THÔNG TIN VỀ THỰC TRẠNG THI HÀI CỐ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 
luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.

Xuân Hải
Lao Động 28/07/2015


Sáng 28.7, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, tổ chức gặp gỡ báo chí tuyên truyền Kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29.8.1975 – 29.8.2015). 

Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí, Thiếu tướng Phạm Văn Lập - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - cho biết: Trải qua 46 năm, kể từ khi Bác Hồ kính yêu vĩnh biệt chúng ta, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử và được duy tu tôn tạo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Từ ngày mở cửa Lăng đến nay đã đón tiếp được gần 50 triệu lượt người dân trong nước và quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm sâu nặng, đời đời biết ơn Người và nguyện đi theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn.

 Thiếu tướng Phạm Văn Lập - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí sắng 28.7 (Ảnh: Xuân Hải)

Thiếu tướng Phạm Văn Lập cho biết: Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt, được Đảng, Nhà nước, Quân đội mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo và chỉ đạo. Cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ của đơn vị đã thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và Bác Hồ, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, với một ý thức trách nhiệm cao, vươn lên hoàn thành xuất sác nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó.

“40 năm xây dựng và trưởng thành của đơn vị là cả quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ với những chiến công thầm lặng. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, thiếu thốn, phải tổ chức những cuộc hành quân di chuyển bảo đảm giữ gìn bí mật và tuyệt đối an toàn thi hài Bác” – Thiếu tướng Phạm Văn Lập nói.

40 năm qua, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc rằng: mỗi thành tích, mỗi chiến công của đơn vị đều gắn với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ; trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự giúp đỡ to lớn của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích lịch sử - Văn hóa Ba Đình, cấp ủy chính quyền nhân dân các địa phương trong cả nước và bầu bạn quốc tế.

Thiếu tướng Phạm Văn Lập nhấn mạnh: Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, bước vào giai đoạn mới của cách mạng, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đã tin tưởng giao phó – Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để Lăng Bác mãi mãi là nơi tôn nghiêm nhất, là không gian thiêng liêng của toàn dân tộc, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, chí anh hùng và các phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ Việt Nam.


________________

Thi hài cố Chủ tịch Hồ Chí Minh trải đã 46 năm, và đã có đến 40 năm gìn giữ bảo quản trong lăng ở Hà Nội, mở cửa đón tiếp đến gần 50 triệu lượt người đến viếng, mà đến giờ vẫn còn tốt, vậy là cán bộ kỹ thuật của ta rất giỏi. Vừa làm, vừa học từ các chuyên gia nước ngoài, cán bộ của ta thông minh, sáng tạo, đã đáp ứng được rất tốt cho yêu cầu nghiêm nhặt và chưa từng có tiền lệ ở VN và rất hiếm hoi trên thế giới.

Tuy nhiên, đã từng có ý kiến nêu ra:

- Thời gian gìn giữ thi hài cố Chủ tịch HCM đã tròn 40 năm, đồng bào khắp trong nam ngoài bắc, kiều bào từ nước ngoài và các nguyên thủ trên thế giới đã được chiêm ngưỡng nhiều lần. 

- Tiền của để phục vụ cho vận hành lăng rất tốn kém, và nhân lực cần có cả một bộ tư lệnh để phục vụ.

- Giữa thủ đô, để một lăng mộ to lớn cũng không phải là tốt, cả về mặt môi trường lẫn phong thủy. Đặc biệt khu lăng mộ này lại sát Nhà Quốc hội và các cơ quan đầu não của đất nước. 

(Xưa kia, các vua chúa cả bên ta, bên tàu, mặc dù uy quyền lớn lao, mặc dù lưu luyến ngôi báu cũng không ai tự để hoặc vua kế vị để lăng tẩm vua cha trong hoàng thành, tử cấm thành. Các vua triều Nguyễn để lăng mộ cách hoàng thành cả chục km. Lăng mộ thường xây ở nơi sơn thủy hội tụ, nên gọi là sơn lăng, lấy núi non làm án, lấy khe ngòi làm long hổ, chứ không để chình ình giữa nơi đô hội).

- HCM đã có để lại di chúc, muốn được hỏa táng rồi an táng tro cốt chứ không muốn tổ chức điếu phúng linh đình, đặc biệt là xây lăng tẩm tốn kém tiền của, lại có cả tiêu binh - tức là người sống bồng súng canh gác suốt đêm ngày, qua năm tháng.

- Quan niệm Phương Đông là khi chết là được an táng mồ yên mả đẹp, chết toàn thây, rất kỵ động mồ động mả,  vì vậy, việc không an táng thi hài, lại luôn nâng lên hạ xuống hàng ngày, và nhất là khi mới tạ thế đã phải bị đụng dao kéo xử lý kỹ thuật đối với di hài của Người, rất đau lòng. 

Vì thế, đã có đề xuất:

Nhà nước ta nên mở một cuộc trưng cầu ý dân về việc sẽ để lại lâu hơn nữa, hay là thực hiện ngay việc hỏa táng rồi an táng thi hài của cố Chủ tịch HCM theo đúng NGUYỆN VỌNG của Người và TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC. Cuộc trưng cầy ý dân cần nêu hết các ý kiến để dân xem xét, chọn lựa và tiến hành khách quan, minh bạch, khi có kết quả, sẽ lại mở 1 cuộc hội thảo có sự tham gia của các nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, nhà khoa học để đi đến kết luận cuối cùng.


 
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét