“ Triết lý” của ăn vụng làm càn


          Sở dĩ tôi gộp hai bài viết được viết từ năm
bẩy năm trước, thành bài sau đây, lý do vì chúng cùng nói về  
một phương diện của người Việt xấu xí xưa và
nay.




           Bài  thứ nhất nói về sự hình thành của cách sống
càn bậy trong quá khứ.


         Bài thứ hai nói về lý do tồn tại của nó trong
xã hội hiện đại, khi mà sự làm liều làm ẩu làm bất chấp quy luật... do yêu cầu của chiến tranh trở thành đại trà, và được dung túng thậm chí
cổ vũ; rồi đến thời làm ăn kinh tế nó lại được
đưa lên một tầm cao mới  được phép tung hoành thả cửa, và
nếu biết lo liệu, người ta sẽ được cả luật pháp bảo vệ.







I


   Đói ăn vụng
túng làm càn

là một trong những câu tục ngữ cửa miệng của người mình.

     Đời sống khó khăn xui người ta làm liều, bất
chấp lương tri và những luật lệ thông thường. Không còn phải trái, nên hay
không nên, chỉ có cuồng vọng chỉ có ý thích. Bởi lẽ tiểu xảo tiểu trí, nên trong
lịch sử xã hội ta không có những đám lục lâm cỡ lớn. Song cướp vặt thì lại quá
phổ biến. Đã
  hình thành cả một lối sống
mà người xưa đã dùng bốn chữ “vô sở bất chí “ để gọi.
Vô sở bất chí  tức là không
việc gì không dám làm!
   


        Ghi lại những ký ức từ con người và phong
vị của xứ sở, ngoài những truyện  ghi lại
nếp sống nghiêm cẩn và những trò chơi tao nhã như
thả thơ đánh thơ, như chén trà bên sương sớm… Nguyễn Tuân còn
xếp vào
Vang bóng một thời
 truyện
Ném bút chì.



      Có
lúc, truyện được gọi bằng một cái tên đẹp: Một
bọn bất đắc chí
. Nhưng bóc đi cái phần lãng mạn  thì nội dung của nó là tả sinh hoạt của một
bọn cướp. 


       Làng Vũ Đại mà Nam Cao miêu tả nhiều trong
truyện ngắn cũng có cướp, nạn cướp vùng đồng chiêm trũng hoành hành như một thế
lực ngang ngược.


      Những cảnh cướp vặt ở vùng ngoại ô quê Tô
Hoài thì  tầm thường mà không kém phần thê
thảm. Nhân vật Thoại trong Quê người,
ngày tết đi bắt những con chó sợ pháo, bị người ta đánh tới mức thừa sống thiếu
chết, phải cùng bầu đoàn thê tử bỏ làng mà đi.


       Khổng
tử trong Luận ngữ từng cho rằng việc
người ta không làm bậy trong cảnh
nghèo còn khó hơn là không kiêu căng khi giàu sang ( Bần nhi vô oán, nan;
phú nhi vô kiêu, dị
-- Hiến vấn,
đoạn 11).


    Cái điều mà Đức Thánh Khổng lo quả không
thừa. Đây là một đoạn đối thoại trong  truyện
Nguyễn Công Hoan viết 1936:


-- Tại sao mày phải đi ăn cướp ? Sao không kiếm nghề
lương thiện mà làm ăn?


   Chúa Cụt mỉm
cười :


-- Bẩm tại con đói (…) Đời không cho con được ăn ở hiền
lành, nên bất đắc dĩ  con mới phải ăn
cướp.


-  Mày nói lạ.


-- Bẩm thật con đi ở mà người ta không nuôi, con làm gì
người ta cũng không cho làm, gia đình nào cũng hắt hủi con. Người đời đã chẳng
tử tế với con, tất con phải là kẻ thù của họ. Để  có những thứ cần để sống, con chỉ còn cách
bắt buộc ấy.                                      


     Xã hội hiện đại mở ra cho con người bao
khát vọng tốt đẹp nhưng lại không mang lại cho họ khả năng đạt tới cái lý tưởng
đó. Trong triết học phương tây, có một ý niệm gọi là chủ nghĩa hư vô. Trong dạng
suy đồi của nó, ý niệm này được diễn đạt thành 
công thức Chúa đã chết và người ta 
có quyền làm bất cứ việc gì !


      Sự càn rỡ của người mình có phảng phất
một chút hư vô như vậy. Cũng liều bán váy
chơi xuân,
câu thơ Tú Xương mang dáng vẻ một sự thách thức sang trọng.


    
Nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhân vật tướng cướp. Họ được hình
thành như một bộ phận của xã hội.


     Theo
cách miêu tả của nhà văn trong Cánh buồm
nâu thuở ấy
,  chất thơ của cuộc sống
tồn tại ngay trong hành động của đám người đứng ngoài luật pháp này.


    
Nhưng đó là  những hoàn cảnh lý
tưởng. Sự thực là ở ta, sự càn rỡ  thường
khi hiện ra nhem nhuốc hơn, thấp hèn hơn.


    Khi sang Nga, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên
thấy cảnh dân đi câu mà nếu chỉ câu được cá bé (dưới mức cân nặng nào đó),
người ta buộc phải thả. Sau biết rằng ở nhiều nước có luật lệ như vậy.


    Ở Việt Nam thì khác. Cả những con tôm con,
như cách nói dân gian “mới bỏ vú mẹ” cũng không được tha. Cá không chỉ bị đánh
bằng lưới mà còn bằng mìn, bằng điện, những hành động phải được mệnh danh là
tàn sát  là tận diệt thiên nhiên.


     Đầu thế kỷ 20, một người Pháp Roland Meyer kể
rằng trên đất Lào có những người Việt trong cơn điên cuồng kiếm sống, đào cả
đình chùa của người ta lấy gạch bán từng thước khối. Ông ta gọi đây là “một mớ
cặn bã của nhân loại “. 


    
Nhà văn Lê Thanh, khi lại chuyện này 
trên Tri tân số ra 22-4-1942,  tỏ ý rất đau đớn.


    Ngày
nay không hiếm tình trạng tương tự.


    
Tin tức từ Nga cũng như  nhiều
nước phương Tây truyền về cho thấy đủ loại 
quái chiêu mà dân ta  trình ra khi
sang nước người. Trồng cần sa trong nhà. Mò san hô. Buôn ngà voi hoặc vũ khí…
Tất cả những gì bị cấm thì có người Việt dám làm.


      Khi mới hình thành, sự liều lĩnh càn
rỡ  được ngụy tạo bởi một cảm giác tự do
và cách khẳng định quyền được tồn tại. Người ta cần nó để vượt thoát khỏi tình
thế quẫn bách.


      Về sau một thói quen hình thành, con
người coi việc xấu là tự nhiên, không đói cũng ăn vụng không túng cũng làm càn.


      Chỉ cần thấy mình không được sung sướng như
người khác, không có dịp tận hưởng nhiều tiện nghi như người khác; chỉ cần muốn
trêu ngươi thiên hạ muốn nổi trội hơn đồng loại, muốn kiếm chác một cách dễ
dàng, muốn làm trò muốn vấy bẩn vào ai đó, -- là người ta cảm thấy có đủ lý do
để càn rỡ rồi.


     
Báo  TT&VH số 6-10-07  có bài nói về nạn đào trộm trống đồng ở Đắk
Lắc. Một thôn  có tới 30 trống bị đào
trộm. Người ta sử dụng cả máy dò kim loại. Nếu 
biết thêm rằng khi một trống đồng được đào lên  tức là cả 
không gian văn hóa chung quanh phá vỡ, sẽ thấy cách nói của người Pháp ở
trên không phải là quá đáng.


     Cái
càn rỡ hiện nay có bao nhiêu bộ mặt. Nó len lỏi trong hành động của những con
người bình thường, khi họ dễ dãi buông thả và phó mặc cho bản năng thấp kém của
chính mình.





  Đã in
trong
TT&VH 20 -10 –07 dưới nhan đề


Không đói cũng ăn vụng không túng cũng
làm càn




II                                           

       Cáp quang dưới biển bị cắt. Nước tương
có chứa chất gây ung thư cũng được bày bán. Hàng hóa xuất ra nước ngoài kém
phẩm chất bị trả về. Ăn cắp, cướp giật. Lấn chiếm đất công. Bán hàng giả. Những
vụ đua xe náo loạn phố xá.  Những đám học
sinh  xử 
nhau theo kiểu xã hội đen rồi còn quay video tung lên mạng…


      Những hành động càn rỡ ấy, nối tiếp vào
các vụ việc bấy lâu chúng ta vẫn nghe —như phá rừng, lấn biển bừa bãi; ăn cắp
nguyên vật liệu trong xây dựng; gọi là cải tạo nhưng thực ra phá hoại môi
trường và tàn phá di sản … — khiến cho nhiều người phẫn nộ và bàn cách chữa
trị.


     Tôi cũng thấy thế, song trong bụng không
khỏi thoáng qua một chút hoài nghi. Nhiều hiện tượng cứ nối tiếp theo kiểu “chém
đầu này mọc đầu khác”.  Hình như nó đã ăn
vào máu chúng ta rồi. Đã thành cách sống được chấp nhận. Muốn chữa tận gốc, cần
đi tìm cỗi rễ của sự việc trong tâm lý xã hội và trong từng con người.


     Nay là lúc trước khi làm chuyện bất lương
nhiều người thường tự nhủ cuộc sống là một canh bạc. Được làm vua thua làm giặc.
Thoát thì giàu to, thành người đàng hoàng. Không thoát đành chịu. Không có luật
pháp, không có lương tâm tự trọng gì hết. Việc gì kiếm ra tiền là có quyền
làm.


    Tức là có  cả một “triết lý” đứng
đằng sau các hành động nói trên.


    Tuy nhiên, điều đáng nói là ở ta
hiện nay, những triết lý nếu có nẩy sinh chỉ xuất hiện dưới dạng một
thứ “tập mờ”, một thứ cảm giác mông lung chứ không đề lên thành
những luận thuyết chặt chẽ. Và ta lầm tưởng là ta chỉ sống theo
bản năng tự nhiên chứ có “triết lý triết luận” gì đâu, nên lại
càng dễ bị nó cuốn theo.


     Tôi muốn kết nối những hiện tượng trên với
những vấn đề căn bản của đời sống cộng đồng mấy chục năm nay.


     Chỗ ta hay quên — cộng đồng vừa ra khỏi
chiến tranh, một cuộc chiến tranh khủng khiếp nó làm sai lạc cả bản chất con
người chúng ta đến mức gần bốn chục năm sau vẫn chưa gượng dậy được.


     Còn nhớ hồi ấy, ở miền Bắc, nhu cầu động
viên thanh niên đi bộ đội rất cao. Học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường khi
cần cũng được gọi đi.


     Để giúp người đi thêm yên lòng, có hẳn một
chủ trương là những thanh niên như vậy, dù không học xong cấp III, cũng cho tốt
nghiệp.


     Hơn thế nữa, dù trước đó họ có là những
thanh niên càn quấy đi nữa thì việc họ chấp nhận ra đi đã xóa sạch tất cả. Họ
được coi là những người có hạnh kiểm tốt. Sự có mặt ở chiến trường, sự tuân
theo mệnh lệnh đã là cái tiêu chuẩn lớn nhất để đánh giá con người. Họ trở
thành những tấm gương để lớp sau học theo.


    Chiến
tranh không có chỗ cho sự suy nghĩ phải trái. Nhân danh những mục đích lớn, thì
thủ đoạn nào cũng được phép. Được làm vua
thua làm giặc
, ai trụ lại được trong chiến tranh thành anh hùng, thành
người có công tha hồ làm bậy.  


    Sang thời hậu chiến, kinh tế đóng vai
trò mặt trận chính. Nhu cầu của đất nước là phát triển sản xuất để
thêm nhiều của cải hàng hóa, là xây dựng, là làm hàng xuất khẩu, là hội nhập …


     Trong hoàn cảnh một xã hội rệu rã tan
hoang, hàng núi chi phí bầy ra trước mắt, thì tất cả các hoạt động đa dạng thời
hậu chiến rút lại là làm sao để có tiền. Lý tưởng nhất là mỗi địa phương mỗi
đơn vị mỗi cá nhân làm thêm ra tiền để tự nuôi và nếu nộp cho nhà nước thì càng
nhiều càng tốt.


    Khả năng
sinh lợi
 được coi là khả năng lớn nhất mà cấp
trên đòi hỏi ở cấp dưới, các cơ quan công quyền đòi hỏi ở người
dân. Nó là tư tưởng mà cũng là đạo lý trong thời đại
mới.


    Một xu thế suy nghĩ đang thịnh hành, đóng
vai một thứ luật miệng, người ta chỉ  cần
hiểu ngầm với nhau. Anh có thể đi buôn dù chức năng anh không phải là buôn; anh
có thể chạy chọt xin xỏ, anh có thể có những sáng kiến kỳ cục, miễn là anh gây
được một thành tựu có tiếng vang trong xã hội …


   Trong chiến tranh, nhân danh chống lại kẻ thù,
người ta dành cho mình cái quyền tàn phá cả các đô thị, các di sản, cần bao mạng
người cũng hy sinh không cần tính toán; thì trong làm ăn thời nay, để phục vụ
cho việc làm giầu (cho cộng đồng thì ít mà cho cá nhân thì nhiều)-- hầm mỏ bị
bòn rút đến tàn nhẫn, rừng nguyên sinh bị triệt phá, thế hệ trẻ bị thả nổi để
rồi cuốn theo đủ trò trụy lạc mới học mót được của nước ngoài.


      Nói chiến tranh tưởng đã lùi xa mà dư âm còn
vang vọng, tinh thần của nó còn chi phối nhiều hành động của con người là vì
thế.


      Lúc
tỉnh táo, ai cũng rõ trong hoàn cảnh một nước còn nghèo và đạo làm người tối
thiểu không cho phép ta sống càn rỡ. Nhưng cuộc sống bế tắc khiến cho người ta
thấy tử tế cũng là vô nghĩa, sự phát triển lành mạnh của con người là chuyện
hão hiền và tương lai thì quá ư mờ mịt.


    Trong khao khát làm tất cả để tồn tại, nó –
cách sống càn rỡ vô lối đó - chỉ cho ta con đường dễ mà đi. Giữa lúc khó
khăn, nó mang tới những “chiến công” những “thành tựu” mà xã hội quen nặn
ra để tự lừa mình. Với vẻ hào nhoáng bề ngoài, nó ve vuốt nịnh bợ chúng ta. Hơn
thế nữa, nó lại gắn liền với quá khứ vinh quang. Giã từ sao nổi?






 Dưới nhan đê Ẩn kín một triết lý chung ,  đã in trong Những
chấn thương tâm lý hiện đại
,2009                   


 Trong cuốn ebook trên có thể đọc thêm các bài


I (6) Từ tham lam nông nổi đến càn rỡ bất lương


I(10) Ngày một hung hãn


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét