Rừng Tây Nguyên bị “bức tử”, vì đâu?
Lê Kiến
TP - Với hàng chục nghìn ha rừng mất đi mỗi năm, hơn 10 năm qua, những cơn lốc tàn phá rừng dữ dội vẫn càn quét khắp Tây Nguyên. Trong khi đó, nhiều dự án nông - công nghiệp cũng đòi hỏi phải chuyển đổi đất rừng thành các dạng đất khác, khiến diện tích rừng càng nhanh chóng suy giảm.
TP - Với hàng chục nghìn ha rừng mất đi mỗi năm, hơn 10 năm qua, những cơn lốc tàn phá rừng dữ dội vẫn càn quét khắp Tây Nguyên. Trong khi đó, nhiều dự án nông - công nghiệp cũng đòi hỏi phải chuyển đổi đất rừng thành các dạng đất khác, khiến diện tích rừng càng nhanh chóng suy giảm.
Một khoảnh rừng tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) bị phá trắng
Cao su, thủy điện ngốn hơn 120.000 ha rừng
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích rừng khu vực Tây Nguyên hiện có trên 2,5 triệu ha. Trong đó rừng tự nhiên chiếm 2,2 triệu ha. Tổng diện tích rừng năm 2014 so với kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng năm 2008 ở Tây Nguyên giảm trên 350.000 ha. Nguyên nhân mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang trồng cao su và làm thủy điện hết hơn 120.000 ha. Tiếp đến, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng quét gọn hơn 88.000 ha. Trong 6 năm liền, bình quân mỗi năm rừng Tây Nguyên bị mất tới hơn 50.000 ha.
Thống kê từ năm 2006 - 2013, cả khu vực đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án với hơn 215.000 ha rừng, các địa phương đã thu hồi 76 dự án và đình chỉ 48 dự án khác không thực hiện đúng cam kết.
Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng), quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su và làm thủy điện thực hiện quá nhanh, diện tích rất lớn nhưng chưa có một đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của từng dự án chuyển đổi sau 5 năm hoặc 10 năm. Khi thấy không phù hợp thì các đơn vị xin chuyển đổi tiếp hay bán một phần đất trong dự án cũng có lợi nhuận. Nhiều địa phương chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà triển khai chuyển đổi ồ ạt. Hậu quả là đất nước, xã hội, người dân đành chịu mất rừng.
Trong khi quá trình trồng rừng thay thế chỉ thực hiện “nhỏ giọt” thì tình trạng mất rừng chưa có điểm dừng. Tính đến cuối năm 2014, cả nước chỉ trồng được khoảng 7,8 nghìn ha trong tổng số hơn 67 nghìn ha lẽ ra phải trồng bù lại một phần cho diện tích rừng bị chuyển đổi.
Khó phát triển bền vững
Lâu nay thuật ngữ “phát triển rừng bền vững” được nói thường xuyên, trở nên quá đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, hằng năm diện tích rừng bị mất không giảm mà còn có xu hướng tăng. GS Nguyễn Ngọc Lung nói thẳng: Với tình hình như hiện nay thì không thể phát triển rừng bền vững như hô hào được, bởi nhu cầu phát triển dân số và quá trình di cư tự do liên tục tăng và việc quản lý không để mất rừng là vô cùng khó. Để không mất rừng cần có sự quy hoạch chi tiết, giao rừng cho từng đơn vị cụ thể và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Qua thâm nhập thực tế nhiều vùng rừng tại 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, chúng tôi càng thấy rõ việc mất rừng ở nơi đây vẫn đang diễn ra từng ngày. Tình trạng xâm chiếm rừng lấy đất trồng mỳ, cà phê của người dân ở các tiểu khu được các lâm trường bảo vệ vẫn diễn ra. Theo quan sát, các khoảnh rừng cách mặt đường tỉnh lộ hoặc đường liên huyện chỉ chừng 50-100m, bên ngoài thấy cây vẫn xanh tươi nhưng phía trong đã bị người dân phá trắng làm nương rẫy.
Ông Nguyễn Văn Nam – Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Kon Tum cho biết: Việc phá rừng, xâm chiếm rừng làm nương rẫy trên địa bàn đã gây không ít khó khăn cho người làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Thậm chí, người dân còn canh chừng kiểm lâm để lẻn vào rừng chặt phá. Toàn tỉnh có khoảng 600.000 ha rừng nhưng chỉ có 266 công chức và người lao động, tính ra mỗi người quản lý hàng chục nghìn ha thì làm sao quản lý hết. Bên cạnh đó, số tiền chi trả cho việc bảo vệ rừng còn thấp nên người dân không mấy mặn mà.
PGS.TS Bảo Huy – giảng viên trường Đại học Tây Nguyên, người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về bộ môn quản lý rừng, cho biết: Rừng Tây Nguyên bị suy giảm nhanh dẫn đến mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu. Một diện tích lớn rừng được chuyển đổi trồng cao su, thủy điện càng làm mất đi sự đa dạng sinh học, mất các nguồn gene vô cùng quý giá .
PGS.TS Bảo Huy – giảng viên trường Đại học Tây Nguyên, người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về bộ môn quản lý rừng, cho biết: Rừng Tây Nguyên bị suy giảm nhanh dẫn đến mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu. Một diện tích lớn rừng được chuyển đổi trồng cao su, thủy điện càng làm mất đi sự đa dạng sinh học, mất các nguồn gene vô cùng quý giá .
.
Theo PGS.TS Bảo Huy, việc quản lý bảo vệ rừng hiện đang đặt ra 2 vấn đề lớn: thứ nhất là chính sách vĩ mô hiện không cân bằng được nhu cầu kinh tế và sinh thái, không có nghiên cứu về tác động của quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su, xem thực tế hiệu quả đến đâu. Thứ hai là việc quy hoạch, quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu các quy định mang tính bền vững.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét