Bài viết này của tôi
—dưới dạng trả lời phỏng vấn nhà báo Phương Loan (VNN) – đã in trên doanhnhan.vneconomy.vn ngày 29-1-2009,
sau đó đã được một số mạng khác đưa lại.
Đọc lại những suy nghĩ của mình từ năm năm trước, giờ đây, người viết muốn sửa
chữa và bổ sung khá nhiều. Nhưng một phần sự sửa chữa và nối dài này đã được thực hiện trong một số bài viết khác. Ngoài ra, có một số ý tưởng cần được làm thành chuyên đề riêng chứ không thể chỉ viết thêm
vài dòng đặt ở cuối bài như các lần
trước. Theo nghĩa ấy, việc in lại Nâng
trình độ sống … hôm nay chính là để mở đường cho một số bài viết mới mà tôi
đang chuẩn bị. Chùm bài sắp tới sẽ tập trung quanh chủ đề Chính nền văn hóa vốn có đã khiến chúng ta khó phát triển .
Trong sự thích nghi có sự buông trôi bất lực
Quan sát người Việt và dân tộc Việt Nam trong cuộc sống hội nhập hôm nay,
với tư cách một người dành nhiều thời gian nghiên cứu về Việt Nam và đặc tính dân tộc
Việt, ông có ấn tượng, suy nghĩ gì?
Nhìn lại thời gian mấy chục năm nay, dễ thấy Việt Nam sau chiến tranh đã trải
qua một quá trình, lúc chậm lúc nhanh, nhiều lúc như là quanh co, hỗn loạn,
nhưng nhìn chung đến nay đã chạm tới một cái ngưỡng và cần lo để chuyển sang
giai đoạn mới.
Đã đến lúc chúng ta có thể tổng kết, đánh giá cả một chu kì phát triển. Một
hướng suy nghĩ là nhìn những thành công hay vấp váp về kinh tế xã hội dưới góc
độ văn hóa, bởi con người kinh tế chẳng qua cũng chỉ là một khía cạnh của con
người Việt Nam.
Từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, từ chỗ tách ra để làm công việc riêng của
dân tộc đến chỗ quay trở về hội nhập với thế giới, cái quá trình ấy là cả một
khúc quanh đột ngột. Tôi ngờ rằng nhiều người lớn tuổi đã sống hết lòng với đời
sống hẳn cũng chung tâm lý như tôi, đêm nằm ngẫm nghĩ thấy thương cho chính
mình và những người thân quen xung quanh, rộng ra là thương cho cả dân tộc.
Chiến tranh từng bòn rút tất cả sức lực, kéo cuộc sống chậm lại. Mở cửa, ta lại
lao vào làm ăn với bất cứ giá nào, sức khỏe kém đi, con cái không người
dạy dỗ, cũng hư hỏng đi.
Nhìn cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội đều bị xói mòn mà không khỏi
xót xa.
Người Việt xưa tới giờ khổ quá, đến khi ra với thế giới thì mắt như bị chói,
cái gì cũng thèm thuồng. Hết gồng mình lên chiến đấu nay lại gồng mình lên để
hưởng thụ. Cha mẹ cứ cái gì ngon nhất, đẹp nhất là lo dành cho con. Trong gia
đình, ta cúi mặt xuống chiều chuộng nhau mà không dám đặt ra yêu cầu cao với
nhau.
Theo tôi, căn nguyên của cái cách ứng xử này là cảm giác tự ti, nhìn thấy cái
sung sướng vừa đến với mình nó mong manh quá, còn thế giới vẫn xa lạ quá. Che
mắt mình lại, không muốn lộ ra ở mình cái phần bất lực, bởi tận thâm tâm, tin
rằng không bao giờ đạt được cái phần nhân loại hôm nay đã tới.
Nghịch lý là ở chỗ do mang tâm thức tự ti đó, khi quay lại nhìn bản thân, ở
nhiều người - không ai bảo ai - sinh ra tâm lý tự huyễn hoặc. Rằng so ra ta
cũng ghê gớm lắm; rằng không có cái phần hơn hẳn thiên hạ nhưng mình lại có cái
khác: di sản thế giới (thực chất phần nhiều là di sản thiên nhiên, đâu phải là
văn hóa), văn hóa ẩm thực...
Bình tĩnh lại để nghĩ sẽ thấy cái để Việt Nam khoe ra với thiên hạ thường chỉ
là phần trời cho mà không phải phần con người làm ra, chỉ là những gì bản năng
mà không phải là phần của trí tuệ: ta không có cuốn sách, bức họa nào ở tầm thế
giới. Trong âm nhạc, phần khó nhất của nó là hòa âm thì nhạc Việt Nam lại kém,
lấy đâu ra tác phẩm lớn.
Cái rõ nhất và duy nhất chúng ta có thể khoe với thế giới chính là sự thích
nghi, thích nghi nên thế nào cũng tồn tại. Tôi nhớ trong Anh em Karamazov, Dostoievski có một câu khái quát: "Tồn tại
trong bất cứ điều kiện nào là truyền thống của dòng họ Karamazov nhà ta".
Người Việt Nam cũng thế. Khó khăn đấy, nhưng chúng ta vẫn tồn tại - ta tự nhủ.
Có điều hôm qua trong chiến tranh nghĩ thế là cần thiết, nhưng hôm nay không đủ
nữa. Đã đến lúc đặt vấn đề là tồn tại sẽ như thế nào, thế nhỡ sự thích nghi làm
cho chúng ta mòn mỏi, kém cỏi, tầm thường và hư hỏng đi thì sao?
Làm kinh tế bằng tư duy chiến tranh
Ông vừa hơn một lần nói tới chiến tranh. Phải ông cho rằng đó là một trong
những nguyên nhân gần dẫn tới những khó khăn kinh tế hiện nay? Nhưng ba
chục năm là thời gian quá dài, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Liệu ta có nên
cường điệu vai trò của nó?
Không, chả có gì là cường điệu cả. Ta đã ra khỏi cuộc chiến, nhưng lòng ta,
cách sống, cách nghĩ của ta chưa ra khỏi.
Chiến tranh cho phép người ta bất chấp quy luật miễn là được việc; chỉ lo hiệu
quả, còn cái giá của nó thì không cần biết. Trong chiến tranh, nhất là chiến
tranh ở Việt Nam, cứ chờ có những điều kiện cần và đủ thì không ai dám làm gì.
Phải liều. Phải duy ý chí. Cách làm đó nay vẫn được ta áp dụng.
Nói tóm lại, nếu trong chiến tranh ta phá với bất cứ giá nào thì nay ta xây với
bất cứ giá nào. Trên báo chí luôn có những tin đại loại cây cầu này sang năm
phá năm nay vẫn cứ thi công vì đã vào kế hoạch rồi, hoặc xây nhà máy ào ào mà
chả chú ý gì tới tác hại của nó với môi trường. Thì đó là kiểu tư duy chiến
tranh chứ còn gì nữa?!
Bản thân chiến tranh Việt Nam lạ, không giống cuộc chiến nơi khác. Việt Nam
thắng được trong chiến tranh là nhờ chơi theo luật Việt Nam, tuy nhiên, trong
làm kinh tế, thì phải chơi theo luật chung của thế giới.
Những suy nghĩ về chiến tranh còn thường xuyên đến với tôi, mỗi khi nghĩ tới
quốc nạn tham nhũng. Đọc cuốn Bước thịnh
suy của các triều đại phong kiến Trung
Quốc của Cát Kiếm Hùng (nhà sử học Đài Loan), biết rằng trong lịch sử nước
này, tham nhũng ghê nhất là triều đại nhà Nguyên, một chính quyền quân sự.
Nữa là ở ta lại phổ biến hiện tượng coi ai giỏi chiến đấu thì cũng biết làm
kinh tế, nới lỏng luật pháp, dễ dãi với người có công và tuỳ tiện lấy quyền lợi
kinh tế trả ơn cho người góp phần tạo nên thắng lợi trong chiến tranh... tham
nhũng là tránh sao nổi.
Tâm lý tiểu nông tư duy tiểu nông
Ngoài nguyên nhân chiến tranh, để cắt nghĩa tình hình hiện thời, theo ông đâu
là những nguyên nhân lịch sử văn hoá sâu xa hơn?
Trước khi Pháp sang, "cả nước sống leo lắt trong một tình trạng thôn
dã" - tôi đọc được câu này trong một cuốn sách mới dịch in gần đây, cuốn
"Người Pháp và người An Nam bạn hay thù?" của Philippe Devillers.
Tôi chia sẻ với cách nhìn của nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại
Việt - Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương, rằng tâm lý tiểu nông vẫn còn ăn sâu trong cách
đi ra thế giới của người mình. Và cả cách tư duy nữa: tư duy tiểu nông.
Tôi trộm nghĩ, ở ta, một khi nếp sống làng xã còn ngự trị, không có triết học
ghê gớm cao xa gì tồn tại nổi, chỉ tư tưởng tiểu nông chi phối tất cả.
Nhìn sang nước Trung Quốc, nông thôn ở họ cũng nặng nề, sao họ vẫn phát triển
tốt?
Vì tư tưởng nông dân ở đó tuy mạnh (bắt nguồn từ tầm vóc một nông thôn bao la),
nhưng vẫn không phải là tư tưởng chủ đạo. Xưa đã vậy mà nay càng vậy. Người ta
bảo rằng trọng nông ức thương là nguyên tắc chi phối chính sách những nước theo
đạo Khổng. Nhưng đó chỉ là một phần sự thật. Từ thời Tần Hán đô thị Trung Quốc
đã phát triển, từ Đường Tống trở đi thì đã có vai trò của một cơ chế năng động
kéo cả xã hội tiến theo.
Đô thị phát triển nghĩa là quốc gia trở thành một đơn vị có sức kết dính mạnh
mẽ. Việc kinh doanh của thương nhân ở đây được sự hỗ trợ của trí tuệ, giới nhà
nho cũng tham gia nghề buôn, làm cho nghề này đạt tới quy mô quốc gia và xuyên
quốc gia.
Nhìn chung trong thương trường, tư duy con người trở nên thông thoáng hơn, năng
động hơn. Giở các cuốn lịch sử tư tưởng ở Trung Quốc bao giờ tôi cũng thấy
người ta nói tới phần tư tưởng kinh tế. Thời nào, bộ phận này trong tư tưởng xã
hội Trung Hoa cũng có tiến triển.
Trong khi ấy, nhìn lại mình thì ngược lại. Quen sống tự nhiên ở làng quê, ta
không dám tổ chức lại cuộc sống qua các đô thị. Ta làm gì cũng chỉ theo bản
năng, sự tham gia của lý trí chỉ dừng lại ở mức tối thiểu.
Là một nước nông nghiệp nhưng cho tới lúc này, Việt Nam hầu như không có sách
nào tổng kết kinh nghiệm trồng lúa, còn nói chi tới các nghề khác.
Nghề buôn thì lại càng bị coi thường khinh rẻ. Mọi người cho đó là nghề lừa lọc
và thường bảo nhau: "Thật thà như thể lái trâu". Bản thân người làm
nghề buôn cũng làm ăn trong thế quẩn quanh lặt vặt, sản xuất càng lụn bại thì
họ càng có cơ hội để bắt chẹt người có nhu cầu.
Ông cho rằng năng lực sản xuất và kinh doanh lại là chỉ số chủ yếu đánh giá sự
phát triển xã hội?
Xét về mặt tư duy, sản xuất và kinh doanh được là nhờ người ta có một quan niệm
rộng rãi về thế giới. Người ta theo đuổi sự hoàn hảo. Người ta làm gì cũng
chuyên nghiệp.
Cũng là cái diều làm để chơi, nhưng diều các nước nhiều kiểu dáng kỳ lạ, còn
diều Việt Nam chỉ là mảnh giấy bồi phất vào mấy cái nan tre. Thế nên không
trách được khi người ta bảo hàng hoá Việt Nam vừa nghèo nàn đơn điệu về mẫu mã,
vừa kém về phẩm chất.
Về tác động xã hội, bản thân truyền thống kinh doanh yếu kém là dấu hiệu của
một xã hội chưa trưởng thành. Xã hội phát triển tự nó sẽ đặt ra các nhu cầu
mới, trong khi với Việt Nam hình như chỉ cần tàm tạm là được, cải tiến mà làm
gì. Khi không có quá nhiều những nhu cầu phải thỏa mãn thì sự phát minh, sáng
chế cũng như đổi mới việc phân công lao động lại trở thành xa xỉ.
Tóm lại ta không chuẩn bị để bước vào thế giới hiện đại.
E sợ khi bước ra với thế giới
Những hạn chế trong việc làm ăn này đã tiếp tục chi phối chúng ta trong việc
làm ăn buôn bán với thế giới?
Rải rác tôi đã thấy người ta nêu ra đủ thói xấu của ta sau khi gia nhập WTO: e
ngại, chỉ muốn đánh quả, lanh chanh kiếm chác mà lại dại dột ngớ ngẩn dễ bị
lừa, đau chết điếng đi mà không cách gì thoát nổi...
Tôi muốn mở rộng thêm mà nói rằng đây là cả một "truyền thống" của
Việt Nam, thứ quán tính nó ràng buộc chúng ta từ nhiều đời.
Đọc lịch sử sẽ thấy nền ngoại thương của Việt Nam bây giờ không khác các thế kỷ
17-18 là bao. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh nói
chung cấm cửa lái buôn ngoại quốc, sợ họ vào gây náo loạn nhân tâm. Nhưng ngồi
nghĩ, lại tiếc, nên chính sách cứ khi thò khi thụt, dùng dằng, dang dở, nay thế
này mai thế khác. Mà chính sách càng tuỳ tiện đỏng đảnh, quan lại càng dễ đi
đêm để hưởng lợi.
Còn ở Đàng Trong, tiếng rằng mở cửa - và đây là một bước tiến đáng kể so với
Đàng ngoài - nhưng toàn là người ta đến bán hàng cho mình và mang hàng của mình
đi, chứ dân ta có lái buôn chủ động vươn ra với họ đâu!
Đến người phiên dịch dắt mối trong các vụ làm ăn này cũng thường là người Tàu,
ta không có nhân viên của mình. Quan chức quản ngoại thương chủ yếu chỉ lo thu
thuế, khi kiểm tra thương thuyền nước ngoài, thường lợi dụng chức vụ để xin xỏ
kiếm chác cho mình, bao che cho thương nhân nước ngoài. Được lợi chút đỉnh, họ
sẵn sàng bán rẻ cả quyền lợi của quốc gia.
Từ góc độ văn hoá ông cắt nghĩa hiện tượng này như thế nào?
Với quá trình lịch sử liên miên bị đe doạ bởi ngoại xâm, người Việt quen nghĩ
rằng những tai vạ của mình là do nước ngoài mang tới. Trong mắt ta, họ thường
là là kẻ thù nhiều hơn là đối tác cùng tồn tại. Nên ta nhìn họ với nhiều e ngại
và tự dặn nhau càng ít tiếp xúc với người ngoài càng ít càng tốt.
Ta quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới. Trong tiếp
xúc ít có khả năng đặt mình vào địa vị người khác, không có thói quen và kinh
nghiệm quan hệ với bên ngoài, lảng tránh là hơn.
Cho đến thời gian thế hệ chúng tôi lớn lên, tâm lý này vẫn chi phối mạnh mẽ. Thôi con đừng khóc chi con/ Sống nhờ đất
khách, thác chôn quê người. Đây là một câu tôi nghe thuộc lòng từ nhỏ, mới đầu tưởng là
ca dao, sau mới biết là trong Truyện Kiều.
Lớn lên đọc sách, càng thấy cái tâm lý ăn quẩn vườn nhà đã ngấm vào tâm thức
của dân mình. Người dân đồng bằng Bắc Bộ xưa thường chỉ biết đến phạm vi 20 km
quanh vùng họ ở. Luôn luôn tâm niệm "ta về ta tắm ao ta", vừa ra khỏi
làng đã nước mắt ngắn nước mắt dài sùi sụt. Ngần ngại, sợ hãi...
Càng co lại ta càng đánh mất đi khả năng phát triển, càng không đủ bản lĩnh để
ra với thế giới và hiểu thế giới.
Đợt hội nhập vừa rồi là có vẻ như ta buộc phải bung ra, mở cửa, chứ thật ra
chưa chín ở bên trong. Vừa không có thói quen, vừa không chuẩn bị thích đáng,
cuối cùng ta "nhảy đại" cho xong. Chính cái đó sinh ra nhiều tệ nạn:
tâm lí đánh quả, định đi tắt đón đầu, "lừa", lách luật...
Nhìn ở một tầng sâu hơn, có thể nói quan hệ kinh tế của Việt Nam với thế giới
trong thời gian vừa qua không dựa trên cơ sở văn hoá chắc chắn. Đại khái thấy
ai làm mình cũng làm theo, khi thất bại mới ngớ ra thì đã muộn. Định bán hàng
cho người ta nhưng không hiểu gì về lịch sử tâm lý dân tộc cách sống của người
ta, cái gu của người ta thì bán sao được?
Một xã hội chưa trưởng thành
Ông chỉ mới giải thích những yếu kém về văn hoá liên quan đến mối quan
hệ làm ăn với nước ngoài. Nhưng một nền kinh tế không phải chỉ có chuyện đối
ngoại. Thế còn những khó khăn của kinh tế trong nước thì sao? Đâu là những
nguyên nhân về mặt văn hoá - xã hội?
Có thể hình dung xã hội Việt Nam trong quá khứ là đoàn quân tổ chức với nhiệt
tình, và quyết tâm giữ nước hơn là xã hội làm ăn.
Một xã hội chỉ phát triển được nếu biết ứng xử khôn ngoan với thiên nhiên, vừa
khai thác vừa làm giàu thêm thiên nhiên. Đằng này chúng ta quen với tư duy hái
lượm, thâu nhặt từ thiên nhiên, hơn là cấy trồng, tổ chức sản xuất tạo ra của
cải. Một ví dụ, so với đất đai, Việt Nam có tỉ lệ bờ biển khá dài. Nhưng người
Việt gần như không biết khai thác biển, khái niệm kinh tế biển còn quá xa lạ.
Các nhà văn đồng nghiệp của tôi thường chỉ hay nói ở Việt Nam cá nhân chưa phát
triển. Nhưng nên nhớ là cả xã hội Việt Nam thời trung đại cũng ở vào một tình
trạng như vậy. Cách quản lý xã hội từ xưa vẫn rất đơn sơ: thu thuế trên đầu
người chứ không phải thu thuế sản xuất và kinh doanh.
Trong một tổng kết về chính quyền Hà Nội thời trung đại (in trong kỷ yếu hội
thảo Quản lý và phát triển Thăng Long Hà
Nội tháng 3/2008), tôi thấy người ta lưu ý là trong số các văn bản
đưa ra, pháp lệnh về an ninh chiếm tới 65,56%, trong khi chỉ 16,42% văn bản ban
hành là có liên quan tới sản xuất và kinh doanh, 8,96% liên quan tới quản lý
văn hoá xã hội. Suốt thời phong kiến vai trò tổ chức làm ăn của chính quyền hầu
như không có.
Một xã hội phát triển là một xã hội có sự phân tầng cao và kết cấu phức tạp mà
hợp lý. Xã hội Việt Nam chỉ đang trên đường đạt tới trình độ đó.
Nói một cách hình ảnh, nếu như xã hội chuẩn là một cánh rừng nguyên sinh thì
Việt Nam có nhiều phần giống như đồng cỏ hoang. Về mặt cá nhân con người chúng
ta còn nặng về bản năng và tự phát - người Pháp nói đó là dạng "tư duy
tiền Descartes" - trước sự duy lí. (Song đến nay cái kiểu tư duy ít lí trí
này vẫn được bênh che và tự hào, thế mới đáng sợ!)
Người ta có câu: một người Việt Nam không thua kém một người Nhật Bản nhưng
ba người Việt Nam thì chắc chắn thua ba người Nhật Bản. Tính hợp tác, cộng đồng
của người Việt hình như là trở ngại. Trong khi đó, nhiều người lí giải trong
chiến tranh Việt Nam chiến thắng chính là tính cộng đồng và sự đoàn kết. Liệu
hai góc nhìn này có quá trái ngược và phủ định lẫn nhau. Điều gì trong chiến
tranh đã gắn kết người Việt Nam với nhau và trong thời nay, cần phải xem xét
lại yếu tố cố kết như thế nào?
Tôi e bản thân câu "một người Việt không thua kém một người Nhật"
cũng là một nhận xét mơ hồ, có pha nhiều ảo tưởng. Không nên thảo luận về một
cảm tưởng thoáng qua và tuỳ tiện như vậy.
Còn cái chuyện ba người Việt so với ba người Nhật thì liên quan tới cấu
trúc xã hội. Mượn cách nói của Marx có thể bảo xã hội ta còn ở tình trạng của
những bao khoai tây lủng củng. Thế nên cả nước có tới vài chục cảng nước sâu mà
không có cảng nào đạt chuẩn quốc tế. Thế nên các đô thị hiện nay không thiếu những
căn nhà đẹp nhưng không có được những khu nhà đẹp. Nói cách khác, chất kết dính
của xã hội Việt kém - kết dính theo nghĩa nội tại, cấu trúc, chứ
không phải đặt cạnh nhau mà buộc phải sống với nhau.
Ra ngoài hớt phần váng
Chúng ta cũng đã và đang mở cửa và ra với thế giới. Những nhân tố mới sẽ vào,
kích thích sự thay đổi, sáng tạo bên trong Việt Nam?
Trong trường kỳ lịch sử, yếu tố bên ngoài luôn luôn đóng vai trò những cú
hích thúc đẩy sự chuyển đổi của xã hội. Có điều, các yếu tố đó thường tác động
ngoài sự kiểm soát người trong cuộc. Ta không tự nguyện đón nhận. Nghèo là như
vậy, kém phát triển, thiếu kinh nghiệm như vậy, nhưng Việt Nam lại không biết
học hỏi để chủ động phát triển.
Ông có quá lời? Bản thân người Việt Nam vẫn thường tự hào rằng chúng ta là dân
tộc thông minh, cần cù, sáng tạo và ham học hỏi?
Giao lưu văn hoá là xu thế chung của thế giới. Một nền văn hoá lớn như văn hoá
Trung Hoa luôn luôn tự hào là có thái độ chủ động tiếp xúc với bên ngoài, lấy
văn hoá ngoại lai làm giàu cho văn hoá mình, và rất nghiêm túc trong học hỏi.
Từ đời Đường đạo Phật của Ấn Độ đã được tiếp thu trên quy mô lớn. Triều đình cử
hẳn Đường Tam Tạng qua Ấn Độ lấy kinh và về cho dịch thật kỹ càng thật đầy đủ.
Đến Trung Hoa, đạo Phật ngoại lai có thêm một bước phát triển mới. Người ta nói
rằng nhờ học theo lối kể chuỵện trong kinh Phật mà nghệ thuật tự sự nẩy nở dẫn
đến sự ra đời của các tiểu thuyết lớn. Từ đời Đường những điệu múa có nguồn gốc
Trung Á,... đã xâm nhập vào tận cung đình.
Nhật Bản cũng coi việc tiếp thu nước ngoài như một cái nguồn lớn làm nên sức
sống của văn hoá mình. Riêng về sách thôi, Nhật Bản thiết lập một mối giao lưu
thường xuyên với Trung Quốc. Một con đường sách trên mặt biển đã hình thành,
được coi là tương đương với con đường tơ lụa nổi tiếng. 50-60% sách in ở Trung
Quốc có bản lưu ở Nhật Bản.
Còn Việt Nam mình thì sao? Trong các cuốn lịch sử văn hoá Việt Nam, phần viết
về sự tiếp nhận văn hoá nước ngoài thường rất đơn sơ, nhiều ngành nghề nhiều bộ
môn nghệ thuật rõ ràng học từ bên ngoài, nhưng lờ đi, coi là ta nghĩ ra. Chỉ
một vài việc buộc phải ghi nhận nhưng chỉ nói qua loa và lúc nào cũng không
quên nói thêm là chúng ta tiếp thu có sáng tạo.
Trong thực tế sự học hỏi diễn ra khá “tế nhị”. Từ xưa ta đã học của Trung
Hoa rất nhiều, nhưng chỉ học lỏm, bắt chước mà không nghiêm túc tuân theo
bài bản, ăn bớt bài gốc của người ta rất nhiều. Đến thời tiếp xúc với văn hoá
Tây phương, lúc đầu từ chối, sau buộc phải tiếp nhận thì bên cạnh phần tiếp thụ
sáng tạo cũng nhiều phần chỉ qua loa láng tráng, mà tình trạng học đòi những
cái lặt vặt lại diễn ra dài dài.
Quan sát bề ngoài, người Việt Nam hôm nay thích nghi nhanh, học nhanh. Nhìn
quần áo, đầu tóc, cách nghe nhạc cách chơi xe của người Việt, nhiều người nước
ngoài phải kêu lên: sao mà Tây thế! Thế nhưng đó lại là cái học, cái thích nghi
hời hợt, dễ dãi chứ không phải tiếp nhận ở bề sâu văn hóa. Thành ra nhiều khi
chỉ hớt váng, hớt lấy cái phần hời hợt của người và hệ quả tất yếu là những rác
rưởi của thế giới đã vào quá dễ dàng, cả rác công nghiệp và rác văn hoá.
Những khó khăn trong việc làm ăn quan hệ với nước ngoài bắt nguồn từ chính
chúng ta. Hay dở tốt xấu cái cần cho mình cái phải xa lánh... không có sự phân
biệt. Từ chiến tranh bước ra ta chưa nhận thức đầy đủ rằng mình là một thành
phần của thế giới và trước sau sẽ phát triển theo quy luật của thế giới. Cho
đến tương lai của ta ra sao, cũng chưa ai hình dung nổi.
Tìm cho mình những động lực lớn
Theo cách trình bày của ông thì có vẻ như trong khi phát triển đang là
chuyện sống còn thì những điều kiện - hay là những điểm tựa - từ văn hóa
và truyền thống dân tộc lại có phần không đầy đủ. Vậy thời gian tới, chúng ta
phải làm gì?
Cũng đã nhiều lúc tôi tự đặt cho mình câu hỏi như thế, và đến nay vẫn chưa tìm
được câu trả lời thích đáng. Chính bởi còn thắc mắc, nên tôi - trong lúc tự xác
định là phải nghiên cứu tiếp - mạnh dạn cứ “xới” vấn đề lên như trên. Biết đâu
khi phản bác tôi, các đồng nghiệp lại tìm ra được những câu trả lời đúng. Khi
đó tôi sẽ tâm phục khẩu phục!
Nếu được nêu lên một đề nghị tổng quát cuối cùng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một
điều là xã hội cần có sự khai phá thay đổi trong tư duy. Thích nghi bị động chỉ
đủ để tồn tại, thay đổi một cách chủ động mới có thể phát triển.
Trước tiên cần đầu tư nhiều hơn vào khâu tự nhận thức. Ông Nguyễn Đình Lương
nói thẳng là nhiều khi ta không hiểu hoặc cố tình không hiểu luật chơi thế
giới. Ông Lê Đăng Doanh bảo so với thế giới chúng ta không chỉ lạc hậu là còn
lạc lõng và cái sau là đáng sợ hơn cái trước. Những gợi ý loại đó đáng để chúng
ta cùng suy nghĩ.
Điều may mắn là chúng ta đang sống trong một thế giới thức tỉnh; bộ mặt của thế
giới bộc lộ đầy đủ hơn bao giờ hết, kể cả sự bất lực của nhân loại trước nhiều
vấn đề. Ngay những thất bại của các cộng đồng dân tộc khác cũng đáng được
nghiên cứu để nhờ thế mà ta tránh được những hy sinh vô ích.
Sức ép của thời đại đến với mỗi dân tộc đều đang rất lớn. Nếu biết chủ động, đó
lại là động lực thúc Việt Nam mau chóng mạnh hơn, lớn lên nhanh hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét