Qua lời kể của người thân, những câu chuyện về Giáo sư Trần Văn Khê khiến chúng tôi thực sự xúc động.
Từ chiều 26.6, lễ viếng Giáo sư Trần Văn Khê bắt đầu tại nhà riêng, số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đã có rất nhiều con cháu, bạn bè, nghệ sĩ, học trò từ khắp nơi đến thắp nén hương cho ông.
Phía bên ngoài là dòng người xếp hàng tấp nập đến khấn vái, không gây ồn ào hay xáo trộn, mọi công tác chuẩn bị đều rất chu đáo. Tham gia buổi tang lễ, trong không khí đau buồn và tiếc thương vô hạn, ngồi trò chuyện cùng phóng viên là những người thân thiết gắn bó với Giáo sư từ ngày ông trở về nước đến lúc ra đi. Từ đó, những câu chuyện gắn liền với ông phần nào được hé lộ.
Ngồi lặng lẽ trong một góc nhỏ, ông T.B, người làm trong nhà Giáo sư được chục năm nay, đang ngồi trầm buồn, suy tư, ánh mắt luôn nhìn về phía xa xăm, mãi không nói nên lời, chỉ đến khi bắt đầu trò chuyện, ông mới bừng tỉnh. Có lẽ, lúc này nỗi đau là quá lớn chưa thể nào nguôi. Phải khó khăn thuyết phục, chúng tôi mới được lắng nghe. Ông chia sẻ: “Tất cả đều bắt đầu từ chữ duyên, lúc đó Giáo sư Trần Văn Khê đang cần người, tôi đến làm việc, đến nay cũng được 10 năm”.
Để hoàn thành tốt trách nhiệm, ông T.B ở lại Sài Gòn trong khi gia đình sinh sống ở nơi khác, tạm xa vợ con không phải là điều dễ dàng đối với bất cứ ai. Khi phóng viên hỏi, có nhớ gia đình hay không, ông cười nói: “Mọi việc trong nhà đã được sắp xếp nên không phải lo lắng quá nhiều, nhiệm vụ của tôi là hoàn thành tốt công việc, luôn bên cạnh Giáo sư, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất”.
Ngồi kế bên, cô K.M, thư ký cho Giáo sư Trần Văn Khê, chia sẻ về câu chuyện của mình: “Lúc trước cô làm nhạc trưởng, công việc khá ổn định. Tình cờ, một người bạn thân muốn giới thiệu vì biết Giáo sư Khê cũng cần người làm có chuyên môn về âm nhạc. Dù đang phân vân, chưa đưa ra quyết định nhưng cuối cùng vẫn đến nhà gặp mặt, vừa bước vào, hình ảnh một ông lão đang kê chân trên ghế gây xúc động mạnh. Thấy vậy, cô chạy đến xoa bóp hai chân”.
Sau đó, Giáo sư Khê nhận xét: “Con là một người có tâm”. Chính khoảnh khắc ấy đã khiến cô K.M quyết định gắn bó với Giáo sư sau hơn một tháng thử việc. Kể từ lúc đó, công việc hằng ngày của cô là ghi chép tất cả những ý kiến của Giáo sư về một sự kiện, chủ đề hay sự cảm nhận về thức ăn. Đôi khi, chỉ cần ngồi bên cạnh để trò chuyện. Tất cả những nét riêng đã góp phần tạo nên một người đặc biệt trong số hàng triệu người. “Đằng sau hình ảnh của một Giáo sư Trần Văn Khê uy nghiêm, quyền lực, là người sống rất tình cảm, góp ý chân thành, sẵn sàng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống với mọi người”, cô K.M xúc động nói.
Ca sĩ Bạch Yến rơi nước mắt khi kể những kỷ niệm về ba chồng Trần Văn Khê - Ảnh: L.H
Ca sĩ Bạch Yến, vợ Giáo sư Trần Quang Hải (con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê) đang tất bật lo hậu sự nhưng vẫn dành thời gian kể cho chúng tôi về những ngày cuối đời của Giáo sư Khê tại bệnh viện: “Khi con cháu vào thăm, nắm tay và hôn lên trán, ông đều cảm nhận được bằng cách mở mắt nhìn trìu mến”. Thỉnh thoảng cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì nữ ca sĩ quá xúc động, lau vội những giọt nước mắt.
“Mỗi lần về nước biểu diễn, tôi đều mời ba đến tham dự, không chỉ đơn giản là nghe một bài hát, nó còn là những tình cảm, sự kính trọng được nhắn gửi trong từng câu hát. Nghe xong, ba luôn đưa ra những góp ý chân thành”, ca sĩ Bạch Yến Tâm sự.
Được biết, nhiều tháng trước, Giáo sư đã linh cảm về việc mình sắp ra đi nên lên kế hoạch hậu sự. Khi lắng nghe những câu chuyện, nhiều lần chúng tôi vẫn không tránh khỏi xúc động. Bây giờ, Giáo sư Trần Văn Khê đã đi xa nhưng có một điều chắc chắn rằng trong tâm hồn của chúng ta vẫn lưu giữ hình ảnh một người tài của đất nước, người đã đưa nền âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với thế giới.
Linh Huỳnh
Những kỷ niệm với thầy Trần Văn Khê
(TNO) Tôi biết thầy Trần Văn Khê qua nhiều chuyện kể của nhạc sĩ Pham Thúy Hoan, thời nghệ sĩ Hải Phượng và Hải Yến còn bé tẹo. Là người gần như mù nhạc nhưng cảm kích trước sự đam mê mãnh liệt về âm nhạc dân tộc của cả gia đình nhạc sĩ, tôi thành người 'mộ đạo' lúc nào không hay.
.
Giáo sư Trần Văn Khê thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện tọa đàm khi còn khỏe mạnh
Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi tự nguyện làm “giáo vụ”, lo việc hậu cần cho ban nhạc Tiếng hát quê hương. Trước khi về “an cư lạc nghiệp” tại Nhà văn hóa Lao động hơn 20 năm nay, ban nhạc đã di cư qua nhiều “xứ sở”, từ Trường Triệu Thị Trinh (quận 10), Trường Đuốc Sống (quận 1), Nhà trẻ Thành phố… Được nghe thầy nói chuyện, ăn cơm cùng thầy mấy lần, tôi càng kinh ngạc về sự uyên bác và cả dí dỏm trong mỗi chuyện kể. Lần nào cũng mới mẻ và thú vị. Từ chuyện nhạc, chuyện ẩm thực đến chuyện đời. Hình như giọng nói và âm vực của thầy đã thôi miên mọi khán giả, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Còn hơn cả tự điển bách khoa toàn tập về văn hóa và âm nhạc Việt Nam.
Trong hàng trăm chuyện kể, tôi nhớ và ấn tượng nhất chuyện thầy qua Mông Cổ. Lúc đó thầy được UNESCO cử sang kiểm tra việc chuẩn bị cho đại hội Âm nhạc Dân tộc Thế giới tại đây. Buổi tổng dợt trang trọng với dàn hợp xướng và hòa tấu hoành tráng. Sau buổi diễn, Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc Dân tộc Mông Cổ đến xin thầy ý kiến. Thầy bảo “tôi chỉ được giao nhiệm vụ đến xem và báo cáo lại, chứ không được nhận xét”. “Thưa thầy, em xin được xưng hô như vậy vì sự ngưỡng mộ của em, vì tuổi đời của em còn kém xa tuổi nghề của thầy. Em không xin Phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO (International Music Council) mà là học trò xin thầy góp ý về bài tập của mình”. Trước sự chân tình hiếm có ấy, thầy đã bộc bạch “không ai bỏ mấy ngàn USD qua Mông Cổ chỉ để xem dàn hợp xướng và cả hòa tấu đứng thứ mấy chục của thế giới. Làm sao Mông Cổ sánh được với châu Âu về những nội dung này?”. Người nghe hơi sững người, không quên cám ơn ý kiến khác lạ của người thầy giản dị.
Thầy bảo góp thì góp vậy, cũng khó hi vọng thay đổi, bởi dân châu Á vốn bảo thủ. Hai tháng sau, cùng các đại biểu 5 châu về dự Đại hội Âm nhạc Dân tộc Thế giới tại Mông Cổ. Chủ nhà đã làm sững sờ hàng ngàn khách mời với màn khai mạc không thể ấn tượng hơn. Trái với nếp nghĩ bình thường, thay cho các tiết mục bề thế choáng ngợp là hình ảnh chú bé mục đồng cưỡi trâu thổi tiêu trên bạt ngàn thảo nguyên Mông Cổ. “Bữa tiệc” tiếp tục bằng những “đặc sản” âm nhạc chỉ Mông Cổ mới có. Phần diễn kết thúc, cả khán phòng vẫn lặng im vì ngạc nhiên và xúc động. Hơn phút sau mới vang dội những tràng vỗ tay tán thưởng. Hôm ấy, thầy đã không giấu được những giọt nước mắt mừng vui.
Câu chuyện thầy kể ám ảnh tôi cả tuần lễ. Chẳng là tôi đang chuẩn bị tập tễnh kinh doanh. Làm chơi thì sao cũng được nhưng làm thật thì không đơn giản. Giữa hàng ngàn doanh nghiệp sừng sỏ, mình thua xa đủ thứ. Từ thân thế, quan hệ, vốn liếng đến kinh nghiệm. Chỉ hơn họ lòng nhiệt thành và đam mê nghề nghiệp. Lơ mơ, sau vài tháng thành lập là chết yểu như chơi. Câu chuyện của thầy đã định hướng để tôi quyết chí chọn cho doanh nghiệp phong cách và lối đi riêng. Có lẽ nhờ vậy nên được khách hàng và mọi người ngày càng ủng hộ. Tôi đã học từ những chuyện kể và phong cách của thầy nhiều thứ, không chỉ trong kinh doanh mà cả cuộc sống. Có lẽ thầy không biết và cũng không quan tâm đến chuyện đó, bởi tính thầy vốn khiêm cung và giản dị.
Tang thầy, tôi không kịp đến viếng. Xin mượn bài viết, thay nén nhang thành kính, với tất cả lòng biết ơn và kính trọng.
Một học trò của thầy (*)
(*) Tác giả là chủ một doanh nghiệp du lịch khá nổi tiếng ở TP.HCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét