GS TRẦN VĂN KHÊ NHẬN XÉT LUẬN ÁN TS CỦA NGUYỄN XUÂN DIỆN

Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu về Nguyễn Xuân Diện trước khi Nguyễn Xuân Diện bắt đầu buổi nói chuyện về lịch sử và nghệ thuật Ca trù tại nhà riêng Giáo sư tối 27.01.2010.

NHẬN XÉT CỦA GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ 
VỀ LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NGUYỄN XUÂN DIỆN

Bản nhận xét về luận án Tiến sĩ Ngữ văn
Đề tài: NGUỒN TƯ LIỆU HÁN NÔM VỚI VIỆC NGHIÊN CỨU CA TRÙ

Chuyên ngành Hán Nôm

Tác giả:  Thạc sĩ Nguyễn Xuân Diện

Năm vừa qua, trước khi gặp tác giả tại quê nhà, tôi đã đọc được quyển sách Góp phần tìm hiểu lịch sử Ca trù của Nguyễn Xuân Diện. Tôi vô cùng thích thú và ngạc nhiên.


Thích thú vì trước kia khi bắt đầu tìm hiểu Ca trù, tôi chỉ đọc được hai bài viết trên báo Nam Phong của Nguyễn Đôn Phục và Phạm Quỳnh. Sau này, có thêm quyển Việt Nam Ca trù biên khảo của hai tác gỉa Đỗ Trọng Huề và Đỗ Bằng Đoàn. Hôm nay, quyển sách của Nguyễn Xuân Diện đã cho tôi biết thêm rất nhiều sách báo về hát Ca trù mà tôi chưa hề đọc được. Trước kia tôi chỉ biết một quyển Ca trù thể cách mà trong thư mục tác gỉa đã cho tôi biết thêm sáu, bảy quyển Ca trù thể cách khác, lại còn kê khai trên bảy chục văn bia viết bằng chữ Nôm đang được tàng trữ tại Viện Hán Nôm.

Ngạc nhiên vì tác gỉa là một thanh niên lại chịu học Hán Nôm, sưu tầm, nghiên cứu rất nhiều tư liệu về Ca trù và giữ chức vụ Phó Giám đốc Thư viện, ngạc nhiên vì quyển sách là một bước tiến rất mới và rất xa trong việc nghiên cứu Ca trù, vừa mang tính phát hiện, vừa mang tính bao quát, phương pháp áp dụng rất phù hợp với cách nghiên cứu trong các nước tiên tiến, đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế nên có độ tin cậy rất cao. Tôi rất mong khi về nước sẽ gặp được tác gỉa để tỏ lời khen tặng.

Nhờ biết trước khả năng của tác gỉa nên khi tôi làm cố vấn cho việc lập hồ sơ để trình bày những nét đặc thù của ca trù cho UNESCO, tôi đã nghĩ ngay đến em và mời em tham gia viết hồ sơ, cụ thể là phần lịch sử và phát triển ca trù Việt Nam.

Hôm nay, sau khi đọc bản Luận án của em thì tình cảm mến được tăng lên rất nhiều. Nội dung vô cùng phong phú. Công việc sưu tầm, nghiên cứu phân tích và phê phán các văn bia rất phù hợp với những phương pháp khoa học đã được áp dụng trên các nước Âu Mỹ theo phương cách đặt câu hỏi cái gì, ai, ở đâu, lúc nào, như thế nào (what, who, where, when, how) và không quên đối chiếu với những tư liệu khác.

Nhờ đó, có nhiều phát hiện mới mà từ trước đến nay chúng ta chưa được biết. Có những nghi vấn về Ông Tổ của Ca trù, về lúc nào danh từ “Ca trù” được dùng lần đầu tiên thì Luận án này đã đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy.

Nhờ Luận án này, chúng ta thấy rõ


không gian biểu diễn Ca trù như hát thờ, hát chơi và hát chúc hỗ (hát chúc thọ nhà Vua hay tiếp Sứ ngoại quốc), 

cách tổ chức giáo phường, lề lối và hoàn cảnh sinh hoạt của các nghệ nhân, nghệ sĩ; 

nắm rõ được các thể cách, thể điệu (chín mươi chín thể cách trong đó có sáu mươi sáu về hát và ngâm và ba mươi ba hát và múa), 

xuất xứ và miêu tả nhạc khí căn bản của Ca trù như phách, đàn đáy, trống chầu; 

kỹ thuật hát (hát khuôn, hát hàng hoa):

các khổ đàn, khổ phách như phách khoan, phách mau, phách theo, phách róc, phách ba, phách hơi, phách vào ba ra bảy…).

Luận án đưa ra bảy kết luận nhưng trong Luận án, chúng ta thấy nhiều điều có thể mở ra những vấn đề nghiên cứu khác nữa.

Văn phong giản dị, ngôn ngữ và chánh tả chính xác. Nội dung và hình thức của Luận án cho phép chúng tôi đánh gía đây là một công trình khoa học tối ưu

Nguyễn Xuân Diện đã đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu về lịch sử Ca trù đồng thời cũng cung cấp được nhiều cứ liệu quan trọng trong việc phục hồi không gian văn hóa Ca trù và phát triển nghệ thuật Ca trù.

Mặc dầu đề tài Luận án đặt trọng tâm vào nguồn tư liệu Hán Nôm về việc nghiên cứu Ca trù, chúng tôi đề nghị thêm một phụ lục vào những bài viết đáng kể về Ca trù của các tác gỉa ngoại quốc như Baron trong quyển Histoires curieuses des royaumes du Tonkin et de Laos.

Nên có một bảng ngữ vựng về những thuật ngữ chuyên môn trong Ca trù.

Nên có một danh sách những dĩa hát xưa nay về Ca trù (Beka, Columbia…), những băng ghi âm ghi hình.


Ngày 26 tháng 3 dương lịch, năm 2007.
GS. TS TRẦN Văn Khê
Nguyên Giáo sư Đại học Sorbonne Paris
Nguyên Giám đốc nghiên cứu (Directeur de recherche) Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Unesco).
Viện sĩ thông tấn Hàn Lâm viện châu Âu Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật.

 
Bản scan nguyên bản: 


Giáo sư Trần Văn Khê dành cho tôi vinh dự 
được nói chuyện về Ca trù tại tư gia Giáo sư.
 
Nguyễn Xuân Diện

Tháng 1 năm 2010 (trước Tết Âm lịch), nhân chuyến công tác tại TP. Hồ Chí Minh, GS Trần Văn Khê đã dành cho tôi vinh dự được nói chuyện tại nhà riêng của Giáo sư Trần Văn Khê về Ca trù. Buổi nói chuyện nhằm chia sẻ với những người yêu mến nghệ thuật cổ truyền về lịch sử và nghệ thuật Ca trù - bộ môn nghệ thuật vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới.

Thời gian: 19h30, Thứ Tư, ngày 27 tháng Giêng năm 2010.
Địa điểm: Nhà riêng GS. Trần Văn Khê, 32 Huỳnh Đình Hai,
Phường 24, Quận Bình Thạnh, tp Hồ Chí Minh.

 .

Buổi nói chuyện có sự hiện diện của GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà biên khảo Nguyễn Quảng Tuân, TS Nguyễn Nhã và phu nhân, danh cầm Hải Phượng, vợ chồng Luật gia Hoàng Việt, các nhà nghiên cứu ở Học viện âm nhạc quốc gia TP Hồ Chí Minh, các nhà báo và các bạn sinh viên.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI NÓI CHUYỆN TẠI NHÀ RIÊNG GS TRẦN VĂN KHÊ:


GS. Trần Văn Khê giới thiệu về Nguyễn Xuân Diện


Nguyễn Xuân Diện bắt đầu buổi thuyết trình bằng việc giới thiệu cuốn sách
Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù (Nxb Thế Giới, 2007)


Đào nương hát ca trù luôn giữ cho khóe miệng hình chữ "nhất"(-)


Thính giả ngồi chật kín căn phòng khách rộng của GS Trần Văn Khê


Nguyễn Xuân Diện nói chuyện say mê


Cùng chụp ảnh chung với Giáo sư Trần văn Khê sau buổi nói chuyện

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét