VI DIỆU CÔ NƯƠNG



Nguyễn Đạt

Tranh Nghiêu Đề

Những năm trong thập kỷ Chín Mươi - thế kỷ XX, tôi kiếm sống bằng đủ mọi cách, để tồn tại ở thành phố đã mất tên.
Ai đấy tôi không nhớ, đã giới thiệu tôi với Nguyễn Thị Xuân Diệu, phụ trách một hiệu sách tại quận 11, thuộc hệ thống Hiệu Sách Nhân Dân của nhà nước, để mua bộ sách Lê-nin toàn tập. Mua được bộ sách này, đem bán lại cho bất cứ nơi nào thu mua ve chai giấy cân ký tại thành phố, cũng đủ tiền tiêu dùng cho các nhu cầu đời sống trong cả tháng trời.
Nguyễn Thị Xuân Diệu đã bán cho tôi bộ sách Lê-nin toàn tập không cần bất cứ tờ giấy giới thiệu nào của cơ quan nhà nước, không cả hỏi tôi mua bộ sách Lê-nin toàn tập để làm gì. Gặp Nguyễn Thị Xuân Diệu, tôi chẳng còn quan tâm chuyện mua được hay không mua được bộ sách “đáng giá” này; cô phụ trách hiệu sách cũng có vẻ như chưa hề bán ra bộ sách sai quy định.
Từ ấy tôi thường xuyên tới hiệu sách, chẳng xem hay mua sách báo gì cả. Tôi tới để gặp Nguyễn Thị Xuân Diệu. Những-ngày-diễm-ảo nơi một thành phố đã mất tên. May-mà-có-em, (thành phố)-còn-dễ-thương. (-nói theo nhà thơ Vũ Hữu Định).
Một hôm tôi gặp nhà thơ Bùi Giáng. Nguyễn Thị Xuân Diệu bảo: khi học tại trường Đại học sư phạm, cơ sở trước đó của trường Đại học Vạn Hạnh, cô thường thấy nhà thơ Bùi Giáng hết múa may lại lăn lộn trên mặt đất, rồi thay cảnh sát điều khiển giao thông đường phố…
“Ngài Báng Giùi đi đâu vậy?”
“Trẫm sắp đi thăm một trang quốc sắc! Chớ đại ca tưởng trẫm vận cái áo khoác đẹp như vầy, mà chỉ vận một cách khơi khơi vậy hả?”
Cái áo khoác đẹp thật, khiến tôi chẳng quan tâm chút xíu nào tới cái bị nhà thơ đang mang nặng trĩu cả vai. Nhà thơ bảo, cái áo khoác này của Công Thế Cường mang từ Hoa Kỳ về tặng nhà thơ. Tôi biết Công Thế Cường từ hồi anh học ở trường Đại học Chính trị Kinh doanh - Đà Lạt. Công Thế Cường cực kỳ đẹp trai. Đẹp trai tới mức, gặp Công Thế Cường sẽ không ai thắc mắc về bất kỳ giá trị nào của nhân vật, ngoài giá trị sờ sờ trước mắt của sự đẹp trai. Với giá trị ấy, Công Thế Cường có thể làm xụp đổ đức hạnh hơn chín mươi chín rưỡi phần trăm số mỹ nhân của cả quốc gia dân tộc.
Nhà thơ Bùi Giáng bảo tôi chở ông trên xe gắn máy của tôi, tới thăm một trang quốc sắc, ngụ tại đường Trần Văn Văn, tên cũ ở Sài Gòn. Tên mới ở thành phố mất tên là Trần Minh Quyền. Đương nhiên tôi đồng ý.
Đứng trước trang quốc sắc của nhà thơ, tôi chẳng biết nói gì, biểu lộ gì hơn sự im lặng. Một vẻ đẹp tươi thắm quá, tràn đầy quá. Nhìn vẻ đẹp ấy mà thấy no ứ, để rồi thấy ngán.
“Bây giờ mời ngài theo tôi, tới thăm một trang quốc sắc khác.”
Đương nhiên nhà thơ đồng ý.                                                                                               
                                                                               *
Nguyễn Thị Xuân Diệu quá xúc động bối rối. Cô nói lí nhí, trả lời sự thăm hỏi với giọng oang oang như lệnh vỡ của nhà thơ Bùi Giáng. Nhà thơ hét tôi lấy miếng giấy bạc trong bao thuốc lá, đưa cho nhà thơ. Ông giựt cây viết nguyên tử gài ở nắp áo tôi, cúi sát đầu xuống miếng giấy bạc, hí hoáy viết:
                       Gọi là Vi Diệu cô nương 
                       Mùa Xuân hương sắc xin nhường cả hai.
Sau lần đó, tôi cũng làm thơ tặng Nguyễn Thị Xuân Diệu. Một trong mấy bài thơ tôi đã làm tặng nàng-của-những-ngày-diễm-ảo:
                       Nàng gầy như nỗi xót xa 
                       Giọt sương đêm trên lá 
                       Sáng nay tôi chờ đợi một người 
                       Bước rất nhẹ. 
                       Nàng đi qua từ bao giờ 
                       Bàn ghế không bày tỏ 
                       Tôi uống cà-phê 
                       Tôi uống một ngày bắt đầu 
                       Tim đập không ngưng nghỉ. 
                       Nàng đã đi qua 
                       Tôi ngồi uống cà-phê 
                       Bụng rỗng và chút tiền trong túi. 
                       Trong hiệu sách kia 
                       Nàng đứng như chờ đợi 
                       Dáng gầy 
                       Một bài thơ 
                       Trang sách tôi vừa mở.
Làm thơ tặng Nguyễn Thị Xuân Diệu được mấy bài tôi không nhớ rõ, tới một lần tôi đưa thêm bài mới làm, cô ngập ngừng nói:
“Tôi nên gửi trả lại anh những bài thơ anh viết tặng… Tôi đã đính hôn…”
Vị hôn phu của cô, anh Phan Đình Mỹ Kim. Lúc ấy thân phụ anh Kim, tướng Lam Sơn-Phan Đình Thứ vừa được ra tù Việt cộng. Không lâu sau cả gia đình tướng Lam Sơn sang định cư tại Pháp, đương nhiên có Nguyễn Thị Xuân Diệu.
Một ngày trong năm 2012, tòa soạn báo Thể thao Văn hóa tại thành phố chuyển tới tôi bức thư của Nguyễn Thị Xuân Diệu. Hóa ra cô có đọc một bài tôi viết về những-ngày-diễm-ảo đăng trên tờ báo này. Cô bảo rất cảm động vì tôi đã nhớ đến cô. Cô bảo sẽ giữ mãi số báo có bài của tôi, và tờ giấy bạc có hai dòng thơ Bùi Giáng. Cô bảo quá buồn chán ở Paris rét buốt. Cô bảo quá nhớ Sài Gòn…
Bì thư không ghi địa chỉ số nhà đường phố… Vậy đó, Em-tôi-thành-hoàng-hậu. Giữa-đô-thành-Paris (-thơ Thanh Tâm Tuyền).
Thôi thế cũng là may. Là hay hơn tất cả. Tôi có muốn cũng không thể hồi âm, để ca cẩm về một thành phố đã mất tên, với nỗi buồn chán hiển nhiên gấp ngàn vạn lần Nguyễn Thị Xuân Diệu.

 


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét