Khoai@
Bài của nhà báo Đức Hiển, đăng trên chính FB của ông, Khoai@ chôm về cho anh em đọc.
https://www.facebook.com/notes/10153245854984090/
********************
Làm báo điều tra, thiếu tỉnh táo một chút, đôi khi nhà báo nhìn ở góc này là người hùng, ở góc kia lại là đồ bút máu.
Một bài báo thất bại khi nó không đạt được mục đích chuyển tải thông tin; không tác động được đến công chúng hoặc đối tượng bạn đọc mà nó nhắm đến. Quá đơn giản. Chuyện ai cũng biết.
Với nhiều nhà báo trẻ hiện nay- không biết tôi có võ đoán không- bài nào họ cũng coi là thành công cả. Với họ, bài được đăng, nhận đủ nhuận bút, đạt được năng suất chỉ tiêu, không có khiếu nại đến mức phải cải chính và bị tòa soạn chế tài, là thành công. Nghĩ thế cũng không sai, suy cho cùng, nghề báo cũng như mọi nghề, miễn bỏ sức lao động ra, không lừa gạt trộm cắp, viết báo được đăng. Thế là tốt rồi!
Nhưng với báo chí điều tra, có lẽ tác giả cần khắt khe hơn với chính mình. Ngay cả khi có những bài đình đám, được khen, vẫn nên tự hỏi: Ở hoàn cảnh đó, cách giải quyết của mình đã tốt nhất chưa? Nếu bây giờ cho chọn lựa lại, mình có bỏ bớt hoặc thêm vào chi tiết nào không? Ở tình huống cụ thể nọ, còn cách xử lý nào tốt hơn cách mình đã làm hay không?
Với bài bình luận, điều quan trọng nhất là tính tư tưởng của bài báo tác động thế nào đến công chúng. Bình luận đòi hỏi lập luận sắc sảo, kiến thức uyên bác (nếu không sẽ sáo rỗng và khẩu hiệu), công cụ tác nghiệp của bạn chủ yếu là câu chữ. Còn với báo chí điều tra, có lẽ khó nhất là việc xử lý tình huống và các mối quan hệ để có thông tin rồi mới đến việc viết bài, xử lý thông tin thu được.
Như vậy ngay trong một bài điều tra thành công, thì một nhà báo vẫn có thể cay đắng bởi những thất bại chỉ mình anh ta biết, những thất bại có khi còn lớn hơn cả những thành công được coi là vang dội, của bài báo: Xử lý thông tin không khéo để mất quan hệ; không bảo vệ được nguồn tin; vô tình trở thành công cụ cho một thằng không ra gì, đánh chết toi một đứa không tử tế để rồi một đứa còn xấu xa hơn lên thay ghế. Cái này ông Nam Đồng gọi là “cầm cu cho thằng khác đái” còn ông Vũ Đức Sao Biển diễn dịch nho nhã là “cử điểu dĩ tha nhân tiểu tiện”.
Cuối năm 2010, một phóng viên Pháp Luật TP.HCM có loạt bài điều tra về một vụ tiêu cực. Mình xử lý biên tập bài báo này. Cả cụm bài, ông phóng viên chỉ gửi có 2 tấm ảnh. Mình yêu cầu kiểm tra hồ sơ, PV giao và cẩn thận nhắc: “Anh đừng chụp chứng cứ đăng báo, hồ sơ nội bộ rất dễ lộ nguồn!”.
Mình biết, dạng hồ sơ này, bảo phát bao nhiêu bộ cho các thành viên cuộc họp thì chỉ phát bấy nhiêu, nhưng khi đóng dấu, họ luôn giữ lại một bản tương ứng với từng bộ đã phát. Khi lộ nguồn, chỉ cần so sánh dấu ghim, độ nghiêng của con dấu trên bản photo là biết ngay ông nào làm lộ. Vì thế mình quyết định không dùng bản chụp hồ sơ để minh họa. Nhưng nếu vậy thì không còn tấm ảnh nào, bèn gọi cho một phóng viên khác thường trú: Ông tìm cho tôi một cái ảnh minh họa bài này.
Dựng trang xong, mình đi về, chừa trống phần ảnh nhưng quên dặn kíp trực. Ông PV kia sau khi tìm không được ảnh, sẵn cũng có một bộ hồ sơ hông biết kiếm từ đâu, chụp gửi lên và kíp trực lấy dùng.
Hậu qủa là sau khi báo đăng, người cung cấp hồ sơ cho PV bị đì lên bờ xuống ruộng, phóng viên phản ứng. Có đồng nghiệp nói trong một cuộc họp: “PV nói rằng ĐH bán đứng nguồn tin!”.
Mình biết mình sai, sau đó họp xét kỷ luật, mình nhận. Nhưng áy náy với cái anh nguồn tin mình không biết mặt, và đau đến tận giờ bởi cái câu “bán đứng”.
Cũng có những tổn thất mà mãi sau này nhà báo mới nhận thấy, nhất là đánh vào sai sót của doanh nghiệp. Cái bệnh “ai cũng ham giàu mà ai cũng ngấm ngầm ghét nhà giàu” nó ăn sâu trong xã hội và dù không nói ra, nó ăn vào máu một số nhà báo. Họ không nói hẳn là ghét, nhưng có cơ hội nện cho thằng cha giàu có nào đó là cứ vung bút. Công chúng, đám đông, không phải bao giờ cũng là người đọc tỉnh táo và có trách nhiệm, vô tình cổ súy cho xu hướng làm báo ấy.
Một bạn đồng nghiệp kể với mình anh từng buồn cả mấy ngày khi chiều nọ tình cờ mua chuối chiên cho con lúc chờ đón nó ở trường. Chị bán chuối kể từ ngày công ty cho nghỉ làm, chị thất nghiệp và xất bất xang bang, con cái đói rách. Công ty chị bị tờ báo đó đánh mấy bài, mất cả bạn hàng, sản phẩm không bán được nên phải cho công nhân nghỉ, chị nằm trong số đó. “Báo chí chi mà ác dữ”, chị nói mà không biết tác giả bài báo chính là ông khách trước mặt mình.
Anh bạn nói hồi đó nếu tỉnh táo, anh sẽ chọn cách viết khác mà vẫn chuyển tải được nội dung phê phán cái sai của DN thay vì cách viết đập chết tươi một thương hiệu như vậy. Khi anh tỉnh ra một chút, thì nhiều tờ báo khác đã vào cuộc và đánh cho DN chết dí! Anh không ngăn được viên đạn mà anh đã bắn ra...
Chuyện xảy ra hơn mười năm, anh bạn kể: Hồi đó tôi đau ít, càng già, càng thấy đau nhiều! Có khi nào ác báo hông ông? Mình nói: cái sự đau cả chục năm nay vì câu chuyện đó, đã lớn hơn mọi thứ quả báo rồi. Làm báo với mục đích trong sáng, vậy mà đau đến giờ, đứa khác thì sao? Nghe mình hỏi thế anh cười: cái thằng nó ác thiệt thì nó đâu thấy đau, chỉ thấy hả hê!
Làm báo điều tra, thiếu tỉnh táo một chút, đôi khi nhà báo nhìn ở góc này là người hùng, ở góc kia lại là đồ bút máu. Khi viết về một nhân vật, có lẽ cũng nên nhìn chung quanh họ còn ai bị chết lên chết xuống vì bài báo của mình. Nhìn, không phải để rồi do dự và không dám xung trận. Nhưng chắc chắn nếu nhìn kỹ, bạn sẽ biết cách xử lý thông tin và câu chữ như thế nào hạn chế những tổn thất không đáng có.
Đánh bom giết một thằng ác ôn mà làm chết thêm chín người dân vô tội gồm cả người già và em bé như ông anh hùng dỏm Hồ Xuân Mãn nguyên Bí thư Thừa Thiên Huế, thì có nên không?
---------------------------
(Thực ra những câu chuyện nghề nghiệp này mình viết đã lâu, mỗi năm viết một ít, chỉ là viết cho mình. Giờ mình hiệu chỉnh và post lại, hy vọng là nó có ích cho ai đó. Mà nếu bạn thấy nó chỉ có chức năng giải trí thì cũng hông sao).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét