MỘT ỨNG XỬ KÉM CỎI TRONG NGÀY ĐƯA TANG ÔNG TRẦN QUANG CƠ



TẠI SAO PHẢI CẮT XÉN?
 
Viet-studies xin đăng dưới đây bản gốc bài Trần Quang Cơ với quan hệ Việt – Mỹ của  Đinh Hoàng Thắng (tựa đề do chính tác giả đặt). Bản này đã được gửi cho Vietnamnet, và được đăng với tựa đề do tòa soạn Vietnamnet đặt: "Ông Trần Quang Cơ: Người thúc đẩy bình thường hóa Việt- Mỹ" (http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/247889/ong-tran-quang-co--nguoi-thuc-day-binh-thuong-hoa-viet--my.html) (links đó đã mất, nay chuyển sang links này: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/247889/ong-tran-quang-co--viec-can-lam-voi-my--cham-ca-10-nam-.html - Tễu Blog chú thích)
So sánh bản trên VNN (đã được tòa soạn "biên tập") với bản gốc (viet-studies tô vàng những chỗ bị cắt bỏ hoặc thay đổi), có thể thấy vài sự vênh nhau như sau
(1) Tên và nội dung bài viết đề cập đến công lao Trần Quang Cơ đối với toàn bộ vấn đề Việt – Mỹ chứ không chỉ bó hẹp vào mỗi một khâu “bình thường hóa quan hệ”. Tại sao lại phải “ăn bớt” công lao của cụ như thế?
(2) Bỏ đoạn Mãi tới năm 2009, nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông mới “bật mí” cái triết lý sống còn về an ninh quốc gia với truyền thông: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Tại sao VNN lại bỏ đoạn này? Có phải vì  VNN không muốn ai nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc và dấu nhẹm luôn cả cái kế sách mà Trần Quang Cơ tâm đắc?
(3) VNN lại bỏ luôn cả ý “phi ý thức hệ” trên sap-pô bài của Đinh Hoàng Thắng và cuốn Hồi ký của cụ (chú thích [5]). Vì sao?
(4) Đặc biệt hơn, VNN thay hai cái subtitles để giảm nhẹ hai nội dung bản gốc muốn nhấn mạnh. (a) Thay subtitle thứ nhất là bỏ luôn cả sự tiếc nuối của cụ Cơ, mà tác giả đã hàm ý an ủi cụ, “Muộn còn hơn không”. Thay subtitle thứ hai làm thay đổi hoàn toàn thông điệp của cả người đã khuất lẫn tác giả ĐHT. Câu cuối cùng bài viết trích tâm sự cụ Cơ “Tiếc thay hiện nay điều đó còn là sự mong đợi của chúng ta” bị VNN “quên” hay “cố cắt bỏ”; thành ra tâm sự của cụ Cơ (trên bản của VNN) trở thành một thông điệp sáo rỗng, một lời khuyên chung chung. Trong khi đó, với câu kết này (trên bản gốc), cụ Trần Quang Cơ đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ và nghiêm trọng về quan hệ hiện nay giữa đảng và dân.
Bái phục các biên tập viên của VNN/TVN, phân ưu với cụ Cơ, gia quyến và tác giả!


Trần Quang Cơ với quan hệ Việt - Mỹ

Đinh Hoàng Thắng

Bản lĩnh Trần Quang Cơ từ trong sâu thẳm luôn chủ trương xây dựng một nền ngoại giao phi ý thức hệ, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ đến cùng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bang giao Việt – Mỹ hiện nay đã và đang phát triển vượt bậc. Nhất là xét trong bối cảnh lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị thăm chính thức Hoa Kỳ vào đầu tháng 7 này.

Nền ngoại giao “Đổi mới” với phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển” đã được khởi động vào thời điểm then chốt năm 1991 (Đại hội 7 ĐCS). Chính cái “nhân” gieo thuở ấy đã mang lại mùa gặt hứa hẹn hôm nay.

Tuy nhiên, hàng thập kỷ sau này khi nhìn lại, cựu Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ vẫn cảm thấy có phần tiếc nuối. Theo ông, những việc cần thiết làm với Mỹ, trên thực tế chúng ta đã tiến hành, nhưng “chậm trễ tới cả mười năm”[1].
.
Muộn còn hơn không
.
Giờ thì đã quá muộn để có thể hỏi trực tiếp cựu Thứ trưởng Thứ nhất Trần Quang Cơ về cách ông tính như thế nào để đưa ra chỉ dấu cho thấy, chúng ta triển khai một kế sách về an ninh quốc gia quan trọng dường ấy mà để muộn mất cả chục năm. Chúng ta rất muốn hỏi ông nguyên nhân tại sao. Không phải để quy trách nhiệm, mà cái chính là để rút bài học cho hiện tại và cho tương lai.
.
Kế sách ấy, hồi bấy giờ chắc chắn đóng dấu “Tuyệt Mật” và hầu như khả năng các nhà báo tiếp cận tài liệu chắc bằng “không”. Mãi tới năm 2009, nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông mới “bật mí” cái triết lý sống còn về an ninh quốc gia với truyền thông: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”[2].

Và cũng trong năm 2009 ấy, khi được hỏi, nếu nghĩ lại, ông có thấy trước đây những cơ hội nào bị bỏ lỡ, những điều gì Việt Nam có thể làm khác không, ông Cơ đã thẳng thắn: “Tôi thấy điều có thể làm khác là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm hơn. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ”[3].

Quả thật, ngay từ rất sớm, ông Trần Quang Cơ đã có cái nhìn rất tỉnh táo khi cho rằng, một nước Việt Nam đổi mới, độc lập với các nước lớn, cải thiện quan hệ và hoà nhập với các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á là phù hợp với lợi ích của Mỹ về hoà bình, ổn định, nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ và hạn chế các thách thức nổi lên đối với vị trí của Mỹ ở khu vực.
.
Ông Cơ cũng đã phân tích các mối tương tác tạo nên vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Ông cho rằng, tuy không có một vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn là một nhân tố mà Mỹ không thể không tính đến trong chiến lược của Washington ở Châu Á–TBD và Đông Nam Á. Hơn nữa, về kinh tế Mỹ có lợi ích tranh thủ thị trường và nguồn nguyên liệu của Việt Nam. Mỹ không muốn vắng mặt trong khi các đối thủ của Mỹ đi mạnh vào thị trường Việt Nam.

Rất nhiều suy tư và đánh giá của ông Trần Quang Cơ đã được thể hiện trong cuốn hồi ký của mình cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tại một hội thảo gần đây về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, nguyên Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Mỹ Lê Bàng đã đề nghị việc ghi nhận công lao của của một số cá nhân trong việc thúc đẩy, đàm phán bình thường hoá quan hệ với Mỹ mà trước nay chưa được nhắc đến nhiều trong đó có Thứ trưởng Trần Quang Cơ, Thứ trưởng Lê Mai...[4]

Vẫn là sự mong đợi

Là chuyên gia loại một, ngay từ những ngày đầu, ông Trần Quang Cơ đã giữ cương vị nòng cốt trong hầu hết các giai đoạn quan trọng nhất của ngành ngoại giao vào những năm từ 1960 đến 1980 của thế kỷ trước. Với tư cách là một chuyên viên cao cấp về Mỹ, ông đã tham gia với vai trò là một trong những cán bộ lãnh đạo các đơn vị chuyên trách, tham mưu về giải pháp phục vụ cho cuộc hòa đàm Paris, sau đó trực tiếp tham gia đoàn đàm phán cả công khai lẫn bí mật (Kết thúc vào tháng 1/1973).

Mấy năm về sau, trong chiều hướng đi tìm những đối thoại thẳng thắn giữa các cựu thù, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã đề nghị các học giả và các nhà lãnh đạo cuộc “chiến tranh Việt Nam” (theo cách nói của người Mỹ), cùng ngồi xuống duyệt lại những quyết định trong chính sách để hiểu rõ hơn, nhưng đặc biệt là để rút tỉa những kinh nghiệm lịch sử cho toàn cầu thông qua “bài học Việt Nam”.

Sáu hội nghị như thế đã diễn ra tại Hà Nội từ tháng 11/1995 đến tháng 2/1998. Hội nghị thứ 7 diễn ra tại Viện Rockefeller ở Bellagio, Italy. Ông Trần Quang Cơ, ông Nguyễn Cơ Thạch và một số học giả, tướng lĩnh và cựu lãnh đạo CHXHCN Việt Nam đã tham dự chuỗi hội nghị ma-ra-tông này, mà quan trọng nhất là hai hội nghị chính vào tháng 6/1997 và tháng 2/1998. Cả ông Cơ lẫn ông Thạch đã có những đóng góp đáng kể vào quá trình hàn gắn quan hệ Việt – Mỹ.

Nhưng có lẽ liên quan đến các diễn tiến phức tạp hơn trong quan hệ với Mỹ và các nước lớn khác là giai đoạn đầy năng động và sáng tạo của ngoại giao Việt Nam vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Ông Trần Quang Cơ lúc ấy đã là thành viên ban lãnh đạo của Bộ Ngoại giao, cùng với tân Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, Thứ trưởng Trần Quang Cơ luôn chủ động đề xuất các ý kiến dựa trên những đánh giá tỉnh táo, những trăn trở về quyền lợi của đất nước, thấm nhuần tinh thần độc lập, tự chủ trong tư duy cũng như trong tác phong lãnh đạo.
 .
Liên quan đến công tác nghiên cứu chiến lược cũng như các hành vi mang tính động thái, ông Trần Quang Cơ luôn có cách nhìn “cân bằng và đối trọng”. Trong quan hệ với Mỹ, ông chủ trương phải tăng cường hợp tác trên nhiều mặt nhưng vẫn cần đấu tranh khi nẩy sinh vấn đề trái với lợi ích của ta. (Ví dụ như vấn đề chất độc da cam chẳng hạn). Với Trung Quốc cũng vậy, ông thường nhắc không thể quá nặng về hợp tác và nhân nhượng để bị đánh giá là ta thúc thủ, coi nhẹ mặt đấu tranh[5].

Viết những dòng này nhân ngày tiễn ông Trần Quang Cơ đi xa, lớp hậu sinh chúng ta hẳn không quên một trong những dòng tâm sự cuối cùng của ông: “Rút cục chỉ có chính nhân dân ta mới thực sự cứu được nước ta thôi. Nhưng trên dưới phải một lòng, như thời Hội nghị Diên Hồng ngày xưa. Đảng phải dựa vào Dân, Dân vững lòng tin cậy vào Đảng thì dân tộc ta mới thực sự có sức mạnh để bảo vệ đất nước. Tiếc thay hiện nay điều đó còn là sự mong đợi của chúng ta[6]./.

(Hà Nội ngày 1/7/2015, viết nhân Tang Lễ cựu Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ)

Viet-studies nhận được ngày 1-7-15 từ một thân hữu
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét