Nguyễn Xuân Thiệp
Làng quê Mariapfarr - nơi ra đời ca khúc Silent night
Có những bài thánh ca không thể nào quên…Có phải vậy không, hở các bạn? Và em, em còn nhớ không những ca khúc chúng ta đã từng nghe khi đi nhà thờ vào những đêm Noel ở Sài Gòn năm nào và cả tới khi qua Mỹ này. Một trong những bài đó là Silent Night.
Đêm nay, một đêm mùa đông, anh ngồi ở đây mà nhớ lại cả đoạn đường cùng câu chuyện ra đời của ca khúc bất hủ ấy. Em cùng anh tưởng tượng lại nhé, cách đây gần hai thế kỷ, vào năm 1817. Lúc ấy, cha Joseph Mohr mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicholas ở miền Oberndorf nước Áo. Cha vốn say mê âm nhạc từ hồi còn là thiếu niên, có lúc đã làm thơ và đặt lời cho những bài ca trong các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường. Khi trở thành linh mục, cha Mohr làm việc không biết mệt mỏi trong công tác từ thiện, phục vụ thanh thiếu niên con các gia đình nghèo khó trong vùng.
Một ngày mùa đông năm 1818, cha Mohr đang cố hoàn thành mọi việc sửa soạn cho thánh lễ Giáng sinh, một nghi lễ mà cha đã hoạch định trước cả tháng. Mọi thứ đều đã xong xuôi, từ bài hát cho đến bài giảng. Nhưng lúc cha dọn dẹp thánh đường mới phát hiện một trở ngại tưởng không thể khắc phục được: đó là chiếc đại phong cầm của nhà thờ bị hư. Nóng lòng, cha lui cui hàng giờ đánh vật với hàng phím, với bàn đạp của chiếc đàn. Bất chấp mọi khó nhọc của cha, chiếc đàn vẫn nằm ỳ ra không lên tiếng, im lặng chẳng khác cái lặng lẽ của một đêm đông giá lạnh.
Nhận thấy không thể làm gì hơn, vị linh mục ngừng lại và cầu nguyện. Cha cầu xin Chúa cho cha tìm được một giải pháp để đem âm nhạc đến với giáo dân trong ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm. Và rồi cha đã tìm được đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình khi nhớ lại bài thơ mà mình sáng tác cách đây gần hai năm. Đó là bài Still Nacht! Heilige Nacht! (Đêm yên lặng! Đêm thánh!). Cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hy vọng. Bỏ bài thơ vào túi áo, cha vội vã ra khỏi nhà băng qua những đường phố đầy tuyết phủ. Chỉ còn mấy giờ nữa là thánh lễ nửa đêm bắt đầu.
Cũng vào chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi, đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học. Mặc dù đã theo học phong cầm với giáo sư nổi tiếng Georg Hardobler, Gruber cũng chỉ chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé. Cha Morh bước vào, hối hả kể cho ông giáo làng nghe nỗi khó khăn của mình. Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:
- Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có phong cầm thì ta chơi guitar vậy.
Rồi vị linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm: “Không còn nhiều giờ nữa đâu”.
Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật đầu, chấp nhận thử thách.
Mấy giờ sau, hai người gặp nhau tại nhà thờ. Gruber đưa cho vị linh mục xem bản nhạc của mình. Linh mục dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn. Không có nhiều thời giờ, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.
Trong thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber đứng trước bàn thờ giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người. Họ đâu ngờ rằng Still Nacht! Heilige Nacht! -được dịch sang tiếng Anh là Silent nightvào tháng 12-1839- không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng sinh năm sau trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được khắp thế giới ca vang.
Thế nhưng bài hát càng được phổ biến thì tác giả của nó càng bị chìm trong quên lãng. Một thời gian người ta cứ lầm tưởng đó là tác phẩm của Bach, Beethoven hoặc Handel. Chỉ mãi tới khi Franz Gruber gửi tới các báo và các nhà xuất bản bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc đích thực mới được công nhận. Còn bài thơ của cha Mohr thì hầu như ít ai biết tới. Thậm chí cho đến khi cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó năm 1848 mọi người còn chưa biết cha là tác giả bài thơ phổ nhạc. Thật là buồn và tội nghiệp, phải không em? Ôi, chúng ta hãy nhớ lại lời ca. Silent night, holy night, all is calm, all is bright...
Ngoài bài Silent Night còn nhiều bài hát Giáng Sinh nữa ra đời sau đó và cũng rất nổi tiếng. Những bài hát đặc biệt ấy luôn luôn vang lên trong trái tim mọi người khi Giáng Sinh về. Những bài hát rất xưa mà không bao giờ cũ. Như bài Ave Maria của Franz Schubert, bài Jingle Bells của James Lord Pierpont ở Massachusetts, bài White Christmas của Irving Berlin… Ở Việt Nam, nhạc Giáng Sinh từ lâu đã là một nét trong đời sống văn hóa. Được biết đến sớm nhất là hai ca khúc Hang Bê-Lem của nhạc sư Hải Linh và Cao Cung Lên của linh mục Hoài Đức. Cả hai bài này đều được ghi nhận cùng xuất hiện vào năm 1945. Đó cũng là giai đoạn của tân nhạc Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất. Trước đó, các bài hát Giáng Sinh phần lớn đều được hát bằng tiếng Latin hay tiếng Pháp nên ít người hát được. Vì vậy việc viết và dịch lời Việt phát triển. Đến thập niên 60-70 thì những bài tình ca Việt nhân dịp Giáng Sinh đã xuất hiện rất nhiều. Người ta bắt đầu ngâm nga những bài nhạc Việt có hình ảnh Giáng Sinh, xao xuyến đem vào ký ức thế hệ mình. Trong đó phải kể đến Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ, Hai Mùa Noel của Đài Phương Trang, Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời của Phạm Duy…(theo tài liệu của Tuấn Khanh)
Ôi, anh và em và bao người khác đã từng nghe nhạc Giáng Sinh vang lên dưới mái nhà của Chúa hay trong những buổi dạ tiệc vào dịp gần cuối năm này. Như tại nhà của mấy người bạn trong đêm Thứ Bảy 20 tháng 12 vừa qua anh đã bồi hồi xúc động khi nghe hát Hang Bê-lem và Bài Thánh Ca Đó. Em ơi, anh ngồi nghe mà rưng rưng nước mắt thấy lại những bầu trời ngày cũ khi chúng ta còn có nhau… Nhạc Giáng Sinh kỳ diệu như thế đó, như nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định: “Đôi khi người ta không còn lắng nghe âm nhạc trong mùa Giáng Sinh bằng sự thưởng thức thông thường, không còn phân tích về logic đời sống của bài hát đó nữa, mà chỉ còn bí mật tìm những người đồng điệu với mình trong một khoảnh khắc. Âm nhạc như một thông báo về những ngày rất quen mà trái tim cần đập chậm lại và thêm những nụ cười. Sức quyến rũ kỳ lạ của nhạc Giáng sinh là vậy… Giáng sinh làm nên niềm vui của những người có đạo, nhưng âm nhạc thì nối dài vòng tay làm nên một mùa Giáng sinh an lành cho cả thế giới. Âm nhạc phá bỏ mọi ranh giới tín ngưỡng, gợi lại những giấc mơ đẹp và sẽ không bao giờ cũ trong trái tim con người.”
Vậy đó, em ơi, đúng như George Michael tác giả bài Last Christmas nói, “những bài hát vui tươi nhưng thầm lặng nhắc về hạnh phúc đã mất. Và ngay khi bạn từng khổ đau trong quá khứ, thì giờ đây nhớ lại, đó cũng là một cảm giác hạnh phúc của đời người, mà hạnh phúc thì không bao giờ cũ”.
Và bây giờ trong thầm lặng anh với em cùng hát và đừng để nước mắt rơi. đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời / Chúa sinh ra đời /nằm trong hang đá nơi máng lừa… Silent night, holy night, all is calm, all is bright...
Noel 2014
NXT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét