Đến với Khâm Thiên trong cảnh tàn phá








29/12/72    


    Gần như mỗi ngày, tôi ra Khâm Thiên lại thấy
một khác. Hôm nay, y như một công trường. Nước dềnh lên trên lòng đường. Máy đứng,
cái tay gầu xoay ngang xoay dọc.






    Nhiều kíp thợ cùng làm việc. Những cô TNXP
hay những cô phu hồ, thôi gọi thế nào chẳng được. Giờ nghỉ, các cô ngồi chật cửa
hàng bún, bánh.


     Những người thợ điện ngồi vắt vẻo trên cột
điện kéo lại đường dây. Những người chữa điện trong các gia đình, cầm theo một
đống công tơ.


    Cả thành phố đều có việc. Cả cái thành phố
không thể vô can đối với sự kiện này.


     


      Lâu
nay đối với mỗi gia đình Hà Nội, cuộc chiến tranh là sự vắng mặt của người thân.
Những ngày hòa bình như một thứ quá khứ vẫn còn hiện diện.


     Từ
nay, với Khâm Thiên, cả cái quá khứ hôm qua cũng đã đi xa. Ta có một quá khứ
khác.


     Khâm Thiên như một cái gì đó chỉ ra rằng lâu
nay Hà Nội đã có một bộ mặt mới mà ta không biết, nay  với Khâm thiên ta bắt đầu biết. Mỗi lần, có
chuyện gì đấy, chúng ta lại nghĩ tới Khâm Thiên.


      Mai đây ra sao? Có phải chiến tranh đến với
thành phố là phải ngưng lại? Không chắc! Nguyễn Minh Châu thì bảo không biết
đây là mở đầu, hay là kết thúc của cái  thời chiến như một đêm đen dài dằng dặc này nữa.





    Có một Hà Nội ở sau các phố xá. Thường đi
qua Hàng Bột, nhìn qua lối ngõ, tôi vẫn cứ thấy một vệt rau màu xanh. Tôi biết
có một Hà Nội bề mặt và Hà Nội sau lưng cái bề mặt ấy, một Hà Nội các xóm
nghèo.


     Không một quả bom nào rơi trúng lòng đường
Hà Nội. Phố Khâm Thiên cũng vậy. Nên lần nào đến Khâm Thiên, tôi cũng đi vào
phía trong của phố.


    Hóa ra nơi đây, có một cái hồ lớn, chứa nước
cống của thành phố. Còn nhớ hôm nọ, trong đêm, tiếng nước rơi xuống đá kêu
lanh tanh.


   Đoàn
Công Tính tỏ ý  hơi lạ khi những người
dân hai bên hồ vẫn ra hồ rửa ráy. Nhưng Hà Nội lâu nay vẫn vậy.


    (Trong bài ký
tên Anh Thơ để viết tựa cho thơ Vân Đài, Tô Hoài từng kể ” Nhà chị Vân Đài ngày
trước gần Hồ Gươm, thường ra đó để giặt dũ “)


   Thành phố chúng ta nghèo... như một niềm
chung thuỷ, một cách sống nhũn nhặn, một triết lý bám vào cuộc sống mà sống.


    Những
mảnh đất bị bom được san lại. Cố sống cố chết, người ta kiếm được ít cọc đóng
quanh nền. Người ta dựng tạm lên một túp lều.


  


  Hà Nội
mà lên lại nhà cửa của mình thì lạ lắm. Tôi đã thấy những túp lều chụp ni lông.
Những mái gác phủ bạt. Những cái nhà, cả mái, cả cái gọi là tường, đều quây bằng
một thứ bao tải muối.


     Nhưng mà cốt sao được một chỗ che mưa nắng.
Vì trong khi đó, tết vẫn đến, cái tết tưởng tuần tự, mà êm đẹp và đầy hy vọng.
Gian nhà ấy bị hơi bom làm sụt một góc, người ta dựng tạm làm cửa hàng. Đó là một
hiệu may, những miếng vải nằm một xếp dài trên bàn, một cô gái vào thử áo vinilon trông khá diện, cô chủ hiệu
trông cũng nhẹ nhõm. Tưởng như không hề có vụ B.52 hôm trước. Công việc làm ăn
kéo đi.


     Tôi hiểu người ta phải làm thế để kiếm lấy
một cái tết.... Rồi sớm mai mồng một, mới thấy người ta ngồi, người ta khóc vì
những mòn mỏi của kiếp người, về việc góp và tan, làm và nghỉ, hy vọng và vô vọng
– cuộc đời là tất cả những cái đó, nó dường như vô nghĩa, mà dường như rất có
nghĩa.


   


     Chiến
tranh đến một thành phố, nghĩa là gạch, gạch đổ, bới gạch, bới vôi. Đất hình
như trước sau vẫn thế. Chỉ có nhìn gạch mới biết đổi thay đổ vỡ là ghê gớm đến
chừng nào. Những đống gạch lớn, tấp vào nhau. Phải dỡ từng viên. Ngồi cạo cạo
cho hết vôi. Rồi lại chồng thành đống, dựng tạm làm tường.


    Gạch
là những gì cố định của một thành phố.


   Chẳng phải hôm nọ, cậu Tụng nói nó sẽ đánh đến
không còn một viên gạch nguyên là gì.


    Đến khu Khâm Thiên bây giờ, chỉ nghe đều đều
một tiếng lạch cạch. Tiếng của những con dao gõ vào gạch. Tiếng của thời gian.


     Một
thứ nhịp điệu riêng của Việt Nam? Không hẳn!


      Với tình cảnh này, người ta tưởng tượng
ra mọi cuộc chiến khác. Chẳng hạn, chắc nhà cửa của những người tị nạn bên
Palestin cũng thế.


     Một triết lý về sự sống -- chịu đựng. Và trong
đó sẽ nẩy sinh sự sống.


    Nhưng mà đi tìm triết lý về cuộc đời lúc
này là vô duyên. Người ta cốt  sống cái
đã. Không muốn nghĩ…


   


     Sao
mà quên được những em bé ở Khâm Thiên. Nhiều nhất những em  đi nhặt rác. Đất ven Khâm Thiên xưa vốn là bãi
rác. Những đứa trẻ “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sạch sẽ ngoan ngoãn” -- những đứa
trẻ ấy đang đi nhặt rác. Con gái cũng quần phăng, giầy ba ta cho gọn ghẽ. Mỗi đứa
cắp một cái rá, tay cầm một cái que bới. Bọn chúng quây lại đông nhất chung
quanh một cái xe ủi. Mỗi lần xe chạy qua một đống đất, ủi đi một lớp đất, sau
xe, lại phơi ra một lớp đất mới, trong đó lẫn cả mọi thứ vào trong gạch vụn. Bây
giờ thì thứ gì cũng quý .


    Một lần khác, tôi không khỏi cay cay mắt
trước cảnh một em bé khác chỉ độ 4, 5 tuổi ngồi trên một đống gạch lủng củng.
Trong khi mọi người ưu tư lo lắng, một đứa trẻ còn có việc gì khác ngoài ngồi
nghịch? Những cục vôi trắng bay vẩn lên trong buổi chiều. Em chỉ có thứ đồ chơi
là vôi vụn gạch vụn...


    Tôi vụt nghĩ một lần nào đó, sẽ được đọc một
bài viết trong đó một thanh niên kể tuổi nhỏ anh ta có những ngày chạy theo xe
rác bên những hố bom  Khâm Thiên.





     Hỏi ấn
tượng về Khâm Thiên tối đầu tiên. Cô Cư bán hàng dưới đó nhớ tiếng vịt kêu.
Xuân Trình nhớ những bước chạy. Nhật Minh nhớ những thân hình người chết  nằm, đất phủ đầy đầu.


     Với cậu Giao em họ tôi, Khâm Thiên ngày
27/12 là cảnh người nằm ngang dọc ngổn ngang, mỗi người như một tầu lá chuối.
Mùi hương thắp lên ghê ghê. Đến nỗi về sau, mỗi lần ở nhà thắp hương, Giao vẫn
hơi sợ.





30/12


    Chiều đi với Tính. Nhà anh Hồng đốt sách dọn
nhà.


     Một
người đàn ông dắt xe đạp giữa những hàng cây cụt ngọn. Những đống gạch dọn được
đổ ngay ra đường.


   Cái âm khí của những ngày đầu tiên sau trận
bom hiện ra ở những nét mặt người. Người dân Hà Nội mất đi cái vẻ ranh mãnh
bình thường. Chỉ còn đăm đăm tập trung vào một việc nào đó.





2/1 /73


     Ngõ chợ ngổn ngang. Người ta đổ các thứ ở
nhà ra đường cái. Đống  rác  cao đến mái nhà. Đường dắt xe đạp vồng lên vồng xuống.


    Người
ra vào rất đông. Nhiều người Hà Nội gặp nhau ở Khâm Thiên. Mỗi người tìm lại
cho mình một Hà Nội hôm qua. Đủ thứ ký ức thoáng hiện trong câu chuyện .


     Đứng
trong đám quấn khăn tang nhặt nhạnh lại đồ lề, một người đàn ông  nhìn đám dong nhan đến xem, chửi:


    -- Toàn một lũ vô công rồi nghề. Nhà người
ta còn bận, ai dềnh dang được như chúng nó.





    Dòng
chữ trên tường:


     Anh X nhà an toàn cả. Anh có về, tìm đến...


      Đông nhất là những đám lật đống vôi gạch
đổ, tìm người. Xe ủi làm việc tay gầu ngoạm vào đất, đổ ra. Cả trăm con mắt người
đứng xem đổ dồn. Một người nào đó kêu ầm lên: Thôi, có người rồi, thối quá...





     Cũng
như tất cả các khu phố khác của Hà Nội, Khâm Thiên mang trong mình nhiều người,
nhiều nghề nghiệp.


    Hình
như ý nghĩa Khâm Thiên là ở chỗ này: Khâm Thiên đại diện cho Hà Nội. Lâu nay,
Hà Nội đã đóng góp vào cuộc chiến đấu. Nhưng đôi lúc, chúng ta vẫn tưởng rằng
Hà Nội vô can, Hà Nội không dự gì vào cuộc chiến đấu này cả. Chính những nghèo
nàn, vất vả của chúng ta hôm nay, đã là dấu tích chứng tỏ Hà Nội đã chia sẻ
không thiếu thứ gì. Và, đã hỏng là hỏng nặng.





13/1


     Người
công nhân kể chuyện chữa lại cống. Ngõ chợ đã dọn sạch. Một người chạy từ ngoài
đường vào hỏi: Anh ơi cho hỏi số nhà 15 có việc gì không.


    Một người xích lô chỉ vào chỗ xe ủi xúc gạch
tìm người: Kìa ở chỗ kia, đang thòi ra cái trán.





14/1


    Người Khâm Thiên đi thăm nhau, một số ở xa
về ra thẳng nghĩa trang.





 19/1


   Những
gian nhà xếp gạch chồng thành tường. Cuộc sống đi vào hàng lối trong cái thế
đơn sơ của nó. Cho đến cả những mảnh giẻ rách cũng được xếp vào một chỗ. Một đống
khác: một vạt lông gà.


    Một
cây chuối còn sót lại trở thành cọc tiêu cho người ta dóng hướng.


   Cuộc tìm bới những nhà cũ, chỉ kết thúc, khi
người ta tìm thấy nền.


   Thu dọn
vôi gạch thế nào, cuối cùng cũng phải làm trơ ra cái nền.


    Như là tất cả được xem xét lại. Đồ  lề mỗi nhà được đánh giá lại. Lúc này, người
ta mới hiểu người ta có những thứ gì.


     Cho
đến việc lấp hố bom, cũng chỉ hoàn thành, khi người ta đủ đất san thành nền.


    Ở  nhiều nhà trên cái nền đất phố Khâm Thiên, lúc
này mới thấy lật ra cái hầm cá nhân. Có lẽ lâu nay chỉ có căn hầm là cái gì ở sâu
hơn hết trong mỗi nền nhà.





25/1


     Em bé đội lông gà, giẻ rách cầm tờ báo
xuân đọc. Một em bé nói với một em bé khác: “Chị còn được bố. Em mất cả mẹ, mất
cả bố”.


     

      Chiều
nay trời nắng dù là cái nắng mùa đông, nhưng khi nó tắt đi, mặt đất vẫn như dịu
lại. Buổi chiều là thời gian của gia đình, của những người đi làm đủ mọi nơi
quay về ngồi quanh mâm cơm. Buổi chiều là thời gian của ngơi nghỉ.


     Rồi
cuộc sống Hà Nội lại bừng lên trong những buổi tối. Nếu như buổi tối mà vắng vẻ,
thì còn gì là Hà Nội nữa.


     Ở
cái thời điểm chuyển giao giữa chiều và tối, người ta mới cảm nghe hết cái lặng
lẽ của thời chiến.





27/1


     Những
đọt dừa non lại đã nẩy trên những cây dừa trơ trụi của phố Khâm Thiên. Nhưng
nhiều mái nhà xô ngói vẫn chưa được lợp lại.


     Chỗ nào có trẻ là chỗ đó có trò chơi. Nhiều
trẻ học sinh hoạt công cộng, thứ sinh hoạt công cộng rộng rãi nhất, trong lời
báo máy bay: Đồng bào chú ý, tây bắc Hà Nội...


    Tiếng báo động đã tập họp cả thành phố.
Không có sinh hoạt công cộng nào có sức tập hợp thành phố, như tiếng còi báo động,
và sau đó, còi báo yên.





      Khâm Thiên chứng tỏ một sức hồi sinh của
Hà Nội, cách hồi sinh của một thành phố nghèo.


     Có sức sống của những thành phố giàu và sức
sống của những thành phố nghèo. Những thành phố nghèo bao giờ cũng tự chứng tỏ
sống
với nghĩa là nó không chết. Nó còn sinh sôi. Ở đâu đó, sự sống
biểu hiện ra ở trí tuệ. Ở đây chỉ là bản năng sinh sôi. Kể cả bản năng làm dáng
theo cách nghèo của mình. Những người thanh niên mốt nhất là những người thanh
niên nghèo.





1/2


     Lại đến Khâm Thiên. Cột điện nghiêng đi, ở
trên đèn vẫn sáng. Những mầm xanh trên những hàng cây bị long gốc.  Cống nuớc chảy, đã xây xong. Một vòi nước mới
bắc. Những người đi gánh nước, xếp hàng một dãy dài.


   Một
đài kỷ niệm mới lập. Triển lãm. Trong ảnh, thấy rõ  gạch ngói còn ngổn ngang trên đường.


   Trẻ
con nhìn ảnh nhận mặt người quen:


-Kìa, bà cả.


- Ối, anh Tư.


    Khôi phục nghĩa là san, dồn lại những gì
phá phách của chiến tranh. Nhưng còn những tình cảm, làm sao mà san dồn cho được.


    Khâm Thiên ngày tết. Những người trong gia
đình, ngồi dựa lưng vào những bức tường gạch kê, trò chuyện. Một cái khẩu hiệu
trên tường: Không có gì quý hơn độc lập tự
do
(có lẽ do dân tuyên truyền trên thành phố mới cho người đến nhét vào).
Ánh đèn rực rỡ lúc này trông lại đáng sợ.


     Những
nền nhà gác nghiêng đi, ở dưới nhà người ta vẫn bầy biện đủ thứ ảnh, khẩu hiệu.
Đến 29 tết, tôi còn thấy người ta tay dao, tay thước, xây tạm nhà cửa.


     Cái định nghĩa về nhà cũng giống như định
nghĩa về mỗi con người chúng ta hôm nay: chắp vá, tạm bợ, chỉ cốt có một cái gì
cơ bản nhất, ngoài ra thì không có gì nữa.


    Ví như con người bây giờ nghĩa là sinh vật
biết ăn uống, nói năng, biết làm theo ý định người khác. Còn nhà là một chỗ trú
nắng, trú mưa. Thế thôi. Ở giữa phố, có một đài kỷ niệm, một cái giá gỗ cao hình
cong, Nghiêm Đa Văn bảo như một cái sừng, được dựng lên.


    Vợ chồng nhà Văn cãi nhau. Người ta lúc thì
gọi là bia căm thù, lúc thì gọi là đài chiến thắng. Ai đúng hay cả hai đúng?


   Người
đến xem để xe đạp một hàng dọc đường, như vào một cửa hiệu.


   Tôi nghĩ tới cái gia đình sống bên cạnh đó,
mọi người dòm hành vào, mất hết cái riêng tư vốn có. Đây cũng là một hậu quả của
vụ Khâm Thiên, chứ sao?

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét