"QUYỀN IM LẶNG" - CÁCH CHỐNG BỨC CUNG CỦA NGƯỜI VÔ TỘI

'Quyền im lặng' 
- cách chống bị bức cung của người vô tội

Thứ hai, 22/6/2015 | 09:22 GMT+7


Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu hiểu áp dụng 'quyền im lặng' sẽ làm tội phạm “im như thóc” là chưa đúng. Càng là tội phạm chuyên nghiệp, nguy hiểm thì có khi càng khai nhiều để vẽ ra một bức tranh có lợi cho họ.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa



'Quyền im lặng' theo quy định tại dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) là quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (ủy viên Ủy ban Tư pháp), quyền này là một quyền nhạy cảm nhưng trước hết nó dành cho mọi công dân và để bảo vệ người vô tội. Đôi lúc người dân gặp tình thế bị nghi là có tội và cơ quan tố tụng ép người dân phải nhận tội, nếu không nhận tội thì người dân phải khai báo, phải làm nhiều thứ, có thể phải bộc lộ cả bí mật đời tư để chứng minh là mình vô tội.

- Theo luật sư, cơ quan điều tra gặp khó khăn gì trong công tác phòng, chống, trấn áp tội phạm nếu quy định về 'quyền im lặng' được thông qua?

- Những người thực sự có tội cũng được hưởng quyền này. Điều đó chắc chắn sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Nhưng quyền này lại có tác dụng chống oan sai. Có những trường hợp một người thực sự không phạm tội nhưng cơ quan điều tra cứ nghĩ có tội, dẫn đến dùng nhục hình để ép nhận tội. Do đó khi nghi can sử dụng quyền này thì cơ quan điều tra phải đi chứng minh họ phạm tội bằng chứng cứ chứ không thể chỉ bằng lời cung hoặc mớm cung, bức cung, dùng nhục hình.

Tôi cho rằng phải hiểu không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội là quyền con người. Quyền này đã được ghi trong Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Công ước quốc tế đưa quyền này vào trước hết là để giữ an toàn cho mọi công dân, đương nhiên trong đó có cả những người phạm tội
.
Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc nếu cơ quan điều tra muốn buộc tội một người thì phải đi tìm chứng cứ chứng minh. Mà khi cơ quan điều tra và VKS đã có đủ chứng cứ chứng minh một người phạm tội thì tòa có quyền kết tội cho dù người đó không nhận. Đương nhiên khi đã nói đó là quyền thì việc sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào người được hưởng quyền đó.

quyen-im-lang-1860-1434938753.jpg 
Thạch Sô Phách (trái) và Trần Hol là hai trong 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bức cung, 
nhục hình gây chấn động dư luận.

- Thực tế không phải ai cũng im lặng trước cơ quan điều tra. Đôi khi người ta còn muốn khai báo nhanh chóng, thành khẩn nữa, thưa ông?

- Đúng thế. Nhưng muốn người ta khai báo nhanh chóng, thành khẩn còn tùy thuộc vào cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra phải giải thích cho người ta rằng “anh cứ nói sự thật, nếu anh vô tội, anh cứ nói hết để chúng tôi giải tỏa cho anh, để anh khỏi bị nghi ngờ”.

Cơ quan điều tra phải thuyết phục người ta. Có người nói quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội giúp cho tội phạm không cần khai báo. Có khi tội phạm còn tự nguyện khai báo vì họ luôn tìm cách khai báo những gì có lợi cho họ. Nếu nghĩ rằng áp dụng và tôn trọng những quyền đó sẽ làm cho tội phạm “im như thóc” thì đó là suy luận chưa hẳn đúng. Bởi lẽ càng là tội phạm chuyên nghiệp, nguy hiểm thì có khi càng khai nhiều để tìm cách dẫn dắt cơ quan điều tra đi lạc hướng hay vẽ ra một bức tranh có lợi cho họ.

Theo tôi, quyền này là để chống bức cung đối với người vô tội, chứ tội phạm chưa chắc ai cũng sử dụng. Một người bình thường, hoàn toàn không liên quan thì chắc chắn người ta cũng trình bày thôi chứ không im lặng đâu. Nhưng giả dụ như người ta chưa suy nghĩ được, người ta cần bình tĩnh, nhất là sau khi vụ án vừa xảy ra mà người ta có liên can thì anh không thể bắt người ta khai báo ngay lập tức khi chưa có luật sư. Nếu nghi can khai báo trong tình trạng đó thì sẽ bất lợi, chưa kể khi bị tạm giữ, bị bắt thì sẽ bị khủng hoảng, bức bách nhiều thứ, dễ khai báo không chính xác, hay nhầm lẫn.

- Ngoài đề xuất quy định quyền trên, dự thảo còn đưa ra nhiều đề xuất tiến bộ khác. Theo ông, các cơ quan tố tụng sẽ gặp khó khăn gì nếu các đề xuất này đều được Quốc hội thông qua?

- Hiến pháp 2013 đã quy định nguyên tắc tranh tụng nên các cán bộ tố tụng cần phải chuẩn bị. Dựa vào nguyên tắc này, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép bị can, bị cáo, người bào chữa… được quyền thu thập chứng cứ. Khi người ta đã được quyền thu thập chứng cứ thì cơ quan tố tụng sẽ vất vả hơn nhưng lại an toàn hơn cho công dân và đặc biệt sẽ hạn chế được oan sai. Điều này dẫn đến một hệ quả khi chưa đủ chứng cứ thì không thể kết tội một người nào cả.

Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự còn có những đề xuất về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung; thay đổi trình tự xét hỏi tại phiên tòa theo hướng VKS hỏi trước; vị trí chỗ ngồi của luật sư ngang với kiểm sát viên; hạn chế việc trả hồ sơ; mở rộng trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa…

Dù cho có những người không đồng tình nhưng những điểm tiến bộ đó sẽ đưa tố tụng hình sự tiến lên một tầm cao mới. Mà khi tiến lên thì phải chấp nhận thách thức. Cần phải chuyển đổi mô hình tố tụng, nâng cao mô hình tố tụng lên một bước theo hướng dân chủ hơn, văn minh hơn, an toàn hơn cho người dân. Khi nâng lên như thế thì sẽ có những khó khăn cho các cơ quan tố tụng nhưng đó là cái khó của sự phát triển đi lên, của cái mới tiến bộ.

- Với việc bổ sung nhiều quy định mới trong tố tụng hình sự để đảm bảo hơn quyền con người nguyên tắc “không để oan sai, cũng không để lọt tội phạm” sẽ đi vào thực tiễn thế nào, thưa ông?

- Thực tế thì bao giờ cũng có một tỉ lệ xử oan hoặc lọt tội, chỉ cao hay thấp. Nước nào cũng vậy. Việc “không để oan sai, cũng không để lọt tội phạm” là một trạng thái lý tưởng. Mà những điều lý tưởng bao giờ cũng là mục tiêu phấn đấu. Chúng ta luôn phải phấn đấu để đạt đến điều tốt đẹp này.
.
Theo ông Nghĩa, hệ thống tố tụng của chúng ta không tự phát hiện được oan sai. Nhiều vụ oan sai cho thấy thậm chí đến giai đoạn giám đốc thẩm cũng không phát hiện ra. Trong khi đó, oan sai không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn gây thiệt hại cho uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, làm mất niềm tin vào các cơ quan tố tụng. Nếu có hệ thống kiểm tra, phát hiện oan sai sớm thì thiệt hại sẽ được giảm thiểu.
Từ đó, ông Nghĩa và nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất phải tách hai cơ quan giam giữ và điều tra ra. Cạnh đó, ông cũng đề nghị phải thành lập hai cơ quan công tố và kiểm sát riêng biệt ngay trong VKS. Nếu không thì như người dân vẫn nói, sẽ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Theo Pháp luật TP HCM
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét