Khoai@
Từ Trường Sa, phóng viên Viễn Sự của Báo Tuổi Trẻ và phóng viên Mai Thanh Hải của báo Thanh Niên cho thấy những hình ảnh mới nhất về việc Trung Quốc đang xây cất trái phép rất nhanh các công trình trên đảo Huy Gơ (Bãi Tư Nghĩa) và đảo Gạc Ma của Việt Nam.
1. Đảo Huy Gơ là một đảo chìm thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ ngày 28-2-1988.
Đây là những hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ vừa chụp từ đảo Huy Gơ:
Theo PV Viễn Sự, từ một đảo chìm ban đầu, Trung Quốc đã san lấp đảo Huy Gơ thành một đảo nổi hoàn toàn với diện tích khoảng 10 ha, có hình dáng chữ L.
Cách đây một năm, đảo Huy Gơ chỉ có một căn nhà 2 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ. Quan sát từ hình ảnh PV chụp được, ngoài khối nhà 9 tầng đang dần hoàn thiện, trên đảo Huy Gơ còn có hai khối nhà thấp hơn, cao từ 4 – 5 tầng và một tháp quan sát phía trước khối nhà 9 tầng cũng có độ cao tương tự, được xây theo hình trụ. Phía trước các dãy nhà này Trung Quốc đã cho bứng các cây lâu năm, chủ yếu là cây dừa từ đất liền ra để trồng.
Trên đảo Huy Gơ lúc này, công trường xây dựng vẫn rất tấp nập, gồm nhiều cần cẩu lớn, nhà máy trộn bê tông và đậu cạnh đảo là hai tàu vận tải lớn đang vận chuyển cát, đá san hô hút được từ vùng biển lân cận để bồi đắp đảo. Ngoài việc bồi đắp và xây dựng khối nhà 9 tầng, Trung Quốc cũng cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đảo Huy Gơ, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu vài ngàn tấn vào cảng.
2. Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm trong cụm Sinh Tồn thuộc Quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Bãi đá này nằm cách đá Cô Lin khoảng 3,5 hải lý về phía đông nam và bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ ngày 14.3.1988, sau khi bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải quân sự và giết hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Toàn cảnh bãi Gạc Ma với các công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép
Ngay sau khi chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc xây dựng căn cứ gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến đầu năm 1989, họ đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc. Từ năm 2014, phía Trung Quốc tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu từ bờ, tiến hành đào đắp để xây nhà công trình, đường sá, bến tàu và các hạng mục kiên cố khác tại Gạc Ma.
Thời kỳ cao điểm, bên cạnh hàng chục tàu vận tải chuyên chở máy móc thiết bị - vật liệu xây dựng, phía Trung Quốc còn huy động các tàu cá bọc sắt làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Gạc Ma và nhất là 2 tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 528, 535 để ứng trực, xua đuổi các tàu thuyền khác đi gần bãi đá.
Đọc thêm »
0 nhận xét:
Đăng nhận xét