Nguyễn Thị Huế Xưa
Lake LBJ
Buổi sáng tôi thức giấc trong sự yên lặng của không gian và thời gian một ngày vào đông. Bước ra ngoài deck, không có mùi gỗ mục thơm của chiếc deck quen thuộc sau nhà mà là mùi mặn nồng của dòng nước trong veo từ bờ hồ LBJ phẳng lặng. Cái lạnh se sắt của cơn gió đầu đông ôm choàng chiếc khăn quàng len mềm mại và làm ấm môi ngọt tách café mùi Hazelnut. Dường như cảnh vật chung quanh còn đang luyến tiếc màn đêm, những tàng cây khô vây quanh bờ hồ còn trầm mê, huyền hoặc sau màn sương mờ ảo. Xa xa ngôi hải đăng chiếu chút ánh sáng còn sót lại trên dòng nước lặng lờ bình thản. Trong khoảng khắc yên lành bất chợt đó, tôi bỗng dưng bật khóc khi nhận thức được cái hạnh phúc vô biên tôi đang có trong tầm tay. Cái hạnh phúc sau sự thoát thai từ những tháng ngày với những day dứt, thăng trầm trong cuộc sống.
Những trận mưa bất ngờ trong những ngày sót lại của mùa thu vừa đủ cho lake LBJ ngập nước và làm đỏ úa những cây hoa dại mọc quanh bờ hồ. Đầu mùa đông tôi đi tìm sự thanh bình trong lòng ở một nơi chốn yên tỉnh với những đứa con yêu dấu. Mỗi sáng khi màn đêm còn đang ngập ngừng hôn vội bình minh trên mặt nước thì con tôi đã thả tàu đưa mẹ đi một vòng bờ hồ. Gió đầu đông của miền nam Texas làm rối tung làn tóc dài mượt mà của con gái, yêu ơi là yêu nụ cười với má lúm đồng tiền hồn nhiên, thương ơi là thương nét nhăn nhó dễ thương trên khuôn mặt ngái ngủ của con trai và con rể ngồi bên cạnh. Cái hạnh phúc ưu ái vô bờ bến tôi đang ôm choàng trong tay. Từ xưa đến giờ tôi vẫn nổi tiếng là “mê con”. Thật vậy, tôi “ghiền” con từ lúc chúng còn bé và bây giờ dù đã trưởng thành cơn “ghiền” của tôi càng thêm mãnh liệt. Tôi mê con nên thương con rể như con mình. Con tôi biết chính chúng nó là những mũi thuốc Morphine làm xoa dịu cơn đau tận cùng của tôi cho nên dù đã trưởng thành vẫn thường xuyên về nhà âu yếm, vỗ về mẹ. Con tôi cũng là nguồn sống và nơi nương tựa vững chãi nhất của cuộc đời đang lao đao hụt hẫng của tôi. Có lẽ, tình thương, tình yêu tôi dành trọn cho con tôi là một bù đắp cho một khoảng thiếu vắng trong phần đời thơ ấu của chúng nó, và cũng là một phản ảnh của phần đời mất mát của chính tôi thuở bé.
Quãng đời ấu thơ của tôi là nỗi đau day dứt miên viễn trong tim. Mỗi tối khi một mình trên deck nhìn mông lung ra bờ hồ lung linh ánh hải đăng tôi chợt nhớ đến một nơi chốn rất xa xưa. Một dinh thự đồ sộ nằm đối diện bờ biển ngày còn ở Tuy Hòa. Tôi biết yêu dòng nước, yêu sóng biển thời còn bậc tiểu học. Những buổi sáng mặt trời hồng rực rỡ tỏa những dải kim tuyến dài trên những dòng sóng nhẹ nhàng, tôi bâng quơ mơ tưởng đến những cánh buồm xa tít mù khơi, những đêm nằm nghe sóng biển rạt rào như những lời vỗ về cho một thiếu vắng đơn côi vì nhớ mẹ. Ba tôi là một người hào phóng, và có những đam mê của một người đàn ông có uy quyền, thế lực nên chi mẹ tôi cứ phải đi xa hoài để tránh đi những nổi đau muôn kiếp. Mẹ đi ròng rã cả mấy tuần, mấy tháng liền và mỗi đêm tôi ôm chị người làm khóc ngất vì thèm hơi ấm của mẹ. Thời gian đó tôi “gần gũi” với mẹ bằng cách ngồi hằng giờ nghịch ngợm với những thỏi son, những hộp phấn hồng, những lọ nước hoa trên bàn trang điểm trong góc phòng với những giọt nước mắt ngắn dài.
Trong ký ức nhỏ nhoi của tôi, bên khuôn cửa vuông màu trắng, qua bức màn mỏng xanh nhạt, có con bé ngồi đó mỗi sáng, mỗi chiều nhìn ra bờ biển bao la, mênh mông ngập sóng.Tôi đã ước ao làm ngọn hải đăng đứng lẻ loi trong đêm vắng, tôi đã mong đợi một bà tiên hiện đến biến tôi thành những ngọn sóng xa khuất trùng khơi để tôi không có ngày về. Sau bức tường trắng, khi chiếc cửa sổ khép lại, chú quản gia đã hốt hoảng khi nhìn những nét chữ ngoằn nghoèo bằng mực tím với bài thơ đầu tiên trong đời mang chút cay đắng của con bé học lớp nhất, chú đã vội vàng kêu người vào sơn quét lại bức tường sợ tôi bị đòn vì tội nghịch phá.
Rồi sóng sẽ cuốn tôi đi
Một nơi xa tít mù
Linh hồn và thể xác
chôn vùi dưới lòng biển sâu
Mẹ sẽ khóc vật vã
Anh sẽ âm thầm nhớ cô em nhỏ
Nhưng liệu có giọt nước mắt nào
Trong khóe mắt của ba?
Khi còn trẻ ba tôi đi hành quân liên miên và tôi nhớ cái cảm giác xa lạ với ba khi tôi mân mê những mảnh huy chương nhỏ, lớn đủ màu của ba đựng trong hộp bánh Lu.Trí óc non nớt của tôi lúc đó đã đầy rẫy phẩn nộ, cái phẩn nộ của một đứa bé đang bị bỏ rơi trong thế giới ấu thơ thèm khát một vòng tay ôm, một nụ hôn của cha mẹ. Về sau thì đời sống của ba càng ào ạt phong ba với những quyến rũ ngấm ngầm làm tan nát hạnh phúc gia đình.
Thời gian ở Tuy Hòa tôi chỉ biết có mỗi con đường Trần Hưng Đạo vì đó là con đường dài chạy từ dinh thự đến trường học mà mỗi sáng tôi được đưa đến trường và buổi chiều bị đón về. Đó cũng là con đường mỗi ngày khi xe đi ngang qua đường phố, qua quán chè là nhà của một cô bé học chung lớp, tôi đã thèm thuồng nhìn bước chân tung tăng của những con bé cùng tuổi trên vỉa hè dọc theo quán nước sau giờ học, ước ao mình cũng được sự tự do, sung sướng đó của tuổi thơ. Bất cứ ai nhìn vào đời sống của tôi cũng cho tôi là may mắn, hạnh phúc tuyệt đỉnh, chỉ có tôi mới nhìn thấy sự bất hạnh của một con bé đang thèm khát một hạnh phúc bình thường của gia đình.
Đời sống đầy vật chất xa hoa và địa vị, chức tước làm con người sống trong mộng mị, ảo ảnh. Mẹ tôi là nạn nhân của phong kiến “xuất giá tòng phu”. Để có thêm tự do, ba tôi đã bắt buột mẹ phải đi xa lo việc xây cất nhà cửa thêm ở từng tỉnh lị khác nhau, lấy cớ sau này đám con khi trưởng thành sẽ cho mỗi đứa một căn nhà lập nghiệp. Cuộc sống thường xuyên vắng bóng mẹ và những vui chơi náo nhộn, vất vưởng của ba với đám bạn bè đầy uy thế tạo nên khoảng cách giữa tôi và ba từ dạo bé ,và không may còn tồn tại mãi trong quãng đời dài cho tới khi ba mất. Dĩ nhiên, đến cuối cuộc đời khi ba cần đến tình gia đình thì lúc đó tình thương đã nguôi lạnh, hững hờ từ những đứa con. Chỉ có mẹ là can đảm đi cạnh cuộc đời với ba mặc những đớn đau, ê chề mà mẹ phải chịu đựng cả một kiếp người.
Là con gái một nên đời sống rất “cấm cung” của tôi tiếp tục kéo dài theo năm tháng cho tới khi lên tới bậc trung học. Bạn bè tôi thật hiếm hoi vì đi đâu tôi cũng có những ông anh canh giữ. Tôi lớn lên giữa một đám con trai “trước lạ sau quen”, đó là những người bạn của những ông anh mà dù muốn dù không tôi cũng phải “nhập bọn”. Bởi thế hàng chục năm sau khi gặp lại, có những người còn nhắc tới những kỷ niệm khi tôi còn nhỏ. Cũng có người sau này là tình thân gia đình, là nguồn an ủi của tôi khi tôi phải đương đầu với những phong ba, sóng gió của cuộc sống chính mình. Anh Minh, chị Túy, những lời cám ơn chân thành của cô em xin gửi đến anh chị. Không bao giờ tôi có thể quên được sự săn sóc, nâng đỡ tinh thần của anh chị những khi tôi sống trong biển nước mắt.
Người bạn thân đầu đời của tôi là Mai, người chị dâu lớn hơn tôi vài tuổi, chúng tôi bắt đầu tuổi “ô mai” muộn khi đặt chân lên nước Mỹ và cùng nhau khám phá, tìm tòi những lạ lùng trên xứ người. Trong cái lạnh ghê hồn của miền bắc nước Mỹ, tôi tìm hơi ấm của tình bạn, tình thương từ Mai. Mẹ tôi có thêm một người con gái cho nên cưng cả hai đứa. Không có kỷ niệm nào có thể thay thế được kỷ niệm của những đêm hai đứa trốn nhà đi chơi, gọi là đi chơi chứ thật sự trong cái tỉnh lị đi dăm phút đã về chốn cũ đó, cái thời thanh bình đó, chúng tôi đã cười nghiêng ngả khi cùng nhau lội tuyết. Tuyết đổ càng nhiều thì bầu trời càng sáng, hai chị em tôi dắt tay nhau té lên té xuống trên những đống tuyết lạnh mềm để đi kiếm cho được tiệm Pizza Hut. Rồi những buổi chiều Mai chờ tôi đi học về để đi Hardees ăn roast beef, đi Dairy Queen ăn banana split. Bữa nào tuyết đổ nhiều thì đành chờ mẹ tôi đi làm về đem cho hai đứa miếng Apple Pie còn dòn, giành nhau đổ kem Vanilla lên làm thành pie a la mode. Ôi, một thời rất hồn nhiên, ngây ngô trong ký ức.
Một lần nào đó tôi đã viết về nỗi giận dỗi của mình khi Mai quyết định ra đi. Tôi không hiểu nhiều về sự đổ vỡ giữa chị và anh tôi, tôi chỉ biết là mình đã oán trách chị vì Mai đã quay lưng, bỏ mặc tôi chới với trở lại trong cái thế giới cấm cung cô đơn của mình. Mới đó mà đã bốn mươi năm, chúng tôi vẫn còn liên lạc với nhau thường xuyên. Mẹ tôi vẫn bảo hai đứa mi nói chuyện thì giống như rồng rắn lên mây có cây lúc lắc, nói hoài không hết chuyện. Năm ngoái tôi và chị gặp nhau ở Hawaii, chị ôm tôi muốn ngộp thở và hôn lên má tôi rồi rưng rưng nước mắt“nhớ cưng quá chừng chừng”. Bao giờ chị cũng dịu dàng, âu yếm với tôi như một đứa em còn nhỏ dại. Đêm đầu tiên tôi đến, hai chị em thức suốt sáng tâm sự. Nổi lo âu của chị về Ru, đứa con trai đầu lòng và cũng là đứa cháu thương yêu của tôi. Thuở đó tôi mê Ru như mê một con búp bế và cho đến bây giờ dù Ru đã khôn lớn, đã có một đời sống riêng, tình thương tôi dành cho Ru lúc nào cũng còn đó. Tôi san sẻ nổi lo âu cùng Mai, trong thâm tâm chị biết bao giờ Ru cũng là đứa con “thứ ba” của tôi vì tôi yêu cháu như yêu con. Tôi luôn cầu mong cho Ru tìm được một an bình trong đời sống còn rất son trẻ của Ru.
Những ngày ở với chị sao quá ngắn ngủi, dù sao thì cũng cám ơn anh B. đã cho tôi “mượn” hẳn chị trong thời gian tôi ở Hawaii. Sáng nào anh cũng đi sớm, còn tôi và chị thì cứ nhâm nhi ly cafe tán gẫu, rồi chị kéo tôi vào phòng trang điểm như ngày nào của mấy chục năm trước chị dạy tôi thoa một chút phấn son cho ...thiên hạ mê chết luôn. Bây giờ nhắc lại thì chị bảo chắc chắn vẫn còn nhiều người mê mà. Chị hay dí dỏm chọc tôi như thế cho tôi vui vì chị biết tôi đang có những nỗi buồn chất ngất trong lòng. Trời ơi, hai chị em tha hồ trang điểm xong để chỉ có ý định là sẽ chạy một vòng lên Diamond Head. Đường lên chân núi cây xanh, phượng đỏ, mây trắng,và khi lên đến nơi nhìn xuống chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, hùng hồn của núi và vẻ thơ mộng của bãi biển nằm dưới chân núi. Từ núi hai chị em chạy ngược về thành phố, nơi lúc nào cũng tấp nập du khách và nhộn nhịp với tiếng nhạc vui tươi. Mai và anh B. chọn một nơi thật là lý tưởng để hưởng nhàn. Tôi mừng cho chị có được đời sống êm đềm, nhàn hạ. Tôi thì còn phải “đi cày” lâu lắm mới nghĩ tới chuyện hưu trí được.
Ở Waikiki chúng tôi đi bộ nhiều, không may là đầu gối bên trái của tôi bị đau, tình cờ Mai cũng bị giống tôi, cái đầu gối của dân chạy bộ nhiều năm nên bắt đầu .. trở chứng lỏng lẻo. Mai đeo trên đầu gối một cái “brace” cho đỡ đau, đang đi giữa đường thì chị bỗng ngừng lại, tháo nó ra đưa cho tôi “ chị hết đau rồi tới phiên cưng mang vào đi”. Chị làm tôi muốn khóc òa giữa phố, nhận cái “brace” không phải vì đau mà vì muốn làm chị vui lòng. Thế là hai chị em khập khểnh đi khắp hang cùng ngõ hẹp. Khi ngừng lại ở một góc phố, cả tôi và Mai, hai cặp mắt đều sáng trưng và reo lên vui mừng vì cả hai đều thấy ở bên kia đường nhấp nhánh một bảng hiệu với chữ “CHÈ”. Thế là hai đứa không ngần ngại, bất chấp cơn đau lê bước qua ăn cho được hai ly chè ba màu từ cái quán do một người Việt Nam làm chủ. Hai đứa tôi, đứa nào cũng đã năm bó tuổi mà còn thích ăn vặt như thuở nào. Mai bảo mai mốt già hai chị em mình ở với nhau. Tôi nghĩ thầm có lẽ lúc đó hai đứa tôi sẽ ngẩn ngơ dẫn nhau đi chơi và chắc chắn sẽ lạc lối về vì bệnh lẫn.
Mùa đông đang lạ lùng trở về vì ngày bắt đầu với những giọt nắng vàng óng ánh trên mặt hồ. Tôi đang hít thở cái lạnh tinh khiết từ làn gió rét và hưởng thụ sự chết lặng êm đềm của không gian quanh mình. Bất chợt, nhớ tới mấy câu thơ không biết đọc từ lúc nào, của ai, chỉ biết chắc chắn là không phải thơ của chính mình nhưng lại nhớ như in trong đầu.
Mùa đông trên cao cây vừa mê ngủ
Mùa đông trong em có nắng vàng mông mênh
Có gió về từ con đường khô lá
Có tôi chưa về kịp đời lênh đênh
Ngoài không gian và thời gian, ngoài giọt nắng vàng, dòng nước trong vắt, dãi mây trắng thênh thang, tôi còn có làn hơi ấm rất gần, vòng tay ghì xiết thật chặt của những đứa con. Tôi còn có Mai, có Ru, có vùng kỷ niệm cũ. Mặc dù có những mất mát của một phần đời, tất cả những yêu thương chân thật đó đang ở cạnh tôi, đang cho tôi hơi thở của từng ngày, chỉ cần tôi có can đảm đẩy xa nỗi đau đã và đang qua, chắc rồi đời tôi sẽ bớt lênh đênh.
Nguyễn Thị Huế Xưa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét