TÙY BÚT BAN MAI



Làn da nước dừa



Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

Ngày nhỏ tôi thường nghe chị Nhị hát ru câu ca dao này, chị Nhị con gái Tam Quan người mình dây da trắng nuột, mặc dù chị giúp việc cho gia đình tôi nhưng vẫn giữ được nét thanh tao của người con gái xứ dừa Cửu Lợi quê mẹ.
Tôi hỏi, bộ Tam Quan dừa nhiều lắm hả chị, nhiều đến mức tưới nước không nổi luôn hả. Chị cười nói: “ lớn lên rồi về quê mẹ em biết mà”. Sau năm 75 tôi không bao giờ gặp chị nữa.

Tôi về quê mẹ ngày đã trưởng thành, nghe mẹ nói dừa không còn nhiều như ngày xưa, nhưng cũng đủ cho tôi rợn ngợp trước hàng dừa dày đặc trong mỗi con đường làng mà tôi đi qua.
Từ những bờ biển đầy nắng ở Cửu Lợi lên đến vùng núi Hoài Ân đâu đâu cũng bạt ngàn dừa. Dừa là đặc sản của Bình Định. Theo đường quốc lộ 1, đi từ Nam ra Bắc, bắt đầu đến Sông Cầu qua Bình Định là đã thấy dừa dọc hai bên đường, nhưng có lẽ nhiều nhất là từ Phù Mỹ, đến Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Tam Quan.

Trong các xóm làng quê mẹ, ngày tôi về thăm, nơi nào cũng thấy người ta bện xơ dừa làm thảm, tước cọng dừa làm chổi, dùng thân dừa để làm nhà, lá dừa lợp thay tranh, xơ bện dây làm võng, sọ dừa trơn bóng làm gáo nước, bây giờ người ta còn mua để dùng khắc tranh làm đồ mỹ nghệ. Và một thiếu sót lớn nếu không nói đến món đặc sản bánh tráng nước dừa thơm, ngon, béo ngậy. Tôi có cô bạn ở trời Tây, mê bánh tráng nước dừa Bình Định, mỗi lần cô trở về nước, nói gì thì nói cô cũng để dành nguyên một vali để đựng bánh tráng làm quà cho bạn bè, người thân bên ấy. Cô nói, đến ngày Lễ, Tết trong mâm ăn không có món bánh tráng nướng trên bàn là thấy thiếu thiếu một cái gì. Dân Bình Định ghiền bánh tráng như vậy đó. Cô nói cô có một cái thú ngồi xem ti vi trong đêm lạnh, không gì sung sướng bằng có cái bánh tráng nước dừa giòn tan bẻ rụp rụp nhấp nháp xem phim. Có lẽ Dừa là một trong những sản vật trời ban cho ta nhiều công dụng ít hoa quả nào sánh bằng.

Ngày nhỏ, tôi tưởng chị Nhị đùa khi nói thích tắm nước dừa, vì ngày nay dừa không có mình uống lấy đâu tắm, họa chăng dân đại gia chơi ngông.
Nhưng tôi đã lầm, đến mùa dừa, người dân hái quả chất đầy nhà, các chàng trai bửa đôi quả dừa hứng nước trong một cái lu, cơm dừa già cạy ra dùng để ép dầu. Nước dừa quá nhiều đem đ phí phạm, nên các thiếu nữ dùng để tắm cho da mịn màng. Nước dừa thanh ngọt, thấm vào làn da thiếu nữ hương thơm quyến rũ mê hồn. Có lẽ vì vậy ngày xưa mẹ tôi thường kể, con gái Cửu Lợi Tam Quan đẹp nức tiếng.

Trong tiểu thuyết “Người tình” Marguerite Duras tả sự quyến rũ của cô gái có làn da mát ngọt ví như “da nước mưa” rất lạ, nhưng theo tôi có lẽ con gái Tam Quan Bình Định thập phần hấp dẫn hơn với "làn da nước dừa". Không cần mỹ phẩm như ngày nay, làn hương thiếu nữ tự nhiên thanh ngọt của xứ dừa đủ cho các chàng ngất ngây.

Vào những ngày hè nắng nóng, ngồi trong bóng râm của tàng cây được thết đãi món nước dừa vừa hái không gì tuyệt bằng.
Tôi vẫn nhớ những trái dừa xanh, dừa lửa, dừa xiêm, các giống dừa mà chú tôi trồng trong vườn được hái xuống trong buổi trưa hè, chú đưa tôi uống ngay dưới góc vườn, hỏi xem tôi thích loại dừa nào. Tôi lúng túng, thấy loại nào cũng ngon. Nhưng có lẽ dừa lửa hơi hiếm, nên tôi chọn loại dừa này. Chú bật cười thích thú, nói con nhỏ này, chọn ẩu mà trúng.

Tết rồi, tôi về thăm quê, chú không còn nữa, nhìn hàng dừa đong đưa trước gió, tôi nghe như có tiếng cười của chú còn vang đâu đây. Uống trái dừa xiêm cậu em vừa hái nghe thấy vị thanh ngọt mát tận ruột gan, chất nước được chắt lọc tự nhiên qua bao ngày tháng, thứ nước tinh khiết nhiều vi lượng mà trời đất ban tặng, thấy sự sống thật kỳ diệu qua ly nước dừa.

Một lần nào đó, đi ngang Bình Định, qua xứ dừa Tam Quan bạn ơi đừng quên dừng chân uống một ly nước dừa quê tôi bạn nhé.

21.6.2014
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét