Ngưng đọng bế tắc trì trệ -- đó là cảm tưởng bao trùm tâm trí nhà văn Nguyễn Minh Châu khi ông nghĩ về xã hội Việt Nam sau chiến tranh và điều đó được khắc họa đậm nét qua thiên truyện viết từ 2- 1988 mà dưới đây là văn bản tôi muốn các bạn cùng đọc lại.
Sau bài Tiếng kêu thảng thốt cuối cùng của Nguyễn Minh Châu, khi làm công việc xoát sét lại bản đánh máy Chợ tết , tôi nhận ra tác phẩm có một sức khái quát khá lớn.
Không chỉ cái hồn cốt bao trùm khung cảnh sự vật mà như từng nhân vật trong truyện cũng quy tụ về chủ đề chính.
Hãy chú ý rằng hai lần tác giả chỉ ra sự lặp lại đến không ngờ giữa các thế hệ. Ông lái đò nay làm người đi xa về tưởng là ông lái đò xưa còn sống, hóa ra chỉ là con trai ông ta. Mà giữa cô bé bán báo và mụ Tề bán cá, hai mẹ con tưởng là khác nhau bao nhiêu, hóa ra vẫn chung những nét quen thuộc làm nên thân phận người phụ nữ trong một xã hội lạc hậu.
Khi bảo rằng thời gian chỉ để lại trên hình vóc bóng dáng con người những dấu vết của tàn phá tức là trong tâm trí nhà văn đã ấp ủ một điều không tiện nói ra: chiến tranh đã làm cái công việc nó vẫn từng làm ở mọi nơi khác; trải qua chiến tranh, xã hội ta đang lê lết trong một tình trạng trung cổ và không tìm đâu ra những yếu tố mới để tạo ra một sự phát triển đích thực.
Một khía cạnh cũng khiến người đọc hôm nay có thể bất ngờ là cái phương cách giải quyết tình hình mà -- dù không thích nhưng nhân vật Định vẫn thấy không thể có cách nào khác, đấy là bạo lực. Bạo lực sẽ khiến cho sự hỗn loạn tan nát này bị tạm thời đẩy lùi, dù sau đó lại chìm sâu vào trì trệ chắc chắn hơn. Với việc nhắc lại mấy lần chi tiết ngọn roi đuôi cá đuối của lão coi chợ, và cả cái triết lý cai quản chợ búa của lão nữa, tác giả như đã thông qua cái chợ để nói lên tình hình chung của xã hội hậu chiến.
Ngoài những tác phẩm viết trước 1975, Nguyễn Minh Châu còn có những tác phẩm viết sau chiến tranh được dư luận mấy chục năm nay công nhận và coi như một bước phát triển mới của ngòi bút.
Nhưng công nhận là một chuyện còn chỉ ra đâu là những thay đổi cốt tử ở nhà văn, lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Theo tôi, việc một thiên truyện như Chiếc thuyền ngoài xa được mang ra giảng dạy ở trường phổ thông nên coi là chưa xác đáng với nghĩa nó chưa nói được cái mới mẻ dứt khoát giống như một sự đảo ngược ở Nguyễn Minh Châu sau chiến tranh.
Theo tôi, việc một thiên truyện như Chiếc thuyền ngoài xa được mang ra giảng dạy ở trường phổ thông nên coi là chưa xác đáng với nghĩa nó chưa nói được cái mới mẻ dứt khoát giống như một sự đảo ngược ở Nguyễn Minh Châu sau chiến tranh.
Trước khi cho những ý nghĩ trong bài Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa hiện hình trên mặt giấy ( báo Văn Nghệ 5/1201987), nhà văn đầy tâm huyết này đã nhủ thầm trông đầu óc mình nhiều lần và cũng đã có những sáng tác để ghi nhận bước chuyển biến dứt khoát trong tư tưởng của mình.
Nên có thể nói những tác phẩm đáng lưu ý của Nguyễn Minh Châu sau 1975 chính ra phải là Khách ở quê ra, Cỏ lau, và cũng nên kể cả Chợ Tết mà do sự xuất hiện lẻ loi, lại chỉ có một số phận rất bạc bẽo.
Khoác ba lô đứng bên chiếc cầu gãy giữa làng mình, Định nhìn thấy một ngọn roi bằng đuôi cá đuối quật vun vút vào không khí phía trên đầu đám người đang họp chợ.Cũng chẳng nhìn rõ mặt mũi một ai, chỉ thấy lố nhố một đám nón, rặt nón mê xỉn một màu lúi húi cúi xuống những cái mẹt cá.
- Hai, bốn, sáu,... Quân tuyệt tự tuyệt nọc... tám, mười... -- đám đàn bà kẻ biển cùng kẻ buôn chẳng kịp ngẩng lên, buông một tiếng rủa giữa lúc mải miết đếm cá.
- Mày còn chửi cà. Mày là đứa nào? Ngọn roi quất xuống một nhát trên chóp một cái nón mê đã bật vành. Lập tức một cái mặt đàn bà ngẩng lên, một mớ váy, yếm cũ rách phấp phới bật vùng dậy giật phắt lấy thanh roi trên tay lão già mặt đỏ gay mắt trắng dã.
Lão đàn ông kia đâm quàng bỏ chạy, miệng kêu: "Ả đuổi tui, nó lấy mất hết cá cà!".
Bị mụ đàn bà rượt một vòng, nhưng khi chạy qua trước mặt Định, lão đàn ông tự nhiên đứng sững lại.
- Chao ôi kìa bác Đất - Định la to - em tìm vào nhà thờ họ chẳng thấy anh, phải ra đây. Mụ đàn bà rượt tới, mớ yếm áo tanh rềnh mùi cá tươi cũng dừng lại, có vẻ nhận ra Định, vừa ngỡ ngàng mừng rỡ, vừa xấu hổ.
Định nhìn. Thoạt đầu chẳng nhớ ra ai. Trên mười năm nay Định mới đảo qua làng vài lần, mà lần nào cũng vội vội vàng vàng y như cái lần cuối năm này. Chỉ láng máng nhận thấy chắc xưa cũng là một người con gái có sắc ở trong làng.
Mụ đàn bà mỗi lúc một xấu hổ. Mụ vứt chiếc roi xuống chân người đàn ông rồi y như người đang đi trốn, cắm đầu chạy.
Đến lúc bấy giờ Định mới sực nhớ.
Trong bụng toan chạy theo nhưng lại sợ chỉ làm nguời đàn bà thêm xấu hổ.
Từ trong xa xôi, Định nhớ lại một ông chú họ rất hiền hay mặc chiếc áo lụa mỡ gà thường ngồi sau một hàng ngăn kéo dán những tờ giấy đỏ viết tên các vị thuốc bắc và tà áo dài trắng của Tề có rây vài vệt mực tím từ trong dãy phố chợ đi ra giữa hai hàng cây chè tàu. Nhưng quả táo tàu cất trong cặp sách Tề hay dúi cho Định. Chắc chắn giá không có họ với nhau thì Định đã lấy Tề.
Lão Đất cười, há cái miệng đỏ hỏn như miệng trẻ con mới đẻ phả đầy hơi rượu một hồi lâu sau mới thốt ra được mấy tiếng lắp bắp. "Con Tề. Con Tề con nhà chú Lưu chả lẽ chú Định không nhớ?", rồi hỏi:
- Anh em nhà chú ngoài ấy có nhận được cái giấy tôi đánh ra không?
- Có, Định đáp, vì thế mà áp tết em cũng phải ghé về. Xem ở nhà cần công việc gì.
- Chú đã đảo qua lên chỗ thằng Khúng chưa?
- Chưa.
- Ở nhà anh em vừa bàn kỳ này dựng lại cái nhà thờ họ, lại còn hai cái mả của ông bà thân sinh chú, hồi này thằng Khúng nó ít về làng quá, tui đã đắp nhiều bận nhưng trâu bò nó phá tợn lắm.
- Em ơn anh. Trưa nay em nhờ anh dẫn ra ngoài mộ... Nhà anh bây giờ ở đâu?
- Đây, đây. Thì tui đang dẫn chú về. Ở nhà tui chơi ra ngoài giêng tế tổ rồi hẵng đi.
Ông anh họ cắp ngọn roi cá đuối vào bên nách, cánh tay bên kia quắp lấy cánh tay Định lôi đi giữa hai hàng nón vẫn cúi gập xuống lúi húi trên những mẹt, những thúng cá.
"Vào trong chợ. Vào trong chợ hết không thì chết!" Lão Đất giắt Định len bàn chân vào được đến đâu lại tiếng quát thét đến đấy.
Chẳng một ai thèm nhúc nhích.
Mấy lần đã toan rút thanh roi ra nhưng chắc hắn ngại có Định bên cạnh nên lão Đất chỉ khuỳnh khuỳnh cánh tay rộng hơn để thị oai, đi qua mẹt cá nào lão lại lấy bàn chân đá nhẹ một cái, gọi tên từng người mà bảo: "Vào trong chợ. Vào trong chợ mà họp không thì chết!"
Rồi bất ngờ lão quay hẳn người về sau, rút chiếc roi kẹp trong nách, quắc mắt dứ dứ về phía chiếc cầu gỗ dài chưa đầy chục thước đứng cao chênh vênh giữa trời đã bị tàu bay Mỹ cắt làm đôi, lão lại nhắc lại cái câu ban nãy bằng giọng hăm doạ tợn tạo hơn.
Dưới chân cầu toàn cọc sắt lừ đừ.
Từ bên kia trôi sang một chiếc đò gỗ nêm đến chật ních người đi chợ bán cá, hai bờ sông nhầy nhụa bùn nước mặn khoảng cách khéo lắm chỉ dài gấp đôi thân con bò.
Dòng sông nước mặn như khúc lòng lợn lượn vòng vèo dưới chân cầu, trịnh trọng chảy qua một cái bến lát đá Thanh trước cổng ngôi đền làng. Cái "bến đền làng" nổi tiếng ấy chắc Tề còn nhớ, Định thầm tự hỏi, hai đứa có lần rủ nhau tụt xuống ngồi tận hàng bậc đá cuối cùng, vừa ăn những quả táo tàu, vừa nhìn ra những chiếc thuyền chở vôi, chở nước mắm đều gác mái chèo, chỉ chống sào để khỏi làm kinh động ngôi đền - bây giờ những hàng ván bia gỗ dựng xen với hàng rào nứa chạy dài ôm bọc suốt cả bốn mặt ngôi đền linh thiêng như những dãy hàng rào chống thú.
Định ngơ ngác. Những luỹ cây um tùm đầy huyền bí không còn. Ngôi đền làng không còn. "Công ty ngoại thương hải sản" chỉ còn mấy chữ treo trên ba lối của của ngôi cổng đền sụp đổ. Định ngơ ngẩn dừng chân cố tìm hai bức hình đắp nổi "ông Thiện" và "ông Ác" đứng dựa lưng vào bức tường cổng đền làng nhìn ra khúc sông, trong khi đọc hàng chữ kẻ nguệch ngoạc trên một tấm gỗ mộc.
Lão Đất đưa Định về đến nhà.
Lão chống thanh roi đứng giữa nhà kiêu hãnh nhìn theo Định đang ngắm ngôi nhà của mình. Một cái nhà hầm nửa nổi nửa chìm. Nửa nhà ghép bằng những tấm ván tháo rời từ các hòm chứa đạn pháo cao xạ, một nửa nhà ghép bằng gỗ ván thuyền bị tàu bay Mỹ bắn cháy dọc các bờ bãi.
Ở ngoài Hà Nội, từ nhiều năm Định đã biết cái nhà thờ họ thuộc chi thứ của mình bị trúng bom.
Lão đất đã cất công khuân về bảo quản ở đây.
Một đống gỗ, toàn gỗ lim, cái kèo, cái cột, cái trạm trổ, cái chỉ bào xoi chất một đống áp trước cửa.
Định nhìn thấy giữa đống gỗ một hai bức ván chạm long, quy hai lớp, và một cây cột to lại dài như cột đền. Chắc là lão Đất đã lấy của đền cho cái nhà thờ họ sắp dựng lại.
Bên trong nhà bày biện y như một viện bảo tàng chiến tranh. Vì đây nguyên là ngôi nhà sở chỉ huy của một đại đội pháo cao xạ 57 bảo vệ vùng biển. Trên bức vách gỗ hòm đạn còn lưu lại một hàng tờ giấy to vẽ đường bay của địch từ ngoài biển lao vào, từ trong Cầu Bùng ra, từ trên rừng lạc xuống.
Lão Đất quả là một trưởng họ không thể chê vào đâu được. Những cái gì bài trí trong ngôi nhà thờ họ trước đây còn giữ lại được sau trận bom đều được lão sắp xếp gọn ghẽ trên một chiếc hương án và một chiếc án thư kê sau lưng hương án, đúng như sự sắp đặt trong ngôi nhà thờ ngày trước. Thành thử trên cái nền nhà, chỗ để ở chẳng còn mấy.
Định ngắm hồi lâu một bức ảnh đóng khung treo giữa bức vách ván truyền, hai bên cắm hai bông hoa giấy. Mũ bình thiên, quân hàm vai, hai "miếng tiết"tô phẩm đỏ trên hai ve áo quân phục.
Chủ nhà vừa chạy ra bên ngoài trở vào, ôm bên nách cái chai, miệng há ra một hồi mới nghe tiếng hỏi:
- Chú biết ai đó không?
- Cháu Đất. Chúng em ở ngoài đó có biết tin buồn cháu Đất hy sinh...
- Thằng Đất, thằng con đầu của tui nó hy sinh rồi chú Định ạ. Nó mất trong nam.
Định biết ông anh họ mình có những ba đời vợ, người kẻ ruộng, người kẻ rừng, người kẻ biển, vì thế mà con cái đông, Định không biết xuể. Định chỉ nhớ mặt hai người đầu là thằng Đất và con Cát. Còn cả một dây sau lão cứ thứ tự mà đặt tên theo câu "Non xanh nước biếc". Những đứa sinh sau cùng phần lớn với người vợ kẻ biển hiện giờ, chắc là về già nguồn thơ văn của lão đã cạn cho nên chúng mang những cái tên ít hay.
- Nhà đi đâu hết cả, anh? Định hỏi.
- Cả nhà tui sáng nay đang mở chiến dịch vây ráp - lão Đất đưa mắt nhìn ra trước nhà, thở dài hắt ra - đó chú coi, phiên chợ ba mươi Tết, lều quán đã dựng xong, đàng hoàng to đẹp như vậy mà cả nhà tui toả ra lùa khắp các ngả trong làng như lùa giặc, chúng nó vẫn không chịu vào họp. Bạ đâu họp đó. Chú Định, chẳng lẽ chú cũng không còn nhớ cái chợ làng ta chính là ở tại đây hay sao?
Định leo lên cái gờ đất uốn hình vành khăn, cao như bức thành, chân gờ đất choãi ra đạp cả vào bức vách gỗ bên hồi nhà.
Đứng trên bờ thành công sự, khẩu đội pháo bộ đội đã rút đi từ lâu nhìn ra tứ phía, cái chợ lâu đời ngày xưa bây giờ chỉ thấy hố bom, những đường giao thông hào nói liền ba ụ pháo cao to sừng sừng như quả núi, một ụ nằm tận sát ngoài bến đò chợ.
Trên nền đất lồi lõm, mấp mô mới dựng lên chơ vơ hai chiếc lều bằng nứa lợp phên tranh.
Mới thấy dọn trong một ngôi lều là một cái sạp sách của cửa hàng sách quốc doanh, mặt hàng chủ yếu được bày là những bức tranh cá chép, tranh mâm ngũ quả, cùng mấy bộ liễn.
Tận góc khuất một ngôi lều khác là một lão thầy bói mặc chiếc áo Tôn Trung Sơn mầu xám như một cán bộ thuế vụ, chẳng biết sáng hay đui, mắt kính đen ôm nửa mặt, hai bàn tay rờ rờ trên mặt chiếc tráp bằng hòm đạn.
Lão Đất thoắt biến mất rồi lại về nhà với cây roi cầm ngang trên tay, mặt mũi hầm hầm đầy giận dữ, cùng Định tợp mấy chén rượu nhấp với mực khô. Định cầm chén rượu ngồi nhìn ra một ngả vào chợ - vẫn là cái lối đi vào chợ ngày trước nhưng nhà cửa, sân vườn hai bên đều đã hoang tàn. Định đoán mấy chục năm qua ông chủ cắt thuốc bắc đã mất nhưng vẫn hỏi:
- Chú Lưu còn sống không anh?
- Chết từ bao giờ rồi ấy chứ còn hỏi.
Định vẫn cầm chén rượu, ngó qua ngó lại cố tìm một khoảng vàng óng ánh của mớ dây tơ hồng leo trùm lên một bờ cây chè tàu xén vuông góc thẳng tắp nhưng Định chỉ thấy trên lối đó những bức rào nứa đan mắt cáo đổ dúi dụi và phía sau là những nếp nhà ngói bị tốc mái.
- Này anh, Định lại hỏi, Tề... có còn ngoài chỗ đầu cầu không?
- Nó sợ gặp lại chú hay sao ấy, đã bán tháo mớ cá, về nhà rồi.
- Em xem cô ấy... hình như bây giờ vất vả?
- Lại còn vất vả? Khổ nhục như con chó, tính nết cũng khác đi. Thằng chồng nó đánh, mấy lần đã chạy đi trẫm mình.
- Nhà ở đâu?
- Bên kia sông. Nhưng con gái nó đang bán sách ngoài lều ngay trước mặt nhà mình đây này.
Lão Đất lại đưa mắt nhìn ra cái vùng đất bãi chiến trường trước nhà lão mới lác đã thêm vài hàng xén, vài hàng cá, một tay có vẻ dân "cà lơ" và một lão thợ rèn vừa đến đặt lò bệ bên cạnh lão thầy bói.
Một cái chợ chết đi sáu bảy năm đang sống lại.
Lão Đất được uỷ thác trọng trách làm công việc này, vì biết chỉ có bàn tay lão mới làm nổi. Vì sáu bảy năm trước, cùng với ngọn roi bằng đuôi cá đuối ấy lão đã giải toả được chợ, khi thằng địch leo thang từ trong Cầu Bùng ra.
Xem trong ý tứ, cả hai lần, giải toả chợ hay nhóm lại chợ, lão Đất đều làm tận tuỵ và đầy hứng thú. Cũng như suốt đời lão đã làm tộc trưởng chi họ một cách tận tuỵ và đầy hứng thú.
Định hiểu kỹ ông anh họ của mình lắm. Đấy là cái máu mê của bất kỳ một anh nông dân nào. Thích nhoi lên làm người cầm đầu, thích uy quyền.
Lão Đất vội vã cắp cây roi vào nách, bảo Định:
- Hay là chú đi với tui.
- Đi đâu?
- Đi đâu thì đi.
Theo lão đến trước cổng đền, Định lại đưa mắt nhìn ra khúc sông thiêng, nhìn ngọn roi bằng đuôi cá đuối lởm chởm gai lăm lăm trong tay người anh,
- Anh lại ra chỗ hàng cá?
- Đáng lẽ tui đã tập trung xong mấy phiên trước rồi mới phải. Chú có biết ngày giải tán chợ, tui làm mau hơn bây giờ không?
- Vì sao?
- Tại vì có bom thằng Mỹ nó thúc vào mông cho. Cái quân hàng cá làng mình chỉ ưa nặng.
Nói rồi lão Đất đi vượt lên. Định đứng lại trước cổng đền nhìn theo, thấy lão leo lên cái mố cầu đứng nói mấy câu rồi hầm hầm chạy vào giữa đám nón đang nhấp nhô. Như thế là, lão đã quyết định thay đổi đường lối hoà bình bằng thái độ bạo lực. Lão không đánh vào không khí mà giang tay quát thực lực vào người ta, tay đánh chân đá tung những mẹt cá.
Hai ba mụ đàn bà nhe răng ra, lao vào lão. Còn lại bao nhiêu sợ hết vía, ai cũng nghĩ phải làm sao giữ được cá, liền ôm lấy những thúng, những mẹt cá chạy rần rật, cả đám đàn bà kẻ buôn người bán xô nhau chạy một mạch vào trong chợ.
Lão Đất áo quần tơi tả, đứng cười ngất. Thừa thắng lão vác thanh roi đi giải toả những cái chợ lẻ khác. Cánh hàng quà, hàng hương, đám người bán hoa giả, hoa thật cũng chỉ sợ hỏng mất hàng, mới nghe sự kiện xảy ra ở chợ cá đã ngoan ngoãn gồng gánh vào chợ.
Thật đơn giản, lại mau lẹ.
*
Quãng quá trưa, khi định được lão Đất giắt đi dụi mả bố mẹ mình trở về thì cả khu chợ đã đông nghịt. Nhất là không khí của nó đã ra dáng một phiên chợ Tết.
Trên mảnh đất bom đạn và chiến tranh đã nhào nặn đến biến dạng, Định có dịp thấy tất cả những gì quen thuộc với Định từ nhỏ, chính Định cũng đã quen đi, thì nó vẫn còn đó. Định thích thú ngắm nghía những con lợn đất sơn đỏ, những chiếc kèn cũng bằng đất vắt hình con gà trống, những nhánh hoa thờ với những bông hoa bằng giấy kim tuyến lỗ chỗ vết kim châm.
Chen lấn giữa đám con nít bâu quanh một chiếc bàn, Định đứng xem một anh chàng đội mũ phớt tàng, mặt rỗ hoa đang vắt con giống. Từ một hàng những những vắt bột nếp nhuộm màu ngũ sắc với một chiếc que tre, mười ngón tay cứ thoăn thoắt trong nháy mắt đã làm sống lại những Phàn Lê Hoa, những Quan Công, v.v..
Bánh mướt, bánh xèo... Định la cà suốt một dãy bán miếng chín quen thuộc với Định từ bé. Định đi dưới giao thông hào, leo lên bờ hố bom. Các dãy hàng cá, hàng gạo, hàng vôi, hàng nồi đất..., lão Đất chỉ có việc dùng roi xô người ta vào, ấy thế mà đến lạ, thật không thể nào hiểu nổi, ai ngồi đâu lại ngồi đấy, tự sắp xếp như sáu, bảy năm về trước, y như tự nó cuộc sống đã có một thứ ký ức đầy chuẩn xác.
Định buồn rầu nhận thấy chính vì thế, mặc dầu mặt đất bị xáo trộn nhưng cuộc sống con người lại ngưng đọng, như một sự lặp lại.
Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời, và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ Tết ban đầu khiến Định say mê và rưng rưng cảm động, song sau đó hình như chính nó lại làm Định đến phải phát mệt, và sợ - Định tưởng mình cùng với cả một đám đông đang sôi sục đến chóng mặt trong một cái guồng quay đầy luẩn quẩn.
Lão Đất mặt mũi rạng rỡ, miệng phả ra hơi rượu, hét vang cả chợ trong khi khệnh khạng đi lại phía Định: "Đó chú coi, tui không ra roi thì làm sao có chợ? " (Định nghĩ thầm, buồn rầu: Mà lão nói đúng thật!).
Lão véo má chị bán trầu, cầm một lá, chạy sang anh hàng vôi quẹt một tý, lại sang bà hàng cau, vốc một nhúm. Lão nhai bỏm bẻm. Rồi dạo qua trước mặt mấy o hàng xén, lão trút hết nắm cau khô cầm trong tay cho họ, nhặt một vuông khăn mặt bông vắt lên vai.
Đầy vẻ phong tình, lão í ới hát:
"Nhớ ai lệ chảy bùi ngùi
"Khăn lau chẳng sạch, áo chùi chẳng khô.
Rồi lại còn phong tình hơn nhiều nữa, lại lại hát:
"Đêm nằm vuốt bụng thở dài.
"Bụng ơi bụng hỡi vì ai bụng tròn.
Đấy là mẹo cao của lão. Mấy o hàng xén chưa chồng đỏ mặt lên giật nẩy người xua lão ùi ùi như đuổi tà. Cầm chiếc khăn mặt bông vắt sang vai bên kia, lão bước đến trước mặt lão thầy bói.
- Ông người đâu? Lão Đất hỏi.
- Tui người trên Nhân Sơn xuống.
- Cái gì đây? - Lão Đất lôi chiếc khăn mặt bông trên vai xuống.
- Không thấy. Tôi đui.
- Nghe tiếng, ông có biết tui là ai không?
- Tiếng thì không nhưng nghe giọng thì biết.
- Vậy là ai?
- Ông chủ tịch xã.
- Tui còn to gấp mấy chủ tịch xã.
- Bẩm thưa, chắc ông là chủ tịch huyện? Lão thầy bói sợ hết vía.
- Tôi còn to gấp mấy ông chủ tịch huyện ông biết không? Vậy thì ông nghe tui nói nhé. Nghề ông là nghề mê tín dị đoan. Chính phủ cấm. Ông hiểu không?
- Thưa ông chủ tịch huyện...
- Lại tự do... cái gì chứ gì? Phải rồi, gọi là tự do tín ngưỡng. Chữ với nghĩa đếch gì mà như hóc xương cá... Tui là chủ tịch huyện mà ông còn định dạy chính sách cho tui hử? Chỉ nôm na thế này, tui là quản chợ. Có thêm ông thì chợ Tết mới ra chợ Tết. Mà vui. Ngày thường cũng vậy. Tui không cấm. Chính phủ cấm nhưng tui đây không cấm. Tui chỉ bắt ông tuân theo hai việc. Việc thứ nhứt là đóng thuế lều, lại thuế chợ. Việc thứ hai là ông phải đoán quẻ cho ai nấy đều vui vẻ cả. Con cái người ta ở ngoài chỗ hòn đạn mũi tên không ai chết. Thuyền bị giông bão ở ngoài biển không đắm. Nhà tui ở kia kìa. Tui ngồi trong nhà mà nghe mấy mụ đàn bà khóc bù lu bù loa lên giữa chợ là không được.
Định đứng dựa cây cột lều chờ nghe lao Đất ban bố chính sách chợ đối với lão thầy bói xong mới dám đến gần, nắm lấy cánh tay lão lôi đi.
Vốn là đám mấy anh em Định ở ngoài Hà Nội đều là cán bộ nhà nước cũng tự coi mình như cánh làm nên trong họ, mà họ hàng ở nhà cũng trọng vọng, lấy đấy làm điều tự hào.
Bức thư của lão Đất gửi ra, ông anh đầu của Định đọc kỹ lắm. Ông anh đầu của Định là một nhà khoa học trong quân đội, đã đi ra nước ngoài nhiều, khi về hưu đóng đến cấp đại tá.
Ý kiến của cái ông trưởng ở ngoài ấy là kỳ này mấy anh em sẽ cúng vào nhà thờ họ một chiếc trống.
"Chú Định ạ, lần này về, chú hãy cố mua một chiếc trống, mà phải là một cái trống cái".
“Cồng kềnh. Hay là em mua một chiếc trống bé ở đây mang về?"
"Chú thiển nghĩ lắm. Mà chỉ lười!".
Ngồi với ông anh một lúc, Định mới kịp nghĩ ra và cười ầm lên. Một nhà khoa học mà rồi cuối cùng vẫn là một anh nông dân, vẫn mang đầy đầu óc một anh nông dân, mà cao thâm lắm, cái trống cái do mấy anh em Định cúng vào nhà thờ họ đánh lên trong ngày Tết nghe oai linh biết bao, mấy anh em Định không có mặt mà cũng như có mặt.
Lão Đất và Định đứng dưới mái lều nghe tiếng trống các loại đánh cứ rộn lên ở đâu đó ngoài khu chợ. Nghe tiếng trống, bao giờ lão Đất cũng thấy trong người không yên một chút nào, dường như mỗi đường gân, mạch máu, thớ thịt của lão cứ rung lên, vừa cuồn cuộn trỗi dậy đầy hứng khởi lại vừa bủn rủn, hai chân lão vừa muốn chạy phóng lên phía trước lại vừa muốn chạy giật lùi về sau.
Có lẽ từ đời tổ tiên đã để lại trong đáy lòng của lão cùng với tiếng trống là giặc dã, là giặc lụt, là sự hiện về của ông bà, thần linh.
Lão Đất không dám ra doi với đám bán trống, kiềng mặt chúng, lẽ vì thế. Sáng nay sau khi đã dẹp xong hết các nhóm chợ, lão có đến nhắc nhở. Đến bây giờ duy nhất chỉ đám hàng trống là vẫn đang còn nhởn nhơ ở ngoài, trên mấy miếng ruộng dùng làm giường mạ sau lưng đền.
Đặt chân đến đây thái độ lão Đất hoà nhã hẳn.
Cầm dùi đánh thùng thùng vào mặt lại gõ cách cách vào tang, thử mãi, lão quyết định mua một chiếc trống cái không lớn nhưng mặt căng, gỗ tang không hứa hẹn bị mọt.
- Ông mua cho trường học hay cho việc họ? Kẻ bán trống, một anh dân mạn xã trong quấn khăn đầu rìu hỏi lão, chẳng biết hỏi thật hay bỡn.
- Tôi là lão Đất, quản chợ. Tôi mua cho việc họ.
- Nhốt chúng tôi vào trong chợ thì chỉ điếc tai thiên hạ. Ông cho đám chiêng trống chúng tôi ở ngoài này là phải. Vậy mà mấy mụ hàng cá đến là hay đơm đặt. Họ vu cho ông đánh họ phải không? Láo ! Láo!
- Giá bao nhiêu cái trống?
Gã hàng trống quấn khăn đầu rìu rõ ràng là muốn chọc tức lão Đất chơi, trả thù cho cánh hàng cá. Hắn gọi một cái giá mà lão Đất biễt là gọi xỏ.
Lão Đất cũng không nói gì, thậm chí lại còn chào rồi mới đi.
Lão tức như bị bò đá nhưng lòng trân trọng đối với tiếng trống linh thiêng vẫn khiến lão ngậm miệng. "Anh em chú đã có lòng với họ thì trao tiền cho tui, lão nói bằng giọng buồn bã, ra giêng cha con tui vào trong Cầu Bùng mua khiêng ra".
Định an ủi lão nhưng trong lòng rất lấy làm phục gã bán trống.
Đi sau lưng người anh họ trở về trong chợ, đi qua một cái bờ rào nứa đan mắt cáo của nhà ai. Định lại nhớ khu vườn xưa với những rặng cây chè tàu, nhìn người đàn bà nào trong chợ với yếm, váy tơi tả, xơ xác. Định cũng sực nhớ đến Tề cùng những ngưòi làng vất vả vì miếng ăn, chưa trẻ đã già.
Định giật mình nhận thấy một điều hiển nhiên là giá anh em Định vẫn cứ quẩn quanh ở làng thì cũng như họ, cũng hoà nhập vào cái guồng quay số phận ấy. Định, các ông anh Định lại gióng y hệt như người anh họ, như lão Đất.
*
Lúc bấy giờ, trong một ngôi lều, cô gái coi sạp hàng sách quốc doanh đang đổ ngả nửa người xuống giữa mớ tranh tết, hàm răng trắng nõn nhe ra cười, mải nhìn ra một cái hố bom ngay trước mặt lều, ở đấy cả góc chợ đang nháo loạn lên. Có một con lợn giống bị sổng rọ, người ta đã lùa được chú lợn xuống đáy hố bom nhưng không sao bắt được. Cô gái mải xem trò vui, đến lúc quay nhìn sang bên cạnh mới thấy một ông khách đã có tuổi đứng đó không biết từ bao giờ, đang nhìn mình. Cô ta vội đứng thẳng dậy.
- Tranh tết năm nay in đẹp lắm, bác ạ. Bác mua đi. Hay là bác mua đôi câu đối.
Định cầm lên một bức cá gáy vượt Vũ Môn, ngó qua.
- Cháu tên là gì?
- Thưa bác, cháu tên là Kim.
- Cháu là con thứ mấy của mẹ Tề?
Cô gái tròn mắt:
- Cháu là thứ tư. Bác biết.. mẹ cháu?
- Bác là Định, ở ngoài Hà Nội về. Bác cháu mình có họ với nhau đấy.
- Chắc là họ bên ngoại, bên mẹ cháu. Bác cũng tế tổ ở nhà thờ bác Đất?
- Phải. Mẹ cháu có khoẻ không?
- Mẹ cháu khoẻ lắm. Mời bác sang nhà cháu chơi.
- Cảm ơn cháu. Cháu được học đến lớp mấy.
- Cháu học được ít lắm. Nói giấu gì bác, nhà cháu vất vả lắm.
- Bố cháu làm nghề gì?
- Bố cháu thì cháu... chẳng biết nói ra sao. Mai, mồng một, mời bác sang chơi. Nhà cháu ở bên kia đò.
Định mua một đôi câu đối. Định cuộn lại cầm trên tay, lại mua một ít quà bánh ngoài chợ.
Chiếc đò chợ lui tới giữa hai bên bờ bằng một khúc dây chão to như con trăn, lúc nào cũng sũng ướt, đầu bên này buộc vào một chiếc cọc sắt chôn chân bên ụ pháo. Nhìn người đàn ông kéo đò, Định tưởng thấy thời gian ở đây hàng mấy chục năm qua như ngưng lại. Vẫn nguời kéo đò ấy, trạc ngoài năm mươi, tiếng nói chỏn lỏn, mắt lông quặm lúc nào cũng đỏ rựng, một vuông khăn đen của đàn bà chít ôm sát lông mày nom như hiệp sĩ Tàu. Ngày chưa cắp sách đi học, bám váy mẹ đi chợ Tết Định đã nhìn thấy ông ta như thế. Quái quỷ, chẳng lẽ người kéo đò không già, không chết?
Định hỏi thăm mấy người chung quanh, thì được biết người kéo đò cũ đã chết từ lâu, và đây là con người kéo đò ngày trước.
Ở bên kia đã là xã khác. Tề đi lấy chồng khác xã ở bên kia làm ăn còn khó khăn hơn bên này. Định leo lên ụ pháo đứng nhìn sang. Một dải chi chít những mái tranh nằm kề những nại muối vào mùa đông vắng tanh, và giát những trạt bãi đất phẳng lỳ mênh mông, không một bóng cây.
Định biết ở đấy vào vụ hè dưới trời nắng chang chang chỉ có giọt mồ hôi mặn của con người pha với giọt nước biển mặn để đúc nên hạt muối mặn.
Định muốn sang nhà gặp Tề nhưng lại sợ Tề càng xấu hổ vì nhà cửa. Mấy lần ông kéo đò khoát tay giục nhưng Định vẫn đứng đó.
Chợt Định nhìn thấy một bóng thiếu nữ vừa chớm nhớn vận chiếc áo cánh trắng duyên dáng chạy vụt xuống bến đò như một làn ánh sáng, khiến Định lầm tưởng cô em họ ba mươi năm về trước. Kim, Kim, Kim, đời cháu mai ngày sẽ ra sao nếu gắn chặt với những làng xóm quê nhà yêu dấu?
- Kim!
- Bác, sao bác đứng đây? - vẻ vồn vã của Kim sao mà giống Tề ngày trước, đầy vẻ trẻ con - hay là bác cùng sang với cháu...
- Rồi bác sang - Định lưỡng lự một chút - hay là cháu về bảo với mẹ cháu là đến trưa mai, bác còn ở bên này.
Định trao vào tay Kim gói quà, lại cả đôi câu đối Tết. Định cũng đâm ra nhác đọc, mà câu đối Tết năm nào chả viết những câu như mọi năm trước?
11-87
0 nhận xét:
Đăng nhận xét