TẢN MẠN BTCP. TƯỞNG NHỚ PHÙNG THĂNG



Nguyễn Xuân Thiệp
  


Chân dung Phùng Thăng. Đinh Cường vẽ



Tác phẩm của Phùng Thăng
  
    Trước hết, xin giới thiệu với các hiền giả bài Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh của Nguyễn Đức Sơn tức Sơn Núi viết cho Phùng Thăng:

Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một đĩa hát cũ
Oh my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá
Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết.

   Một đêm, trong căn nhà ở Woodcreek, ngồi với bạn bè, có vịt Bắc Kinh, gà hấp muối và rượu Johnny Walker Golden label, Thận Nhiên hứng chí đọc bài thơ Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh như vừa mới ghi lại ở trên. Nhân dịp này mình cũng nói đôi điều về Phùng Thăng cho Hoàng Chu nghe vì nàng và một vài bạn nữa chưa biết Phùng Thăng. Chào đời năm 1943 trong gia đình hoàng tộc có sáu anh chị em, Phùng Thăng là em của Phùng Khánh.  Một thuở Phùng Khánh là bạn học của mình ở Đệ Nhất C Quốc Học, Huế. Thời đó năm 1956-1957, mình và Phùng Khánh cùng được cử dự thi concours general về triết học. Những ai sống trong dòng văn học Miền Nam đều biết Phùng Thăng và Phùng Khánh là tác giả của nhiều dịch phẩm giá trị nổi tiếng, trong đó có Câu chuyện dòng sông. Trong lúc kể chuyện xưa mình như thấy lại tấn thảm kịch của Phùng Thăng và con gái nhỏ Tiểu Phượng năm 1975 -cả hai mẹ con đều bị bọn Miên Đỏ giết chết ở Campuchia khi tìm đường tới bến tự do. Nhìn tấm ảnh hai mẹ con đi bên nhau ở Di Linh, in trên Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư, rồi nghĩ tới những biến động lịch sử khi đi vào vận hành u mê tăm tối đưa tới cái chết bi thảm kia làm sao ngăn được xúc động. Nước mắt ơi chiều đang rơi
   Thật ra Nguyễn chưa hề gặp mặt Phùng Thăng dù mình là bạn của Phùng Khánh và Trần Xuân Kiêm, một thời là chồng của Phùng Thăng. Ở cùng xóm Vỹ Dạ, học cùng trường tiểu học Thế Dạ (Nguyễn là học trò của thầy Bửu Vụ, anh của Phùng Khánh và Phùng Thăng) rồi trường Quốc Học vậy mà không biết nhau. Như hai người lữ hành cùng đi trên một con đường, kẻ trước người sau. Ngay cả những lần gặp Trần Xuân Kiêm ở Đà Lạt những năm đầu 70 cũng không nghe bạn nhắc tới Phùng Thăng. Dù đã đọc và rất thích Câu chuyện dòng sôngSói đồng hoang, Phùng Thăng vẫn chỉ là cái bóng chập chờn hư ảo. Có lẽ đúng như Trần Xuân Kiêm nói với Thái Kim Lan, “Phùng Thăng là bóng con chim nhạn qua sông không để lại dấu tích”.
   Gần đây, nhờ đọc bài viết của Thái Kim Lan về Phùng Thăng và xem ảnh chụp trên Thư Quán Bản Thảo mình mới có được hình bóng thật của Phùng Thăng. “Áo trắng, dáng ngồi thẳng, nghiêm trang, nét mặt thanh tú, làn da trong sáng, tóc bín hai con rết thắt nơ trắng. Hai con rết và cái nơ tòn teng tiết lộ sự trẻ thơ so với nét mặt có sóng mũi cao nghiêm nghị của “người lạ” ấy. Chị không cười mặc dù đôi môi hồng tươi, như tiết kiệm hay muốn giữ bí mật của cả tâm hồn hay của đôi hàm răng mà sau này tôi có lần nhìn được rất trong. Môi không cười cho nên nét diễn tả tâm tình hầu như dồn nơi đôi mắt sáng lấp lánh đầy chân thiện, chị cười bằng mắt rất lặng lẽ. Gương mặt ấy hầu như chỉ biết cúi xuống trang sách hay ngẩng lên nhìn bảng đen, hiếm khi thấy chị nhìn ngang hay liếc dọc để quan sát chuyện chung quanh mình”…
   Ôi, Phùng Thăng. Một đóa quỳnh hương. Chỉ vút qua cõi đời này như bóng một con chim nhạn. May thay nhờ nỗ lực của Trần Hoài Thư và một số bạn bè, hình bóng rất thơ của Phùng Thăng sống lại. Cám ơn. Cám ơn Trần Hoài Thư, và chị Yến nữa. Chẳng những Trần Hoài Thư làm một số đặc biệt về Phùng Thăng cực kỳ cảm động và trang nhã mà còn in lại hai dịch phẩm của Phùng Thăng. Xin lắng nghe những lời rất thực mà cũng rất cảm động của Trần Hoài Thư trong bài thơ “Tâm Tình với chị Phùng Thăng”.

Ba giờ sáng in hai tập chị dịch.
Những Ruồi của J. Paul. Sartre và Kẻ lạ ở Thiên Đường của Simone Weil.
Cám ơn, rất cám ơn nhà văn Vũ Thất đã yêu cầu
Để tôi được dịp nhắm mắt, thì thầm trong đêm về sáng
Chị Phùng Thăng, nếu hiển linh, xin Chị về chứng giám
Phù hộ tôi tiếp tục việc làm này
Phù hộ Y. mau lành bệnh,
Để tôi bớt cực, để còn đi vacation, đi thăm bạn bè kẻo tuổi già bỏ phí thì quá uổng
Đây là hai cuốn sách được đẻ tại căn hầm quạnh quẻ
Đêm đông lạnh nên mở heat tối đa
Tôi mua được lọai keo thượng hạng gởi từ Hồng Kông chị ạ
Keo màu white milky rất bền…
Tôi in cả mười cái bìa mà chỉ chọn lấy hai….
Bởi tôi muốn cái gì thuộc về Chị đều rất đẹp
Bởi thay vì hoa hương nhang đèn, chuông mỏ, xâu chuổi tôi chỉ có hai cuốn sách này
Những Ruồi gởi từ Saigon
Kẻ Lạ ở Thiên Đường gởi từ Huế
Tôi dùng software PDF Merge free download để layout…
Tôi dùng máy HP 8000 do vợ chồng Nguyễn Minh Nữu dùng truck chở từ Virginia lên New Jersey để tặng tôi…
Tôi dùng giấy glossy làm Jacket cho sách chị
Đẹp lắm chị
Tôi nhắm mắt. Đêm quạnh, nặng cả lồng ngực mà lạnh cả đôi mắt.
Hình như mắt tôi rơm rớm
Khi đặt hai đứa con tinh thần của Chị trước màn ảnh của computer
Xem như bàn thờ
Cầu xin chị về chứng giám

   Đinh Cường hay ai đó nói: Đất Huế hãnh diện vì có hai người con rất mực thông tuệ tài hoa mà cũng diễm lệ nữa là Phùng Thăng và Tôn Nữ Kim Phượng. Một người là nhà văn một người là họa sĩ đã đi qua đời này như một ành trăng.
NXT

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét