BÀI THƠ VIẾT LẠI



Nguyễn Đạt


Painting poetry by Veronica Leiton

Bài thơ viết lại không hẳn là viết lại bài thơ. Tôi chỉ nhớ mang máng một hai dòng, vài nét hình ảnh, trong một bài thơ tôi đã làm từ quá lâu rồi. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ nơi chốn cảm ứng viết nên bài thơ. Nơi chốn, không bao giờ tôi quên được. Nơi chốn treo trên cổ con người như một hình phạt (Professeur Alain). 
Có Bài Thơ Viết Lại cũng từ Hoàng Xuân Sơn, người bạn văn nhân tài tử, vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa. Tôi gặp anh không nhiều lần, lất phất ở đâu đó: trường Đại học Văn khoa, quán La Pagode, của Sài Gòn một thuở, hình như vậy. Rồi mất tích.
Nhiều năm sau ngày quốc hận 30 tháng tư, 1975, tôi cảm kích đọc bài thơ của Hoàng Xuân Sơn trên báo mạng Tiền Vệ. Trong bài thơ, anh nhắc nhớ bài-thơ-xem-như-điển-hình của một người viết mang tên tôi, Nguyễn Đạt: trước hay sau gì / nàng cũng chỉ là mặt phẳng / đường cắt đứng / vú hoàn toàn biến mất(HXS. Mấy Chục Năm Sau Đọc Lại NĐ.)
Hoàng Xuân Sơn đã khiến tôi nhớ lại một nơi chốn. Nơi chốn ấy là một khu phố bên tả ngạn cây cầu Phủ Cam - Huế, trong một đêm của năm 1970. Anh chàng biệt kích Báo Đen (Đại đội Hắc Báo), sau những ngày lặn lội núi rừng A Sầu, A Lưới…, trở về nghỉ ngơi chốn kinh thành. Nhớ lại nơi chốn ấy, hắn nhớ lại tất cả một thời. Một-thời-để-sống-và-để-(sém)-chết mấy mươi lần.
Xuất thân khóa 2/69 Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi về Sư đoàn 5 Bộ Binh. Đơn vị tôi đóng quân tại Long Nguyên, một vùng-xôi-đậu ở tỉnh Bình Dương. Một tháng ở đây, tôi quá căng thẳng thần kinh. Hoàn toàn không phải vì sợ chết, chỉ là tôi không thích bị Vixi bắn lén mà chết, nổ banh xác với trái lựu đạn Vixi quăng vào quán xá, tử thương vì chất nổ Vixi gài trong ống xe mobilette dựng bờ tường… Hoặc sống còn hoặc tử trận ngoài chiến trường, đương nhiên lính chiến là như vậy.
Nên khi Bộ chỉ huy trung đoàn ở Cát Lái dự định tổ chức liên hoan mừng lễ Giáng Sinh, một trong mấy vị sĩ quan chỉ huy rất mê ca sĩ Mai Lệ Huyền, tôi nhận về Sài Gòn mời tiếng hát họ Mai tham gia. Sự thật tôi không lừa gạt vị sĩ quan này. Tôi sẽ nhờ bạn là nhạc sĩ Trần Trịnh, đức lang quân của Mai Lệ Huyền, mời giúp. Chồng đề nghị vợ về giúp vui đêm liên hoan của một đơn vị quân đội thời chiến là niềm vinh dự, chắc chắn nữ-danh-ca đồng ý. Với “công đức” này, hẳn tôi có cơ hội rời khỏi vùng-xôi-đậu ở Long Nguyên.
Gặp Trần Trịnh, hóa ra hai họ Trần - Mai đã chia tay. Tôi có thể thong dong trở về đơn vị, gặp viên sĩ quan đã chan chứa niềm tin ở tôi? Tôi đành trình diện ngàn thông Đơn Dương - Đà Lạt, làm loài chim bơ vơ giữa rừng lá kim buốt nhọn. Không lâu sau tôi bị phát hiện là lính đào ngũ, đưa tôi ra thẳng Sư đoàn Hỏa tuyến. Tôi ngẫm thế cũng tốt. Tôi vốn mê phim ảnh về miền Viễn Tây Hoa Kỳ thuở khai hoang, với những người hùng bắn-chậm-thì-chết.
Đúng ra tôi về Sư đoàn Hỏa tuyến để làm việc ở Phòng Tâm Lý Chiến, vì có sự gửi gắm của người thân, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, người được xem là lý thuyết gia chống Cộng. Vị tư lệnh sư đoàn lúc ấy, thiếu tướng Ngô Quang Trưởng, lại là anh rể của bạn tôi, anh Nguyễn Tường Giang, thứ nam của nhà văn Thạch Lam. Rồi tôi biết ra, có một đơn vị được xem như binh-đội-đặc-nhiệm của Sư đoàn Hỏa tuyến: Đại Đội Hắc Báo. Tôi nhanh chóng trở thành người lính biệt kích Báo Đen.
Vậy đó, một đêm hoang trong kỳ nghỉ ngơi của anh chàng biệt kích Báo Đen: hắn theo tiếng cười tuột xuống vực mê.

BÀI THƠ VIẾT LẠI

Nàng còm cõi. Vú gần biến mất
Tiếng cười sắc nhọn hơn tiếng đạn kia
Xuôi cuối đường. Đi lên dốc
Hắn theo tiếng cười tuột xuống vực mê.
Tay túi quần điệu giày khó hiểu
Nàng bày tỏ gì sau mi mắt tô?
Hắn theo riết nỗi bí mật
Dù bước nặng hơn chì với bottes de saut.
Phải-anh-là-lính-Mời-anh-lên-lầu
Lời nào hơn cái gật đầu
Vứt mẩu thuốc cuối cùng* P-a-l-l-M-a-l-l trên miệng
Hắn và nàng vùi trong đêm sâu.

*Từ câu thơ Thanh Tâm Tuyền: “Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông”


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét