viết ngắn của Huyền Chiêu
Tranh của Huyền Chiêu
Tóc em dài em cài bông hoa lý
Miệng em cười anh để ý anh thương
Thực ra, ngày xưa ít khi người đàn ông nhìn thấy được suối tóc mượt mà của các cô gái. Có lẻ tác giả của câu ca dao trên tưởng tượng đấy thôi.Người con gái Việt Nam ngày xưa kín đáo lắm. tóc của các cô luôn được dấu trong vành khăn mỏ quạ hoặc trong chiếc khăn vành nhung đen. Mỗi sáng sớm việc đầu tiên của các cô thiếu nữ là dấu kín mái tóc của nàng:
“hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương”
(Nguyễn Nhược Pháp)
Cho nên , thật ngây ngất khi nghe LưuTrọng Lư mô tả hình ảnh một mái tóc xổ tung trên nền gối: trắng.
Còn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng
còn đâu sương tan trăng nội mơ màng
còn đâu em ngoan tóc rối ngổn ngang
tuổi em đôi mươi xuân mới vừa sang .
Phải đến đầu thế kỷ 20, mái tóc của các thiều nữ mới rón rén lộ diện nhưng vẫn được kẹp lại bằng chiếc kẹp ba lá sau khi đã được thả lơi một chút đủ để phủ hờ trên đôi vai thon nhỏ mà chúng ta thường được chiêm ngưởng trong những bức tranh thời Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái…
Từ đó mái tóc thiếu nữ trở thành nguồn thơ vô tận.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền và Thi sĩ Đinh Hùng đã từng đồng lòng ca ngợi một mái tóc tỏa hương thơm ngát như một loài hoa nở trong đêm:
“Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút ân tình vương tóc quen”
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút ân tình vương tóc quen”
(Mái Tóc Dạ Hương)
Trong sân trường , không hiểu sao mái tóc dài của nữ sinh lại được gọi là “tóc thề” dù các nàng có thề thốt gì với ai đâu. Mái tóc ngây thơ ấy chẳng dành cho riêng ai nhưng nó đã làm xao xuyến biết bao chàng trai đi theo sau các nàng mỗi bận tan trường.
Mái tóc thề của cô bé trong sân trường có khi đươc “thắt bím nuôi dưởng thêm ngây thơ”.
Cho đến một ngày, chàng trai ngỡ ngàng thấy mái tóc thề của nàng đã biến mất để lại một mái tóc cụt ngủn vô cùng tân kỳ, vô cùng ngổ ngáo với một cái tên ngoại nhập “ demi garcon”
Nhưng dù tóc thề hay tóc demi garcon nàng vẫn làm đau buốt trái tim của những cậu bé lần đầu tiên biết yêu.
Nhà thơ thất tình Nguyễn Tất Nhiên đã có những câu thơ chẳng có gì đặc biệt nhưng nó được nhiều người ngâm nga vì có nhắc đến một mái tóc.
“Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ
Này cô em tóc demi garcon”
Nhưng hiếm có khi nào hai cô cậu cùng chung mái trường thành vợ thành chồng. Khi chàng trai vẫn còn đang
:Lính quýnh giủa sân trường trao thư” (NTN)
Thì nàng đã đi lấy chồng.
Rồi chiến tranh cuốn chàng trai vào nỗi đau thân phận.
Bao năm rồi chàng không gặp lại người xưa ấy. Dưới đốm mắt hỏa châu, có đôi khi chàng mơ thấy một mái tóc demi garcon, một tà áo dài trắng mini trong sân trường loang nắng.
Một hôm từ chiến trường về, chàng gặp lại nàng bên cạnh chồng trên phố , chàng trai thấy tim mình đau thắt. Mái tóc demi garcon đã đổi thành mái tóc uốn quăn từng lọn. Trông nàng quý phái kiêu kỳ và hạnh phúc nhưng vô cùng xa lạ..
Thôi thì hãy nhủ lòng như Hoàng Trúc Ly:
“Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Trông về con nước ngậm ngùi xuôi
Những người con gái bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi”
Những chàng trai thất tình ấy cứ tưởng nhớ người trong mộng của mình với mái tóc thề dịu dàng, với mái tóc ngắn xinh xắn ngây thơ. Chàng đâu biết cuộc chiến dai dẳng và cuộc bể dâu đã xô ngã nàng mệnh phụ , biến nàng thành người đàn bà bơ vơ giửa “chợ trời” với mái tóc bết mồ hôi kiếm cơm nuôi con, nuôi chồng cải tạo.
“Tóc mai sợi vắn, sợi dài” ấy đã trở thành những nàng Tô Thị một mình ôm rất nhiều con chờ chồng trong gian khổ và đói khổ .
Thời gian cùng bao nổi gian truân cũng đã lạnh lùng rắc muối tiêu lên mái tóc ngày xưa ấy.
Lẻ ra mái tóc nhuốm màu sương khói của rất nhiều người đàn bà miền Nam sau 1975 phải được gọi là “tóc thề” phải không hởi các chàng thi sĩ ?
Huyền Chiêu
Xuân 2015
0 nhận xét:
Đăng nhận xét