Mai Thảo - khao khát và bất lực


Tìm lại Mai Thảo qua một số bài viết trên Sáng tạo, 
Khởi hành , Vấn đề





 Khoảng
những năm 73-74, kho báo chí văn nghệ Sài Gòn ở Thư viện quân đội  Hà Nội chỉ có hai tạp chí Bách khoaVăn, vì thế văn học miền Nam với tôi lúc ấy chủ yếu là Nguyễn Hiến Lê,
Võ Phiến, Vũ Hạnh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mộng Giác, Ngụy Ngữ, Trần Thị Ng.H...


Tới mấy tháng hè 1976, khi
vào Sài Gòn tìm lại báo cũ ở một kho Thư viện… tôi mới có dịp đọc rộng hơn. Đọc
Khởi hànhThời tập, làm quen với Vũ Khắc Khoan, Viên Linh, Nguyễn Nhật Duật, Cao
Huy Khanh. Trở lại Sáng tạoNghệ thuật, biết thêm các tác giả lớp
trước, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp.


 Mai Thảo 1973-75 là một cái gì đã thành hình
và lẫn đi giữa những người khác. Một người từ xa nhìn vào và chỉ đọc lõm bõm như
tôi không có ấn tượng gì rõ rệt.


 Nhưng trở về thời 1968-70, nhất là đặt ông
trong cái mạch chung văn học miền Nam “thời kỳ góp đá”, mới thấy Mai Thảo rõ
hơn.




        Đọc ông ở Hà Nội trong chiến tranh - tức là
đọc trong ám ảnh của tiếng súng, các đợt đi B, các chiến dịch-- điều mà tôi cảm
thấy rõ nhất chỉ là những tiếng nói gay gắt của con người trước sự xô đẩy của
hoàn cảnh, nó là một thứ phản ứng của người ta trước tình hình thời sự.


       Với những gì đọc được về sau thì không chỉ có
thế.


     Cộng thêm với những hiểu biết về các
tác giả nữ Nhã Ca, Thụy Vũ, Trùng Dương, cộng thêm với những tác giả không
thuộc nhóm phái nào rõ rệt như Nhật Tiến, Duyên Anh, Phan Nhật Nam, hoặc lùi về trước cả Vũ Bằng…, tôi nhận ra
là  có cả một nền văn học mà người ta đã đặt
vào đó nhiều tâm huyết để dày công xây dựng. Người ta đã học hỏi, đã chăm chỉ
viết lách và trước khi chán chường xoay ra đùa bỡn, người ta vẫn làm được một
cái gì đó ở cái mức tối ưu mà hoàn cảnh cho phép.


Riêng về sáng tác, thú thực là tôi không thấy
hấp dẫn bởi một cuốn tiểu thuyết nào của Mai Thảo.


 Nhà phê bình Thụy Khuê có lần cho biết là tác giả Để tưởng nhớ mùi hương thường chẳng giữ lại bất cứ cuốn
sách nào, lý do tôi hiểu chính là ở cái quan niệm về người làm nghề của ông
cũng như cách ông tự đánh giá mình. Hình như bốn năm chục cuốn tiểu thuyết ông
chỉ viết cho vui, viết để lấp đầy những trang báo mà ông tham gia chủ trì mà
cũng là cái cớ để đi lại với bạn bè.


Sự có mặt của ông hiện ra theo
một cách khác. Những tùy bút của Mai Thảo, các bài viết có tính tuyên ngôn các
bài viết về bạn bè của ông thì tuyệt. Tuyệt cả trong những ý tưởng nồng nhiệt
về việc xây dựng một nền văn nghệ lẫn lối hành văn lôi cuốn, cứ như kéo người
ta vào với trang viết.


Tôi cảm thấy phải gọi Mai
Thảo là một nhà hoạt động văn học hàng đầu mới đúng. Ông là người cầm cờ, nhà đạo diễn. Ông sống chân tình kỹ
lưỡng với những đồng nghiệp. Lại có thể nói, với đời sống văn học thời ấy, đó là “đầu tầu’ (chữ của Thụy Khuê) là một
thứ sếp sòng một thứ ông chủ.


 Vào thời điểm tất cả còn đang nhộn nhạo và
lòng người thì đang phân tán, con người từng trải lịch lãm ấy đứng đó để bày tỏ
quan niệm và hướng dẫn  thúc đẩy đồng
nghiệp mỗi người một việc. Sau những ngày sống  bơ vơ và nhiều mặc cảm tại Hà Nội trước 1954,
nay những người như ông đàng hoàng cảm thấy có một trường hoạt động mới và muốn
chung tay xây dựng một nền văn nghệ mới.


 Phóng về
phía trước, kiến thiết xây dựng làm ra chính mình và một nền văn nghệ của mình
…ông
tạo ra cả một khí hậu cho nhiệt tình cho ham muốn. Phải làm vậy, phải làm những
việc mà ông bảo là Hà Nội đáng làm mà lại không làm. Có lần Mai Thảo  viết thẳng trên trên Sáng tạo  là hãy lo tạo
ra  Sài
Gòn  thủ đô văn hóa Việt Nam
.


 Và Mai Thảo có đủ cả nhiệt tình lẫn kiến thức
làm việc đó. Con mắt ông nhìn thấu tiền chiến lại nhìn rộng ra tương lai. Cái
đích mà ông muốn hướng tới thì cao đẹp ngang tầm lịch sử.


      Đến
thời kỳ sau, thời thế chẳng được như ý muốn, Mai Thảo lại là người nói hay nhất
về những cay đắng bất mãn bất lực mà con người miền Nam lúc ấy nhất là các văn
nghệ sĩ tâm huyết phải chịu. Trong cái việc bơi ngược dòng đời con người ấy vẫn
giữ nguyên khí phách và sự sáng suốt.


       Kể cả những con người ở những phương
trời  khác vẫn có thể tìm thấy ở Mai Thảo
những bài học về việc làm người một cách tích cực.


    


      Một sức ám ảnh nữa của Mai Thảo đối với tôi
đến từ bút pháp của ông, dấu ấn của một người Hà Nội.


     Cuối 1976 tôi có may mắn được
gặp Nguyễn Hiến Lê (do Nguyễn Mộng Giác dẫn tới). Nhân hỏi ông Nguyễn về đủ chuyện nghề nghiệp,
tôi cũng nhân dịp  bầy tỏ sự khâm phục về
đặc sắc của các cây bút miền Nam. Và tôi không khỏi đả động tới Mai Thảo,
cái hơi văn mãnh liệt, những đoạn văn chất ngất cảm xúc và cái cú pháp trùng
điệp của Mai Thảo. Khi đọc nhà văn này, những cảm giác về một Hà Nội hào hoa lịch
sự và cả đàng điếm nữa, luôn trở lại trong tôi. Nên dùng chữ gì để tả cái bút
pháp ấy – tôi mang câu hỏi vẫn đặt ra cho mình ra hỏi ông Nguyễn:


-     
Thưa bác liệu có
thể  dùng chữ kiêu sa?


-     
Được có thể được.


So với cái bút pháp tối xám
và cái giọng văn có vẻ hơi khô khan  như Cát lầy của Thanh Tâm Tuyền thì cái hồn
hển nhiệt tình và cả cái bay bướm làm dáng của Mai Thảo có vẻ như không được
hiện đại lắm. Nó nhiều lời quá nồng nã quá. Nó gợi nhớ tới một cách nói chanh
chua điệu đàng như ở Nguyễn Tuân ngày nào. Giữa thời chiến nó là cái gì lạc
lõng. Nó đã lỗi mốt.  Nhưng có hề gì. Nhờ
thế người ta lại không quên được Mai Thảo, thế là được rồi.


Mươi năm gần đây, các đồng nghiệp
trẻ của tôi bên Viện văn học  và các
trường đại học say lý luận khi tìm cách thoát ra giọng văn quê mùa và cái khô
cứng một thời thường ngong ngóng hướng về các thứ lý luận phương Tây.  Hướng về văn học Sài Gòn, các bạn để hết tâm trí
vào cách tân nghệ thuật của các nhà văn trong ấy. Thanh Tâm Tuyền  chẳng hạn, trở thành một kho tàng vô giá. Và
cây bút của Dzư Văn Tâm xứng với  điều
đó.


 Phần tôi, tìm về văn học miền Nam nói chung, tôi
thấy gần gũi hơn ở cái ý thức làm người ý thức làm nghề của các nhà văn trong
ấy. Luôn luôn tôi nhìn các nhà văn SG trước 1975 như là một sự nối dài của cái
thời tiền chiến huy hoàng.


Trong đời làm nghề cũng
nhiều cay đắng buồn phiền của mình, tôi sẵn sàng đọc đi đọc lại những đoạn văn
hay nhất của Mai Thảo. Tôi tìm thấy ông một trong những định nghĩa về nghề văn
ở VN mà bọn tôi luôn luôn kiếm tìm. Có thể người ta có một thứ năng khiếu trời
phú nào đó có thể không, nhưng để làm nghề này, người ta phải biết khao khát,
phải có mong mỏi. Phải say, phải muốn. Nồng nhiệt khôn cùng. Bao nhiêu cũng là
không đủ. Và trước đó, phải biết thật nhiều, biết cái hơn cái kém của những
người đi trước mình cùng là cái mạnh cái yếu của chính mình. Giữa cái thời của
những người đọc bận bịu, sẵn sàng phủi tay rời bỏ trang sách, phải có cái giọng
văn níu kéo người ta lại để người ta không thờ ơ bỏ qua những trang viết của mình. Phải viết như xiết
ngòi bút trên trang giấy và để lại một vết hằn lên trong văn học. Mai Thảo là
thế.








Những đoạn văn sau đây
là  trích ra  từ những ghi chép trong  sổ tay khi đọc Sáng tạo Nghệ thuật Vấn đề…  ở một thư viện Sài gòn mà trên đây đã kể.


Xuất xứ không đầy đủ. Đôi
khi có thể là một hai câu chữ không chính xác.




Ba mươi chín năm trước,
trong hoàn cảnh đơn độc của một người mới tới một thành phố xa lạ và làm cái
công việc thuộc loại không được phép, tôi tránh sao khỏi những  giây phút bao gồm sợ hãi, ngại ngần lúng túng
và cả tự ngờ vực nữa. Nhưng tôi còn nhớ những trang viết của những nhà văn trên
Sáng tạo, Nghệ thuật, Khởi hành Thờ tập ,
Vấn đề…
đã giữ cho tôi bình tĩnh trở lại. Nên mặc dầu là những trang  tôi chép ngày ấy còn khá nhiều lỗi, song khi
đọc lại, tôi tin là cái hơi văn của những ngòi bút như Mai Thảo thì tôi vẫn giữ
được. Công việc tạm thời chỉ là sơ bộ chỉnh lý lại và đặt cho các đoạn văn ấy
những đầu đề  ngắn gọn.





                                               NHỮNG
PHÁC HỌA CHÂN DUNG


 Thói quen nhìn thấy Mai Thảo xuất hiện trên
trang báo nào phải cố tìm đọc ngay đến với tôi bắt đầu từ những chân dung các
đồng nghiệp mà ông phác họa.             




Về Vũ Khắc Khoan






Vũ Khắc Khoan. Một mái tóc đã chiều của một tâm hồn
còn sớm. Những buổi chiều Sài Gòn buồn bã. Những buổi chiều Đà Lạt mù sương.
Mỗi ngày qua thêm một sợi bạc. Âm thầm đe doạ, lặng lẽ tràn đầy. Ly rượu nửa
khuya là ly thứ mấy. Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu. Muốn một thời đại hoàng
kim. Thêm một tấm lòng bè bạn. Mỗi cơn say là một cảm khái ngà ngà, Vũ Khắc
Khoan! Của một tự hỏi, tự hoài nghi và tự bâng khuâng lắm lắm về cái bình sinh
mà mình chưa đạt. Ta đã dùng chi đời ta chưa?


Ai đã dùng chi đời ta chưa?


       
 Ngó ra cái chung, cái đại cuộc
cái toàn thể, nhìn trở vào cái riêng tây, rừng ấy mung lung, núi ấy chập chờn,
nghe từng phiến đá tâm linh rụng dần những giấc mơ không thành tựu. Và tôi, một
trong ít những người bạn của Vũ Khắc Khoan, tôi muốn nhìn ngắm anh như một cần
thiết. Trong cuộc sống hàng ngày thôi, có rất nhiều những giờ phút buồn bã của
chúng tôi có Vũ, người ta nhớ thêm được những điều đáng nhớ, quên mau được
những điều đáng quên và cuộc đời xem được là nhẹ hơn hoặc với đời là nặng hơn
cái trọng lượng tầm thường và phí lý của nó.





 Cả về con người lẫn tư tưởng của Vũ Khắc Khoan
đến bây giờ, tôi cũng chưa đọc gì và hiểu gì. Nhưng đọc đoạn văn trên, tôi thấy
gần ngay với Vũ Khắc Khoan như đã thấy gần Mai Thảo.











Về Trần Huyền Trân






                         Phượng  hoàng
gẫy cánh
.


Đời sống của những người viết văn chúng ta là cái hình
ảnh đó của một vụ mùa những hạt giống sớm, những nhánh mạ đầu có thể rất non
xanh, những mùa nửa chừng mùa, không rực rỡ vàng thành cái nườm nượp mênh mông
cánh đồng lúa chín. Người viết tích luỹ vào hồn mình một vốn sống đầy như biển
đầy, nhưng cái vốn sống kia chưa thể buông thành một ngọn triều vượt thoát khỏi
những bến bờ nội giới, tiếng nói đã tắt, cây bút đã rơi, tròng mắt đã khép, hơi
thở đã đứt, người viết đã chết. Thực tế của người viết đất Việt là một thực tế
mẹ kiếp. Muốn chửi thề. Muốn văng tục. Muốn nhỏ lệ.





Thuế sống rồi con đóng nặng nề


Rồi con viết mướn hay may thuê


Tìm đâu nương náu đi đâu thoát.

Hay sớm lang thang tối ngủ hè






Trần Huyền Trân không tìm được nương náu ở đâu hết.
Không đi đâu thoát hết. Kẻ thù của những người viết văn đất Việt không thoả
hiệp trước hết là thực tế khốn nạn quật đập tàn nhẫn, và thực tế đắc thắng ngửa
cổ cất cao điệu cười khả ố mất dạy. Hai năm nay tôi tìm tài liệu viết cho một
chương trình vô tuyến về thơ và con người Trần Huyền Trân mà không được. Lả tả
những đề tài vụn vặt. Một vài câu thơ, người này còn nhớ, dăm bảy câu khác
người nọ may quá chưa quên. Chỉ có thế. Một hành tinh lạc lõng bay vút qua một
vòm trời nhân thế lạnh lùng, một ánh lân tinh chìm, một vỗ cánh vào hư vô trắng
và trống và phẳng. Đó, những Trần Huyền Trân của chúng ta. Xâu chuỗi những sớm
khuất phi lý là một xâu chuỗi dằng dặc hứa hẹn nối dài, không có dấu dứt. Đời
ngắn quá chừng đời. Đời ngắn không thành đời. Khổng Dương. Leiba. Quách Thoại.
Nguyễn Nhược Pháp. Nhớ thêm nữa, đầu óc choáng váng sẽ chỉ còn là một chất ngất
mộ đầy. Hằng hà âm điệu vàng  ngọc chưa
kịp thoát bay ra ngoài cổ động chồng chồng giấy trắng mực đen có lửa, có hồn,
có đời sống bắt sóng được, có ngôn ngữ làm mới, có bút pháp làm chủ sẽ được
chuyên chở vào kho tàng văn học chúng ta. Nếu những Thoại, Dương, Pháp  kia được sống qua một mùa xuân kia, thêm một
mùa hạ ấy.








Thơ Trần Huyền Trân

Tiếng thơ
Trần Huyền Trân nhọn hoắt của một mũi nhọn ý thức đâm suốt vào hình hài dầy đặc
những ung nhọt rức buốt là xã hội tiền chiến.


Lên thang nghe gió như mưa
thầm


Gác trọ không đèn hết cố
nhân


Nhấc chén nghĩ khinh người
chiến quốc


Phù hoa thường đổi lấy tri
âm





Về Thâm Tâm


Thơ Thâm Tâm
không nhiều
nhưng bài
thơ nào mang trên Thâm Tâm cũng mang tên


Thời thế tối
xám


Phẫn nộ cao
lớn


Sầu hận ngút
ngàn


Cảm khái chất
ngất





Cười vang ném chén tan tành


Khoái nghe vỡ cái bất bình
thành thơ





Thơ Thâm Tâm
chính là sự ném vỡ thời thế khốn nạn.


Thâm Tâm sống


Ngạo nghễ mà
đau đớn


Trầm tĩnh mà
nung nấu.





Về Thạch Lam


… Không hiểu ở đâu, trong một truyện ngắn nào tôi nhớ
và yêu mãi câu văn này của Thạch Lam "
Chàng thấy mình bé quá và lại đi xa"




Thạch Lam đã đi xa. Và ngoài yêu mến cái bút pháp
chuốt lọc, trong sáng và chính xác nhất của văn xuôi tiền chiến ấy hẳn muốn
nhận lấy câu văn này của Thạch Lam vào hồi tưởng, câu văn kết thúc một truyện
ngắn tả mối tình đầu như một loài hoa. 


Mỗi mùa, nàng lại cài một bông hoàng lan lên mái
tóc, để tưởng nhớ mùi hương
.



(Còn tiếp)



















Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét