Nguyễn Xuân Thiệp
Hải đường. Photo Thái Kim Lan
Hải đường. Tranh Bửu Chỉ
Trà mi
Nhớ năm nào, đã lâu lắm
Thái Kim Lan ở Munchen tận bên nước Đức gởi cho tấm ảnh chụp bàn tay đang nâng hai bông hải đường đẹp như hai hồn yêu nhau. KL cho biết hai bông hải đường đó hái từ vườn nội ở bên Linh Mụ đối diện với Nguyệt Biều là làng ngoại của mình. Hai bông hải đường màu đỏ rực rỡ, giữa lòng hoa có chen nhụy vàng. Điểm nữa tăng thêm vẻ thanh quý là chiếc vòng cẩm thạch trên cổ tay KL. Cô cho biết: Chiếc vòng ngọc là của mạ đeo cho từ hồi xửa hồi xưa, bây giờ cổi ra không được nên cứ đeo hoài. Té ra hết thảy là từ ấu thơ, hỏi răng không quý không đẹp.
Vâng, ấu thơ của Nguyễn này cũng có bóng dáng của bông hải đường.Thuở ấy, như đã nói ở trên, nhà ngoại của Nguyễn ở làng Nguyệt Biều. Nhà cất bằng gỗ, lợp ngói âm dương, bên hiên nhà có trồng hai cây hải đường. Suốt ấu thời, Nguyễn và con bé hàng xóm thường đùa chơi trên sân đất gần bên. Và những cây hoa trở thành hình ảnh thân thiết. Hải đường ra hoa rất đẹp, màu đỏ và hồng làm mình mê đắm. Mỗi lần hải đường nở hoa như vậy là ngoại lại bảo chị Thoa hái ít bông đặt trên một cái dĩa sứ trắng tinh dâng lên cúng Phật. Những bông hải đường thời thơ ấu ấy, không bao giờ quên, cũng như không bao giờ quên những trái vải chín ửng trên cành mỗi độ hè sang. Cô bé hàng xóm ngày ấy giờ này cũng đang ở một thành phố nào đó của Âu châu, không biết cô còn nhớ những bông hải đường và những trái vải vườn xưa không. Để rồi như Thái Kim Lan cứ thao thức mãi khi nhìn ra ánh nắng của khu vườn ở Munchen mà tưởng như nắng ngày xưa.
Rồi tuổi nhỏ qua đi. Không còn ai chơi đùa bên cạnh cây hải đường nơi hiên nhà nữa. Nguyễn lên thành phố theo đuổi việc học, tâm hồn bắt đầu mở ra với sách vở. Những chân trời khác, những cuộc đời khác và những con người khác. Không còn bóng ngoại, bóng chị Thoa hay cô bé bên hàng xóm. Nhưng những bông hải đường vẫn còn. Nguyễn lại tìm thấy nó trong thơ Nguyễn Du và thầm cảm ơn những vẻ đẹp mà cuộc đời đã hiến tặng.
Hải đường lả ngọn đông lân
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà
Bông hải đường kia đã chứng kiến mối tình của Kim Kiều nảy nở. Và giờ đây nó chưa ngủ, đang lả ngọn sang tường đông như chờ đợi. Trong khi đó nàng Kiều một mình nhìn trăng nghĩ ngợi xa gần. Và rồi cô quyết định. Bóng trăng tưởng chừng như cũng đồng lõa với Kiều khi cô xăm xăm băng lối vườn khuya một mình tìm sang nhà Kim Trọng. Hải đường ơi, xin che chở bước chân nàng. Nguyễn chợt nghĩ tới người con gái trong một cuốn phim xem đã lâu kể về cuộc đời Franz Schubert, tác giả bài Serenade bắt hủ. Yêu chàng nhạc sĩ mắt sâu, ban đêm cô gái đi bộ qua nhiều dãy phố đến đứng dưới của sổ nhà chàng nghe chàng đàn. Không có bông hải đường đồng lõa đâu nhưng có hoa hồng và hyacinth tỏa hương thầm lặng trong đêm.
Mới đây, đọc được một câu chuyện ghi trong sách vở, càng khiến tim này yêu hải đường hơn bởi nó gợi cho mình bóng dáng người vương phi yêu dấu thuở nào. Dám cuộc nếu được Nguyễn khùng này cũng dám xin làm thái giám để được sớm tối gần kề nàng. Chuyện kể trong Đường Thư hẳn hòi và liên quan đến nàng Dương Quý Phi. Một hôm Đường Minh Hoàng ghé thăm, nghe nàng còn chưa tỉnh giấc (dám như các cô ca sỹ bây giờ ngủ tới 12 giờ trưa mới chịu dậy), vua nói: “Hải đường thụy vị túc da?”, có nghĩa là hải đường ơi ngủ chưa đủ sao? Ôi qua những mẩu chuyện như thế, hoa hải đường lại càng đẹp. Nó đẹp nùng diễm, đầy nét gợi cảm và vẻ xuân tình, như Nguyễn Du từng viết: Hải đường mơn mởn cành tơ / Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng… Ấy, là thế đó, vẻ đẹp thiên kim của các trang quốc sắc thời xưa. Trong văn học cổ Trung Quốc, cảnh hoa hải đường trong cơn mưa thường dùng để chỉ dáng vẻ kiều diễm, nồng nàn và dã dượi của người đẹp.
Mà này, từ lúc tóc hãy còn xanh cho tới tóc đã trắng như mây, mình yêu hải đường và chỉ biết hải đường đẹp mà không cần tìm hiểu sâu xa nó là loại hải đường nào, trong vườn nhà ở Nguyệt Biều hay tận xứ thơ Đường không bao giờ tới được.
Hải đường đẹp rực rỡ, và chuyện hải đường thì đẹp não nùng, thế còn trà mi? Trà mi, như tên chữ, ắt phải diễm lệ lắm, chứ không thì ai dùng để gọi những trang đài các. Viết tới đây, Nguyễn tôi lại nhớ tới Trà Mi ở đường Hàng Me, Huế, thuở mình mới vào trung học. Đúng là “nổi danh tài sắc một thì”. Trà Mi đẹp nhất trong mấy chị em và khiến bao chàng thấy mình trở thành thi sĩ (nhưng trong đó không có Nguyễn này đâu đấy nhé, vì lúc ấy em còn bé lắm các anh ơi!). Đẹp kiều mị và kiêu sa nhưng cũng chỉ được một thời. Sau này, không còn nghe ai nhắc tới Trà Mi nữa. Thôi đành tìm trà mi trong cổ văn vậy. Ôn Như Hầu cũng có diễn tả vẻ đẹp của trà mi nhưng dưới cái tên gọi rất Trung Hoa là “đồ mi”, để tả cảnh ái ân hoan lạc cực kỳ: Cái đêm hôm ấy đêm gì / Bóng dương lồng bóng đồ mi chập chùng
Hải đường và trà mi. Trong thơ Nguyễn Du, chỉ có hai loại hoa này được nói đến. À không, còn hoa lê và hoa đào nữa chứ. Thế nhưng chỉ có hải đường và trà mi là được trân trọng và tô điểm đặc biệt. Thật ra, câu thơ ai cũng thuộc “tiếc thay một đóa trà mi…” chỉ làm ta thương cảm vì nó nói tới một nhan sắc như nàng Kiều bị dập vùi dưới bàn tay một tên thất phu -hay đúng hơn, dưới bàn tay của định mệnh tàn khốc. Chính ở câu sau đây, vẻ đẹp của trà mi mới thật là phê:
Chim hôm thoi thóp về rừng
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành
Đẹp. Đẹp. Như hình ảnh trong chuyện tình Romeo & Juliet hay trong Hồng Lâu Mộng. Nhưng trà mi là hoa gì? Theo Tố Nghi (Ôi, Tố Nghi. Mừng em đã rời giường mổ trở về nhà bình an) trong Mùa Thu Nói Chuyện Trà đăng ở PV so 68, trà mọc thành bụi lớn. Lá dày bóng. Hoa lẻ và to, nhiều màu trắng hồng đỏ, sắc đậm lạt tùy theo. Chuyện về trà mi còn chép trong sách sử: nàng Josephine kiều diễm của Napoleon Bonaparte mê trà mi đến độ thường cài hoa trà lên ngực áo và nón đội đầu, tạo thành cái mode cho tất cả các mệnh phụ phu nhân thời ấy, rồi từ từ mode này lan rộng. Trong Trà Hoa Nữ (La Dame Aux Camellias) của Alexandre Dumas, nàng Marguerite cũng thích cài hoa trà mi lên ve áo. Nhưng thú vị hơn cả là chuyện tình trong Lục Mạch Thần Kiếm. Nàng Vương Phu Nhân yêu Đoàn Chính Thuần ở xứ trà Vân Nam nhưng tình yêu không toại, Vương Phu Nhân ôm trái tim tan nát cùng giống trà Đại Lý về Giang Nam. Tại đây nàng lập lên một trại trà đặt tên là Mạn Đà Sơn Trang để sớm tối tưởng nhớ tời người tình bạc bẽo trăng hoa.
Tới đây, chợt nhớ một lần hồi mới đến Mỹ, qua Nam Cali chơi, được Nguyên Khai đưa đi thăm Vườn Nhiệt Đới ở Hungtington Library. Ở đây, lần đầu tiên mình được thấy bông trà mi, tức camellia. Đẹp nhưng không huyền ảo như mình nghĩ.
Thành ra, với Nguyễn này, cuối cùng có lẽ chỉ có hải đường là nùng ảo, diễm lệ cho dù mình có làm bài thơ Trà hoa camellias*. Bởi nó là thơ ấu của Nguyễn cùng những mảnh tình diễm ảo. Ôi, hải đường ơi hỡi thanh xuân.
Tháng 12 2006
NXT
*Thân ái mời các bạn vào link dưới đây để đọc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét