Ông Trần Văn Nhung, GS. TS nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tổng thư ký Hội đồng học hàm quốc gia
- Tổng thư ký Hội đồng học hàm quốc gia
Tưởng Bình Minh
20 Tháng 6 2015 lúc 21:47
Dạo này lười bôi trát quá. Lý do chủ yếu vẫn là chẳng có hứng thú viết lách gì cả. Chiều tối nay trời Sài Gòn mưa dai dẳng, mãi chẳng tạnh, không đi đâu được; đã thế tối qua lại lỡ chém gió, nên tốt nhất vẫn nên giữ lời hứa nhỉ.
Note có lẽ sẽ dài 1 chút, và sẽ khá lộn xộn. Đó là chuyện tiến sĩ, nhất là mạo nhận học vị khá lèm bèm gần đây.
Một số người hỏi mình tại sao hồi trước không làm tiến sĩ. Mình thành thực trả lời rằng có một vài lý do để mình không bao giờ có ý định đó. Đầu tiên là mình cảm thấy không có khả năng tài năng gì cả, riêng học đại học đã trật lên trầy xuống, tốt nghiệp được đã may, học thêm nữa sao nổi. Tuy nhiên lý do thứ hai mới là quyết định, làm khoa học phải có đam mê, phải hy sinh cuộc sống riêng tư rất nhiều. Mình hoàn toàn không có hứng thú đam mê với việc nghiên cứu giảng dạy. Con đường khoa học học thuật này nọ không bao giờ là con đường mình (dám) đi. Hồi đi học, thấy các nghiên cứu sinh tiến sĩ ở khoa Lọc hóa dầu của mình làm việc thật khủng khiếp. Họ hầu như làm việc cả ngày, có khi ngay cả lúc ngủ cũng phải nghĩ đến đề tài đang nghiên cứu. Quần quật như vậy nhưng số người nhận bằng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả những người rất giỏi, nhưng hướng nghiên cứu bế tắc, thì cũng tịt. Thậm chí ngay cả khi cầm được bằng tiến sĩ thì cũng chỉ như vừa mở cánh cửa vào với thế giới khoa học.
Bạn bè, người quen của mình có nhiều người đi theo con đường khoa bảng, nếu tính cả bạn bè người Hungary thì trong friendlist của mình chắc có tới khoảng 15 người là tiến sĩ chứ chẳng chơi. Nếu nói về tiền bạc tài chính thì làm khoa học phần lớn sống đạm bạc, hoặc không bằng những người ra trường đi làm ngay (lương kỹ sư, chuyên viên trong nhà máy lọc dầu đảm bảo sống rất ổn). Nhưng người ta vẫn theo đuổi đam mê của họ. Đó là cái rất khác suy nghĩ phổ biến của người VN mình : có bằng tiến sĩ để thể hiện bản thân mình giỏi hơn người khác, tiếng nói của mình có sức nặng hơn người khác, thăng quan tiến chức trong xã hội ...
Như đã nói ở trên, nếu làm tiến sĩ mà không thành công thì cũng bình thường. Rất nhiều lúc hướng nghiên cứu bế tắc, bơi mãi chẳng đến được bến bờ nào, nhất là đối với các ngành khoa học tự nhiên hoặc các ngành kỹ thuật. Tuy nhiên nhiều người có lẽ là sĩ diện, háo danh nên đã thiếu trung thực, mạo nhận học vị. Việc gian dối trong giới học thuật không phải là chuyện hy hữu, ví dụ cách đây 3 năm, tổng thống Hungary, ông Schmitt Pál đã bị 1 trường đại học nước này tước bằng tiến sĩ sau khi người ta phát hiện ra ông đạo văn, và sau khi bị tước bằng, không chịu nổi sức ép, ông này phải từ chức. Mấy vụ gần đây ở VN thì hơi khác, chủ yếu là mạo nhận học vị tiến sĩ.
Trường hợp đầu tiên là ông Nguyễn Huyền Minh ở trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Cho dù là đánh đấm nội bộ hay ông Minh dạy tốt nhiệt tình đến đâu nữa, thì một sự thật không thể san lấp được là ông Minh không có bằng tiến sĩ như ông ấy tự nhận. Nếu có, ông Minh đã chứng minh được điều ấy trong vòng 1 phút.
Trường hợp thứ hai là ông Trần Đình Bá, người phản biện/góp ý cho Bộ Giao thông về dự án sân bay Long Thành. Có vẻ như ông Bá không tự xưng là tiến sĩ, nhưng chúng nó lại tưởng ông có học vị ấy, nên suốt ngày gọi ông là tiến sĩ. Nhưng ông Bá cũng chẳng chịu đính chính, phản đối gì cả, cho đến khi tự chúng nó tìm ra cái chúng nó gắn nhầm là không có thật. Nếu không là tiến sĩ thì ông Bá cũng có thể góp ý phản biện được thôi, nhưng tâm lý chung thì có vẻ như rắm tiến sĩ vẫn thơm hơn rắm người thường.
Những vụ như ông Minh, ông Bá nói trên tuy xảy ra, nhưng chẳng ai quan tâm giải quyết làm gì, 3 nhân 7 bằng 21 ngày thì mọi người sẽ quên. Lý do chính, theo mình, là các cụ lớn trong giới khoa bảng Việt Nam cũng chẳng hơn gì ông Minh ông Bá. Lấy ví dụ một cụ rất to, là ông Trần Văn Nhung, cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Hungary. Ông Nhung, như các tiểu sử mà ông ấy nhận thì là Tiến sĩ Khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Nếu tìm hiểu qua về sự nghiệp của ông Nhung, thì có thể thấy dễ dàng rằng chính học vị Tiến sĩ Khoa học nói trên là đòn bẩy ông sớm trở thành Chủ nhiệm Khoa Toán – Cơ – Tin học (1990 – 1991), rồi làm Phó hiệu trưởng phụ trách Đào tạo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó ông Nhung trở thành Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, rồi Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước; Ủy viên Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh ngành Toán – Tin học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tình cờ, mình lên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary mò xem thì không thấy tên ông Trần Văn Nhung trong dữ liệu trực tuyến về các tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện. Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (viết tắt là MTA) được thành lập năm 1825, họ lưu trữ thông tin của những người được họ cấp bằng tiến sĩ khoa học, kể cả đối với những người đã từ trần.
Ông Nhung nói bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại MTA vào năm 1990. Mình kiếm không thấy. Thấy có thông tin của tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, sinh năm 1946 và bảo vệ thành công luận án năm 1987, tức là trước cả ông Nhung. Vì tên ông A hơi lạ, nên có lẽ người ta nhầm nên chỉ viết là Nguyễn Quang.
Để chắc ăn, mình đã viết email gửi tới MTA hỏi xem sự vụ thực sự thế nào. Hôm qua họ trả lời rằng ông Trần Văn Nhung là tiến sĩ toán, và lịch sự nói không phải là tiến sĩ khoa học tại MTA. Họ có nêu ngày ông Nhung bảo vệ luận án TSKH tại Viện là 27/06/1990. Điều đó có nghĩa là ông Nhung có bảo vệ thật, nhưng không thành công. Khả năng cao là sau khi bảo vệ xong, tuy không đạt những MTA vẫn đưa quyết định viết bằng tiếng Hung nói là không đạt cho ông Nhung, ông đưa về trường Đại học Tổng hợp, ở đó chẳng ai biết thứ tiếng ấy cả, nên ông dịch sang tiếng Việt sao cũng được, đúng hơn là dịch từ không đạt thành đạt. Rối nhờ học vị mạo danh ấy mà thăng tiến vèo vèo.
Tiến sĩ khác tiến sĩ khoa học. Thường thì tiến sĩ khoa học có nhiều đòi hỏi cao hơn tiến sĩ. Ví dụ giáo sư Ngô Bảo Châu nhận bằng tiến sĩ toán năm 1997 và đến năm 2003 mới là tiến sĩ khoa học. Thông thường nếu ai đạt tiến sĩ khoa học rồi thì học hàm giáo sư là điều sớm xảy tới nếu giảng dạy đủ tiết. Ngô Bảo Châu nhận học hàm giáo sư bên Pháp năm 2005. Đó là lý do có những người rất trẻ, tầm trên dưới 40 nhưng đã là giáo sư, tiến sĩ khoa học; nhưng có nhiều ông rất già vẫn chưa phải là giáo sư, do không đạt được tiến sĩ khoa học.
Dưới đây là các emails trao đổi của mình với người của MTA. Mình dịch tiếng Việt đại ý thôi.
Kính chào các Quý bà, Quý ông,
Tên tôi là Tưởng Bình Minh (34 sọt, nam giới). Tôi là cựu du học sinh tại Hungary và hiện nay tôi làm việc tại Việt Nam với chuyên môn kỹ sư hóa. Tôi viết thư này cho các quý bà quý ông với mục đích tìm hiểu thông tin về 1 vị được biết đến như là tiến sĩ khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học Hungary công nhận, cụ thể tôi muốn được biết ông Trần Văn Nhung có phải là tiến sĩ khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cấp bằng hay không. Ông Trần Văn Nhung là cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, nhiều lần khẳng định ông là tiến sĩ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Khoa học tại Viện vào năm 1990. Tuy nhiên, tôi đã tìm trên dữ liệu trực tuyến của Viện và không thấy tên của ông Nhung. http://mta.hu/mta_doktorai/?tag_kereso_sbmt=1&Name=Tran&NameMatchType=Contains&oszt=all°ree=all&expertiseAreaId=all&expertiseArea=&ResearchTopic=&WorkplaceName=&country=all®ion=all&Status=All&search=Keres%C3%A9s
Trong khi đó tôi đã có thể tìm thấy tên của những người Việt Nam khác trên dữ liệu trực tuyến này, bao gồm cả những người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Việt trước năm 1990.
Tóm lại tôi muốn được các quý bà quý ông làm sáng tỏ thắc mắc nói trên của tôi. Về phương diện cá nhân, tôi không có gầm gừ gì với ông Trần Văn Nhung.
Chân thành cám ơn và xin thứ lỗi về cách diễn đạt vụng về của tôi.
Trân trọng,
Tưởng Bình Minh
Chào ông,
Tôi đã chuyển thư của ông đến Hội đồng Tiến sĩ của Viện, ông vui lòng đợi cho đến khi chúng tôi có câu trả lời.
Chào ông,
Hội đồng tiến sĩ khoa học trả lời thư của ông với nội dung như sau:
Ông Trần Văn Nhung là tiến sĩ ngành toán, và không phải là tiến sĩ khoa học do Viện Hàn lâm Khoa học Hungary công nhận. Kết luận liên quan đến luận án tiến sĩ khoa học dựa trên quyết định của Ủy ban Công nhận Học vị ban hành vào ngày 27/06/1990.
Tiểu sử của ông Nhung trên trang web của trường Đại học Quốc gia Hà Nội thì:
http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7734/
http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7734/
Năm 1982, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Budapest, sau 4 năm học tập, làm nghiên cứu sinh ở đất nước Hungary. Trở về Việt Nam, mấy năm sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học, trực tiếp giảng dạy cho sinh viên. Năm 1988, ông quay trở lại Hungary để vừa giảng dạy cho sinh viên quốc tế, vừa nghiên cứu và năm 1990, ông đã đạt được học vị tiến sĩ khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Sau khi về nước, ông được bầu làm Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin học (1990 - 1991), rồi làm Phó hiệu trưởng phụ trách Đào tạo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1992 - 1993).
Bình luận: Có mấy điểm không thực tế. Thứ nhất là nếu đã bảo vệ thành công luận án tại MTA năm 1982 thì ông Nhung không trở lại vào năm 1990. Chỉ có 1 thứ để người ta bảo vệ ở đấy là Tiến sĩ khoa học. Chưa kể, nghiên cứu sinh từ VN sang, không biết tiếng Hung, thường người ta cho về trường đại học chứ chẳng ai cho bén mảng đến Viện Hàn lâm cả. Ví dụ như Nguyễn Quang A, ông A bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường Bách khoa Budapest, sau đó nhiều năm ông A mới bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Viện Hàn lâm.
Khả năng cao nhất là ông Nhung được cử sang Hungary làm nghiên cứu sinh, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại 1 trường đại học Hungary năm 1982 ( lúc bấy giờ gọi là phó tiến sĩ theo hệ thống LX và Đông Âu, sau này LX và Đông Âu sụp đổ thì phó tiến sĩ thành tiến sĩ) , sau đó ông trở lại để bảo vệ tiến sĩ khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary nhưng không thành công.
Rất nhiều cựu du học sinh, nghiên cứu sinh VN lấy bằng tiến sĩ tại Hungary và sau đó lấy bằng tiến sĩ khoa học tại quốc gia khác, thậm chí lấy bằng tiến sĩ khoa học tại VN. Ví dụ phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Vũ Hoàng Linh, hiện là hiệu phó của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ông Linh lấy bằng tiến sĩ toán tại Hungary và sau đó nhiều năm đạt học vị tiến sĩ khoa học tại Đức. Nhiều người khác lấy bằng tiến sĩ khoa học ở Mỹ, sau khi họ rời Hungary sang Hoa Kỳ, giáo sư toán Vũ Hà Văn là một ví dụ.
Đọc tiểu sử ông Trần Văn Nhung thì ông ấy nói là tiến sĩ khoa học tại Hungary, nhờ đó thăng tiến vèo vèo. Nhưng như trả lời của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary ở trên, ông Nhung không phải là tiến sĩ khoa học do họ cấp bằng. Theo mình, ông Nhung đã mạo nhận bằng cấp. Và nhờ bằng cấp mạo nhận nói trên, ông đã lên tới giáo sư, thứ trưởng. Đã thế lại đang là Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, chuyên đi phong giáo sư cho các ông bà khác, bao gồm cả việc phong giáo sư toán VN cho Ngô Bảo Châu !
Ông Trần Văn Nhung đúng là bằng một trăm lần ông Minh ông Bá cộng lại.
Thật ra mình nghi ngờ trình độ ông Nhung này từ lâu rồi. Đầu tiên là publication list của ông này quá bèo nhèo, giáo sư tiến sĩ khoa học nhưng chẳng bằng mấy bạn trẻ đang làm tiến sĩ toán. Thứ hai là tư duy của ông này qua một số chuyện mình thấy không phải là tư duy của một ông tiến sĩ khoa học ngành toán, vốn thường thông minh sắc sảo và giàu tự trọng. Hồi Bill Gates qua Việt Nam, ông Nhung trên cương vị thứ trưởng bộ giáo dục đào tạo ra bắt tay Bill Gates, về sau ông Nhung chia sẻ lại ( có clip trên Internet) là lúc bắt tay thì cố tính nắm tay ông Bill Gates thật lâu, không cho thoát, để bên dưới họ chụp được nhiều ảnh đẹp! Tệ hơn, là một người làm khoa học, ông Nhung còn đòi “Đăng ký bản quyền” với thế giới về triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( một ý tưởng mà Hồ Chủ tịch nếu có sống lại cũng phải phát ngượng).
Thời XHCN, rất nhiều người VN nhận được học vị tiến sĩ tại Hungary ( lúc đó gọi là phó tiến sĩ như đã nói ở trên), chắc chắn tỷ lệ không nhỏ là "tiến sĩ hữu nghị". Thậm chí không loại trừ trình độ của ông Nhung cũng thuộc dạng tiến sĩ hữu nghị như vậy.Tuy nhiên đó là tiến sĩ được cấp bằng ở các trường đại học. Còn lên tới Viện Hàn lâm Khoa học thì không có chuyện đó nữa, thành ra chỉ có những người với luận án xuất sắc mới có thể bảo vệ thành công luận án học vị tiến sĩ khoa học ở Viện, ví dụ như Nguyễn Quang A, ông là tiến sĩ khoa học của MTA. Nguyễn Quang A là một trí thức nổi tiếng hiện nay của Việt Nam.
Về ông Trần Văn Nhung thì cơ bản là vậy. Từ trả lời của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, mình tin rằng ông Nhung không phải là tiến sĩ khoa học do bên ấy cấp bằng, và cũng chẳng là tiến sĩ khoa học ở bất cứ nơi nào khác. Có nghĩa là ổng mạo nhận học vị. Ông Nhung lỡ làm thứ trưởng bộ giáo dục đến khi về hưu mất rồi, nên giờ có tâm thì từ chức tổng thư ký hội đồng phong giáo sư thì cũng là điều chấp nhận được, cho dù hơi muộn nhưng cũng còn hơn là tiếp tục.
Bọn bất lương ít học thì trộm gà, trộm chó. Nhưng rất nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Dù khi bị rượt có chạy nhanh hơn Usain Bolt đi nữa thì lơ mơ vẫn tuốt xác như chơi. Còn gian manh/ lưu manh trí thức mạo nhận học vị thì khỏe re, có khi mấy chục năm tung tăng cũng chả ai hay, nếu có bị phát hiện ra thì cứ ngậm tăm 3 nhân 7 bằng 21 ngày là nhân dân quên, coi như xử lý xong khủng hoảng.
.
.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét