Nguyễn Thị Huế Xưa
Nguyệt Ca. Tranh Đinh Cường
Mạ vẫn thường nói con gái trung kỳ rất lãng mạn và hay thích được chìu chuộng. Tôi vẫn thường hay bắt chướt giọng Huế mặn mà của mạ để cãi lại là mạ nói dị chưa, làm con gái ai lại không lãng mạn và không thích được chìu. Mạ vẫn kiên nhẫn giải thích là sự lãng mạn của con gái Huế rất đặc biệt vì sự lãng mạn ngát nồng hương hoa từ giòng sông Hương dịu dàng, tình tứ, từ dãy núi Ngự Bình kiêu căng nhưng triền miên gợi cảm, từ con đường dài mơ hồ trải ánh trăng vàng lối về thôn Vỹ Dạ. Theo như mạ thì cái buồn của xứ Huế khiến thi thơ của các văn hào, thi sĩ trở nên mộng mị. Và, cũng theo như lời mạ nói thì sự e ấp, khiêm tốn, đằm thắm của con gái Huế dễ làm xiêu lòng các trai anh hào.
Gần chục năm sau khi ba mất, tình cờ bàn soạn đến sự lãng mạn trong văn chương thì tôi mới biết là mạ của tôi là một người đa sầu, đa cảm và lãng mạn hơn những nhân vật trong tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Mạ kể rằng cái thời nớ, nếu không có tôi trong bụng mạ thì mạ đã đi theo tiếng gọi của con tim. Tôi nghe mạ nói tới đây thì cười thầm trong bụng răng mà mạ…cải lương qúa chừng, nhưng khi nhìn vào đôi mắt sâu buồn thắm thiết của mạ tôi mới hiểu sự hy sinh trong cuộc đời của mạ. Mạ rơm rớm nước mắt khi thì thầm đọc lại những câu thơ mà một thời nào đó trong qúa khứ rất xa xưa có “anh nớ” trở về thành phố Huế, đứng giữa cơn mưa tầm tã để nhắn gửi những câu thơ tình dang dở của một nhà thơ nào đó khi biết sự trở về của mình đã qúa muộn màng. Những câu thơ mà có lẽ đã khắc sâu vào tim não trong suốt cuộc đời dài lặng yên, chấp nhận của mạ:
Mưa xuống phi trường Phú Bài
Mưa trên đường về An Cựu
Mưa tơi tả trong lòng
Mưa trên môi huế hồng
Mưa trên tóc huế xanh
Mưa trong mắt em
Mưa trong lòng anh
Xa bao năm chừ trở lại
Huế ơi buồn sao mênh mông*
“Nếu ngày đó không có tôi đang nằm trong bụng mạ thì….” Chao ôi, tôi không tưởng tượng được những gì có thể xảy ra được. Nghe mạ kể chuyện tôi thương mạ qúa. Một đời mạ lặng yên sống bên ba, lo lắng tròn vẹn cho cả gia đình hai bên nội ngoại, tôi cứ tưởng mạ hạnh phúc vô biên chứ đâu có ngờ mạ sống với những sóng gió trong lòng. Ba là người học vấn cao, hiểu rộng trong đời và có chức vị cho nên được lòng ông ngoại nhưng có lẽ ba đã không chiêu phục tâm hồn lãng mạn củạ mạ. Tôi tội cho mạ nhưng vẫn bướng bỉnh hỏi mạ là nếu “anh nớ’ tiếp tục thán phục thì mạ có mềm lòng không? Mạ cười hóm hỉnh nhắc lại nhân vật Đông Nghi trong cuốn tiểu thuyết Mưa Trên Cây Sầu Đông của bà Nhã Ca. Mạ nói Đông Nghi, cô con gái của nội thành cổ kính, đẹp hiền lành, ngây thơ đã liều bỏ nhà theo người tình nhưng cuối cùng cũng bị mẹ cô ta bắt về đánh cho một trận và bắt buộc phải lấy anh chàng hàng xóm người chỉ biết ngồi bên góc cây trong vườn đánh đàn guitar tình tang, tính tình. Nói tới đây mạ cười buồn, thời của mạ còn xưa hơn thời của Đông Nghi làm sao mà tránh được nề nếp phong kiến của cố đô thành nội. Mạ thở dài:
-Con ơi chắc là mạ sẽ bị…voi chà, ngựa xé
Hai mẹ con tôi bỗng cười dòn. Tôi gần gũi mạ, chuyện trò với mạ như một người bạn thân. Huế của ngày xưa với đàn chim Đồng Khánh, áo trắng thướt tha, tóc mượt mà thơm mùi bồ kết, chắc chắn có nhiều anh đã lao đao, ngớ ngẩn với những câu thơ tình của Hàn Mặc Tử:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng qúa nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai qúa mặn mà
Tôi “tra vấn” mạ là tình của “anh nớ”đậm đà như rứa thì khi bằng lòng lấy ba mạ có thương ba hay không. Tưởng câu hỏi… hóc búa của tôi sẽ làm mạ lúng túng nhưng mạ rất điềm nhiên giải thích:
-Tình thương và tình yêu là hai cảm xúc khác nhau.
Khi hai người thương nhau thì tình đó sẽ tạo nên nghĩa. Nhưng khi hai người yêu nhau thì tình yêu có thể chỉ là một đam mê, mà cũng có thể tạo nên một tình cảm với sức mạnh mãnh liệt làm cho con người vượt qua những cản ngăn của đạo đức, luân lý.
Mạ tôi là người rất thành thật, mạ dạy cho tôi tính tình thẳng thẳn cho nên tôi đã không ngập ngừng hỏi mạ:
-Mạ nghĩ sao về bức tường đạo đức luân lý đó?
Mạ cười buồn:
-Mạ là con gái Huế nên chi mạ phải phục tùng sự cản ngăn đó con nờ. Một đời mạ chưa làm chi sai quấy, chỉ có trái tim của mạ mơí biết sự khổ đau thâm trầm về một tình yêu đầu đời thôi.
Câu nói của mạ phảng phất một tiếc nuối và một an phận cho cuộc đời mình. Mạ yên phận cũng như bà ngoại thôi. Bà ngoại tôi cũng là con gái miền trung, con gái của ông phủ giàu nhất làng. Có lần bà ngoại kể là thuở đó có biết bao nhiêu người ngấm nghé mà ngoại chỉ thương có một “ôn nớ” ở gần sát nhà. Vì “ôn nớ” còn đi học nên ông cố ngoại không bằng lòng, rốt cuộc rồi bà ngoại đành nghe lời chấp nhận cuộc hôn nhân với ông ngoại cho tròn ước nguyện môn đăng hộ đối của ông cố. Bà ngoại tôi năm nay hơn chín chục tuổi mà vẫn còn sáng suốt, vẫn còn dáng dấp duyên dáng của một người đàn bà phong lưu, đài các. Bà ngoại thích xem phim xã hội của hàn quốc với những chuyện tình éo le, lâm ly bi bát của thời hiện đại. Câu chuyện của bà ngoại và của mạ sao như “đúc khuôn”, nào là lễ nghi, nào là gia giáo, nề nếp, và sự buông xuôi, khép nép, chấp nhận số phận của mình. Tôi đã có lần hỏi ngọai như từng hỏi mạ:
-Rứa “ôn nớ” có rủ ngoại bỏ nhà ra đi không?
Bà ngoại thở dài:
-Ngoại già hơn trái đất thì thuở nớ làm chi mà có chuyện động trời đó con.
Tôi tiếp tục:
-Nếu lúc trước ngoại biết có một “anh nớ” tới rủ mạ bỏ nhà đi thì ngoại sẽ làm gì?
Ánh mắt ngoại long lanh:
-Ngoại biết sự rung động của trái tim chớ con, nhưng mà sự phong kiến ngàn đời sẽ không thay đổi được chi hết.
Có lẽ cái genes lãng mạn nó …di truyền từ đời này qua đời khác. Cả bà ngoại, mẹ tôi và tôi đều mê tiểu thuyết và âm nhạc. Bà ngoại đi đâu cũng phải có cái máy hát CD đem theo. Mỗi sáng ngoại thức giậy với tiếng hát đầm ấm của Quang Lê, ngoại đi ngủ với lời ru ngọt ngào của Ngọc Hạ. Bà ngoại nói con cháu bận đi làm hết nên chi bà ngoại phải…hủ hỉ với “âm nhạc ru ngủ lòng người”. Mạ tôi thì cũng không thua chi bà ngoại, mạ đọc tiểu thuyết “Đỉnh Gío Hú” sách dịch từ Wurthering Heights của tác giả Emily Bronte, rồi mạ cứ xuýt xoa về sự điên dại của mối tình giữa Catherine Earnshaw và gã ngông cuồng Heathcliff.
Có lần tôi đọc trong một cuốn sách nào đó đề cập là càng về già con người mình càng thêm lãng mạn. Có lẽ tôi đã có mang một chút máu lãng mạn từ ngoại, từ mạ cho nên tôi rất say mê văn thơ và hay dễ xúc động về những điều rất giản dị trong đời sống. Năm trước ghé qua Pháp, khi đi ngang qua vườn Luxembourg thơ mộng tôi đã hát cho người bạn đồng hành nghe nguyên thủy bài hát của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu nghe chơi vơi não nề, qua vườn Luxembourg, sưong rơi giăng phố mờ, buồn này ai có mua. Người bạn đồng hành là một tu sĩ ngoại quốc, mặc dù không hiểu ngôn ngữ của bài hát nhưng nghe xong ông ta cảm xúc và cho tôi biết âm điệu của bài hát nghe rất thanh thoát như một thánh ca. Khi chúng tôi đón xe lửa ở Gare de Lyon, tôi có dịp ngân nga bài hát lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly.Cứ như thế trong cuộc hành trình hai tuần lễ dài, người bạn đồng hành của tôi có dịp nghe hầu hết những bản nhạc tình viết về Paris. Ông ta bảo với tôi là dân tộc Việt Nam của cô thật là lãng mạn. Tôi nói với ông ta là chúng tôi được ảnh hưởng từ văn chương lãng mạn của người Pháp nhưng chúng tôi lại là chủng tộc lãng mạn nhất thế giới.
Tôi lớn lên lập gia đình, nhân duyên do chính tôi lựa chọn, không có sự ép buộc, không có sự cân nhắc về giai cấp, không có lời phản đối từ gia đình. Mọi người trong nhà tin tưởng vào sự chín chắn và cân nhắc của tôi. Ngày tôi làm đám cưới dường như chỉ có mưa khóc trên những tảng tuyết cao vút đỉnh trời trên miền bắc lạnh rét. Mưa ào ạt, mưa lấp lối đi đến cổng nhà thờ, mưa làm ướt sũng tà áo cưới dài và mưa làm nặng đôi mắt khi tôi mở lời nói hai tiếng “I do”.
Cuôc tình rồi như giấc chiêm bao. Sự chịu đựng của tôi hoàn toàn khác hẳn với sự chịu đựng của mạ, của bà ngoại. Nhưng tất cả cũng là chịu đựng không lời. Đôi khi tôi thầm nghĩ, không biết một ngày nào đó tôi có được một may mắn như bà ngoại, như mạ để nghe được lời yêu thương của một “anh nớ” thì thầm với tôi “Ngày tháng Tỳ Bà vương ánh nguyệt, Mộng héo bên song vẫn đợi chờ” **. Chao ơi là lãng mạn.
NTHX
*Thơ theo trí nhớ mù mờ không rõ tác giả
** Thơ Hoàng Cầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét