Huyền Chiêu
Minh họa Huyền Chiêu
Ông Albert là người Pháp. Người dân xóm tôi gọi ông là ông Be. Ở một nơi mà hàng năm trời không có bóng một chiếc xe hơi hoặc xe gắn máy chạy qua, ban đêm nhà nhà le lói ánh sáng nhỏ nhoi từ một ngọn đèn hột vịt, sự hiện diện của người đàn ông da trắng này làm đứa bé là tôi vô cùng tò mò.
Ông Be cao và mảnh khảnh trong bộ đồ vest màu mỡ gà. Khi đi ra ngoài ông luôn thắt cà vạt và luôn đi kèm với hai đứa con gái nhỏ bằng cỡ tuổi tôi. Chúng nó trắng trẻo, quần áo ủi thẳng nếp và không bao giờ rời tay bố. Ngoài hai đứa con ông Be còn có một vật bất ly thân. Đó là cây Ba ton bằng gỗ rất đẹp.
Ông Be bị mù mắt.
Ba tôi kể cho tôi nghe rằng trước đây ông Be là một kỹ sư , làm việc cho sở công chánh Pháp. Ông có vợ người Việt và họ sống trong ngôi nhà khang trang gần nhà thờ giáo xứ không xa nhà của ba mẹ tôi.
Ông bị mù mắt do chấn động nổ mìn khi phá đá làm hầm đèo Cả. Sau đó vợ ông đã bỏ đi, để lại cho ông hai đứa con gái và một bà lão người làm.
Không còn ánh sáng nhưng đôi mắt của ông Be vẫn giữ nguyên màu xanh vert dịu dàng , giống như đôi mắt của con búp bê đặt trong tủ kính trên phố mà tôi luôn mê mải ngắm nhìn mỗi lần được đi ngang qua.
Mỗi lần ba tôi về thăm nhà, ông Be đều dẫn hai đứa con gái lên thăm. Tôi vẫn hay đứng núp ở khe cửa nhìn hai đứa con gái lai và nghe ba tôi nói tiếng Tây với ông Be.
Ông Be thăm ba tôi vì tình bạn nhưng cũng để được giúp đỡ vì ông đang sống túng thiếu trong thời gian chờ được chính thức bảo trợ.
Ít lâu sau , sau ba tôi nhận được thư của ông Be. Ông cho biết đã đưa các con về Pháp . Ông được chính phủ Pháp nuôi dưỡng và hai đứa con gái đều đã vào trường dòng để trở thành soeur.
Khác với ông tây nghèo nhưng luôn ăn mặc lịch lãm , ông Năm Trần suốt đời không bao giờ mặc áo, dù con cái ông rất giàu có.
Ông Năm Trần là người Tàu.
Thuở ấy phố huyện quê tôi có một cộng đồng người Tàu sang định cư . Họ không mua đất canh tác trồng trọt mà chỉ quần cư ở chợ để buôn bán. Và họ rất giàu.
Vì một lý do nào đó họ bỏ xứ ra đi nhưng họ bỏ đất nước mà không bỏ quê hương.
Họ thầm lặng mang cả nước Tàu sang cái huyện nhỏ quê tôi. Ngôi nhà của họ cửa lớn cửa sổ mang phong cách Tàu. Trong nhà họ treo đầy tranh Tàu, thức ăn mà họ ăn hàng ngày là thức ăn Tàu, họ mở trường dạy con cái họ học chữ Tàu. Họ lần lượt xây những hội quán Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu thật bề thế.
Nhưng mọi người Tàu đều mặc áo, ngoại trừ ông Năm Trần. Và hình ảnh một ông già Tàu quắc thước đội cái mũ rộng vành đan bằng tre, luôn đi bộ, phơi tấm lưng trần màu cua đồng rắn rỏi luôn là nỗi thắc mắc trong tuổi thơ tôi.
Người khách trú đáng yêu nhất là một người đàn bà mà tôi gọi là Thím Sáu.
Chú Sáu và ba tôi cùng là thủy thủ trên một chiếc tàu của quân đội Pháp. Ba tôi là trung sĩ hải quân, Chú Sáu là đầu bếp. Trên bước đường phiêu lãng, chú Sáu gặp và yêu một cô gái nghèo trên bến Hồng Kông. Nhân danh tình yêu, Chú Sáu đã làm một chuyện phi thường mà Hạm Trưởng cũng không làm nổi. Chú Sáu đã giấu cô gái Hồng Kông xinh đẹp vào một giỏ cần xế trên phủ đầy rau cải, xà lách rồi cho khiêng vào bếp của chiến hạm.
Thím Sáu đã bí mật ẩn náu trong nhà bếp như cô Tấm ẩn mình trong trái thị suốt cả hải trình.
Ba tôi nói luật nhà binh cấm mang theo phụ nữ trên chiến hạm.
Nhà Chú Sáu ở cách nhà ba mẹ tôi khá xa tận chân núi Hòn Hèo.
Cô dâu mới được Chú Sáu dẫn về trình diện họ hàng.
Thím Sáu thật thông minh. Chỉ vài tháng sau thím đã nói được tiếng Việt và hòa nhập nhanh chóng vào cuộc sống thôn dã quê chồng.
Thuở ấy, người đàn bà nhà quê mỗi lần đi chợ đều bưng cái rổ tre bên hông. Mỗi lần nhìn thấy Thím Sáu bưng chiếc rổ, trên phủ tàu lá chuối, vẫn mặc chiếc áo Tàu , tóc cắt ngắn đi ngang nhà , lòng tôi lại rưng rưng thương cảm.
Một hôm , Thím Sáu tìm gặp ba tôi và mét “ Anh Chín à, nó là đứa khốn nạn, rất khốn nạn…” Chao ôi! Câu chửi thốt ra từ đôi môi xinh đẹp của thím Sáu nghe thật dễ thương và ngộ nghĩnh. Ba tôi cho tôi biết Chú Sáu đã bỏ thím đi theo một người đàn bà khác.
Thím Sáu không có con và không được chính phủ của mình bảo trợ như ông Albert. Thím sống yên lặng suốt đời trong một ngôi nhà tranh nhỏ ở một làng quê nước Việt rất khác với bến cảng Hồng Kong nhộn nhịp , nơi thím sinh ra và lớn lên.
Có một người khách trú khác cũng thật dễ thương dù tôi chưa một lần gặp mặt.
Cha Tàu, mẹ Việt , sinh ra và lớn lên ở quê ngoại nhưng tôi vẫn gọi ông là khách trú vì hồn mộng ông luôn gửi về cố quốc.
“Tô Châu lớp lớp Phù Kiều
Trăng đêm Dương Tử, Mây chiều Giang Nam”
Ông là nhà thơ Hồ Dzếnh.
Lòng đau đáu hướng về quê cha nhưng trái tim ông cũng ngập tràn tình yêu dành cho quê mẹ:
“Cô gái Việt Nam ơi
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi
Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú là khi đã
Bồng bế con thơ đón tuổi già
……………………………”
Xin cám ơn “người lữ khách, màu chiều khó làm khuây”
Huyền Chiêu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét