SÁCH CÚNG MÀ SAO NHIỀU SẠN THẾ?!!

Một cuốn sách quá nhiều 'sạn'

Nông nghiệp Việt Nam
Thứ 5, 13/08/2015

Đó là cuốn sách “Cách mạng tháng Tám - Những giờ phút lịch sử”, do NXB Thanh Niên và Nhà sách Thăng Long liên kết xuất bản - phát hành nhân dịp 70 năm Quốc khánh. 

.
Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám - Những giờ phút lịch sử”, NXB Thanh Niên 2015

Chịu trách nhiệm xuất bản: Đoàn Minh Tuấn; biên tập: Lê Minh Hiền; in 800 cuốn, khổ 13,5 x 21cm tại Cty in Văn hóa Sài Gòn. In xong và nộp lưu chiểu năm 2015.

Với 300 trang nội dung, cuốn sách này chứa đầy lỗi. Đó là những lỗi về chính tả, lỗi cú pháp câu, nhất là lỗi về kiến thức lịch sử như tên người, tên sự kiện, tên địa danh...


Đầu tiên, những lỗi sơ đẳng nhất đối với người làm xuất bản. Ngay trang 6, phần Lời giới thiệu, dẫn ví dụ cuốn sách “Nước Việt Nam năm 1945: Sự tranh chấp quyền lực” của nhà sử học David Marr; biên tập đã cắt bỏ họ của tác giả, chỉ còn tên David.

Sang trang 7, nói về sự kiện Cách mạng tháng Tám vẫn còn thiếu một công trình nghiên cứu sâu rộng đối với bạn đọc trong nước, kiều bào Việt Nam và cả giới nghiên cứu nước ngoài, thì biên tập thành “giới thiệu cứu nước ngoài” (!?).

Chú thích đánh số 1, trang 23, trong bài “Tình hình Hà Nội từ ngày 9 tháng 3 đến đầu tháng 8 năm 1945” viết: “Văn kiện Đảng 1939-1945 - như trên - trang 498”. Như trên là như trên nào?

Bài viết này vốn là của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành ủy Hà Nội, trích trong cuốn sách “Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội”, xuất bản năm 1970.

Hoặc trong bài “Phụ nữ Hà Nội thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa”, trang 92, chú thích đánh số 1 viết: “Xin xem tiếp sự kiện này ở phần sau”. Vậy phần sau là phần nào? Bởi vì, bài viết này trích trong sách “Lịch sử phong trào Phụ nữ Hà Nội”, nếu đọc cả cuốn sách thì mới có “phần sau”, đọc đoạn trích thì... không thấy đâu.

Việc trích dẫn, phải lấy lại nguồn cho đầy đủ, chứ không phải chỉ viết theo cốt cho xong chuyện, rồi đánh đố người đọc đi tìm nguồn.

Bài “Hoạt động Công vận tiến tới khởi nghĩa ở Hà Nội”, do Ngô Vương Anh ghi theo lời kể của ông Hoàng Văn Khánh (Trưởng ban liên lạc cán bộ Công vận Hà Nội 1936-1945), trang 56, viết: “Anh Vũ Quý và anh Hoàng Kế Thiện giới thiệu tôi về tìm việc làm và bắt liên lạc với cơ sở ở Hà Nội”. Viết đúng phải là Hoàng Thế Thiện - tức Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922-1995).

Tương tự, tên thật của đồng chí Xuân Thủy là Nguyễn Trọng Nhâm thì chú thích thành Nguyễn Trọng Nhân (trang 196), tên thật của nhà văn Như Phong là Nguyễn Đình Thạc được sửa thành Nguyễn Đình Thạo (trang 169)...

Các đồng chí đã mất như Hà Kế Tấn (1912-1998), vẫn chú là nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội (trang 191), Lê Thu Trà (1920-2003), vẫn chú thích là cán bộ Trung ương Hội LHPN Việt Nam (trang 201)...

Trong bài “Tấm lòng của một thương gia với Việt Minh, với cách mạng và với Bác Hồ”, do Ngô Vương Anh ghi theo lời kể của cụ Hoàng Thị Minh Hồ, trang 226 có chú thích về đồng chí Khuất Duy Tiến: “Sau này là Trung tướng”.

Đây là chú thích sai. Trung tướng Khuất Duy Tiến (SN 1931), nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân 1, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 là thế hệ hậu sinh. Còn đồng chí Khuất Duy Tiến (1910-1984) được nhắc đến trong bài viết này nguyên là Phó Bí thư Thành ủy - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Trong bài “Các cuộc tiếp xúc giữa Việt Minh với Chính phủ Trần Trọng Kim” có rất nhiều sai sót. Ngay từ trang thứ nhất bài viết (trang 112 của sách), chưa có chú thích đánh số 1 thì đã có chú thích đánh số 2. Tương tự, trong bài “Nhớ lại những ngày hoạt động trong Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”, trang 262, cũng không có chú thích 1, đã có chú thích 2, chú thích 3.

Tác giả viết tắt TV Xứ (trang 112), tức là Thường vụ Xứ ủy (Bắc Kỳ), thì được biên tập thành “Trung vụ Xứ” hoặc thành “Trung ương Xứ” (trang 118).

Rồi khi Nguyễn Khang báo cho Lê Trọng Nghĩa biết Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, thì biên tập thành “báo cáo” (trang 120). Nguyễn Khang là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, làm sao phải “báo cáo” với Lê Trọng Nghĩa là cấp dưới của mình?

Trang 123 viết, các phương tiện thông tin đại chúng của Chính phủ Trần Trọng Kim tung tin về “thượng thế” của Việt Minh, thì biên tập thành “thượng đế” (chú thích đánh số 1, trang 123). Trang 133 chú thích về tác giả Lê Trọng Nghĩa vẫn bê nguyên sách cũ để in vào: “Hiện sinh sống ở Hà Nội”. Đại tá Lê Trọng Nghĩa mất ngày 22/2/2015, làm sao mà “hiện sinh sống” được nữa?

Tương tự, trong bài “Hà Nội, một kỷ niệm”, chú thích về nhà báo Trần Lâm (1922-2011) vẫn còn “nguyên Chủ tịch Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam”, đồng thời “Nhà riêng hiện nay (2005)” - cho thấy tư liệu cũ đã 10 năm vẫn chưa biên tập lại.

Bài “Tôi theo Việt Minh” của nhà báo Thanh Thủy, tên thật là Nguyễn Thị Khánh Thuận, được chú thích thành Khách Thuận, kèm theo dòng “viết bài cho nhiều báo với cá nhân bút danh”. Cá nhân bút danh nghĩa là gì? Các bút danh chẳng phải dễ hiểu hơn sao!
Cuốn sách “Cách mạng tháng Tám - Những giờ phút lịch sử” đã được xuất bản nhiều lần, với nhiều tên gọi khác nhau: “Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 - Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu” (NXB Lao động, 1999); “Việt Minh Hoàng Diệu” (NXB TP. Hồ Chí Minh, 2001), Nguyễn Văn Khoan (chủ biên); “Hà Nội - mùa thu cách mạng” (NXB Hà Nội, 2009).
Đến lần xuất bản 2015 này, toàn bộ phần III (Những nghiên cứu và suy nghĩ về cuộc cách mạng) và phần IV (Tư liệu) đã lược bỏ cùng với nhiều bài viết khác trong phần nội dung (I-II) của cuốn sách đã in.
Lẽ ra, với số lượng nội dung ít đi, chất lượng biên tập phải được nâng cao, thì cuốn sách lại làm cẩu thả hơn.
  Kiều Khải
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét