LÁ THƯ VĂN NGHỆ GỞI NHÀ VĂN LÂM CHƯƠNG



Hai Trầu Lương Thư Trung

Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 27 tháng 10 năm 2014

Anh Lâm Chương thân mến,
   Vào những ngày đầu tháng Mười vừa rồi, vợ chồng tôi về thăm các con và cháu nội ở Boston, rất may tôi được gặp lại anh và anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng, chủ trang nhà Thất Sơn Châu Đốc; rồi có cả chú thím Út sắp nhỏ từ Pawtucket (Rhode Island) lên nữa. Chiều hôm ấy quả là một buổi chiều hội ngộ rất thú vị. Rừng thu Boston lá bắt đầu đổi màu. Bên bờ hồ Weymouth, nơi nhà anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng, lá mùa thu đỏ dần và sắp pha chút màu vàng.  Bên bếp lửa cạnh bờ hồ Weymouth, anh Đoàn Đông cho thêm vài khúc củi, lửa cháy rực một màu hồng ấm ám, mấy anh em ngồi nhăm nhi ly rượu chát và nghe anh kể biết bao điều mà chừng như lâu lắm rồi anh em mình mới gặp lại; thành ra các câu chuyện liên tiếp liền nhau dù trời tối dần và sương thu hơi lành lạnh mà anh em muốn ngồi nghe anh kể chuyện hoài. Có lẽ các mẩu chuyện mà anh kể anh em chúng tôi chưa nghe lần nào và nhứt là cách kể chuyện của anh lại có duyên, dí dỏm mà súc tích giống như văn anh viết ngắn gọn mà rõ ràng, pha chút trầm ngâm của người từng trải làm út Chính mê hơi văn của anh, nên dù xa xôi mấy mươi dặm đường nhưng chú ấy vẫn muốn ngồi nghe anh kể chuyện hoài, không muốn về dù trời đã khá tối…

Rừng thu vùng Sharon, Massachusettes.

Anh Lâm Chương,
Gặp lại anh không thể không nhắc đến Thượng Du Niềm Thương Nhớ, một truyện ngắn rất đặc sắc của anh. Tôi miên man nhớ hoài đoạn văn anh miêu tả về cái lẽ của trời đất và con người vừa thâm thúy, vừa ý nhị trong truyện ngắn này:

“Ở đây, không đo thời gian bằng kim đồng hồ.
Trưa nghe chim bắt-cô-trói-cột kêu trên đầu núi, biết đang mùa hạ.
Đêm nằm nghe cú rúc đầu hồi, biết đang mùa đông.
Thung lũng ít chịu mặt trời.
Âm khí núi rừng pha trong sương đục, nhòa nhòa lán trại.
Cái lạnh rờn rợn nhiễm vào người, lâu dần thành quen.
Thiên nhiên tập cho con người biết chịu đựng.
Về với thiên nhiên, thở cùng cỏ cây.
Đi trên đất ẩm, nghe mùi rong rêu lá mục.
Làm quen với muỗi đói vắt rừng.
Coi thường độc trùng rắn rít.
Ngồi lặng hàng giờ, ngắm những bông hoa dại âm thầm ngoi lên từ kẽ đá.
Thưởng thức tinh hoa của đất trời, cũng là một cách dưỡng sinh.
Dựa lưng gốc đại thụ, thấu lẽ câm nín ngàn đời.
Quên chuyện ngày trước.
Bỏ chuyện ngày sau.
Sống đời hoang dã.
Thú rừng vô tâm, không biết buồn.
Ai nặng thất tình lục dục, dễ bỏ mình giữa chốn thâm sơn…"
(Thượng Du Niềm Thương Nhớ, trong Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, trang 184).

    Chẳng những tôi mà út Chính rất mê hơi văn của anh nữa, nên không ngại đường xá xa xôi để lên Boston gặp lại anh. Nhắc tới Thượng Du Niềm Thương Nhớ, nhớ hồi Bùi Công Nguyên còn sanh tiền, mỗi lần nói chuyện với tôi Nguyên luôn nhắc đến anh, nhắc những đoạn văn cô đọng, súc tích của anh trong Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, trong Lò Cừmà Nguyên thuộc nằm lòng, thế mới biết tìm được những bạn đọc như Bùi Công Nguyên không dễ chút nào. Nhớ mấy năm trước, lần nào tôi về thăm Boston, Nguyên cũng rủ tôi ghé thăm anh, hoặc kiếm gì ăn lai rai và ngồi nói chuyện với nhau chơi cho đỡ nhớ những ngày xa cách… Lần này về Boston, anh Tô Thẩm Huy ở Houston rất mến Bùi Công Nguyên, nên sẵn dịp anh đi công tác ở New York, dù không hẹn trước, nhưng anh biết tôi về Boston nên anh vẫn lên Boston bằng xe buýt và rủ tôi ghé thăm chị Phương Tần, hiền thê của Nguyên và thắp cho Nguyên một nén hương để tỏ chút tình quyến luyến một người bạn trẻ nay không còn trên cõi đời này nữa…


Từ trái: Vợ chồng chú Út Chính, nhà văn Lâm Chương, anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng, chị HT đang uống cà phê tại nhà Út Hiếu (Sharon, MA)


Anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng đang giới thiệu về bầy vịt trời sống quanh năm dưới hồ Weymouth dù trời đất có đổi mùa ...
 
Từ trái: Hai Trầu, nhà văn Lâm Chương, anh Đoàn Đông, Út Chính bên bếp lửa hồng nơi nhà anh chị ĐĐ& Lộc Tưởng với hồ Weymouth (MA)



Anh chị Hai Trầu

Anh Lâm Chương thân,
    Trở lại việc viết văn của anh, nhớ có lần anh viết:"Vác đá. Đốn cây. Bửa củi. Gánh nước. Những công việc nặng nề như thế, lúc nào cũng có thể làm được, chỉ cần vận dụng bắp thịt và thêm một chút cố gắng là xong. Thế nhưng làm thơ viết văn thì khác. Nó không cần bắp thịt và cố gắng cũng không xong. Nói thế cũng hơi quá. Cố gắng cũng có thể xong, nhưng bài viết không đủ sức lôi cuốn, làm người đọc dễ buồn ngủ." (*) Rồi hôm vừa rồi lại nghe anh nhắc lại là anh viết để cho người bình thường nhất đọc cũng hiểu. Do vậy mà tôi mới rõ thêm một điều là với anh người viết văn làm thơ phải viết cho người đọc hiểu, và anh luôn luôn nhấn mạnh: “Nếu người đọc không hiểu tác giả viết gì, thì đó là lỗi ở người viết, chứ không phải lỗi ở người đọc.”

   Riêng tôi, tôi không viết điều gì cao siêu, mà những chuyện nhà quê thì có gì cao siêu phải không anh Lâm Chương? Nên tôi chỉ ghi lại những gì mình biết và sống với nó. Chẳng hạn kể lại công việc một ngày ở nhà quê, như anh có nhắc hôm rồi, tôi cũng kể lại với những sinh hoạt rất thật. Nhưng như anh biết nhà quê thì không thay đổi, mà thời cuộc, mưa nắng, mùa màng lại thay đổi. Do vậy, mà mỗi thời kỳ có những ngày nhà quê khế hợp với cơ trời.
    Tôi lấy giả dụ, vào thập niên 1930-1940, xã hội loạn lạc nên thôn quê miền Nam cũng loạn lạc . Nhiều phe phái kình chống nhau làm dân quê tụi tôi cũng thân sơ thất sở mà sống một ngày nhà quê quá khó . Vì thời loạn nên vườn hoang nhà trống là cảnh không làm sao tránh khỏi . Lúc đó một ngày ở nhà quê ngoài việc khẩn hoang, phá rừng, làm ruộng còn có cái nạn chạy giặc nữa . Sáng sáng nghe tiếng gà gáy là lo cụ bị xuồng ghe gạo thóc bồng chống nhau chạy giặc tản cư . Những cánh đồng lác bịt bùng là những nơi trú ẩn tương đối an toàn khi chạy giặc Tây bố ráp . Nhưng sống ở nhà quê là sống với vườn tược và ruộng nương, nên người nhà quê ở làng tôi người ta cũng bắt đầu những ngày nhà quê bằng cách len lén trở về mái tranh nghèo, cánh đồng cũ đầy rau muống, đế sậy, đưng, lác để mà lo phát cỏ dọn vườn mở ruộng hầu kếm miếng cơm, miếng cá sống qua ngày . Một ngày ở nhà quê vào thời kỳ đó có thể gọi là thời kỳ khai hoang và chạy loạn . Vừa làm ruộng vừa lo mạng sống mỗi ngày .
    Vào thập niên 1940-1950 nhà quê có biến đổi nhưng cục diện xã hội vẫn chia năm xẻ bảy . Những làng quê khuất bóng dưới những rặng cây hai bên bờ kinh rạch là một bức tranh qúa nhiều màu sắc chính trị phủ lên mờ mịt . Thời kỳ này cũng không khá hơn những năm trước 1940 là bao, mà đôi lúc còn rối loạn hơn từ những phe phái ở miền quê. Tôi gọi thời kỳ này là thời kỳ sứ quân . Mỗi ông kẹ hùng cứ một phương trời, còn dân quê lại là những kẻ bị tai bay vạ gởi . Nhưng những năm 1950 còn được cái may là những dân quê tụi tôi còn làm lúa mùa mỗi năm một mùa duy nhứt, nên cái thời khóa biểu một ngày ở chốn làng quê ấy nó ít thay đổi . Giả dụ, vào mùa cày chẳng hạn, thì chùa công phu hiệp nhứt là thả bò ăn cỏ lai rai rồi anh nhà nông mới lùa bò lên ruộng mở vạt cày phá đất phơi khô cho đất ráo phèn . Khi cày giáp miếng ruộng rồi, người nhà quê mới trở lại cày trở bận nhì . Cày bận trở xong thì chỉ còn chờ khi mùa mưa tới , dạo tháng Ba âm lịch, thì họ bắt đầu bừa đất cho nhỏ ra để tháng tư sạ giống . Sạ giống xong coi như chỉ chờ trời mưa và lúa mọc . Lúc bấy giờ chẳng cần phân thuốc sâu rầy gì ráo trọi anh à . Mà chỉ đợi lúa qua những ngày nước ngập và bắt cá giăng câu chờ nước giựt tháng 10, rồi lúa trỗ bông tháng 11, lúa chín tháng Chạp, tháng Giêng và cắt gặt tháng Hai. Tháng Ba tủ rơm đốt đồng và tháng Tư cày bừa trở lại rồi sạ tiếp mùa sau . Cứ lẫn quẫn rồi hết một chu kỳ của một mùa lúa cũ để sang mùa lúa mới .

Thưa anh Lâm Chương
    Giữa những ngày ngồi chờ lúa lên, lúa chín là những công việc phụ của thôn quê tùy thuộc vào hai mùa mưa nắng. Nếu gặp tháng nắng thì có mùa tát cá bắt hôi, đăng mương làm lóng . Mùa này ngày xưa cá nhiều vô số kể vì đất còn hoang vắng và không có thuốc trừ sâu rầy nên cá tôm mặc sức mà sanh sôi nẩy nở. Như anh biết, vào mùa này người nhà quê phải dùng trâu bò kéo cá về nhà cho mỗi miệng đìa, hoặc khúc lóng vừa mới tát, vì sức người không cách nào khuân vác nổi số cá vừa bắt được. Những con cá lóc biết nói, những chị cá rô đồng mọc râu nó béo dàng trời mây, biết bao nhiêu mà kể cho xiết .
    Nương vào mùa tát đìa , một ngày ở nhà quê vào thời gian này cũng là mùa làm mắm, làm khô . Nhà nào cũng có mắm, trại ruộng nào cũng phơi đầy khô. Cá ăn không hết thì làm mắm và làm khô thôi anh à . Dân quê mình chỉ biết có vậy . Tính được chuyện để dành, ít tính tới chuyện lỗ chuyện lời, nên hồi ấy sống khoẻ re .Rồi vào mùa mưa, đồng mát, cỏ bờ kinh mọc lai rai, một ngày nhà quê cũng theo những cơn mưa mà có việc như bắt ốc hái rau, đào chuột, dặm cù, đuổi chim, bắt rùa, bắt rắn. Những công việc này cũng chỉ bắt để ăn chứ ít ai bắt để bán .
    Tới mùa nước lên thì người nhà quê cũng theo nước có nhiều việc làm chơi cho qua ngày như cắt cỏ bò, giăng lưới, bủa câu, đặt lờ, đặt lọp, đặt trúm, xúc mô, vải chài bắt cá. Tới mùa hiu hiu gió bấc, chim thay lông, lúa ngã mình xiên xiên theo chiều gió, người nhà quê chống xuồng theo những miếng ruộng kiếm ổ le le, gà nước, trích cồ mà lượm trứng hoặc rượt mấy con chim mới rụng lông chưa mọc lại kịp mà chụp cánh mang về làm một bữa nhậu đã thèm…
   Tới mùa nước giựt tháng 10, tháng 11 âm lịch, lại một mùa cá ra sông rần rần đặc nước và một ngày ở nhà quê là những bữa giăng bắt cá ra sông bằng nhiều cách. Lúc nước chưa cạn thì ngồi tum với cây sào búp rình đăm những chú cá bông gấm lọ mọ tìm bóng mát nghỉ xả hơi vì bơi hoài cũng mỏi … Nước mùa này là nước cỏ nên trong leo lẻo nên con cá nào lội qua, người ngồi tum cũng nhìn rõ từng cái kỳ, cái đuôi, cái vẫy …
    Còn khi cá ra thiệt rồi, vào cuối tháng 11 và đầu tháng chạp, thì ôi thôi , ghe xuồng chài lưới tấp nập những vàm rạch, vàm kinh. Cá đổ đầy khoang ghe, khoang xuồng biết làm gì cho hết cá. Đây cũng là mùa làm mắm thứ hai sau mùa tát đìa tháng nắng ….

Anh Lâm Chương,
     Những năm lúa mùa thì một ngày nhà quê chĩ lẫn quẫn những công việc như vậy . Nhưng tới thập niên 1960-1970 thì có khác đôi chút, nhất là khi vào những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, các ruộng lúa mùa bị thu hẹp dần và lúa thần nông lấn đất bộn thì việc cày cấy cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề. Vì lúa thần nông là lúa ngắn ngày, mỗi mùa chỉ hơn ba tháng và mỗi năm chỉ làm hai mùa nên công việc bớt nhàn hạ hơn hồi còn làm lúa mùa . Vì vậy mà một ngày ở nhà quê vào giai đoạn này khá gấp rút. Chẳng hạn phải cày bừa sạ tỉa đúng thời hạn đã đành mà còn phải làm cùng lúc với những miếng ruộng kề cận , nếu không sẽ bị nhiều rắc rối như lúa vừa sạ xong bị miếng ruộng kế bên xả nước vào nên bị chìm, hoặc lúa mình bị hạn khô mà không cách nào bơm nước cho vô vì lúa người ta mới sạ . Do vậy, một ngày ở nhà quê lúc này là một ngày vất vả dữ lắm vì phải canh chừng sâu rầy, xịt thuốc sâu, rải phân bón, tháo nước ra, bơm nước vô mà ngày xưa với lúa mùa không phải lo ba cái vụ rắc rối nàỵ Do vậy mà nhà nông không còn nhàn hạ nữa …
    Tới cuối thập niên 1970 và các năm 1980-1990 là thời kỳ khó nhọc. Làm ruộng không dễ nên nhà quê cũng có một ngày vất vả trăm bề . Những năm tháng đó lúa thóc quá nhiều sâu bịnh. Nạn rầy nâu và thuốc giả phá hại nhiều mái ấm gia đình. Tiền mất tật mang không kể xiết. Lúc bấy giờ công việc một ngày nhà quê cũng phải qua những công việc có từ trước, nghĩa là vẫn theo từng vụ mùa nhưng thiếu hụt dữ lắm nên dân quê vốn đã cực nay lại cực hơn. Chiều chiều ít khi bày tiệc nhậu ở góc vườn xoài hay bên bờ đìa, bờ mương vì cá tôm hổng còn nhiều như trước nữa . Có thể nói mà hổng sợ trật là lúa thần nông phát thì cá tép tàn lụi anh à ! Nhưng ngược lại thì ở làng quê những năm đó dân số tăng bộn dù thiếu lúa, thiếu cá .Tôi không biết tại sao?  Vì dân số tăng mà đất ruộng hổng có tăng, đôi lúc còn bị cắt xén chia bớt cho láng giềng chòm xóm, nên cái dở của dân ruộng vào thời kỳ này là khoái lấn ranh và ưa giựt đất … Từ đó, cái tình gia đình, tình làng quê đôi lúc bị lạt dần giữa người với người và giữa anh em bà con ruột thịt với nhau nữa cũng chỉ vì những giồng ranh ngày trước thẳng băng, giờ lại cong cong như cái lưỡi hái cắt lúa hoặc nó biến mất từ lúc nào trên các bản đồ điền địa một thời ….
    Tới những ngày đầu thế kỷ 21 và mấy lúc gần đây, một ngày nhà quê bây giờ hổng giống ngày xưa nữa rồi anh à . Thời kỳ @ này, nên một ngày nhà quê ở làng tôi cũng @ ráo trọi . Suốt một tháng trời, tôi không còn thấy một chiếc xuồng nào đi chợ bơi qua con kinh xáng của tôi ráo trọi . Ngày nay, xe gắn máy chạy rợp ngoài đường. Đàn bà không còn bơi xuồng chở lúa tới nhà máy chờ chực để xay ra gạo như hồi tôi còn nhỏ nữa . Người ta cầm điện thoại lên gọi một cái là có người chủ nhà máy xay lúa chạy honda vô tới nhà chở lúa của mình về nhà máy xay . Anh muốn lấy trấu, lấy cám gì thì cứ dặn họ và khi xay lúa xong họ sẽ chở gạo trấu cám tới nhà cho anh . Và nếu cần, anh  chỉ cái lu cái khạp nào đó, họ sẽ đổ gạo vô lu vô khạp cho anh luôn thể mà anh khỏi cần động tới móng tay . Còn giả gạo chài ba dưới đêm trăng hay quết cớm giẹp đầu mùa nếp mới nay chỉ còn trong hoài niệm của người già thôi anh Lâm Chương à !!!
    Thành ra, những ngày này của thế kỷ này theo chỗ tôi biết và quan sát kỹ thì một ngày nhà quê của tôi nó đã lạc mất lâu rồi ! Con đường làng xưa, nay bốc lên cái nóng gay gắt của nhựa đường . Những cây cầu tre lắt lẻo nay cũng chỉ còn là hình bóng cũ . Trẻ con trong làng đi chăn vịt mướn cũng xài điện thoại cầm tay mắt tiền rồi, nói gì khói đốt đồng buổi trưa hay khói nấu cơm chiều bay bay trong vườn cây ăn trái.
    Thưa anh, ngay cả tiếng chuông chùa Tân Phước Tự của làng tôi ngày nay cũng bặt tiếng tự lâu rồi anh à ! Cái tiếng chuông chùa ngân xa ấy của những ngày tôi còn nhỏ để mỗi sáng thức dậy lùa bò ăn cỏ hay mỗi chiều lùa bò về chuồng nay chỉ còn trong trí tưởng vì cái đại hồng chung của chùa hổng còn nữa . Hổng biết có phải do chùa giữ không nổi hay bá tánh không còn mê tiếng chuông ?!? Vì ngôi chùa của bá tánh, không dễ bán, nên mới còn; bằng không chắc bao nhiêu công sức của cha ông tôi trùng tu nhiều chục năm trước chắc giờ cũng tiêu tan đâu mất một cách lặng lẽ, âm thầm như tiếng chuông chùa vắng bặt …
   Nhưng làm gì thì làm, mở đầu một ngày nhà quê qua các thời kỳ từ trước đến nay có một điểm rất giản dị và dường như không thay đổi là dân quê mình ăn cơm dằn bụng rất sớm và đi chưn đất ra đồng tới chiều; khi chiều trở về lại nhà thì ăn cơm chiều và tiếp tục đi chưn đất tới trước khi lên giường ngủ mới rửa chưn và mang vào đôi guốc vông hoặc sau này có đôi dép nhựt. Có lẽ cái nếp giản dị ấy làm nên cái nếp nhà quê nhà mùa chơn chất nhứt mà cũng rất dễ thương nữa phải không anh Lâm Chương?

Anh Lâm Chương,
    Thơ viết cho anh khá dài nhưng không làm sao kể tường tận một ngày ở nhà quê như tôi từng trải qua gần cả một đời người, nên tôi xin ngừng lại và kính chúc anh và anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng, vợ chồng chú Út sắp nhỏ mạnh khoẻ . Tiện đây, tôi không quên gởi lời cảm ơn anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng đã cho mấy anh em mình một đêm nghe mùi khói rất thơm và hơi ấm của lửa củi cùng những ly rượu chát rất ngon bên bờ hồ Weymouth giữa mùa Thu tiết trời lành lạnh…
     Hẹn gặp lại anh và các anh chị lần về thăm Boston kỳ tới nhe.  

Thân mến,
Hai Trầu

Phụ chú :
(*) Trích tạp văn của Lâm Chương bàn về văn chương hôm nay trên Da Màu .




Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét