Trần Vũ thực hiện phỏng vấn
Nhà văn Ban Mai
Trần Vũ: Tập khảo luận Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng trước khi được Nxb Văn Mới tái bản tại Hoa Kỳ năm 2011, đã được in trong nước và từng bị “đình chỉ giấy phép phát hành”. Chuyện gì đã xảy ra? Có phải vì Ban Mai đã viết về nội chiến trong Ca khúc Da vàng?
Ban Mai: Tập biên khảo Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng được NxB Lao Động in năm 2008. Năm 2009 Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định ra quyết định đình chỉ phát hành tác phẩm trên địa bàn tỉnh, với lý do: “có nội dung phản ánh không khách quan, xuyên tạc sự thật lịch sử chiến tranh Việt Nam, xúc phạm những trí thức, nhạc sĩ khác…”
Tập sách này là sự tu chỉnh, bổ sung từ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, mà tôi đã bảo vệ năm 2006. Sau khi bảo vệ đề tài với số điểm tối đa, Hội đồng bảo vệ luận văn gợi ý tôi nên viết lại thành sách để công bố. Đến tháng 10/2008 tập sách mới hoàn thành và đến tay bạn đọc. Sau khi xuất bản tôi nhận được nhiều lời khích lệ của giới chuyên môn. Tháng 11/2008, đã có buổi giới thiệu tập sách tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông–Tây ở Hà Nội; và được nhiều báo chí trong nước đưa tin.
Khoảng cuối tháng 3/2009, có một bài viết của ông Nguyễn Hoàn gửi trang web “Bàn tròn Văn nghệ của Hội Nhà văn”, bài viết tập trung phê phán chương IV, phần “Trịnh Công sơn và Chiến tranh Việt Nam”. Cuối bài, người đọc đề nghị Cục Xuất bản thu hồi sách, nếu tôi không viết lại theo đúng quan điểm mà ông ta đưa ra. Tháng 4/2009 Nguyễn Hoàn đăng lại bài này trên Tạp chí Sông Hương, sau đó ngày 8 tháng 5-2009, ông ấy lại tiếp tục đăng trên báo Nhân Dân và Tạp chí Ban Tuyên giáo.
Đúng như anh nói, phần ca từ phản chiến mà tôi trích từ tập nhạc “Ca khúc Da vàng” của Trịnh Công Sơn để phân tích chiến tranh Việt Nam bị người đọc này lên án, khi tôi cho rằng đây là một cuộc chiến tranh nội chiến. Trong đó có những câu nhận định như: “Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi”, ”Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt”… Với quan điểm này tôi bị chỉ trích, cho là “xuyên tạc” và “phi lịch sử”. Trên báo Nhân Dân ông ấy còn cho rằng cuốn sách “phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hòa bình của đất Việt.”
Có lẽ chính vì dư luận của những bài báo đăng trên An ninh Thế giới, Nhân dân, Ban Tuyên giáo của bạn đọc này... nên UBND Tỉnh Bình Định ra quyết định đình chỉ phát hành sách trên địa bàn Bình Định. Tuy nhiên, sau đó Nxb Lao Động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông-Tây ở Hà Nội đòi kiện UBND Tỉnh Bình Định vì đã ra quyết định không đúng chức năng, kiểu “Phép vua thua lệ làng” và các báo chí trong nước, ngoài nước, lên tiếng nên mọi việc cuối cùng im lặng, sách vẫn phát hành bình thường trên toàn quốc.
Trần Vũ: Chức năng đầu tiên của một người viết, là ghi lại những suy nghĩ trung thực của mình. Ban Mai có tin như nhiều nhà văn quan niệm: vì thể hiện trong tiếng Việt, văn chương Việt Nam không thể tách rời khỏi định mệnh dân tộc?
Ban Mai: Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó, hình như Buznik, thi sĩ Nga, ông đề cập đến việc một nhà thơ khi sáng tác không thể tách rời ngôn ngữ mẹ đẻ. “Thi nhân thuộc về thứ tiếng nào thì nên dùng và cũng chỉ có thể dùng ngôn ngữ ấy để sáng tác”, ông dẫn chứng Puskin từng dùng tiếng Pháp để làm thơ và thất bại. Buznik nói, sau khi Liên Xô giải thể, rất nhiều nhà văn Nga ra nước ngoài, nhưng sau đó hầu hết đã trở về dù phần lớn đã có quốc tịch nước ngoài. “Tôi nghĩ đó là vì một nhà văn không thể xa rời môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, Puskin không thể sáng tác lâu dài trong môi trường ngôn ngữ khác, cũng không thể tìm được những cảm hứng sáng tạo”.
Trước ngày 30/4/1975 Trịnh Công Sơn được các hãng thông tấn quốc tế mời ra nước ngoài, ông trả lời: “Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tác. Ở nước ngoài, tôi không nghe ra tiếng nhạc trong đầu mình, tôi không nghe được câu thơ tôi viết ra. Tôi thích đi nước ngoài, nhưng nếu ở lâu, tôi sẽ khô cạn và chết mất. Hơi ấm của dân tộc Việt Nam giống như nước cần thiết cho hoa vậy.”
Tôi dẫn chứng hai trường hợp trên để nói đến môi trường sống và ngôn ngữ mẹ ảnh hưởng lớn như thế nào đối với người sáng tác.
Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, tôi không nghĩ vậy.
Người viết dù có ở nước ngoài, viết trong ngôn ngữ ngoại lai họ vẫn thành công, nếu họ hội nhập tốt. Đơn cử như nhà văn Linda Lê, sinh năm 1963 ở Đà Lạt, năm 1977 cô cùng mẹ sang Pháp, cha cô ở lại Việt Nam. Tác phẩm của cô viết bằng tiếng Pháp và đạt nhiều giải thưởng, được dịch sang tiếng Anh, Hòa Lan, Bồ Đào Nha và tiếng Việt.
Linda Lê từng viết: “Tôi mang đất nước tôi trong tim như một chàng trai mang chiếc bào thai đôi. Đó là sự nối kết dị thường. Nối kết với quê hương tôi… Thật ra cái tôi đang nói chính là một thứ văn chương sinh ra trong sự ám ảnh về một vết nhơ, một sự dị dạng gọi là tính nước đôi. Nhưng tính nước đôi này rồi sẽ chết và sẽ đóng vai trò của một thẩm phán lặng im.” Làm sao một chàng trai lại mang thai được? đó là một cách nói hình tượng khi cô sử dụng cùng lúc hai ngôn ngữ. Mặc dù Linda Lê cố tình chối bỏ ngôn ngữ Việt, nguồn gốc Việt nhưng trong tâm thức cô cũng không thể chối bỏ định mệnh của dân tộc mình, trong vô thức nó vẫn luôn ám ảnh cô và bàng bạc trong sáng tác của nhà văn.
Theo suy nghĩ của tôi, viết trong ngôn ngữ Việt đã hàm ngôn tính cách của một người dân Việt, dù muốn hay không muốn, trong vô thức người viết tiếng Việt đã gắn liền với định mệnh của dân tộc mà mình sinh ra, vì nó đã định hình trong ý thức.
Trần Vũ: Cũng có ý kiến nhấn mạnh tình trạng bất lực của đại đa số người viết trước thực tế đất nước. Quá nhiều xáo trộn xã hội, từ đời sống đến lý tưởng, niềm tin, đạo đức thay đổi mà tác phẩm của nhà văn Việt chỉ ghi lại được rất ít những biến chuyển này. Cách nhìn của Ban Mai?
Ban Mai: Người Việt ngày nay, sáng ngủ dậy mở mắt bật ti vi nghe tin tức VT1, mở một tờ báo in Thanh niên, Tuổi trẻ, xem một trang báo mạng Vietnamnet... thấy đầy rẫy những cảnh cướp, giết, hãm hiếp, lừa gạt, tham ô... đó là những tờ báo thuộc dạng nghiêm túc, không phải báo lá cải mà vẫn phổ biến những tin tức trên, điều đó cho thấy có quá nhiều xáo trộn xã hội, từ đời sống đến lý tưởng, niềm tin, đạo đức như anh nói. Đúng vậy. Tình trạng bất lực của đại đa số nhà văn trước thực tế đất nước, không dám nói lên sự thật là có thật. Tại sao như vậy? Tôi nghĩ vì hệ thống lúc này nó vậy, không cho phép phản ánh những tiêu cực mà chỉ thích tô hồng, nếu nói thật sẽ bị liệt vào sổ đen, chụp mũ là bêu riếu đất nước, là thành phần phản động bị nước ngoài giật dây, v.v.. Nhiều nhà văn “sợ hãi”, vì “miếng cơm manh áo”, đại bộ phận không dám vượt thoát những giới hạn vô hình. Vòng phấn vô hình nhưng trừng phạt lại cụ thể.
Những tác phẩm như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư là một ngoai lệ. Đơn giản, cô kể sự thật về chuyện nghiện rượu, mãi dâm, áp bức phụ nữ, về thân phận con người bé nhỏ trên cánh đồng Dơi quanh cuộc sống của cô, chính vì khi viết cô không hề mang ý thức “giáo dục của cách mạng”, nó lại đập thẳng vào mặt chúng ta cuộc sống trần trụi của một đất nước và soi tỏ mọi vấn đề. Chính điều đó làm nên giá trị tác phẩm. Và những tác phẩm như vậy còn rất ít. Ngọc Tư ngay sau đó đã phải làm kiểm điểm.
Bên cạnh đó, không thể không nói đến dòng văn chương bên lề, tôi gọi bên lề vì các tác phẩm này tác giả tự xuất bản, không được trong nước cấp giấy phép. Phần lớn những tác phẩm này nói được phần nào những xáo trộn, biến chuyển của đất nước. Có thể thấy trong các sáng tác của Cung Tích Biền, đây là một nhà văn mạnh mẽ, không khoan nhượng, ông hiểu rỏ việc ông làm. Với Cung Tích Biền “Văn chương có thể huyền ảo, nhưng trách nhiệm của Nhà văn không thể là một hư ảo.” và ông đã sống như vậy. Đất nước Việt Nam dưới ngòi bút ma mị của ông hiện rõ trong Dị Mộng, Qua Sông, Thằng Bắt quỷ, Ngoại ô Dĩ an và Linh hồn tôi, Đêm Hoang tưởng, Thừa Dư, Mùi của gió mùa, Một phần Khí hậu, Xứ Động vật Mưa hồng, Xứ Động vật vào ngôi, Xứ Động vật màu huyết dụ… Tuy nhiên, những nhà văn như Cung Tích Biền vẫn còn là của hiếm.
Trần Vũ: Sau hai thập niên Đổi Mới, với tiến trình toàn cầu hóa bên cạnh phương tiện thông tin internet, các cánh cửa thế giới gần như đồng loạt mở toang cho nhà văn Việt. Ban Mai nhìn thấy hiệu ứng nào, ảnh hưởng ra sao trên tác phẩm của các đồng nghiệp?
Ban Mai: Trong hai thập niên Đổi Mới vừa qua, ảnh hưởng Internet với nhiều luồng thông tin, quả thật đã ảnh hướng lớn đối với những người cầm bút. Lần đầu tiên các nhà văn Việt phát hiện ra những chân trời rộng mở, điều ấy giúp họ học hỏi nhiều điều hay. Những tư tưởng mới, những bút pháp mới, những phương pháp nghiên cứu mới đã góp phần ảnh hưởng trong sáng tác của người viết.
Người đọc có thể nhận ra một dòng văn học khác đã xuất hiện: “dòng văn chương vết thương”, dòng văn chương “vết rạn” ra đời; Dòng văn học ca ngợi, tô hồng đã lui vào quá khứ. Người viết ngày nay đi sâu vào từng góc đời bé nhỏ, những số phận đau đớn của con người do lịch sử gây ra. Bên cạnh đó, một bộ phận người viết “nô nức” làm một cuộc cách mạng tình dục, điều mà Tây phương đã làm từ những năm 60. Các thể loại thơ “hậu hiện đại”, “tân hình thức”, truyện ngắn “trong lòng bàn tay”, truyện chớp, dòng văn học kỳ ảo, hiện thực huyền ảo… được thử nghiệm. Trong số những nhà văn viết truyện ngắn gần đây tôi chú ý đến cây bút trẻ Uyên Lê. Tôi nghĩ nhà văn này ảnh hưởng nhiều ở lối viết mới, không khí truyện huyền ảo, ngôn ngữ tinh tế, bút pháp điêu luyện. Bước vào truyện ngắn “Cửa hàng mua bán giấc mơ”, “Sói”, “Đất, lửa, nước và gió”, “Trở lại đây yêu em”…bạn đọc ngay lập tức bị hút hồn bởi không gian bàng bạc mơ hồ, ngôn từ ma mị đầy quyến rũ. Tôi hy vọng vào những tác phẩm có độ chín sau này của cô ấy.
Trần Vũ: Văn chương Việt Nam đang thiếu gì?
Ban Mai: Tôi nghĩ văn chương Việt Nam đang thiếu những nhà văn tài năng. Chính tài năng quyết định tất cả. Khi có tài năng người ta mới có đủ niềm tin vào ngòi bút của mình, mới có một thái độ dũng cảm, quyết liệt để tạo ra những tác phẩm ghi dấu ấn vào lịch sử. Họ sẵn sàng chấp nhận trả giá. Tôi đang nghĩ không biết khi nào văn chương Việt Nam mới có được những tác phẩm như “Chốn xưa”, “Ngân thành cố sự” của Lý Nhuệ… hay những tác phẩm nổi tiếng khác của các nhà văn đương đại Trung Quốc như Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, nước có hoàn cảnh lịch sử nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Chúng ta, chỉ mới đắp vết thương mà chưa dám “phẫu thuật” cắt bỏ những ung nhọt sai lầm của lịch sử. Mặc dù trong nước có Nỗi buồn Chiến tranh của Bảo Ninh, hải ngoại có Mùa Biển động của Nguyễn Mộng Giác.
Bên cạnh đó Văn chương Việt Nam còn thiếu trầm trọng đội ngũ phê bình văn học nhạy bén, thẳng thắn và chuyên nghiệp. Gần đây có những bút ký đươc nhiều người chú ý như Bên Thắng cuộc của Huy Đức, Đèn Cù của Trần Đĩnh, vì đã nói thẳng, trung thực một thời kỳ lịch sử đã qua theo cách nhìn của tác giả, nhưng những tác phẩm đó chưa là văn chương.
Trần Vũ: Như vậy, thế nào là một truyện ngắn hay, một thể loại mà hầu hết các nhà văn Việt đều có nhiều mươi sản phẩm?
Ban Mai: Với tôi, một truyện ngắn hay là một truyện khi đọc xong gấp sách lại, dư âm của nó vẫn còn lắng đọng. Có thể là một nỗi buồn, sự cô đơn, nỗi xót xa, hay niềm đau đớn… tất cả những cảm xúc đó chính là cái đẹp mà tác phẩm mang lại cho người đọc, hơn thế nữa, nó còn buộc ta phải nghĩ mãi về vấn đề mà nó đặt ra. Cách khác, nói như Julio Cortázar: “truyện ngắn hay, giống như một cú đấm thẳng vào mặt làm người đọc knock-out tức khắc.” Tôi nghĩ, cũng là một quan niệm độc đáo.
Trần Vũ: Vì sao Ban Mai chọn gửi tác phẩm của mình đến các tạp chí hải ngoại, trong lúc có đến 600 tuần san, nguyệt san, bán nguyệt san và nhật trình tại quê nhà, cùng một rừng website?
Ban Mai: Tôi tin, bất cứ một người viết ở trong nước nào cũng thích làm việc với các chủ biên tạp chí và các trang web ở hải ngoại, vì cảm giác được tôn trọng. Khi bạn gửi bài dù đăng hay không đăng, các chủ biên đều nhanh chóng phản hồi cho bạn biết. Trong khi đó, nếu bạn gửi bài cho các tập san trong nước, bạn không nhận được một tín hiệu gì cả, giống như viên sỏi rơi xuống hồ nước lặn tăm. Bạn phải đợi chờ rất lâu, sau nhiều lần bạn viết thư hỏi, bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương. Mặc khác, bài trong nước thường bị kiểm duyệt về tư tưởng, sẽ bị cắt bỏ phần này, phần khác khi đăng, nên nội dung nhiều khi không đúng với nguyên bản.
Mặc dù, vẫn đăng bài trên các website nhưng tôi cho rằng cầm tác phẩm của mình in trên giấy một cách trang trọng trên các tập san, vẫn làm ta hạnh phúc. Vì ta cảm giác nó hiện hữu dài lâu, công sức của ta được nhìn nhận. Trong khi đó các trang web tuy có lợi thế nhanh chóng, đọc giả phản hồi ngay, người viết có thể sửa chữa dễ dàng liên tục, cả sau khi đăng, nhưng ngược lại tác phẩm đăng trên web sẽ biến mất trên màn ảnh sau một ngày, mặc dù vẫn lưu vào hộp thư ẩn bên trong, nó làm ta hụt hẫng như đang chơi một trò chơi ảo.
Thời gian gần đây tôi thường đăng bài trên tập san Quán Văn do nhà văn Nguyên Minh chủ biên (ông từng là chủ biên Tạp chí Ý Thức Sài gòn trước 1975). Quán Văn là một tập san tư nhân mới thành lập vài năm ở Sài Gòn, do nhà xuất bản Thanh Niên cấp giấy phép. Đây là một tập san thuần văn chương quy tụ một đội ngũ nhà văn, nhà phê bình trong và ngoài nước. Hàng tháng, ưu tiên giới thiệu những chuyên đề về các nhà văn trước 75, nhằm mục đích bảo tồn văn chương Miền Nam và hải ngoại. Chúng ta bắt gặp nhiều cây bút mới và cũ, nơi gặp gỡ của quá khứ và tương lai.
Trần Vũ: Có bao giờ áp lực của kiểm duyệt hay những cấm kỵ vì đạo đức hoặc thuần phong mỹ tục xuất hiện ngay trong quá trình sáng tác và chính Ban Mai tự kiểm duyệt mình?
Ban Mai: Với tôi trong khi viết, ý thức tự do vượt thoát trong sáng tạo và ý thức tự bảo vệ mình vì những cấm kỵ vô hình mà người viết trong nước bắt buộc phải nghĩ đến, luôn song hành cùng nhau. Đó là một cảm giác rất thực. Tuy nhiên, bao giờ tôi cũng luôn cố gắng vượt thoát sự tự kiểm duyệt để đạt được tự do trong suy nghĩ của mình một cách trung thực nhất.
Trần Vũ: Ngoài phê bình, điểm sách và biên khảo, Ban Mai còn xuất hiện qua thể tùy bút. Chừng như đây là thể loại tâm đắc và là chỗ trú ẩn riêng. Ban Mai thường xuyên tìm về quá khứ tuổi thơ trước 30 tháng 4, một góc sân trường, một bầu trời niên thiếu, một hiệu sách cũ và cả 700 cây số Quốc lộ 1 khi cùng gia đình di tản từ Quy Nhơn vào Sàigòn vẫn hoài ám ảnh... Dùng chữ ám ảnh, vì Ban Mai không ngừng nhắc lại quá khứ, từ những người bạn thân của cha đi tù vì làm thơ phản cách mạng đến các số báo Văn đã ngã vàng rồi những người lính Cộng hòa tiếp tục sống trong trí nhớ... Ám ảnh, nhưng Ban Mai lại dụng văn tùy bút thật nhẹ nhàng gần như sự hô hấp của một mặt biển thầm lặng. Có phải vì quá khứ dịu êm và mù mờ như sương, hay vì quá khứ chứa nỗi đau nên cần viết thật nhẹ nhàng để nỗi đau không bật máu?
Ban Mai: Câu hỏi thú vị của anh cũng là câu trả lời của tôi rồi, đúng vậy nhiều người bạn đều nói tôi luôn hoài niệm về quá khứ, có lẽ điều đó giúp tôi “sâu lắng” trở lại để tận hưởng những thi vị của thời thơ trẻ mà giờ đây tôi không còn nữa, hạnh phúc gia đình trong ngôi nhà thân yêu mà mình đã sống, cảm nhận những vị đắng, xót xa, ai oán của một thời đã qua để hiểu thêm giá trị của đời sống, cảm thông số phận nghiệt ngã của con người trong cuộc bể dâu. Lịch sử Việt Nam hiện đại là lịch sử của những cuộc chiến, chiến tranh đã cướp đi cuộc sống bao triệu chàng trai trẻ nước Việt khi tuổi đời của họ chỉ mới 17, 18. Không ai có quyền cướp đi mạng sống của ai kể cả nhân danh những lý tưởng cao cả. Mà chắc gì đã cao cả! Tôi mong rằng thế hệ trẻ ngày nay hiểu được sự thật quá khứ, để biết trân trọng và nâng niu cuộc sống này, họ có quyền sống một cuộc đời tốt đẹp như cuộc sống của những con người ở các đất nước tiên tiến khác. Ngày nay, trong thời đại kỹ thuật số, thế giới đã thu hẹp trên những bàn phím, thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện nhìn ra thế giới và tôi tin nỗi đau của quá khứ sẽ không còn bật máu nữa mà sẽ nhường cho sự hòa hợp, tình yêu thương giữa con người với con người.
Trần Vũ thực hiện qua điện thư
Plano, 17 tháng 11-2014
--------------------
* Tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Xã hội Nhân văn, Ban Mai là bút hiệu của Nguyễn Thị Thanh Thúy, hiện cô làm việc tại Trường Đại học Quy Nhơn. Được biết đến sau khảo luận Trịnh Công Sơn, Vết Chân Dã Tràng, Ban Mai còn là người viết tùy bút với giọng văn nhẹ nhàng thiên về cảm xúc và hoài niệm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét