U TÔI

Nhân dịp 10 năm Mẹ đi xa - 20.5 AL năm 2005

…Từ năm 1956, nhà tôi định cư ở phố Ngái. Thời đó, phố Ngái cùng với Phả Lại, phố Thiên là 3 trung tâm của huyện Chí Linh. Người miền Gia Lộc, Tứ Kỳ… không nói “lên Chí Linh” mà bảo là “ra Thiên Ngái”. Phố Ngái có chợ Ngái là chợ lớn nhất huyện.
Nhà tôi nằm ngay giữa phố Ngái lại cạnh một trong hai con đường vào chợ nên có thể nói là “đắc địa”. Hồi ấy mạng lưới thương nghiệp quốc doanh chưa phát triển, hệ thống cửa hàng chưa nhiều nên các cửa hàng bách hoá phải sử dụng những tư thương cũ đến nhận hàng về bán ăn “hoa hồng” gọi là bán “uỷ thác bách hoá”. U tôi - mấy anh em nhà tôi gọi bố là “Bố”, còn gọi mẹ là “U” - cũng là một tư thương dạng như vậy. Với vị trí đắc địa như nhà tôi và cái tính xới lởi của u tôi hàng nhà tôi bao giờ bán cũng chạy nhất. Mới 4, 5 tuổi tôi đã biết uống bia cũng bởi vì cái cửa hàng này. Chả là hồi ấy ở Chí Linh có Trường miền Nam là nơi tập trung các chú cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc ở cách nhà tôi độ 5 cây số, các chú hay ra phố Ngái đá bóng. Vì bố tôi cũng hay đá bóng cùng các chú nên mỗi khi kết thúc trận đấu các chú lại kéo về nhà tôi uống bia. Hồi ấy bia Trúc Bạch ba hào một chai, bia Hà Nội hai hào tám nên dân thường không mấy ai uống, có người lại kêu “khai như nước đái bò” nên chủ yếu do các chú miền Nam tiêu thụ. Đồ nhắm của các chú khi uống bia rất đơn giản, chủ yếu là bánh đa nướng và một món nữa tôi hay bị sai đi lấy về là hoa bèo Tây (các chú gọi là lục bình) ở ao nhà ông Viêm. Sau khi hái một nắm hoa bèo Tây về thế nào tôi cũng được các chú bế lên lòng cho uống bia, lúc đầu cũng thấy đắng nhưng rồi sau tôi uống được hàng cốc.

Với hai bàn máy may, một gánh hàng đi chợ, một sạp bán “uỷ thác bách hoá” tại nhà gia cảnh nhà tôi cũng không đến nỗi khó khăn, anh em tôi không đứa nào phải mặc quần áo vá đi học, cơm cũng không bị đứt bữa bao giờ (tuy nhiên, chỉ được ăn ngày hai bữa, không ăn sáng).

U tôi là người đảm đang, yêu chồng thương con và tham công tiếc việc. Nói cho công bằng theo các tiêu chuẩn thời nay thì bà là một người khá đẹp gái. Cao trên 1mét 65, da trắng, môi đỏ, khuôn mặt ưa nhìn, mái tóc dài và hai bên tóc mai hơi xoăn. Còn về công việc thì miễn chê. Tôi còn nhớ hồi ấy ngoài việc đi chợ, bán hàng ở nhà bà còn nhận thóc ở kho lương thực về xay giã lấy cám - gọi là xay thóc tạ. Mỗi tạ thóc phải nộp lại cho kho 65 cân gạo, còn cám, trấu thì được lấy coi như trả công. Gặp được mớ thóc tốt có khi cũng dôi ra được vài cân gạo tấm. Vì vậy bà ham lắm, mỗi tuần bà nhận vài tạ (cũng phải có ông bác Trưởng phòng lương thực mới được vậy chứ nhiều người muốn làm lắm). Cứ buổi tối sau khi cơm nước xong lại lăn xả vào xay thóc, giã gạo, dần sàng cho đến khuya. Mặc dù là con gái không được đi học nhưng u tôi là người thông minh, bà thuộc lòng Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai và nhiều tích truyện khác, nhiều hôm vừa giã gạo bà vừa thao thao đọc thơ hay kể chuyện, tôi còn bé tý nhưng cũng lau chau chen vào đứng giã để nghe quên cả buồn ngủ. Tuy vậy, theo bố tôi thì u tôi là người “lắm điều”. Quả thật khi có vụ việc gì đó xảy ra thì bà nói nhiều lắm, lại còn trích dẫn ca dao, tục ngữ nữa chứ. Đôi khi bà cũng rất ác khẩu, nghe bà rủa cứ như bị móc thịt ra ấy. Thuở bé tôi hay đọc, vớ được cái gì cũng đọc, nhiều hôm bà tìm để sai việc không thấy bà rủa: “Mày thì vớ được tờ giấy chùi đít của người ta cũng cắm mặt vào mà đọc, đọc gì mà lắm thế, rồi thì lấy c. mà ăn”.
Tuy nhiên, cũng chính bà là người đã rèn cho chúng tôi những nết ăn, nết ở đầu đời. Đơn cử chỉ một việc nhỏ như ngồi ăn cơm thôi nhưng cũng có bao nhiêu là phép tắc: nào là ăn trông nồi, ngồi trông hướng, nào là không được vét nồi để phát ra tiếng kêu quèn quẹt, nào là không được nối đũa (ai gắp cho cái gì phải đưa bát ra nhận, không dùng đũa gắp lấy), gắp thức ăn phải cho vào bát rồi mới ăn chớ có “quăng tọt” vào mồm, hoặc đã động đũa vào miếng nào là phải gắp miếng đó không được xới tung lên để chọn, nào là khi trong miệng đang có cơm hoặc thức ăn thì không được nói, rồi thì ho phải che miệng hoặc quay ra ngoài v.v… và v.v… Lúc đó thì thấy gò bó nhưng rồi khi lớn lên tôi mới hiểu đó là những bài học đầu đời quý giá. Sau này đi bộ đội, thấy một số người trước khi ăn lại lấy đôi đũa của mình khoắng khoắng vào bát canh tôi rất lạ. Ở nhà tôi, những chuyện như vậy bị cấm tiệt, nhẹ thì cũng một cái đũa cả đánh vào tay. Bát canh là của chung cả nhà, đôi đũa là của riêng mình sao lại làm vậy? Với bố tôi nhiều khi bà cũng chẳng nể nang gì. Bố tôi thì nhiều bạn, lại hay uống rượu có khi bỏ bê công việc, khách đến hẹn nhận quần áo mà không có trả bà lại làm ầm lên. Những lúc ấy bố tôi lại phải dùng đến chính sách “quân phiệt”. Nhưng với gia đình hai bên và họ hàng thì theo đánh giá của tôi - tất nhiên là sau này, khi tôi đã lớn - thì bà là một người con, một người dâu hiếu thảo. Với ông bà nội, ngoại tôi thì tôi chưa thấy mẹ tôi có một lời hỗn láo nào mà chỉ phục tùng răm rắp. Sau này, khi ông bà hai bên và bố tôi mất đi thì bà cũng thể hiện rất rõ vai trò người dâu trưởng. Chính bà đã về quê gốc tổ chức xây dựng khu mộ gia đình một cách rất quyết liệt làm cơ sở để cho chúng tôi tu tạo sau này.

Có vẻ mạnh mẽ như vậy song thực ra u tôi rất “dát”. Bà có những cái sợ rất buồn cười. Nhà có xe đạp, bố tôi động viên bà tập đi để nếu đi chợ xa thì lai hàng đi đỡ phải gánh bộ cho nó nhàn. Ấy thế mà ròng rã hàng mấy tháng trời ông giữ xe cho bà tập vẫn không thành công, cứ bỏ tay ra là bà không đi được nữa vì sợ nó đổ. Mấy bà bạn chợ sau đều đi xe đạp được, còn mẹ tôi đến cuối đời vẫn chịu không biết đi xe. Cái tính dát đó càng thể hiện rõ rệt khi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra. Cứ nghe tiếng máy bay là bà như không còn hồn vía nào nữa, bỏ tất cả đấy chạy xuống hầm. Vì nhà ở ngay cạnh quốc lộ, 2 đầu phố lại có 2 cái cầu (thực ra là nó nhỏ như lỗ mũi thôi) - song bà dứt khoát thế nào Giôn Xơn nó cũng ném bom nơi đây. Vì vậy, những khi không phải đi chợ bà kéo mấy đứa em tôi ra giữa đồng dựng lều ở. Đến lúc nắng quá không chịu được thì kéo nhau vào trong xóm Đông hoặc Cầu Dòng “cho xa đường cái”- như lời bà nói.
(Còn nữa)



U tôi và các con cháu:

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét