Nhà thờ Nguyễn Phi Khanh tại Chi Ngãi *
Ngài vốn tên là Nguyễn Ứng Long, sinh năm Bính Thân (1356). Nhưng nơi sinh của ngài thì chưa rõ ở đâu? Chỉ biết ngài vốn quê là làng Chi Ngãi, huyện Phượng Nhãn trước thuộc Bắc Giang, nay thuộc về Chí Linh, Hải Dương. Sau mới dời đến ở làng Ngọc Ổi , huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam thượng, tức Thường Tín, Hà Nội ngày nay.
Thời trẻ, tuy xuất thân bình dân, nhưng ngài học giỏi, là một trong những nho sinh có tiếng ở kinh kỳ. Vì thế ngài được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán vời đến làm gia sư kèm cặp cho cô Trần Thị Thái. Không ngờ thày trò yêu nhau, cô Thái có mang, Ngài lo sợ bỏ trốn. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán phải cho người đi tìm về và nói với Ngài rằng:“Người đời xưa đã có việc này, không thấy chuyện Văn Quân và Tương Như sao ?Nếu được như Tương Như để tiếng đời sau thì ta cũng bằng lòng”. Từ đó ngài trở thành con rể của quan Tư đồ.
Năm Long Khánh thứ hai đời vua Duệ Tông (tức năm Giáp Dần 1374),Ừng Long 19 tuổi đã đi đự kỳ thi tại Thiên Trường và đậu tiến sĩ. Về kỳ thi ấy, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng ở cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường, thi đình các tiến sĩ, cho Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên,Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, bọn Tu La đỗ Hoàng Giáp cập đệ và đồng cập đệ, đều cho ăn yến và mặc áo xấp, cho xuất thân theo thứ bậc khác nhau”Trong thơ của Ngài cũng có câu xác nhận việc này “Long Khánh nhị niên tân tiến sĩ” (Trở thành vị tiến sĩ mới năm Long Khánh thứ hai).
Nhưng Thượng hoàng Nghệ Tông lại rất bất bình về mối lương duyên của Ngài. Sau khi Ngài đỗ tiến sĩ Thượng hoàng phán rằng: “ Bọn ấy lấy vợ con nhà phú quý, là kẻ dưới mà phạm người trên, bỏ không dùng”. Nhưng trong thực tế ngài vẫn làm quan dưới thời Trần. Trong thơ của Ngài có nói đến việc làm nhân viên ở Trung thư sảnh và trong thơ của Trần Nguyên Đán có gọi Ngài là “Kiểm chính Nguyễn Ứng Long”. Như vậy là dưới thời Trần Ngài có làm quan một thời gian nhưng chỉ là quan nhỏ “bạch đầu lang” chứ không được trọng dụng. Sau đó Ngài mới từ quan về dạy học.
Chưa rõ ngài từ quan vào năm nào. Nhưng nhiều khả năng là vào năm 1385 khi Trần Nguyên Đán xin về chí sĩ ở Côn Sơn. Vì Trần Nguyên Đán không còn tại triều nữa mà Nghệ Hoàng vẫn “buông rèm chấp chính”, thì Ngài ở lại làm quan cũng khó.
Trở về quê dạy học, Ngài đã trưc tiếp dạy dỗ các con Ngài nhiều người trở thành nhân tài và có những đóng góp rất vẻ vang trong lịch sử dân tộc, tiêu biểu nhất là Nguyễn Trãi. Ngài cũng để lại nhiều ảnh hưởng sâu sắc cho các thế hệ học trò tại quê hương. Chính các học trò của ngài đã quyết định lấy tên hiệu của thày là Nhị Khê mà đổi tên cho làng Ngọc Ổi.
Mùa đồng, tháng 12 năm Tân Tỵ (khoảng đầu năm 1402), Hán Thương vời ông ra làm Hàn lâm học sĩ. Cũng từ đó Ngài mới đổi tên là Nguyễn Phi Khanh. Ngài làm quan cho nhà Hồ lần lượt thăng trải qua các chức Hàn lâm học sĩ, Thông chương đại phu, Tư nghiệp quốc tử giám, Đại lý tự khanh.
Giữa năm Đinh Dậu (1407), cùng với cha con Hồ Quý Ly và nhiều quan chức trong triều đình nhà Hồ khác, ngài bị quân Minh bắt làm tù binh đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em là Nguyễn Phi Hùng đi theo hầu cha. Nhưng đến cửa Ải Nam Quan, Ngài dặn riêng với Nguyễn Trãi rằng “Con là người có học,có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, báo thù cho cha, như thế mới là đại hiếu…” và chỉ cho Phi Hùng đi theo.
Ngài bị nhà Minh cầm tù ở Vạn Sơn Điếm, thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Năm 1428, ngài mất tại đây, hưởng thọ 73 tuổi. Theo di nguyện của cha, Phi Hùng đem tro cốt của Ngài về mai táng trên núi Báo Đức. Ngôi mộ ấy hiện nay vẫn còn.
Với chính thất phu nhân Trần Thị Thái Ngài sinh được các con là Nguyễn Lý, Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Ly.
Với người thứ thất thứ 2 (chưa rõ tên) Ngài sinh được Nguyễn Bằng
Với người thứ thất thứ 3 (Nhữ Thị Kham ?) Ngài sinh được Nguyễn Nhữ Soạn và Nguyễn Nhữ Trạch.
Về trước tác, ngài còn để lại Nhị Khê thi tập, Nguyễn Phi Khanh thi văn tập, Thanh Hư động ký, Diệp mã nhi phú. Nguyên cảo các sách này viết bằng chữ Hán và đều thất truyền. Số thơ văn còn lại đến ngày nay là được chép trong các tập Việt âm thi tập, Quần hiền phú tập, Toàn Việt thi lục…
Đền thờ của Ngài hiện được lập tại hai nơi. Một ở làng Chi Ngãi, Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương do ngành trưởng của ngài Nguyễn Thung là Nguyễn Chính Trực (tức Phúc Khánh) thờ tự.
Một ở làng Quỳnh Phương, Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định do ngành thứ của ngài Nguyễn Thung là Nguyễn Phúc Lưu thờ tự.
Ngày mồng 5 tháng 11 âm lịch hàng năm tại đền thờ Ngài ở Chi Ngãi dòng tộc Nguyễn Quy và các chi họ nhiều nơi vẫn về đây giỗ tổ để tri ân và tưởng niệm Ngài.
Chí Linh ngày 26/05/2015
*Phiên âm đôi câu đối đề hai bên cột cửa ngoài:
Vế bên phải: Nhị Khê phái dẫn tồn thiên địa;
Vế bên trái: Chi Ngãi trường lưu tự cổ kim.
Vế bên phải: Nhị Khê phái dẫn tồn thiên địa;
Vế bên trái: Chi Ngãi trường lưu tự cổ kim.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét