đỗxuântê
Tác phẩm Phạm Cao Hoàng
Nhắc đến Phạm Cao Hoàng, người ta chỉ nghĩ anh là nhà thơ, một cây bút đã sáng tác nhiều bài thơ trữ tình.
Từ tuổi hai mươi anh đã có thơ đóng góp trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn, đáng chú ý ngoài Bách Khoa và Văn, Ý Thức và Khởi Hành, tên anh đã xuất hiện như một nhà thơ ‘trẻ’, có bài thường xuyên đăng trên tạp chí Vấn Đề, nơi qui tụ nhiều nhà văn nhà thơ chính trị gia tên tuổi do Mai Thảo và Vũ Khắc Khoan chủ biên hồi cuối thập niên ’60.
Sau 75, Phạm Cao Hoàng trải qua nhưng tháng năm bầm dập về sinh kế và gần hai thập niên trở lại đây khi ra được hải ngoại, dù vẫn làm việc full time, anh đã có cơ may sáng tác lại, vẫn phong độ, tài hoa, có khi già dặn hơn, có tác phẩm phát hành và là một trong số hiếm hoi các cây bút cùng thời với anh còn đam mê chữ nghĩa khi tạo ra một sân chơi văn nghệ trên Blog cùng tên (PCH), một trang văn học nặng về chất thơ từ nội dung đến minh họa, mời gọi được nhiều cây bút hải ngoại cũ, mới tham gia trao đổi trong tình văn nghệ và tương kính giữa những người cùng yêu văn học và có lòng với nghệ thuật trong cảnh xa quê hương.
Tôi đến với anh cũng qua trang mạng này dù đã đọc thơ anh từ những ngày Sài Gòn vang bóng. Nếu Trần Hoài Thư, nặng về văn, người đồng hành với anh cũng được các chủ biên đàn anh ưu ái, thì Phạm Cao Hoàng, chuyên về thơ cũng đem thơ mình trải rộng trên các trang thơ, đưa đẩy thế nào mà hai cây bút ‘trẻ’ triển vọng một thời vẫn còn duyên văn nghệ gắn bó ở tuổi cuối đời, kể cả tác phẩm của Phạm Cao Hoàng lại được Trần Hoài Thư in ấn, tình bạn đậm đà thể hiện rõ nét qua chuyến Đi thăm Trần Hoài Thư & Nguyễn Ngọc Yến. Tạp bút này được chọn in trong cuốn sách tôi đang xem, không phải là Mây khói quê nhà (tập thơ mới nhất cùng tác giả) mà lại là liên khúc vừa Truyện và Tạp bút trong một tác phẩm anh viết - theo tôi hiểu - chủ yếu là món quà cho người tình cũng là người vợ của anh, Chị Cúc Hoa, sau một chuyện không may nhưng hồi phục diệu kỳ cách đây ba, bốn năm.
Vậy, tập truyện Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt, có gì lạ?
Nhiều bạn văn của anh, đã viết khá trân trọng để giới thiệu tác phẩm này, tôi có đọc. Thật sự trong đó cũng có một số bài được gom góp lại từ những lần xuất hiện trên các diễn đàn, kể cả blog của anh. Nên có gì lạ thì chưa hẳn đã lạ, nếu lạ là khi nhà thơ viết văn, và về khía cạnh này, Phạm Cao Hoàng cũng là cây viết đáng nể.
Tôi không đề cập đến văn phong, trong sáng hay mộc mạc, lãng mạn hay chua cay, chỉ biết viết khá hấp dẫn, lôi cuốn qua các chuyện kể mang tính ký sự, hồi tưởng nhiều hơn là truyện ngắn nặng chất văn học, hư cấu; mang tính tự sự chuyện mình nhiều hơn là chuyện người, chuyện đời. Cũng lạ đời ít có tác giả nào viết rồi lại chú thích thêm, “truyện thật của tác giả”. Tôi cũng hay viết truyện và hay dùng ngôi thứ nhất là ‘tôi’ để hàm ý có dính dấp đến…tôi, nhưng thật thà đôn hậu như Phạm Cao Hoàng thì xin chào thua. Cũng vì đặc điểm bên lề này mà tôi có lần e-mail cho nhà thơ khi nhận được sách tặng,
…. Cảm tưởng đầu tiên là sách in quá đẹp, trang nhã, mát mắt. Rất vui và sẽ đọc trong tình mến mộ một nhà văn/nhà thơ thân quen qua một tác phẩm rất đỗi riêng tư nhưng không ngại đem chia sẻ cùng bạn đọc bốn phương.
Sách gồm bốn truyện,
Mỗi người chia nhau một chút khổ
Đã ba năm mình không có tết
Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt (làm tựa cho sách)
Về chốn cũ
được in ở phần đầu, trước khi sang phần hai của liên khúc gồm 11 Tạp bút trong toàn bộ tác phẩm mà lần đầu Phạm Cao Hoàng cho in dưới dạng văn xuôi.
Hồi nhỏ tôi hay đọc truyện Phạm Công - Cúc Hoa, nay ở tuổi về chiều lại được quen Phạm Công & Cúc Hoa (hình như tên thật Phạm Cao Hoàng là Phạm Công), phải nhìn nhận cặp đôi này có một chuyện tình đẹp, được thử thách qua thời gian, được chứng nghiệm qua cuộc sống, bền bỉ ở tuổi về chiều, thậm chí lúc qua cơn thập tử nhất sinh, ấn tượng lãng mạn của cuộc tình vẫn còn vang vọng khi người vợ âu yếm đề nghị người chồng hát cho mình bản nhạc dấu ấn của tinh yêu, mà trong truyện Mơ cùng tôi…anh đã tỉ mỉ kể lại. Một khúc nhạc anh tự sáng tác với phần ca từ và tựa đề Gửi Em, Đà Lạt như chứng tích của những ngày đầu mới quen nhau nơi thị trấn sương mù và cũng là địa danh hình thành và lưu dấu biết bao cuộc tình đầu đời của tuổi trẻ miền Nam.
Chuyện kể lại, có sao thuật vậy, ở một căn phòng hậu giải phẫu,
- Em nhớ Đà Lạt. Mai mốt lành bệnh anh đi với em về Đà Lạt anh nhé.
- Ừ, anh sẽ đi với em. Sao em lại nghĩ về Đà Lạt trong lúc này?
-Thật ra, không phải lúc này, mà lúc nào em cũng nghĩ về Đà Lạt. Em tìm thấy sự bình yên ở đó.
- Anh cũng nghĩ như em.
- Anh ơi. Anh hát em nghe bài GƯI EM, ĐÀ LẠT đi.
rồi anh hát và không ngạc nhiên về điều này khi Cúc Hoa ‘vẫn là một Cúc Hoa đầy chất lãng mạn trong bất cứ hoàn cảnh nào’. Yêu Đà Lạt đến thế, lãng mạn đến thế, chỉ có ở Phạm Cao Hoàng & Cúc Hoa.
Cũng với tình bạn đáng quí, trong dịp qua thăm sau đó Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi đã làm nhanh một DVD có ca khúc này do Ngọc Phong hát, anh tự hòa âm và thu âm, trên đĩa có thu hình của Cúc Hoa, làm cho chị xúc động đến nghẹn ngào và anh thì cảm nhận, ‘hình như có sợi dây tình cảm thiêng liêng nối tấm lòng của những người bạn văn nghệ lại với nhau’.
Trở lại Đà Lạt, ai lên xứ hoa đào, dừng chân…, qua ca khúc của Hoàng Nguyên, tôi cũng có nhiều kỷ niệm với thành phố này, nên tò mò xem Phạm Cao Hoàng viết gì về giấc mơ của anh. Sự đồng cảm về một nơi chốn tôi đã đi qua và dừng chân vỏn vẹn 5 tháng qua một khóa tu nghiệp tại một quân trường gần khu Chi Lăng vào đầu thập niên ’70 đã giúp tôi cùng anh mơ ‘Về chốn cũ’ từ thuở, Mơ cùng tôi nhé, Cúc Hoa/giấc mơ Đà Lạt thời chưa biết buồn (cũng là hai câu thơ đề dưới bức họa chân dung Cúc Hoa do anh Đinh Cường vẽ được dùng làm bìa cho sách), để lại thấy Đà Lạt với những địa danh quen thuộc, những nơi chốn nên thơ, những tình cảm khó quên, những bạn bè xưa cũ, những dấu tích tình yêu, những không gian ấm cúng, những khắc khoải đợi chờ, những chia tay mất mát…còn và còn nhiều nữa.
Anh viết cho mình và người mình yêu, nhưng gợi nhớ cho nhiều người, nhiều cuộc tình. Anh viết một mạch không nghỉ, như để cảm xúc trào ra tự nhiên, ký ức được dịp trỗi dậy, hiện hình, chính vậy mà văn anh lôi cuốn. Chưa kể qua góc nhìn của một nhà thơ, một nhà nhiếp ảnh, một nghệ sĩ biết hát và viết nhạc, Phạm Cao Hoàng đủ sức dẫn dắt độc giả mơ cùng anh giấc mơ Đà Lạt.
Riêng tôi dù không được lãng mạn như anh nhưng những ngày tạm trú trên thành phố yên bình đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp về hoa dã quỳ và nắng cao nguyên, cà-phê Tùng, những quán ăn đêm trên vỉa hè, mặt hồ Thủy Tạ, dòng thác Pren, những tà áo dài Bùi Thị Xuân, những khuôn mặt nghệ sĩ đặc trưng, đường Phan Đình Phùng, gác chuông nhà thờ Con Gà, con đèo đổ xuống Liên Khương.
Và 45 năm sau chưa có dịp quay về, tôi thực sự bâng khuâng khi nghe Phạm Cao Hoàng và chị Cúc Hoa tiếc nuối sau những ngày ngắn ngủi trở Về Chốn Cũ lại thêm một lần, phải:
Chia tay những con đường in dấu chân xưa.
Chia tay rừng thông và cỏ cây sương khói.
Chia tay mây trời và gió núi Langbiang.
Anh chợt nhớ hai câu thơ của Trần Hoài Thư cũng người gốc Đà Lạt, vội chở theo vạt nắng vàng khi xe đổ đèo Pren xuống phi trường Liên Khương để đưa ‘hai số phận một cuộc tình’ quay lại sống những ngày nơi xứ lạnh tình nồng bên cánh rừng Scibilia.
Theo tôi, chuyến trở về để nhớ lại những ngày Gửi Em, Đà Lạt, một DVD của bạn bè, một bức tranh Cúc Hoa thuở chưa biết buồn của một nghệ sĩ lớn và cũng là người bạn láng giềng thân thiết, một cuốn sách nhỏ ấp ôm kỷ niệm, đầy ngôn từ trân qúi quê hương, gia đình, tình yêu, tình bạn…quá đủ cho hai tâm hồn vừa yêu và được yêu, quá vui để nhìn lại đời mình, số phận vẫn mỉm cười với Hoàng và Hoa.
Đỗ Xuân Tê
May 15, 2015
0 nhận xét:
Đăng nhận xét