TẠP BÚT ĐỖ HỒNG NGỌC



Sao lâu rồi không thấy Quỳnh viết gì



Từ trái: Châu Văn Thuận, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyên
Minh, Thân Trọng Minh, Nhung và Quỳnh, Trương Thìn.

   Đó là tựa một trong những bài thơ mới nhất của Lữ Quỳnh, từ một câu hỏi của Đinh Cường “sao lâu rồi không thấy Quỳnh viết gì”. À mà, không phải câu hỏi đâu! Tiếng kêu đó. Tiếng kêu thảng thốt, hoang mang như tiếng “lạc bầy kêu sương” thì đúng hơn. Và tôi nữa. Tôi cũng muốn kêu lên như vậy: “sao lâu rồi không thấy Quỳnh viết gì…” với một chút khắc khoải, âu lo, thực ra cũng chỉ vì méo mó nghề nghiệp. Thì ra có một quãng khá lâu, Lữ Quỳnh lặng tiếng. Gần đây, đột nhiên anh bung ra một lúc nhiều bài thơ với một phong cách mới, những bài thơ dành riêng cho bạn bè, gọi tên từng người thân quen. Như một cõi riêng.
Nhớ Lữ Quỳnh, mỗi khi xa về, thường gặp riêng tôi hay vài bè bạn thân thiết đâu đó ở một quán cà phê vắng, một góc phố xưa. Anh không thích chỗ đông đúc, ồn ào. Lữ Quỳnh vậy đó. Lúc nào cũng nhỏ nhẹ, cũng trang trọng, cũng riêng tư, đầm ấm, bẽn lẽn. Khi thấy anh loay hoay, bứt rứt, tôi hỏi đi đâu gấp vậy? Lên Nguyên Minh có chút việc. Việc gì? Không trả lời. Lúi húi thu gom, tất tả đi cho đúng giờ hẹn. Bí mật. Ít lâu sau, hóa ra là một vài tập sách mới ra lò, thơm mùi mực, bìa cứng chưa khô để kịp mang đi đâu đó.
Nhớ xưa, lần đầu về từ nơi xa, Lữ Quỳnh kêu tôi đến quán TT, cái quán ăn nho nhỏ dễ thương trên đường Trương Định. Hôm đó anh kể mãi về nỗi nhớ nhà, nỗi hoang mang, công ăn việc làm, con cái… với biết bao lo toan. Tôi im lặng ngồi nghe, không nói gì hơn, mỗi nhà mỗi cảnh. Rồi tháng năm qua mau, tóc phai màu, anh nói nhiều về cuốn Nghĩ từ trái tim của tôi, anh nói nó đã… giúp anh nhẹ lòng. Có lần anh giận: sao Quỳnh “meo” mà không trả lời!… Cái người cao lớn dềnh dàng mà hay hờn, hay mát, hay giận, hay lẫy đó thật dễ thương vì chính anh cũng lại là người bạn âm thầm và bền bỉ, hết lòng giúp đỡ mình khi cần… Những tập sách của tôi Gió heo may đã về, Già ơi… chào bạn! lúc đầu, rồi các tập thơ Giữa hoàng hôn xưa, Vòng Quanh đều do một tay Lữ Quỳnh lo chuyện ấn loát. Anh mê văn chương, lại có “gu” làm sách, chăm chút trình bày ruột, trình bày bìa, nhã và đạm, hạp tạng tôi.
Nguyên Minh “ông chủ” Quán Văn nhắc số tới sẽ là số đặc biệt về Lữ Quỳnh. Viết gấp đi. Tôi nói bài đọc thơ Lữ Quỳnh, Sinh nhật của một người không còn trẻ … của tôi năm đó là khá hay rồi, đăng lại được. Nguyên Minh đồng ý, nói bài đó hay thiệt. Nhưng Lữ Quỳnh bảo “phải có bài mới”!
Sáng nay, Lữ Kiều – Thân Trọng Minh, Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc, Lê Ký Thương, Cao Kim, ngồi nhâm nhi café và gió mát bên một hồ nước xanh trong giữa lòng thành phố, tình cờ ra mắt một… “tuyển tập”, số đặc biệt bằng “lời thoại”, độc bản, về người bạn chung Lữ Quỳnh. Mỗi người một ý, mỗi người một góc, nói qua nói lại, nói tới nói lui, một lúc bỗng vẽ nên chân dung một Lữ Quỳnh từ ngày còn thơ cho đến hôm nay liêu xiêu trên đường dốc! Không ai biết rõ Lữ Quỳnh hơn Lữ Kiều. Những anh chàng họ Lữ với nhau từ tuổi tập tễnh bước vào chốn văn chương! Lữ Kiều bảo thơ của Lữ Quỳnh đã hay từ trẻ! Lữ Quỳnh là một nhà thơ hơn là một nhà văn. Họ từng cùng chia ngọt sẻ bùi, ghen tuông hờn giận từ những ngày còn thơ nơi chốn quê nhà cùng dòng sông thơm và những mái tóc thề, những tà áo tím, những đường phượng bay…
Tôi nhớ khi đọc tập thơ Sinh nhật của một người không còn trẻ (Văn Mới, 2009) của Lữ Quỳnh, tôi đã phải kêu lên: Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi! (Vũ Hoàng Chương dịch Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu, yên ba giang thượng sử nhân sầu!), vì thơ anh buồn quá, nỗi buồn mà tôi gọi là buồn “nhật mộ”, “ hương quan hà xứ thị”?
Tôi cùng em đứng đợi dưới mưa chiều
Bên kia đường nghĩa địa đìu hiu
Bia mộ liêu xiêu mịt mù trong gió
Cái hương quan hà xứ này hình như ta chỉ chạm mặt giữa hoàng hôn, những hoàng hôn tím biếc, những chập chùng khói sương, bến bờ vực thẳm. Cái “hương quan hà xứ” mà Trịnh Công Sơn bảo: “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…”!
Những bài thơ mới nhất của Lữ Quỳnh vẫn là nỗi buồn “nhật mộ”, nỗi ám ảnh khôn nguôi của hoàng hôn, của mùa đông, của giấc mơ:
có thể nào sau những giấc mơ
còn nhớ được
như đang sớm mai mà lòng hoàng hôn
như bàn tay từng đan kỷ niệm
giờ cầm hoa trắng qua nghĩa trang

(sao lâu rồi không thấy Quỳnh viết gì, 2014)
Ám ảnh đó đặc sánh ở thơ Lữ Quỳnh, những khi đông về:
Mùa đông này
Trời trong veo và rất lạnh
Hai bàn tay buốt cóng
Cầm nỗi nhớ nhà
…..
Nhìn bạn bè đứa còn đứa mất
Rượu tràn ly
Nói cười
Chuyện thiên đường địa ngục.

(Mùa đông, những ngày bình yên)
Và không lạ khi những tập thơ, tập truyện, tập nhạc mới nhất của anh đều là Những cơn mưa mùa đông rồi là Thành phố mùa đông!
Và, rồi những giấc mơ. Những giấc mơ ắp đầy mây trắng, “bạch vân thiên tải không du du” nào xưa:
lời vô ngôn
những giấc mơ nồng nàn
lạ lẫm…
sáng ra không nhớ gì.
chỉ là cõi hoang
chập chờn mây và mây…

2013
(Mây trong những giấc mơ)
Lữ Quỳnh viết cho Trần Hoài Thư:
đêm đủ dài cho một giấc mơ
bầy hải âu la đà mặt biển
ngày tuổi xanh
rồi ngày không còn trí nhớ
vẫn bầy hải âu
có con nào đã rời bầy
trong giấc mơ không thấy
.
(2014)
Bài thơ mới nhất, Biển cát tím ở Big Sur: «đứa bé vừa đi vừa nhìn lại trong giấc mơ là tôi. không đứng vững/ mắt hoa vàng nhảy múa. không biết vì nắng/ hay trái tim đang loạn nhịp thời gian».
Và: «nửa đêm ở rừng lạnh buốt/ không sao ngủ được/ dậy đốt lửa hơ tay/ hơ trái tim khô/ chỉ đợi ngày bắt lửa».
(Trái tim khô giữa rừng cây ngàn tuổi, 2014)
Thơ Lữ Quỳnh bây giờ là vậy đó. Là mùa đông. Là giấc mơ. Là trái tim khô. Là những ngày chạy ngược chạy xuôi từ nam Cali về bắc Cali, để rồi càng khắc khoải thêm nỗi buồn “nhật mộ”:
Lần nào thăm anh về
lòng cũng nặng bầu trời mây
những đám mây không có dấu chân Hoàng
cầu mong anh vượt qua, vượt qua,vượt qua được…
Yết đế, yết đế, Bala yết đế, Balatăng yết đế…
câu chú ngày xưa Trịnh Công Sơn thường niệm
nay tìm thấy trong Nghĩ Từ Trái Tim của Đỗ Hồng Ngọc
gửi lại anh, Nguyễn Xuân Hoàng bình an nhé.

(Hãy vượt qua, vượt qua… 2014)
    Những năm tháng sau này, dưới mỗi bài thơ tôi đều thấy anh ghi nơi chốn và thời gian, như một níu bắt ngậm ngùi. Nơi chốn và thời gian? Làm gì có Quỳnh ơi. Vĩnh cửu chỉ có trong từng sát-na hiện tại, trong hơi thở vào hơi thở ra, Anapanasati đó thôi.
     Bài thơ Lữ Quỳnh Gửi anh Đinh Cường, để trả lời sao lâu rồi không thấy Quỳnh viết gì:
mà mỗi sát-na đời lênh đênh chốn khác
dưới đám mây đen không chờ cơn mưa đến
rực rỡ mùa xuân là những đóm hoa tàn

(2014)
     Đâu có. Hãy đọc lại đi, Quỳnh ơi, Mãn Giác thiền sư:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một cành mai!”.

Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 7.2014)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét