Khi thử
áp dụng cái nhìn xã hội học vào việc nghiên cứu thơ Nguyễn Bính, người ta sẽ
bắt gặp một huyền thoại và về nông
thôn Việt Nam và cả những lý do dẫn đến sự ra đời của huyền thoại ấy
Vào thời điểm Nguyễn Bính lớn lên và bắt đầu làm thơ -
tức là những năm 30 của thế kỷ XX – quá
trình Âu hóa của xã hội Việt Nam đã qua được một chặng đường khá dài.
Chung quanh bộ
máy cai trị của thực dân đã thấy hình thành nhiều trung tâm hành chính và buôn
bán lớn.
Một tầng lớp
công chức mới ra đời mà với họ cách sống tối rượu sâm banh sáng sữa bò trở
thành tự nhiên, tưởng như bao đời vốn vậy.
Ngày một quen hơi bén tiếng với văn
minh phương Tây, người ta dễ dàng cảm thấy mình gần với các đô thị tư bản hơn
là các phố chợ phong kiến.
Và chính lúc đó, nhiều người bắt đầu nhớ nhung tới cái cội nguồn nông thôn hôm
qua của mình.
Không gì khác,
giọng thơ Nguyễn Bính được yêu mến, nhiều bài thơ của ông được người đương thời
thuộc lòng, bởi nó đáp ứng được sự lưu luyến thường trực của những cư dân thành
thị với cội rễ hôm qua của họ.
Có thể nói rõ sự ưu ái của dư luận đối với một số bài
thơ của Nguyễn Bính trong Lỡ bước sang ngang, Mây tần, Mười hai bến nước… đã
đánh dấu sự trở về của một thời với những gì mà con người thời đó vừa đánh mất.
Và do chỗ đây chỉ là sự trở về trong tâm tưởng, lại ở lĩnh vực thơ ca, cho nên
cái nó hướng tới không phải là một nông thôn có thực mà là một nông thôn
trong hoài niệm, một nông thôn đã được lý tưởng hóa ít nhiều.
Hơn thế nữa, đồng thời với sự trở về trong không gian
còn có sự đi ngược thời gian, để tìm tới tận cái nông thôn thanh bình thời xưa.
Trước mắt chúng ta, xảy ra một quá trình hoài niệm
song đôi, hoài niệm kép, nên tự
nhiên là nó nối tiếp miên man, không biết đến đâu là dứt.
Cuộc sống thanh bình êm ả
Trước tiên, cái cuộc sống nông thôn mà những vần thơ
Nguyễn Bính đưa người ta trở lại là một cuộc sống hài hòa, êm đẹp. Trời đất
thiên nhiên yên lành, thanh sạch, còn con người thì bình thản mà sống, tự tin
mà sống.
Công việc, người ta tự nguyện nhận làm.
Bổn phận, người ta sẵn sàng gánh vác.
Và ai nấy dường như đều luôn luôn biết tìm ra trong
nhịp sống hàng ngày những niềm vui, những điều tốt đẹp. Và con người lao động ở
đây không có cái vẻ lam lũ nhọc nhằn, ngược lại ở họ luôn luôn toát lên vẻ đẹp,
cùng sự ý nhị, duyên dáng.
Nhà tôi có một vườn dâu
Có giàn đỗ ván có ao cấy cần
Hoa đỗ vẫn nở mùa xuân
Lứa dâu tháng tháng lứa cần năm năm
Ngoài cuộc sống hàng ngày, ở con người nông thôn (xin
nhắc lại đây là hình ảnh con người nông thôn qua sự lý tưởng hóa của cả kẻ ở lại
làng quê lẫn kẻ xa quê) lại không thiếu những phút thăng hoa cao đẹp.
Đó là tình yêu của họ với làng xóm, những xúc động
thuần phác trong quan hệ của họ với tự nhiên, mà nảy nở đầy đặn nhất là vào
những ngày hội hè, đình đám.
Hoặc mở ra giữa những đêm trời cao gió cả, trăng
như ban ngày, hoặc khai trương mùa diễn vào những ngày xuân mưa bụi, hội hè
thường khi là những dịp để con người thoát ra khỏi bao lo buồn hằng ngày, mà
yên tâm sống, sống thật hồn nhiên, thật cởi mở với mọi tình cảm có thật trong
mình. Nói chung, trong tâm thức con người nông thôn thì cuộc sống bao giờ cũng
vận động theo vòng quay đều đặn của tự nhiên. Sẽ không có thay đổi gì thật lớn!
Cũng không có những tai họa bất thường đổ sụp xuống đầu người ta!
Sự ưu thắng của những giá trị tinh
thần
Một khía cạnh khác làm nên sắc thái riêng của cái nông
thôn lý tưởng Nguyễn Bính đưa ta trở lại: ấy là nếp sống đậm chất Nho giáo.
Đây không phải
thứ đạo Nho trung hiếu tiết nghĩa hà khắc của người có học theo lối chính quy và
học để đi làm quan, mà là một ít quy định, một ít giả thiết, một ít niềm tin...
về một cuộc sống lý tưởng mà người ta noi theo, nó khiến cho những sinh hoạt
hàng ngày được chiếu rọi một ánh sáng mới, có thêm những nét trau chuốt hơn,
tinh tế hơn mà đôi khi cũng rạng rỡ hơn.
Xã hội trong thơ Nguyễn Bính là một xã hội có sự phân
công rõ rệt.
Nếu người phụ nữ tượng trưng cho cuộc sống cần cù,
chăm chỉ, và cả những khao khát tốt đẹp, thì những người đàn ông chính là kẻ
thực hiện những khao khát đó.
Bao nhiêu công
phu bỏ ra, những người mẹ, người chị, người vợ cũng không ngại, miễn sao các
anh học trò yên tâm dùi mài kinh sử.
Họ - đám học trò dài lưng tốn vải – sẽ phải học hành
trong sự thúc đẩy ngấm ngầm của những người thân ấy.
Và họ sẽ phải đi thi để những mơ ước dai dẳng kia có
ngày trở thành sự thực. Hầu như bất cứ bài thơ nào của Nguyễn Bính mà có chút
hơi hướng liên quan tới sự lập nghiệp trong tương lai, đều có nhắc đến chữ trạng.
Anh lái đò mơ đỗ trạng, cô gái chăn tằm ước ao chồng mình có ngày thành
trạng, cho đến các cô gái tước đay dệt võng thì cũng chỉ chăm chăm có một
điều là đay này dệt võng để các ông trạng vinh qui.
Khoảng cách tưởng là xa vời – từ cái ngày thường hàn
vi, đến một ông trạng hay chữ nhất nước – hóa ra lại rất gần gũi trong tâm khảm
mọi người đến mức tưởng như ai cũng có thể trở thành trạng được, nếu như chăm
chỉ, cần cù, và có ... một người vợ hiền thúc đẩy. Lạ một điều là cái sự đỗ
trạng ở đây không đi kèm với tiền bạc, hay quyền bính, hay sự hưởng thụ. Nó chỉ
là một thứ giá trị tinh thần, và cả người nhận, lẫn chung quanh, đều lấy làm đủ
mà không thắc thỏm gì thêm.
Từ khía cạnh này mà xét, phải nhận cái thế giới hôm
qua Nguyễn Bính ca tụng là một thế giới cao thượng. Ở đó, cái chiếm vị trí ưu
thắng không phải là vật chất, mà là tinh thần.
Văn chương như một cách thế vượt
lên đau khổ
Không chỉ Nguyễn Bính, thật ra trong văn học tiền
chiến có cả một mạch văn đi vào nuối tiếc và luôn luôn hoài niệm cái không khí
thanh đạm của thời quá khứ. Nguyễn Nhược Pháp có Ngày xưa, Vũ Đình Liên
có Ông đồ, Lưu Trọng Lư gợi lại một thời đã mất trong Khói lam chiều,
trong Chiếc cáng xanh. Đến cả Xuân Diệu “tây” là thế, mới mẻ là thế,
mà cũng sớm quay về sống lại không khí cổ xưa qua những phác họa đời sống tinh
thần lúc ấy:
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm
Hây hây thục nữ mắt như huyền
Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.
Dẫu sao, phải nhận rằng so với mọi người thì niềm hoài
vọng này ở Nguyễn Bính vừa dai dẳng, lại vừa tự nhiên hơn.
Tại sao lại như vậy? Chẳng những nhiều lần dông dài
với Nguyễn Bính trong những chuyến giang hồ vặt kiếm ăn, Tô Hoài còn đã có dịp
trở lại với làng quê Nguyễn Bính nữa. Và đây, dưới con mắt Tô Hoài, mảnh đất
chôn nhau cắt rốn của tác giả Lỡ bước sang ngang hiện lên với vẻ trần
trụi vốn có :
Làng Thiện Vinh thật có giữa vùng chiêm khê mùa thối
đất Nam Định, Thái Bình. Đâu đâu cũng xơ xác. Nước trắng đồng, gió lùa sóng
đồng cồn lên, quần lại, lật thuyền mảng, cả đến người ra cứu lúa cũng chết
đuối. Mỗi năm mất mùa, biết bao người đã bỏ làng đi tha phương.
(Lời
giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Bính,
1986)
Sau khi cực tả như thế, Tô Hoài đi vào cắt nghĩa: tại
sao trên cái thực đến se lòng đó, lại nảy sinh thơ Nguyễn Bính:
Từ những dằn vặt, những mơ tưởng nhỏ nhoi đọng lại.
Mùa này mất trắng lại mong cho đến mùa sau lại được thấy mặt hạt thóc. Cái củi
rều trôi quá ngoài sông, không vớt được cũng tiếc. Vợ chồng cãi nhau, người vợ
ôm mặt than thở: “Giá
như ngày ấy theo cái người dưới Đông thì chẳng đến nỗi nào, khổ cái thân tôi…”.
Hoa xoan và mưa bay giữa hội chèo làng Đặng đã sinh ra từ những như thế. Người
ta than thân trách phận, nhớ tiếc, ước ao, ở giữa làng mà tưởng ra quê mình tận
đâu đâu kia.
Với tư duy sắc sảo của người viết văn xuôi, Tô Hoài
thật đã chạm tới một vấn đề lớn của các sáng tác văn chương trong quá khứ.
Chúng ta đều biết tuy cái tình cảnh vùng đất đồng
chiêm trũng nói ở đây, là riêng của quê hương Nguyễn Bính, song nhìn rộng ra,
nó là nét phổ biến trong xã hội trung đại Việt Nam, và kéo dài cho tới đầu thế
kỷ này.
Khắp đồng bằng Bắc bộ, do nơi quan hệ sản xuất không
hợp lý, và kỹ thuật canh tác cổ lỗ, ngay cả những nơi đồng đất mỡ màu, thiên
nhiên ưu đãi, đâu đâu cũng là một đời sống khó khăn, xã hội thì im lìm bất
động, sự trì trệ kéo dài đến mức trở thành một ám ảnh, và người ta không thể
nghĩ được điều gì tốt đẹp, ngoài cái cảm giác chung rằng cuộc đời mãi mãi là
thế này, không thể thay đổi. Và để tự vệ, để tìm thấy niềm vui sống, người ta
phải dựng tạo cho mình một cõi tâm linh riêng, đó là cái thế giới mộng mơ với
bao điều tốt đẹp.
Bởi lẽ, niềm mơ
ước ấy là của chung mọi người, nên nó dễ dàng lan tỏa, nó được hầu như mọi
người chia sẻ.
Như thuật ngữ bây giờ hay nói, rồi từ cái đời sống bế
tắc đó, một huyền thoại được hình thành, huyền thoại về một cuộc sống
hài hòa êm đẹp, có chỗ cho tất cả mọi người. Không ít sáng tác dân gian – một
kho tàng nghệ thuật phong phú ở đồng bằng Bắc bộ – đã nảy sinh trên cơ sở huyền
thoại dai dẳng kia. Nó trở thành một bộ phận của đời sống người ta, vỗ về an ủi
người ta.
Và nó lưu
truyền qua nhiều thế hệ.
Đến lượt mình, các sáng tác của Nguyễn Bính chính là
bước tiếp nối cái mạch của người đi trước và nâng nó đến độ hoàn chỉnh, tức tạo
ra cho nó một vẻ đẹp vốn chỉ có ở các
vần thơ dân gian ưu tú nhất .
Đã
in trong Cánh bướm và đóa hướng dương,1999
0 nhận xét:
Đăng nhận xét