Suy tư - Trần Quang Cơ
Những đêm ít ngủ, nằm nghĩ ngợi miên man, hết chuyện gần đến chuyện xa, từ vấn đề hẹp đến vấn đề rộng. Nghĩ về bản thân, về gia đình, rồi nghĩ về xã hội, đến hiện tình đối ngoại của nước mình. Tâm tư suy nghĩ đó là những suy tư cuối năm, và có lẽ cũng là những suy tư cuối đời của tôi. Viết cô đọng lại trong ít dòng dưới đây.
1. Nghĩ về bản thân:
Sang tháng sau, tôi đã bước vào tuổi 83 (tuổi ta gọi là 84). 83 năm thật là dài mà cũng thật là ngắn. Biết bao kỷ niệm tích tụ lại trong “83 x 365” ngày đó. Nhớ nhớ quên quên. Vui buồn lẫn lộn. Biết bao biến cố đã xảy ra trên thế giới, trong xã hội, trong gia đình cũng như với bản thân mình trong thời gian hơn tám thập kỷ đó…
Như có sự trùng hợp, vào những năm đầu đời và những năm cuối đời của tôi đều đã có những biến cố đau buồn xảy ra làm biến đổi cuộc đời tôi.
Hồi tôi mới 4, 5 tuổi, mẹ tôi rồi bố tôi kế tiếp nhau qua đời. Phút chốc tôi đã trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cuộc đời tôi tưởng như vô vọng, vì bố mẹ tôi khá đông con, 9 người cả trai lẫn gái, tôi lại là con út, mà gia đình tôi của ăn thì có, của để thì không. Nay bố mẹ chết đi, lấy gì để nuôi nhau. Trong hòan cảnh khó khăn đó, ba người anh lớn của tôi đã đứng ra gánh vác trọng trách đó. Anh cả tôi lúc đó mới 22 tuổi, anh thứ hai 18 tuổi, anh thứ ba 16 tuổi. Cứ như thế, tôi đã được các anh thay cha mẹ nuôi cho ăn học, khôn lớn lên thành người. Và Cách mạng tháng 8.1945 đã “đổi đời” cho tôi.
Còn biến cố cuối đời của tôi là vào giữa năm 1998, sau khi tôi vừa nghỉ hưu, một cơn đột quỵ do tai biến mạch máu não đã khiến tôi trở thành một kẻ tàn phế! Di chứng của tai biến mạch máu não 3, 4 năm gần đây càng phát triển theo hướng xấu đi nhanh chóng: từ chỗ tập tễnh đi lại bằng ba-toong, nay chân tay bên phải gần như bại liệt, rất khó cử động. Nhất là chân, từ đầu gối trở xuống, khiến cho việc đi lại, tự di chuyển khá vất vả. Đứng không vững, di chuyển vài bước là phải nhờ đến cái “gậy càng cua” làm bằng nhôm, hình vành móng ngựa có 4 chân của con mua cho. Bởi vì tôi tự đi không nổi, dễ bị ngã, mà ngã thì không tự mình đứng dậy ngay được.
Buồn nhất là tay phải không cầm nổi cây bút để viết. Khi ăn phải dùng thìa vì không cầm được đũa . Mắt mờ đi nhiều, thị lực chỉ còn 1/10, xem báo phải dùng kính “lúp”. Cố đọc một bài báo hay bằng kính lúp xong là mệt. Tóm lại, những việc rất đơn giản đối với một người già có sức khỏe bình thường thì với tôi lúc này lại rất khó khăn vất vả.
Tuy nhiên tôi cũng tự an ủi mình, dù sao bệnh này cũng chưa ảnh hưởng tới bộ phận não chỉ huy trí nhớ và tư duy vẫn còn hoạt động bình thường, tuy có bị ảnh hưởng đôi chút như nói năng, diễn đạt ý nghĩ của mình ra lời nói không còn mạch lạc, nhạy bén như trước nữa.
Điều quan trọng nhất là cuối cùng tôi vẫn luốn giữ được tinh thần lạc quan. Nói đúng ra là biết an phận, biết chấp nhận tình trạng tàn phế của bản thân lúc này một cách “biết điều”. Có những lúc trượt chân suýt ngã hay quên lãng một cái gì, phải lê chân đi lại vất vả, cũng chỉ bật cười một mình hay lẩm bẩm tự mắng mình. Ưa nghe nhạc nhẹ, êm êm trước khi ngủ. Tất nhiên vẫn không sao tránh khỏi có những phút nghĩ ngợi buồn phiền. Nhưng với tình trạng sức khỏe như hiện nay mà không bi quan ủ rũ thì cũng là tốt rồi .
2. Nghĩ về gia đình:
Nói chung là ổn. Vì về mặt kinh tế và mặt tinh thần không có gì đáng than phiền.
May mắn nhất cho tôi là có vợ làm chỗ dựa khá vững chắc, về cả tinh thần lẫn vật chất, lúc này. Thật lòng mà nói, từ trước tới nay, mọi việc trong nhà, tôi gần như đều phó thác cho vợ. Từ việc nuôi dậy con cái đến việc quán xuyến gia đình, đối xử với họ hàng ngoại cũng như nội, đối với bà con hàng xóm láng giềng, nhất nhất đều do vợ tôi lo liệu tất tần tật và làm thật chu đáo, đối xử với mọi người rất có tình người.
Tôi có 3 con. Một gái, hai trai. Cả 3 đứa con đều đã khôn lớn và thành đạt cả rồi, không có khó khăn về kinh tế, sống lành mạnh cả. Tất cả những điều đó đều do công lao của vợ tôi cả . Công bằng mà nói, ngày nay, thời “gạo châu củi quế” này, chỉ trông vào đông lương hưu của cả 2 vợ chồng thì làm sao sống nổi. Vậy mà gia đình tôi vẫn thuộc loại “phong lưu”. Ấy là nhờ vợ tôi đã biết tính trước lo sau cho cả gia đình.
3. Suy tư về xã hội:
Quả thực tôi đang suy nghĩ nhiều về vấn đề công bằng xã hội, điều mà từ khi biết nghĩ tôi luôn cho là nhất thiết phải có trong một xã hội tốt đẹp. Tôi không hề nghĩ đến chuyện “cào bằng” tất cả, mà chỉ nghĩ rằng cái tốt phải thắng cái xấu, người giỏi phải giữ vị trí quan trọng hơn người dốt, người trung thực phải thắng kẻ cơ hội lừa lọc. Hiện tại những điều đó hình như đang diễn ra ngược lại trong xã hội ta. Có phải suy nghĩ đó của tôi có quá lý tưởng hóa cuộc đời không?
Tôi cũng không quá bận tâm đến những chuyện như “lâm tặc”, “cát tặc”, “đinh tặc”, ... Tôi cho rằng thằng “tặc” ghê gớm nhất, cái ung nhọt lớn nhất và cũng là nhức nhối nhất trong xã hội ta hiện nay là “tặc” tham ô, nhũng nhiễu dân thường đã lan tràn từ trên xuống dưới khiến cho không thể có công bằng trong xã hội. Thật khác với tình hình xã hội ta ngày trước. Trước đây, nước ta tuy có khó khăn nhiều bề, nhưng trong sạch. Ngày nay, tham nhũng đẻ ra tham nhũng. Tham nhũng bây giờ được xem như một cách “đầu tư” rất thịnh hành, vì thu lợi nhuận cao và nhanh nhất. Những kẻ có quyền thế, hoặc là những tên cơ hội hay nhiều tiền của, chúng thường là những kẻ “thiếu tài nhưng nhiều mánh khóe, nhiều tiền”. Chúng bỏ tiền ra “mua quan”. Tiền bỏ ra càng nhiều tự khắc “mua” được chức vụ càng cao, béo bở, rồi lập tức sử dụng cái quyền lực mới “mua” được ấy để thu lại số vốn đã “đầu tư” và thu lãi ngay bằng cách “bán chức”. Cứ như thế tạo ra tầng tầng lớp lớp “tham nhũng”. Lũ ròi bọ “tham nhũng” sinh đẻ ra nhanh như cỏ dại. Thử hỏi: vì sao giá nhà, đất đang “nóng” mà hiện nay lại “đóng băng”? Đó là vì lúc này là thời gian mà những ai có chức, có quyền đều phải tạm thời “im hơi, lặng tiếng” cho đến khi các “ghế” quan chức từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành cho đến trung ương đã được chia chác xong thì tự khắc giá nhà đất sẽ lại “nóng” lên ngay.
Người ta cứ nói “chống tham nhũng”. Nhưng diệt sao được “tổ mối tham nhũng” khi những con “mối chúa” còn bình an vô sự, ăn no béo mầm! Loại “tham nhũng chúa” có vỏ bọc dầy lắm, có đủ dây rợ dọc ngang, khó gỡ cho ra đầu mối. Quá lắm thì chúng dùng đến nước cờ “thí tốt”, đổ hết tội lên đầu bọn “tham nhũng tép riu”, còn chúng thì vẫn thơm tho sạch sẽ!
Do đó, khoảng cách giữa giàu - nghèo, giữa thành thị và nông thôn càng ngày càng lớn, xã hội càng bị phân hóa một cách nguy hiểm, những tệ nạn xã hội lan tràn hơn lúc nào hết.
Lòng tin của người dân đang bị sói mòn đi, mà khi đã mất lòng tin của dân thì xã hội sẽ mất ổn định.
Đọc thêm »
0 nhận xét:
Đăng nhận xét