(PetroTimes) - Trả lời phóng viên về việc không ít cuốn sách, truyện dành cho trẻ em khi phát hành ra thị trường mới phát hiện nhiều lỗi, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho rằng lỗi xuất phát từ việc nhà xuất bản “bán giấy phép” cho nhà phát hành để lấy lợi nhuận mà không quan tâm đến hậu quả.
PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam).
Theo ông, việc nhiều cuốn sách, truyện dành cho trẻ em khi phát hành ra thị trường phát hiện nhiều lỗi, dị bản do lỗi từ khâu nào?
PGS.TS Phạm Văn Tình: Trước hết thuộc về khâu biên tập, tổ chức bản thảo. Nguồn cung cấp bản thảo cho các nhà xuất bản thì có nhiều: Do cơ quan nhà nước, do các tổ chức có chuyên môn khác nhau, do một cá nhân nào đó… Bản thảo về qua khâu thẩm định, biên tập của các NXB. Nếu biên tập viên và những người chịu trách nhiệm cẩu thả, thiếu trách nhiệm, làm đại khái thì rất dễ xảy ra sai sót.
Cũng có khi họ là những người nghiêm chỉnh, có trách nhiệm nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ non yếu thì có khi những sai sót nằm ngoài ý muốn của họ (ví dụ cho ra những cuốn từ điển chất lượng yếu kém, những tác phẩm văn học non tay, những công trình nghiên cứu không đảm bảo yêu cầu khoa học…).
Cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc để sách xuất bản có nhiều sai phạm thưa ông?
PGS.TS Phạm Văn Tình: Như tôi vừa nói, lỗi đầu tiên thuộc về mỗi nhà xuất bản có sách vừa in. Họ là người “lính gác” đầu tiên tiếp xúc và xử lí bản thảo. Họ có chức năng, quyền hạn và trình độ chuyên môn riêng (Sách Văn học, Từ điển, Sách thiếu nhi, Sách phổ biến kiến thức, Sách pháp luật…) vì vậy, mỗi nhà xuất bản có một “vùng lãnh thổ”, là thế mạnh của họ.
Chính họ là người biết rõ nhất trách nhiệm của họ cần phải làm gì. Đó là chọn sách sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi nhà xuất bản. Trong tay nhà xuất bản cũng có đội ngũ biên tập (hoặc chuyên gia) có trình độ về vấn đề ấy. Vậy thì ai còn có khả năng thẩm định tốt hơn họ?
Hình ảnh minh họa truyện “Sọ Dừa”, ấn bản của NXB Hồng Đức.
Mỗi khi phát hiện sách, truyện dành cho trẻ em có lỗi, Cục Xuất bản, In và Phát hành vẫn trả lời chung chung sẽ kiểm tra và sai đến đâu xử lý đến đó. Vậy theo ông, trách nhiệm của cơ quan này ra sao?
PGS.TS Phạm Văn Tình: Cục Xuất bản là cơ quan cấp trên của nhà xuất bản cũng một phần liên đới chịu trách nhiệm. Với tư cách là cơ quan quản lí, Cục Xuất bản phải có một cách thức theo dõi, quản lí, điều hành sao cho việc giám sát của Cục đạt tới hiệu quả tốt nhất. Cục Xuất bản không thể phó mặc cho các nhà xuất bản làm mọi thứ rồi đến khi có “sự cố” mới tá hỏa chạy theo giải quyết hậu quả và đổ lỗi cho cấp dưới.
Thưa ông, có hay không việc liên kết giữa nhà xuất bản và nhà phát hành. Nghĩa là xin giấy phép khống và khi xuất bản cuốn sách nào chỉ cần điền tên cuốn sách vào nên không qua kiểm duyệt?
PGS.TS Phạm Văn Tình: Việc liên kết giữa nhà xuất bản với các nhà sách, các tổ chức phát hành nhà nước hay tư nhân là chuyện bình thường, nhất là trong cơ chế mở hiện nay. Vấn đề là ở chỗ, nhà xuất bản phải chủ động và có trách nhiệm. Việc phó mặc cho đối tác liên kết “tự tung tự tác” (miễn là nộp lợi nhuận cho nhà xuất bản) rất dễ xảy ra sai sót (và sai sót nghiêm trọng). Không ít nhà xuất bản “bán giấy phép”, để các đầu nậu tự lo mọi thứ, chỉ khi sách in ra, nộp lưu chiểu rồi mới phát hiện ra lỗi này lỗi nọ. Lúc đó thì mọi việc đều đã muộn.
Đọc thêm »
0 nhận xét:
Đăng nhận xét