NHÀ THƠ LÝ ĐỢI GIẬT GIẢI VĂN CHƯƠNG GABO


Nhà thơ Lý Đợi giật giải GABO
 
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-07-25


Luộc

“Món 1: Luộc
Theo kiểu rau muống luộc của Bắc kỳ
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc…
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước…
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm…
Từ luộc trí tuệ, thẩm mĩ, văn hoá, nhân tính…
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh…
Chưa tìm thấy điều gì mà Việt Nam không thể luộc
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc cho đến luộc
Người người nghĩ chuyện luộc
Nhà nhà tham gia luộc
Ngành ngành thi đua luộc…
Duy chỉ có lý do tại sao mình bị luộc: là không bị luộc
Vậy nên:
Sống ở Việt Nam luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất…”


Giải thưởng GABO này là một giải thưởng nhỏ và nó là một giải thưởng mới nữa. Nó chỉ mới thành lập trong năm nay thôi và lần phát giải thưởng này là lần thứ nhì. Lần thứ nhất giải thưởng được phát cho mùa Đông và mùa Xuân còn lần này thì giải thưởng cho mùa Hè và mùa Thu. Giải thưởng này được phát một năm hai lần do một nhóm thầy giáo và sinh viên của bằng thạc sĩ tác văn MSA ở đại học Antioch tại Los Angeles lập ra.
-GS Hoàng Ngọc Tuấn
Quý vị vừa theo dõi bài thơ có tựa “Luộc” của nhà thơ Lý Đợi. Bài thơ ngắn, mang tính diễu nhại nhưng càng nghe càng thấm đẫm nỗi đau cho ngôn ngữ thi ca, nếu cứ khăng khăng đòi thơ phải… nên thơ, trau dũa và đánh bóng từng con chữ.

“Luộc” bản thân nó được sử dụng với một ý niệm khác, một tác động khác và nhất là hàm ý khác: ngôn ngữ đường phố đi vào chốn lừa đảo và những trạng thái xã hội hôm nay được chiếc nồi ngôn ngữ luộc chín trơ ra những xương xẩu của tận cùng ý thức. Luộc lập đi lập lại tính ẩn dụ nhiều khía cạnh áp dụng vào đời sống để cuối cùng nó trình ra trước những người đọc nó một thông điệp lý thú: Luộc đa nghĩa, đa nguyên và đa tầng. Những tầng nấc mà nó luộc qua lại còn một tầng nấc khác, bí ẩn hôm nay và sẽ lộ diện vào ngày mai, khi có một món hàng mới để luộc.

Chân lý của sự luộc: Chính thể này là mảnh đất màu mở sinh sản những mầm mống cho việc luộc. Luộc vừa là động từ vừa là trạng từ và cũng là tính từ. Nó chỉ ra tất cả mọi hoạt động của cách hành xử, mà con người xã hội chủ nghĩa theo nó, tôn sùng nó cũng như sợ hãi nó.

Cái nó không luộc được chính là tự bản thân nó: không thể tự luộc mình.

Bài thơ Luộc của Lý Đợi đối với người Việt có thể lắm người ngạc nhiên, luộc ư? Chuyện thường ngày ở huyện. Nó bao vây mọi người, cùng cộng sinh với mọi người trong xã hội này có gì lạ?

Cái lạ là người ta chưa bao giờ mân mê chữ luộc như Lý Đợi. Cũng không tự hỏi luộc theo kiểu người Bắc như Lý Đợi. Tại sao lại là người Bắc? Tại sao? Tại sao?

Theo kiểu rau muống của Bắc Kỳ đã là một ẩn dụ. Bài thơ vừa trần trụi vừa khó tiên đoán cái kết. Để cuối cùng tác giả cho mọi người vào cái rọ “ở Việt Nam luộc là tốt nhất”!

Câu cuối không kết vì nó mở ra một loạt những mệnh đề cần phải bắt đầu.

Cái bắt đầu của câu kết trong bài thơ Luộc lại từ Mỹ, từ đại học Antioch tại Los Angeles bởi giải thưởng mang tên thân mật của văn hào Gabriel Garcia Marquez: GABO.

.
 Nhóm “Mở Miệng”: Từ trái sang Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Nguyễn Quán, 
ảnh chụp năm 2006.

Giáo sư Hoàng Ngọc Tuấn, cũng là người điều hành trang văn học Tiền Vệ cho biết về giải thưởng này khi được trao cho nhà thơ Lý Đợi:
“Giải thưởng GABO này là một giải thưởng nhỏ và nó là một giải thưởng mới nữa. Nó chỉ mới thành lập trong năm nay thôi và lần phát giải thưởng này là lần thứ nhì. Lần thứ nhất giải thưởng được phát cho mùa Đông và mùa Xuân còn lần này thì giải thưởng cho mùa Hè và mùa Thu. Giải thưởng này được phát một năm hai lần do một nhóm thầy giáo và sinh viên của bằng thạc sĩ tác văn MSA ở đại học Antioch tại Los Angeles lập ra.

Số tiền giải thưởng chỉ tượng trưng thôi nó không nói được giá trị của giải thưởng vì có rất nhiều giải thưởng khác họ chỉ tặng bằng khen chứ không có tiền. Vấn đề ở chỗ là nội dung của giải thưởng này thì tôi thấy nó rất thú vị. Cái lần thứ nhất họ trao giải thưởng cho chum thơ ba bài của một nhà thơ Thái Lan mà cũng là thơ chính trị nói đến chuyện chống áp bức.

Chùm thơ này có tên Record of Rights, thơ phản kháng chính trị đó là kỳ thứ nhất còn kỳ thứ nhì cho chùm thơ thi pháp của sự phản kháng, Poetics of resistance. Mình thấy rõ ràng khuynh hướng của giải thưởng này có lẽ họ nhắm tới những tiếng nói của các nhà thơ ở những nơi ngoài nước Mỹ và cần phải có sự dịch thuật thì mới có thể đến với độc giả của thế giới đặc biệt là qua tiếng Anh. Cho nên giải thưởng này họ đã dùng cái tên của ông Marquez là Gabo. Ông Marquez đã có nói rằng nếu ngày xưa mà không ai dịch tác phẩm Don Quixote của Cervantes qua tiếng Anh thì làm sao mà sau này William Faulkner, một đại văn hào của Mỹ có thể đọc được? Cái chuyện dịch nó đem thế giới lại gần với nhau và khiến con người nơi này hiểu được con người nơi kia. Những nhà văn ở nơi này hiểu được cái sự thể văn chương ở những nơi khác cho nên phương tiện dịch là một phương tiện rất quan trọng trong đời sống hôm nay, đặc biệt là trong văn chương.

Giải thưởng GABO này họ trao cho những tác phẩm được dịch ra tiếng Anh và tác phẩm ấy phải hay và bản dịch cũng phải là bản dịch hay.

Tôi có đọc qua nội dung của giải thưởng lần thứ nhất và lần thứ nhì thì tôi rất tâm đắc. Người ta cho rằng sự chọn lựa của họ rất thông minh và họ rõ ràng có ý hướng muốn soi rọi một cái nhìn vào những chỗ bị khuất lấp trong cuộc sống văn chương đương đại, có nghĩa là họ muốn lưu tâm đến những tiếng nói mà nếu không có phương tiện dịch thuật thì không được truyền đạt rộng rãi đến thế giới hơn, đặc biệt là tiếng nói những nơi bị đàn áp.

Tôi cho đây là giải thưởng có ý nghĩa.”

Luộc, Hấp và Ăn sống

Chùm thơ thắng giải của Lý Đợi có ba bài gồm: Luộc, Hấp và Ăn sống được Kelly Morse dịch lại với phụ biên Nga Nguyễn. Nói về sự phát hiện bài thơ và đi đến quyết định dịch nó Lý Đợi kể:
Tôi nghĩ một trong những lý do mà những bài thơ của tôi được nhận giải đầu tiên là nó đến từ một đất nước, dân tộc ngôn ngữ xa xôi và chắc là những bài thơ này nó cũng nói lên được những suy nghĩ của người chấm giải là chia sẻ được, có sự đồng cảm nhất định thì người ta trao giải.
-Lý Đợi
“Khi mà cổ nói cổ muốn gửi bản dịch đến một giải thưởng thơ và hỏi tôi nghĩ thế nào thì tôi bảo công việc của tôi đã xongv à cái bản dịch này hoàn toàn do cô ấy quyết định. Tuy là dịch thơ của tôi những thực chất nó đã là cái sáng tạo khác, đồng sáng tạo, và vì vậy người dịch giả phải chịu trách nhiệm cũng như người sẽ đứng danh dự trong việc dịch đó. Cổ cũng nói rằng gải GABO là một trong những cái giải mà cổ muốn tham gia. Giải GABO là giải có những cấp tiến, quan tâm sâu sát đến những nhà thơ không phải trong cộng đồng tiếng Anh. Những nhà thơ ở những đất nước xa xôi thì tôi nghĩ một trong những lý do mà những bài thơ của tôi được nhận giải đầu tiên là nó đến từ một đất nước, dân tộc ngôn ngữ xa xôi và chắc là những bài thơ này nó cũng nói lên được những suy nghĩ của người chấm giải là chia sẻ được, có sự đồng cảm nhất định thì người ta trao giải.

Chính cô Kelly trong bài viết của cổ in trên diễn đàn nhận giải thì cổ cũng nói là cổ đã đến Việt Nam và đã tiếp xúc một số nhà thơ và cổ tìm thấy ở thơ tôi những niềm vui, những cái gì đó mà cổ không quá thất vọng làm cho cổ tiếc về chuyến đi. Thơ tôi đã cho cô ta suy nghĩ khác về Việt Nam, khác với những gì cô ta hình dung với những loại thơ mà cô ta thường đọc…đó là động lực để cô ta quyết định dịch dù là tiếng Việt của cô ta rất yếu.”


May cho ba bài thơ khi được Kelly Morse để ý tới và cũng may cho nó hơn nữa khi Nga Nguyễn góp sức tạo thêm sinh khí cho đứa con tiếng Anh ra đời giới thiệu với những người xa lạ. Nga Nguyễn kể cách mà hai người ngồi lại với nhau bàn bạc làm sao cho đứa con tinh thần được sinh ra sáng sủa và dễ thương như người anh của nó:

.
 Lý Đợi.Linh hồn của nhóm “Mở miệng”. Photo courtesy of Dieucaycopy's blog.

“Bọn em dịch cùng với nhau, đầu tiên thì bọn em dịch word by word, em với Kelly dịch từng từ một trong bài thơ của Lý Đợi. Sau khi bạn Kelly dịch sang tiếng Việt bạn ấy nhờ em xem có chính xác hay không sau đấy thì em nói với bạn ấy những điều khác nhau trong cái nghĩa của bài thơ đấy nó liên quan đến những nét văn hóa liên quan tới Việt Nam và những diểm khác biệt ấy như thế nào. Sau đó em giải thích lại những cái ý những cái nguồn trong tiếng Việt mà bạn Kelly không biết được hết.

Đúng là dịch từng chữ thì không bao giờ ra được cái ý của anh ấy cả cho nên khi bạn Kelly dịch một bài thì thường là có ít nhất là 3 tới 5 cái cách dịch khác nhau của cái từ đấy, thí dụ như trong bài Luộc, em giải thích cho bạn Kelly ngoài cái nghĩa luộc là nấu ăn thông thường thì “luộc đồ” có nghĩa như thế nào mình giải thích tất cả những khác nhau của từ ấy ra sau đấy mình tìm cách để diễn tả trong tiếng Anh ra được cái nghĩa đấy. Tất nhiên những ước lệ trong tiếng Việt mình nhiều khi hàm ý 5 -7 hàm ý một lúc nên không thể nào làm hết được, nhưng bọn em cố gắng làm thế nào để thể hiện một cách rõ ràng nhất, trung thực nhất ý đồ của tác giả.

Tất nhiên điều này hạn chế ở điểm phụ thuộc vào cách em hiểu bài thơ như thế nào. Kelly thì tiếng Việt của bạn ấy chỉ biết một số đoạn nào đấy thôi rất là phụ thuộc vào cái phông văn hóa của người dịch ở đây. Em cũng không thể nào dám nói là hiểu 100% anh Lý Đợi đã nghĩ gì nhưng mà mình luôn nỗ lực hết sức để phần dịch của mình nó bao hàm được những gì mà nhà thơ đã chuyển tải vào trong đấy.”


Giáo sư Hoàng Ngọc Tuấn cho biết cảm nhận của ông về bài thơ Luộc cũng như tính cách khác thường, một cõi của thơ Lý Đợi:

“Lý Đợi là một cây bút rất đặc biệt, anh ta viết không theo cách cũ và hầu như không giống ai kể từ lúc bắt đầu xuất hiện đã có những nét đặc biệt rồi. Anh đem những ngôn ngữ của đường phố, tiếng lóng, bụi đời vào trong thơ và cách sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ đã tạo nên không khí rất đặc biệt, đặc biệt cho đời sống của Việt Nam dưới chế độ cộng sản.

Loại thơ như vậy nó có thể diễn tả được một cách tinh tế và khôi hài, chua chat về thực trạng đời sống của người Việt trong nước. Thí dụ như chùm thơ đoạt giải GABO này đã có những bài thơ gồm ba bài là Luộc, Hấp, Ăn sống thì anh đã sử dụng hình thức cách nấu ăn ở miền Nam, Trung, Bắc thành một cái sườn rồi mang cái tính ẩn dụ chính trị vào trong đó. Đây là một cách viết rất sáng tạo. Vì dụ như anh nhập đề cái bài thơ “Luộc” chẳng hạn: “Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất. Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc…” rồi từ đó anh bắt đầu đi vào nội dung của cái sự luộc đó. Ví dụ như luộc xe Honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước. Từ luộc vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm rồi luộc thẩm mỹ, văn hóa, nhân tính. Từ luộc nhân quyền tự do tư tưởng, tâm linh chưa tìm thấy điều gì mà Việt Nam không thể luộc…..

Những món khác cũng vậy…cho nên người giám khảo của giải GABO này đã nhận xét về thơ Lý Đợi là Lý Đợi đã làm thơ chống lại nhiều hình thức đàn áp và bạo hành ở Việt Nam hiện nay. Thơ của Lý Đợi dã chơi một cách thông minh cấu trúc mang tính ẩn dụ của cách nấu ăn truyền thống ba miền Bắc, Trung, Nam…dưới ngòi bút của Lý Đợi những cách nấu ăn này thành cẩm nang giáo huấn chính trị của địa ngục cùng những khẩu hiệu thích nghi để mà ca xướng trong cái chùm thơ này. Ông Dan Bellm đã cho đây là cách viết rất đặc biệt mà bên Mỹ họ không thấy. Tất nhiên đời sống đương đại bên Mỹ làm gì nảy ra được kiểu viết như thế này. người Việt mình đọc sơ qua thì thấy rất gần gũi mặc dù trong đó có những chỗ bất ngờ và khi người ngoại quốc đọc vào thì họ thấy điều này rất lạ.”

 

Lý Đợi là một thành viên trong nhóm “Mở miệng” cùng với Bùi Chát tập hợp nhau lại làm nhà xuất bản Giấy Vụn, chuyên in những quyển sách không xin được giấy phép. Những việc làm tiên phong đầy thử thách này đã khiến ít nhất một người vì yêu mến nhóm mà chịu tai họa từ chữ nghĩa: Nhã Thyên.

Chính nền văn học xã hội chủ nghĩa đã thổi bùng lên ngọn lửa “luộc” cô giáo Nhã Thuyên sau khi luộc không chín nổi Lý Đợi và Bùi Chát.


.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét