NHỮNG CON KỀN KỀN

Dương Tiêu

Không biết từ bao giờ kền kền đã trở thành danh từ chỉ những nhà báo xấu xa. Họ không phải đồng nghiệp của tôi. Nói mẹ thế cho nhanh.

Chuyện ở Tây:

Bức ảnh con kền kền chờ bên đứa trẻ đói lả đã mang lại cho nhiếp ảnh gia Kevin Carter giải thưởng Pulitzer 1994 danh giá. Nhưng kèm theo đó là những lời phỉ báng không thương tiếc về đạo đức người làm báo, hay đạo đức con người. 

Kiểu như: Người đàn ông không từ bỏ mục tiêu của mình để giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn chỉ có thể là một động vật ăn thịt, một con kền kền trên hiện trường... Nhiếp ảnh gia này bị rủa xả khắp nơi vì không cứu giúp cậu bé… 

Từ một người làm truyền thông, Kevin Carter trở thành nạn nhân của chính truyền thông và công chúng. Suy sụp, anh này chết sau đó vài tháng.

Rồi sau của sau đó, Kevin Carter cũng được minh oan. Hóa ra đứa bé trong bức ảnh không chết mà được đưa đến trung tâm chăm sóc… Nhưng chẳng lời minh oan nào giúp nhiếp ảnh gia này sống lại.

Chuyện ở ta:

Trên mạng xã hội đang tràn lan những lời chỉ trích về một phóng sự truyền hình được phát trên VTC14. Có thể tóm tắt như sau: Một chị “nhà báo” sau thời gian bám sát thực tế đã phát hiện nhiều học sinh trung học hút shisha (ấy là chị í nói thế, thực hư biết đâu). 

Bằng một mối quan hệ nào đó, chị này liên hệ được với một số học sinh, thuyết phục họ trở thành “nhân vật” trong một phóng sự điều tra đình đám với những lời dẫn dụ ngọt ngào mà cố tình "quên" cho bọn trẻ biết những hệ luỵ chắc chắn đến với các em sau phóng sự.

Phóng sự phát sóng với tên gọi “khi màu áo học sinh chìm trong làn khói shisha” là một lời cảnh báo về tình trạng hút shisha trong giới trẻ (như nội dung tờ công văn của Ban VTC14 gửi một số nơi). 

Theo cơ quan báo chí này, dù hút shisha không phải việc vi phạm pháp luật song nhà trường, phụ huynh cũng cần abc…

Lúc này sự việc được đẩy lên cao hơn (có lẽ phù hợp với mục đích của những người làm phóng sự). 

Không quá khó để tóm ra những khuôn mặt non choẹt đang phê pha trên sóng truyền hình KTS kia. Và tất nhiên kết quả là những mức án kỷ luật nặng. Báo chí đã “vào cuộc” thì hẳn nhiên những cơ sở giáo dục kia phải biết sợ chứ.

Và Ban VTC14 cũng vội vã làm công văn nói rằng các em còn trẻ, cần sự uốn nắn, abc… và mong “cấp trên” xem xét lại hình thức kỷ luật vừa giúp các em nhận ra sai lầm, vừa đảm bảo tính giáo dục và quan trọng là tạo cơ hội cho các em sửa sai... 

Công văn tưng tửng ra vẻ “cứu giúp” này không hề đả động gì về những hành vi “nhờ vả” của một cô BTV Anh Thư nào đó. Coi như việc kỷ luật là kết quả tất yếu của những hành vi sai phạm của lũ trẻ con kia... 

Sau phóng sự này, nhiều người (trong đó có tôi) đang dị ứng với cách làm báo kiểu cố tình “lừa” mấy đứa học sinh rồi "ngây thơ cụ" theo kiểu em không biết là phải làm mờ mặt các em học sinh....

Thôi thì, thú thực, chuyện ở Tây lông với chuyện ở ta nhẽ chả liên quan gì đến nhau.

Nên nói tóm lại thế này cho nhanh:

Nguyên tắc với báo chí nói riêng và làm Người nói chung: Là đừng “cài bẫy”, khơi gợi lòng tham của người khác như cách THP đã làm hoặc thúc đẩy hành vi vi phạm pháp luật của người khác. Đó không phải là cách sống bình thường đừng nói là cách làm nghề TỬ TẾ nhất là với những đứa trẻ phần lớn là ngờ nghệch, chưa đủ "kháng khuẩn" với xã hội.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét