chứ không lờ mờ như xưa khi nhìn với con mắt bị cườm che lấp. Thì ra cái thủy tinh thể nhân tạo mới thay nó làm việc tử tế rồi. Thế mới hiểu ra tại sao lâu nay mình “trẻ” thế mà nhiều người già khằn cứ gọi mình bằng bác và xưng con xưng cháu ngon lành!
Khổ cái lâu nay quen mang kiếng cận thị, bây giờ hết cận rồi mà đi đâu cũng mò mò tìm kiếng. Cái tivi bị oan. Lâu nay cứ tưởng nó hư, điều chỉnh đủ cách mà hình cứ mờ mờ thấy ghét thì ra là tại mắt mình. Thế mới biết phải “phản quan tự kỷ”, coi lại chính mình như Tuệ Trung Thượng Sĩ (thầy của vua Trần Nhân Tông) bảy trăm năm trước đã căn dặn. Ngay đêm thứ nhì sau mổ tôi đã được xem trận chung kết giữa Barcelona và Manchester United. Tuyệt vời!
Lạ lùng hơn nữa là sách báo, vi tính… từ nét chữ, hình ảnh, màu sắc các thứ đâu đó đều hiện ra rõ ràng, sắc sảo. Thế mà lâu nay mình cứ chê ỏng chê eo sách báo lem nhem chữ nghĩa lờ mờ hình ảnh nhòe nhoẹt… (bác sĩ điều trị chưa cho phép tôi đọc sách báo, làm việc trên vi tính). Phố xá xe cộ cây cối gì quanh tôi cũng… đẹp hẳn ra, màu nào ra màu đó. Đỏ thì thiệt đỏ, Vàng thì thiệt vàng. Xanh thì thiệt xanh. Tím thì thiệt tím.
Hóa ra lâu này mọi thứ đều đẹp lạ lùng đến vậy mà mình không biết. Tôi ngờ rằng những người có đôi mắt tốt xưa nay chắc chưa bao giờ có được cái cảm giác “hạnh phúc” như tôi lúc này. Dĩ nhiên rồi nay mai tôi cũng sẽ quen đi, sẽ không còn nhận ra những thứ tuyệt diệu quanh mình như thế nữa.
Một tuần lễ đã trôi qua. Tôi đã làm quen được với bộ mặt “thật” của mình. Tôi đã “sáng mắt” ra nhiều thứ. Tuy có già đi nhưng thấy mình cũng… dễ thương bạn ạ!
Tôi muốn cảm ơn bệnh viện, cảm ơn các bạn đồng nghiệp của tôi một lần nữa, ở đây.
Vậy là tôi đã “giải trình” đâu đó cho bạn rồi nhé. Đừng có kêu là tôi lười nữa!
Đỗ Hồng Ngọc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét