Các vua viết về Chí Linh 2

 2. Trần Minh Tông



Vua sinh năm Canh Tý (1300)

Lên ngôi năm Giáp Dần (1314)

Nhường ngôi năm Kỷ Tỵ (1329)

Băng hà ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357)

Khái quát về Trần Minh Tông, Đại Việt sử ký toàn thư viết:

“Vua húy là Mạnh, con thứ tư của Anh Tông, mẹ đích là Thuận thánh bảo từ hoàng thái hậu Trần thị, mẹ sinh là Chiêu hiến hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo nghĩa đại vương Bình Trọng. Ở ngôi 15 năm, nhường ngôi 28 năm, thọ 58 tuổi, băng ở cung Bảo Nguyên, chôn ở Mục lăng. Vua đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, giường mối đều bày. Tiếc rằng không biết Khắc Chung là kẻ gian tà, đến nỗi Quốc Chẩn phải chết oan, đó là chỗ kém thông minh vậy” (trang 104, tập 2)

Viết về Chí Linh, Trần Minh Tông có bài “Tặng Huyền Quang tôn giả” ở Côn Sơn, xin giới thiệu dưới đây:



贈玄光尊者

Tặng Huyền Quang tôn giả



昆山大導師

Côn Sơn đại đạo sư

為我作福田

Vị ngã tác phúc điền

王臣悉皈敬

Vương thần tất quy kính

佛道續還連

Phật đạo tục hoàn liên

法繼二祖後

Pháp kế nhị tổ hậu

究竟威音前

Cứu cánh Uy Âm tiền

不著聞字相

Bất trước văn tự tướng

演說如來禪

Diễn thuyết như lai thiền

本來無大小

Bản lai vô đại tiểu

任器隨方圓

Nhậm khí tùy phương viên

顧我宅中

Cố ngã hỏa trạch trung

蓋是有夙緣

Cái thị hữu túc duyên

親嘗法乳味

Thân thường pháp nhũ vị

身體覺輕便

Thân thể giác khinh tiên

漆統忽打破

Tất thống hốt đả phá

八穴與七穿

Bát huyệt dữ thất xuyên

將謂有所得

Tương vị hữu sở đắc

所得何物焉 ?

Sở đắc hà vật yên?

將謂無所得

Tương vị vô sở đắc

參学非徒然

Tham học phi đồ nhiên

所得無所得

Sở đắc vô sở đắc

欲語殊難言

Dục ngữ thù nan ngôn

言語既難得

Ngôn ngữ ký nan đắc

谁受復谁傳

Thùy thụ phục thùy truyền

葛藤亦不少

Cát đằng diệc bất thiểu

如縛更添纏

Như phọc cánh thiêm triền

止止

Chỉ chỉ

然而不得已

Nhiên nhi bất đắc dĩ

短偈復重宣

Đoản kệ phục trùng tuyên

            陳明宗

            Trần Minh Tông

Dịch nghĩa
Tặng Huyền Quang tôn giả

Bậc thầy lớn ở Côn Sơn

Vì ta làm ruộng phúc 1

Vương hầu bề tôi thảy đều kính trọng

Đạo Phật tiếp liền mãi

Sau khi nối pháp vị tổ thứ hai 2

Cuối cùng sẽ đứng trước Phật Uy Âm 3

Không bám vào văn tự

Mà diễn giảng về thiền của Như Lai

Xưa nay vốn không lớn không nhỏ

Tùy vật mà vuông hay tròn

Ngoái xem trong nhà lửa 4 của ta

Bởi vì có duyên xưa với Phật

Người thân từng nêm mùi sữa pháp

Nên thân thể cảm thấy nhẹ nhàng

Cái thùng sơn 5 đột nhiên bị đập vỡ

Tám lỗ với bảy lỗ thủng

Nếu bảo là có điều sở đắc

Sở đắc là cái gì vậy

Nếu bảo là không có sở đắc

Thì việc tham thiền chẳng phải là uổng công hay sao ?

Sở đắc và không sở đắc

Muốn nói nhưng thật là khó nói

Đã không nói nên lời

Thì ai học và ai truyền ?

Dây leo cũng chẳng ít

Như bị trói lại quấn thêm vào

Thôi ! Thôi !

Nhưng mà bất đắc dĩ

Lại phải tỏ bày ra bằng bài kệ ngắn.

Dịch thơ

Bậc thầy lớn Côn Sơn

Vì ta làm ruộng phúc 1

Vương thân đều kính phục

Kế Pháp vị tổ hai 2

Đạo Phật được liên tục

Đứng trước Phật Uy Âm 3

Không bám vào văn tự

Để giảng thiền Như lai 4

Vốn không lớn không nhỏ

Tùy vật mà vuông tròn

Ngoái nhìn nhà lửa 5 ta

Xưa có duyên với Phật

Người thân nếm sữa pháp 6

Thân thể thấy nhẹ nhàng

Thùng sơn 7 bỗng đập vỡ

Tám huyệt bảy huyệt thông

Nếu bảo có sở đắc

Sở đắc là gì chăng ?

Nếu bảo không sở đắc

Thì tham thiền phí công ?

Sở đắc không sở đắc

Muốn nói nói không nên

Lời không cất lên được

Thì ai học, ai truyền ?

Dây leo đã không ít

Đã trói càng trói thêm

Thôi ! Thôi !

Nhưng mà bất đắc dĩ

Kệ ngắn đành cất lên.

        Đỗ Đình Tuân dịch

Ghi chú

1.     Ruộng phúc: dịch chữ Phúc điền”, quan niệm nhà Phật xem việc làm phúc giống như việc làm ruộng. Người làm ruộng được hưởng hoa lợi thì người làm việc thiện sẽ được hưởng phúc lành.

2.     Vị tổ hai: tức Pháp Loa

3.     Phật Uy Âm: tức Uy Âm vương Phật, một Phật danh trong kinh Pháp Hoa và Lăng Nghiêm. Vào thời Uy Âm vương Phật, căn tính con người rất nhạy bén, chỉ tự học mà ngộ đạo, không cần thày dậy.

4.     Như Lai: một trong mười tên gọi của Phật

5.     Nhà lửa: cách gọi cõi đời trần tục của nhà Phật. Chúng sinh sống trên đời luôn phiền lão vì tham, sân, si luôn thiêu đốt tâm can mình Lò Cừ nung nấu sự đời(Nguyễn Gia Thiều).

6.     Sữa pháp: nhà Phật cho rằng chính pháp có chất để nuôi pháp thân, giống như người mẹ vắt sữa để nuôi con vậy.

7.     Thùng sơn: nhà Phật quan niệm ý thức con người tối tăm ngu muội cũng giống như một thùng sơn đen, đập võ thùng sơn tức là giác ngộ,
28/8/2012

Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét