Sự tích San Hô (not sea animal)
Ngày xửa ngày xưa, cách đây vài thập niên, ở một làng quê “chó ăn đá gà ăn muối” nọ có hai ông bà già nghèo sinh được một người con trai, đặt tên là San. Nhà nghèo nhưng San lớn nhanh ra phết, chẳng mấy chốc nhổ giò thành một thằng trai khá cao ráo, mỗi tội kém khôi ngô. Tuy không đẹp trai nhưng San may mắn đứng hàng thứ ba trong bộ tứ dị tướng “nhất lé nhì lùn tam hô tứ quắn” nhờ có hàm răng chĩa ra ngoài một cách khác thường. Thêm nữa San có tật thường hay la lối hô hoán khi bức xúc hay gặp những gì nó cho là lạ
Một hôm người cha gọi San lại và bảo ”Này con, cha mẹ nuôi con tháng ngày vất vả, nay con đã lớn, hãy đi ra ngoài tự kiếm sống, không làm cho cha mẹ nở mặt nở mày được với làng xóm thì cũng tự lo được cho bản thân”. San nói “Được, cha nói vậy thì tôi sẽ đi. Tôi sẽ đến phương Nam, nghe nói đi kiếm ăn người ta thường đi về hướng nam, ít ai đi về hướng bắc”. Người cha nói “Ta có nghe nói về Phương Nam, nơi đó nhìn bề ngoài phồn thịnh chứ thực chất cũng chả giàu có gì. Ở đâu thì muốn ăn cũng phải lăn vào bếp”. Người mẹ nói thêm “Người ta vì cuộc sống mà phải ra đi, chứ không ở đâu bằng quê mình con ạ”. San nói “Tôi đi xa thế bố mẹ sống thế nào?”. Cha San bảo “Con đừng lo, cha mẹ ở nhà rau mắm qua ngày cũng sống được, miễn mày thành đạt”.
Thế rồi San khăn gói quả mướp ra đi. Nơi San dừng chân là một thành phố phương Nam. Mọi thứ nơi đó quá khác với quê nhà San khiến nó choáng ngợp. Nhìn những tòa nhà cao tầng chạy dài, dòng ô tô, xe máy tấp nập, nó nhớ đến những mái tranh lụp xụp, những chiếc xe đạp cà tàng, những chiếc xe bò cọc cách ở quê nhà, San hét lên “Ối giời ơi thế này mà ông già bảo là phương Nam không giàu”. Nhìn những chiếc quần lót Trumph, những miếng băng vệ sinh Softina trong siêu thị, San lại hét lên “trời ơi, sao đàn bà ở đây xài đồ sướng quá trong khi bà già toàn xài xịp rách và vải xô dùng đi dùng lại nhiều lần. Vậy mà bà già bảo không đâu bằng quê mình”. Rồi San ngửa cổ lên trời mà than rằng “Ôi cuộc đời sao quá bất công, tại sao mình lại sinh ra từ xịp rách, vải xô mà không phải từ xilip có ren và Softina cánh mỏng chứ?”. Mỗi lần San hô to như thế lại khiến những người đi đường phải dừng lại ngoái cổ nhìn San như nhìn một thằng điên. Nhưng San đâu có biết, bởi đầu nó đã bị lấp đầy cảm giác nhục nhã của một kẻ thất bại chỉ vì đã sinh ra từ một miền quê nghèo khó và nỗi uất ức rằng đã bị cha dối mẹ lừa.
Ở thành phố, San xác định nghề ở đợ là phù hợp với năng lực với trình độ của mình. Quả nhiên, với đầu óc đa mưu trời phú thể hiện qua đệ tam dị tướng, San không mấy khó khăn để tìm được những ông chủ hào phóng, quảng đại không để ý đến những tiểu xảo kiếm chác vặt vãnh trong khi ở đợ của nó. Nhờ vậy, sau một thời gian điếu đóm hết ông chủ này đến ông chủ khác, San cũng kiếm được một mớ vốn lận lưng.
Một ngày kia, San quyết định về quê một lần để dợt le với hàng xóm và để nói với cha mẹ rằng ông bà đừng có tưởng là đã lừa được tôi.
San về đến nhà đúng lúc ông bà già đang ăn cơm. Bước chân vào nhà, cảnh tượng đập ngay vào mắt nó là mâm cơm có tô cháo gà. San nóng mặt xông tới chỉ tay thẳng vào tô cháo gà hét lên “Tôi bắt quả tang rồi nhé, ông bà bảo rau mắm qua ngày mà thế này à? Ông bà lừa tôi sao?”. Mẹ San hoảng hốt “Kìa con, bố mày đang ốm”. San vẫn tiếp tục “Ông bà lừa dối tôi như vậy chưa đủ sao?” Rồi dường như chưa bõ tức, San lao ra giữa sân chỉ tay lên trời mà hô rằng “Ối làng nước ơi, lại đây mà xem này, ông bà già xúi tôi đi ra lăn lộn cực khổ với đời để hai ông bà ở nhà ăn thịt gà với nhau này. Khốn nạn thân tôi. Tôi bị lừa rồi. Ối làng nước ôi!”.
Bà con lối xóm nghe tiếng San la hét thì lũ lượt kéo tới và hỏi nhau đứa nào la lối hô hoán, chử cha chửi mẹ ầm ĩ thế? Có người trả lời "thằng San nó hô đấy". Có người chỉ nói ngắn gọn “thằng San hô”. Thế rồi cả đám đông cứ lao xao “À, San hô, là thằng San hô”.
Và thế là từ đó người ta gọi nó là San hô.
Hehe thế mới tài.
Trên thực tế có một phiên bản khác của sự tích cái tên San hô, ngắn gọn hơn nhiều, ấy là cũng cái thằng San đấy, người ta gọi là San hô đơn giản vì răng nó vẩu, cứ hô cả ra ngoài.
Nhưng người lịch sự thì bảo răng vẩu là cái tật bẩm sinh, đem cái dị tật cơ thể ra để gọi người ta là không nên. Cho nên gọi nó là San hô với nghĩa “thằng San hô hoán bậy bạ, cha mẹ nó cũng không chừa”, cũng là đem cái dị tật của nó ra mà gọi đấy, nhưng là dị tật trong tâm, thì đáng lắm. Có lẽ vì vậy mà sự tích San hô ở trên ra đời chăng?
Đọc thêm »
0 nhận xét:
Đăng nhận xét