CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP – THÁCH THỨC MỚI

HoàngThịnh@

Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể mang lại những thuận lợi cũng như thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Bài viết này đưa ra một góc nhìn khác về TPP, vấn đề công đoàn độc lập (CĐĐL) và những nguy cơ tiềm tàng đối với người lao động Việt Nam. 

Mới đây, dự luật cho phép Chính phủ Mỹ thực hiện cơ chế “fast-track” (đàm phán nhanh) trong đàm phán TPP đã được trình Quốc hội Mỹ xem xét. Nếu được thông qua, việc ký kết TPP nhiều khả năng sẽ hoàn thành ngay trong năm 2015, khi đó, TPP gồm 12 thành viên trở thành khu mậu dịch tự do (FTA) với hơn 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và 40% sản lượng kinh tế thế giới. Lợi ích đem lại từ khu FTA khổng lồ này là không thể bàn cãi đối với nền kinh tế Việt Nam ở tầm vĩ mô cũng như lợi ích của người lao động ở góc độ vi mô. Tuy vậy, bên cạnh những khó khăn thách thức đặt ra với các cấp quản lý khi tham gia một sân chơi lớn như TPP, còn tiềm ẩn những nguy cơ đối với người lao động khi quyền tự do liên kết, tự do lập hội được nới lỏng…

Một trong những điều kiện để gia nhập TPP là quốc gia đó phải cho phép thành lập CĐĐL. Về bản chất, CĐĐL là một hình thức tổ chức xã hội dân sự (XHDS- khái niệm rất phổ biến ở các nước phương Tây), vốn được coi là lực lượng phản biện cùng với Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật, đẩy lùi nạn quan liêu tham nhũng. Do đó, việc hình thành CĐĐL sẽ hạn chế tình trạng “công đoàn vàng – công đoàn của giới chủ” đang hiện hữu ở một số cấp cơ sở đi ngược lại quyền lợi chính đáng của công nhân. Nhưng đây cũng trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng cơ hội trục lợi.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, những kẻ lợi dụng CĐĐL, danh nghĩa bảo vệ người lao động hay các tổ chức XHDS “từ thiện” để trục lợi bất chính đã sớm xuất hiện như “Uỷ ban bảo vệ người lao động - UBBV” (2007) và “Liên đoàn lao động Việt tự do - LĐV” (2014) ở châu Âu hay “Liên minh bài trừ nô lệ mới ở châu Á” tại Malaysia lập ra nhằm mục đích che giấu các hành vi đưa người sang lao động nước ngoài trái phép, kiếm tiền tài trợ từ các NGOs và Chính phủ các nước, âm mưu thành lập đảng phái chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những năm gần đây, nhận thấy sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với tổ chức XHDS và cơ hội do TPP đem lại, các tổ chức công đoàn, từ thiện trá hình này cũng thay đổi để thích nghi với những điều kiện mới. Với thủ đoạn tập hợp các vụ tai nạn lao động, đình công của công nhân trong nước, chúng thường tạo ra hình ảnh tiêu cực về phong trào công nhân Việt Nam, hạ thấp vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – cơ quan đại diện hợp pháp duy nhất cho quyền lợi của người lao động cả trong và ngoài nước, giành giật nhau để nổi lên như “ngọn cờ đầu” trong số các tổ chức XHDS hoạt động hướng công đoàn.

Mục tiêu của những tổ chức như UBBV và LĐV bên cạnh việc sử dụng danh nghĩa CĐĐL tìm nguồn tài trợ tài chính của các tổ chức NGOs và Chính phủ các nước phương Tây, còn mang đậm màu sắc chính trị để thực hiện âm mưu nhằm thay đổi chế độ tại Việt Nam thông qua phong trào công nhân – điều đã từng xảy ra tại Ba Lan năm 1989. Nhiều lao động đã cho biết họ được cho tiền để ghi hình phỏng vấn với kịch bản được chuẩn bị từ trước hay rải truyền đơn kêu gọi đình công ở các khu công nghiệp. Vụ bạo loạn, phá hoại máy móc, nhà máy của công nhân các khu công nghiệp Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh xuất phát từ cuộc tuần hành yêu nước ôn hoà năm 2014 là bài học nhãn tiền không chỉ cho các cấp quản lý mà còn cho chính người lao động – những người bị trực tiếp ảnh hưởng khi mất việc, không được trả lương do công ty bị đập phá.

Việc thực thi những cam kết trong chương Lao động của TPP sẽ đem lại lợi ích lâu dài đối với người lao động, lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất đóng góp cho nền kinh tế. Sự xuất hiện của CĐĐL sẽ giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, tuy nhiên không ai có thể khẳng định tất cả các CĐĐL đều hoạt động vì mục đích tốt đẹp như vậy?!
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét