CHÚNG TÔI ĐI GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA

(PetroTimes) - Chúng tôi gồm 3 lực lượng: Đội 1 Đặc công nước (Đoàn 126); Biên đội tàu Không số (Đoàn 125 Hải quân) và 42 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5). Những người thuộc các đơn vị khác nhau, được biên chế thành một cánh quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Mai Năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đoàn trưởng Đoàn đặc công 126 hình thành mũi tiến công duy nhất trên biển đi giải phóng quần đảo Trường Sa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năng lượng Mới số 414

Đại tá Đặng Trung Hội (Nguyên Trưởng Văn phòng thường trú Báo Quân đội Nhân dân tại Đà Nẵng)

Từ cảng Tiên Sa

Ngày 29-3-1975 từ rừng phía nam Hải Vân xuống, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 chúng tôi được giao nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ cảng Tiên Sa, chúng tôi lên thuyền đánh cá của ngư dân đã được bố trí sẵn tại bãi biển Nam Ô, vượt biển sang hướng Sơn Trà.

Vừa giải phóng nên cảng Tiên Sa im ắng đến lạ thường, thi thoảng có chiếc thuyền gỗ của ngư dân thả lưới gần đó. Đêm ấy, đúng phiên tôi gác thì có 3 chiếc tàu lừng lững tiến vào cảng. Chưa kịp báo cáo với chỉ huy thì đã thấy cán bộ tiểu đoàn cùng một số cán bộ khác trên chiếc xe Zeep chiến lợi phẩm chạy ra phía cầu cảng. Lúc ấy là 21 giờ ngày 9-4-1975. Lính tráng bọn tôi đoán già, đoán non, nhưng không thể đoán ra đấy là tàu gì. Chiều hôm sau, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp những đơn vị trực thuộc cùng đoàn 126 đi làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, với mật danh là “C75”.

Đêm 10-4, chúng tôi xốc balô, súng đạn lặng lẽ lên 3 con tàu bên cầu cảng. Biên đội tàu Không số, gồm những tàu: Tàu 673, 674, 675 do các đồng chí Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng, dưới sự chỉ huy chung của Biên đội trưởng Dương Tấn Kịch. Được “hành quân” trên những con tàu do những thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm điều khiển, chúng tôi thấy vững tin lạ thường. Nhìn họ, chẳng ai ngờ được rằng, những con người bình dị ấy lại là những người mưu trí, dũng cảm, đã nhiều lần qua mặt sự vây ráp của cả tàu chiến, máy bay và hệ thống lùng sục của bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ - ngụy, đưa những chuyến hàng vô giá vào trong lòng địch. Ba con tàu lặng lẽ rời cảng Tiên Sa vào khoảng 3 giờ sáng.

Sau khi lên tàu, trừ những người “đóng vai” ngư dân ở lại trên boong, còn lại tất cả xuống dưới hầm tàu. Mọi tình huống xảy ra trong suốt hải trình đã có những con người “bình dị” ứng phó. Ba ngày đêm hành quân trên biển, vượt gần 500 hải lý (gần 1.000km). Tất cả đều được triển khai khá nhịp nhàng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Mai Năng. “Thế” lừa địch trên biển được coi là đòn cân não. Vì để địch nghi ngờ thì “hỏng” chuyện lớn. Mà “hỏng” chuyện trên đường hành quân tức là không hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đảo.

Trên mặt biển thì biên đội tàu chúng tôi bị tàu địch quây, chúng đến gần tàu ta đến mức nhìn rõ mặt những tên lính súng ống lăm lăm, cặp mắt soi mói không bỏ sót bất cứ thứ gì. Hoặc có chặng chúng lẵng nhẵng bám theo giám sát mọi hoạt động; trên đầu thì máy bay địch quần thảo… Đã được quán triệt từ trước, mặc mọi sự khiêu khích, hăm dọa, chúng tôi coi như “không có chuyện gì xảy ra”, ai cũng miệt mài chài lưới… Cứ như vậy trong suốt hải trình, cuộc thi gan đầy căng thẳng, ý thức kỷ luật của những người lính và sự mưu trí của người chỉ huy đã làm cho đối phương nản chí.

Đồng chí Phạm Duy Tam, nguyên Thuyền trưởng tàu 675 chở bộ đội đặc công đi giải phóng Trường Sa

Các đảo trên quần đảo Trường Sa tuy là mục tiêu cố định, nhưng chưa hề được trinh sát, chúng tôi chỉ nhận diện được đảo trên bản đồ. Trong khi đó, một số đảo nổi trong quần đảo Trường Sa lúc này có quân đội của Philippines và Đài Loan đang chiếm giữ. Hơn nữa, độ cao của các đảo tương tự như nhau (trừ đảo Ba Bình, do Đài Loan chiếm giữ là cao nhất). Thời kỳ đó trên các đảo rất ít cây cối, mỗi đảo có vài căn nhà tôn thấp lè tè, nằm lọt thỏm trong hệ thống hàng rào bùng nhùng. Đây là khó khăn lớn nhất đặt ra, làm cách nào để tiếp cận đúng các đảo mà lính Việt Nam Cộng hòa đang chiếm giữ để giải phóng. Ban ngày phát hiện đã khó, ban đêm lại càng khó hơn, “đổ bộ” nhầm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Với đặc công, tác chiến trong điều kiện này là vô cùng hy hữu. Cuối cùng phương án được “chốt” là: Vừa trinh sát, vừa đánh. Đây là cách đánh, nói theo thuật ngữ quân sự là đánh cường tập, bởi không còn thời gian để trinh sát mục tiêu. Với đặc công, phương án này chỉ vận dụng trong trường hợp đặc biệt cấp bách, có nghĩa là không đánh không được, dù có hy sinh cũng phải đánh. Nói như vậy để thấy hết những khó khăn đặt ra với cánh quân đi giải phóng Trường Sa. Đồng thời thấy hết sự mưu lược của người chỉ huy, lòng quả cảm của các chiến sĩ được vinh dự đi làm nhiệm vụ ở trận chiến đấu cuối cùng này.

Tấn công giải phóng Trường Sa

Phát súng mở màn, mục tiêu đầu tiên chúng tôi tấn công được xác định là đảo Song Tử Tây. 19 giờ 30 phút ngày 13-4-1975, biên đội tàu phân công tàu 674 và 675 án ngữ phía tây bắc, cách đảo chừng 15 hải lý, làm nhiệm vụ nghi binh, đồng thời sẵn sàng ứng phó với hai tàu chiến của quân ngụy đang ở khu vực đảo Nam Yết còn tàu 673 lặng lẽ đưa bộ đội tiếp cận đảo.

Chỉ riêng việc tiếp cận đảo trong vùng biển bao la mênh mông trong điều kiện không đèn, không có thiết bị hàng hải dẫn đường, không radar, không máy định vị, máy đo độ sâu… cũng là cực kỳ khó khăn. Duy nhất có chiếc la bàn chỉ hướng cho con tàu này. Tàu 673 lầm lũi đưa chúng tôi tiếp cận đảo. Vì thiếu các thiết bị nên đến 3 giờ sáng ngày 14-4-1975 mới chạm vào dãy san hô, từng chiếc xuồng cao su loại nhỏ dùng chở quân nhanh chóng được thả xuống. Chúng tôi quần đùi, áo lót, súng đạn đầy người rời tàu lên những chiếc xuồng bí mật tiếp cận đảo. Nhiều đoạn xuồng mắc cạn, chúng tôi lại phải nhảy xuống nước bơi vào đảo. Đúng 4 giờ 30 phút, sau khi đã gỡ xong những quả mìn mà địch cài ở mép hàng rào ngoài cùng, phát súng hiệu mở màn, chúng tôi đồng loạt nổ súng, bộc phá ống thổi tung lớp hàng rào, mở đường cho bộ đội tấn công. Bọn địch ở trên đảo bám công sự chống trả quyết liệt. Sau hơn 30 phút chiến đấu, chúng tôi hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt tại chỗ 6 tên địch, bắt sống 33 tên. Bộ đội ta 2 đồng chí bị hy sinh.

Khi bàn giao tù binh, chúng tôi kiểm đi, kiểm lại vẫn thiếu 1 tên. Sở dĩ biết thiếu 1 tên, bởi trước khi tấn công đảo, chúng tôi được cấp tin tình báo cho biết tại đảo này có 40 tên đóng giữ. Như vậy 6 tên bị tiêu diệt, bắt sống 33 tên, thì rõ ràng thiếu 1 tên. Khai thác nhanh tên đảo trưởng mới hay, “đảo trưởng” lúc bấy giờ là viên Trung úy đảo phó lên thay, còn Đại úy đảo trưởng đã rời Song Tử Tây trước đó 2 ngày, nghe nói về Sài Gòn. Sau này chúng tôi được biết, Song Tử Tây bị ta tấn công đánh chiếm là điều hoàn toàn bất ngờ đối với địch. Hướng phòng thủ quần đảo Trường Sa từ phía bắc đã hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi.

Đại tá Đặng Trung Hội

Ngay sau khi giành thắng lợi, chỉ huy phân công tàu 674 chở tù binh về giao cho Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Hai tàu 673 và 675 cùng chúng tôi ở lại bảo vệ đảo và rút kinh nghiệm chuẩn bị cho các trận đánh giải phóng các đảo còn lại. Có thể nói, tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc này là khá chênh lệch. Theo thông báo của trên, Đảo Nam Yết được coi là “sở chỉ huy” của quân đội Việt Nam Cộng hòa tại quần đảo Trường sa có 60 tên; đảo Song Tử Tây có 40 tên (đã bị ta tiêu diệt, bắt sống); đảo Sơn Ca có 20 tên; đảo Sinh Tồn có 20 tên; đảo An Bang chỉ có bia chủ quyền và đảo Trường Sa Lớn có 40 tên, trên đảo này có sân bay dài đến 600m. Quân địch án ngữ trên các đảo với hệ thống hầm hào, công sự kiên cố và nhiều loại vũ khí có tầm sát thương cao. Ngoài ra lại có tàu chiến bảo vệ. Ta chỉ còn lại hai con tàu “giả dạng” và lực lượng đặc công, vũ khí chủ yếu là AK, B40, B41…

Không chỉ lo đối phó với tình huống địch phản công chiếm lại đảo mà còn phải xây dựng quyết tâm ứng phó với lực lượng của nước thứ ba lúc đó cũng đã sử dụng tàu chiến đến vùng biển này với âm mưu “tranh tối tranh sáng” chiếm các đảo do ngụy quân đang chốt giữ. Quyết tâm lúc này là quyết bảo vệ đảo, tăng cường quan sát và nghi binh đánh lừa địch. Chuẩn bị mọi mặt khi có thời cơ là giải phóng ngay các đảo còn lại, kiên quyết không để mất chủ quyền của Tổ quốc vào tay thế lực khác.

Đọc thêm »
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét