Bước rẽ ngoặt của Đổi mới văn nghệ -- hai năm 1988 -1989 (I)


Tiếp theo phần
nhật ký 


Chuyện văn nghệ Hà Nội nghe ở Moskva 1987


—đưa trên blog
này ngày 22-8-13





Từ
tháng 1-10-1986 tới 30-9-1989, tôi sống chủ yếu ở Moskva, chỉ có một đợt về
phép từ giữa tháng 10 tới giữa tháng 12-1988. Các sự kiện văn nghệ xảy ra hồi đó được tham dự rất ít chủ yếu
chỉ được nghe kể lại. Khi chỉnh lý những trang nhật ký này, tôi cũng không có
điều kiện kiểm tra đối chiếu lại với các nhân chứng là người trong cuộc cũng như mọi số liệu ngày tháng trên báo chí đương thời. Rất
mong các bạn khi  đọc lưu ý và thể tất
cho những bất cập đó
.








Moskva 
nửa đầu 1988


22/2


 Nghe tin Hà Nội
lập ban trù bị cho Đại hội nhà văn, trong danh sách có Nguyễn Đăng Mạnh, Mai
Liên tức lắm.




          - Chọn ai cũng được.
Chọn ông Kỵ là hay rồi. Không có thì chọn ông Hiến, ông Hiến còn có bề dày văn
hoá, chứ cha Mạnh biết gì - nói như Cao Xuân Hạo, tiếng Pháp may chăng biết
được 40 chữ. Thật nhớ lại vụ 
Cù lao tràm, mình không tức gì
bằng cái ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh “Nguyễn Mạnh Tuấn là nhà tư tưởng”. Khen
thế là khen đến cùng rồi còn gì? Thế là vừa ý Hà Xuân Trường, sau vụ đó, Mạnh
được vào ban LLPB. Bây giờ sang trào mới, thì Mạnh lại có chiêu bài khác. Lại
có câu nổi tiếng "Thời gian vừa qua lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc các văn nghệ
sĩ”. Thằng Hoài Anh nghe câu này nó bảo:”Người ta khinh bỉ sâu sắc loại người
như Nguyễn Đăng Mạnh”. Nhưng Nguyễn Đăng Mạnh lại được cấu tạo vào ban trù bị
đại hội.





Nhàn: tôi vẫn thấy ông
Mạnh được.


Trà: Nhưng anh Mạnh bây
giờ hết vốn rồi.





26/3


 Bằng Việt, Nguyễn
Duy, Ý Nhi, Thanh Thảo, Phạm Vĩnh Cư sang.


Nhìn Nguyễn Duy, thấy
mặt sạm đen đi, lủi thủi đi lại trên đường; Thanh Thảo thì đằng sát khí, nhưng
cũng già; Ý Nhi mặt khô, đanh, gò má  nhô cao -- Mai Liên nói một câu tâm
đắc:


-- Nghe tin họ vào những
ban trù bị đại hội thì cũng tức, nhưng nhìn cả lũ  thảm hại thế này, tự
nhiên không thấy tức nữa. Chả đáng gì.





         Báo Văn
nghệ 
số xuân, có tin phục hồi nhóm Nhân văn Giai phẩm. Ân
kể, trong buổi gặp lại cánh này, ông Thi bảo: “Bây giờ cái mới lại trông vào
những anh em bị oan ức.” Nghe như người nói xuôi nói ngược đằng nào cũng có lý.
Và thấy vớ vẩn nữa.


Nhưng mà thế là mọi việc
cứ trôi qua. Dần dần, mỗi ngày một tí, trong sự nhếch nhác, thảm hại vẫn có cái
khác trước. Đã có bài Phan Ngọc viết về  Đào Duy Anh. Bao giờ lại có bài
về Trần Đức Thảo.


 Mấy hôm trước Ân
viết thư sang bảo những ông Khải, ông Ngọc  là không được. Nay giọng thư
đã vui hơn. Nghe thế, tức là bây giờ lúc nào Ân cũng có bao nhiêu việc để làm.
Nghĩ cũng thèm thật. Nhưng ở xa, lại thấy tình cảnh nó vẫn có cái phía nhảm nhí
của nó.





Ý Nhi kể ở Sài Gòn, ông
Phan Tứ đến chơi, ăn cơm. Ý Nhi bảo nên giải tán cái hội đi cho xong. Thế là
ông Phan Tứ đỏ mặt cãi lại, bảo rằng không được nói thế.


Ông Khải có bài Người
viết với sách in
. Đoạn cần nhắc tên một số nhà văn, toàn thấy kê ra Trần
Thanh Giao, Nguyễn Mạnh Tuấn. Cốt lấy lòng cánh thành phố Hồ Chí Minh.


      
 Mạnh hết lời khen NXB Văn học đã làm tủ sách “tuyển
tập”. Đặc giọng quan chức. Và cũng là dịp khen những tập sách chính mình đã
làm.


     
 Phan Ngọc viết về Đào Duy Anh, vẫn có lối viết nghiêm chỉnh, coi cụ Đào
như một học giả lớn. Mai Liên bình luận thực ra cụ Đào rất dị mọ, người tự học
mà. Có biết gì về Thiền đâu, khi nói Thiền, đến nghe cụ Huy nói, rồi về viết
lại. Người khô khan thế mà dám đi dịch thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, là không
biết điều. Đào Hùng kể bố mình, Đào Duy Anh, và anh mình Đào Thế Tuấn, suốt đời
chửi chế độ, nhưng nghe nói đi gặp ông Phạm Văn Đồng, là sung sướng, cảm động,
thay áo tắm gội mấy ngày chứ tưởng!


Một người như Hồ Ngọc
Đại, nói về giáo dục, cũng thấy không trúng. Chỉ thấy muốn khoe tài khoe giỏi,
trong khi giáo dục ta còn có những căn bệnh trầm trọng hơn thì ông ta không
biết.


Trần Đình Sử: Mọi người
chỉ muốn tính việc chung theo cái phía có lợi cho mình còn cái chung đó như thế
nào, đâu có cần.





Sử  kể về việc gặp
ông Tố Hữu:


- Người nhắn tôi lên là
ông Hoàng Trinh. Tố Hữu gọi cho ông ta mấy lần cơ. Tôi lên. Tặng người quyển
sách nhân thể.


Suốt hai tiếng, ông nói,
và gần như tôi không chen được lời nào. Có chăng chỉ có những lúc ông hỏi, thì
tôi trả lời. Ông nói về tiếng Việt, tiếng Việt ta đẹp lắm, đáng yêu lắm. Ông
nói về ý muốn của ông là viết được về nhân dân đất nước. Đúng, anh nói đúng
đấy, thơ tôi là thơ trữ tình chính trị, và tôi tự hào về nó.


Có lần, trong câu
chuyện, Tố Hữu hỏi tôi quê đâu, tôi nói quê Thừa Thiên. Thế thì sao không nói
bằng giọng quê hương, cái giọng của cha mẹ mình. Tiếng mẹ, lời mẹ dặn v.v. Ra
về, Sử cảm thấy mình nói chuyện với một người thật xa xưa, thật cũ kỹ .


3/3


 Anh em ở Hà Nội
sang kể Hội Nhà văn sẽ bầu tổng thư ký kiểu tổng thống Mỹ. Tức là đại hội vừa
bầu Ban chấp hành, vừa bầu tổng thư ký. Rồi ai trúng tổng thư ký, người đó sẽ
chủ trì cuộc họp của BCH, bầu ra ban thường vụ.


Xuân Đức kể Nguyễn Đình
Thi muốn thôi, nhưng Nguyễn Khải bảo đã có người giới thiệu anh không được
thôi. Như thế là làm cho Nguyễn Đình Thi phơi áo trước dư luận – Xuân Đức giải
thích.


 Đức kể tiếp, không
khí ở 65 Nguyễn Du rất buồn cười. Có một ban thư ký cũ nhưng nay không biết làm
gì. Quyền hành thuộc về Ban trù bị đại hội, đại loại những nhân vật mới như
Nguyễn Khải, Xuân Thiều. Có một đám chông chênh, vẻ đang xuống, suy tàn, vừa
lên đã tàn. Ví dụ như trường hợp Ngọc Tú, Hữu Thỉnh.


Ngọc Tú hoàn toàn đuối
rồi. Hữu Thỉnh đi Liên Xô còn hăng hái. Lúc nghe tin Nguyễn Khoa Điềm không đi
theo đoàn hội nhà văn, mà đi theo AOH ( Viện Hàn lâm khoa học xã hội thuộc
ĐCSLX), Thỉnh viết thư về với ông Chính Hữu để xin cho Chu Lai đi.


Nhàn: Vì Hữu Thỉnh
thương  anh em quân đội mình.


       
Xuân Đức: Không nên nghĩ sai về bạn như vậy. Không nên nghĩ xấu quá, nhưng cũng
không nên nghĩ tốt quá.


Hữu Thỉnh giờ đây chỉ là
một thành viên trong cái ban mà Xuân Thiều làm trưởng ban nên tức là phải. Đâu
như Hữu Thỉnh nói với Khải xin thôi. Khải bảo ừ thì thôi. Nhưng Xuân Thiều
không nghe, Xuân Thiều bảo muốn thôi, anh phải làm cái đơn. Thế có nhục không.
Thỉnh chán, bỏ về nhà trên Vĩnh Phúc.


Tưởng một người khôn như
Hữu Thỉnh đâu đến nước ấy? Mà đấy là chuyện thật. Thế địa vị phó Tổng Biên Tập
của Thỉnh ở VNQĐ thế nào? Cũng chẳng có gì chắc chắn cả, cánh già cũng có thể
lật lại. Hình như sau một thời gian ổn định, VNQĐ lại có cơ trở lại tình hình
loạn lạc như cũ. Hồ Phương xin ra Hội Văn nghệ Hà Nội, không ra nổi. Bọn Bằng
Việt thích lấy Lê Lựu hơn. Hồ Phương đang bị ghét, nhưng cánh sẽ lên là cánh
già, chứ không phải cánh trẻ. Loại như Lê Thành Nghị chưa ăn nhằm gì cả.





Trở lại chuyện Hội, ai
cũng bảo ông Ngọc làm báo Văn nghệ rất đẹp. Người ta đưa ra
danh sách 5 người để bầu Tổng thư ký, thì ngoài Nguyễn Khải, Ngọc được cho là
có triển vọng hơn. Ba người kia là Bùi Đức Ái, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa
Điềm.


Nguyễn Khải lúc nào cũng
sẵn sàng chuồn tuy có lần lại nói rằng, giá vào  nhà đỏ (TW),
sẽ lấy tạp chí VNQĐ sang cho Hội Nhà văn. Tức là ông ta vẫn hiểu có thể mình đi
đến đâu.


Bùi Đức Ái có những tính
toán riêng của một người ở SG mà số đông không ai hiểu.


Còn Nguyễn Khoa Điềm,
đợt vừa rồi Hội văn nghệ Trị Thiên cũng mang tiếng vì vụ ông Đính bị xử sai.
Văn nghệ sĩ họ phẫn nộ lắm. Nhưng tỉnh uỷ, đứng đầu là Vũ Thắng thì không nao
núng chút nào. Mà Nguyễn Khoa Điềm chính là người phát ngôn của tỉnh uỷ!


     
Trà bình luận, thằng Điềm chả có chất văn gì cả. Đến cười nó cũng lười thì được
trò gì.


  
  Nguyễn Khải nhớ lại hồi trước đi với Nguyễn Khoa Điềm một chuyến
qua Nga. Cùng đi với nhau mà người lớn tuổi chuyên môn phải hầu người ít tuổi.
Khải có sang phòng Điềm thì sang, chứ Điềm không sang phòng Khải bao giờ. Người
con nhà quan, nay mai sẽ trở thành quan chức cỡ lớn mà.





26/3


Trần Ninh Hồ kể Khải từ
Sài Gòn ra, tưởng dễ làm, nhưng thấy khó, đang tính chuồn. Mà Khải là người dễ
bị ảnh hưởng, đi với ai ông ấy nói giống người đó, ở với ba thằng thì ông sợ cả
ba, cốt cho vừa lòng mọi người!


Còn Ngọc, Ngọc làm báo
là vừa. Bây giờ mà bỏ đấy, thì không biết giao cho ai nữa. Chín năm sau vụ Đề
dẫn, nay Ngọc là người biết nghe hơn. Sự nghiệp có lẽ ở chỗ làm báo. Giữa ông
Ngọc với mấy ông phó thì đúng là có cả một khoảng cách.


Không khí Hà Nội giờ vui
lắm, vẫn có những anh em bây giờ nó làm thơ hết sức tâm huyết, nó đến, nó đọc
cho mình nghe, mình bảo đừng đọc nữa, nó bảo đọc một bài thôi. Đọc xong, mình
chịu đấy. Y như chúng mình mấy chục năm trước, nhưng tự do hơn.


Có thằng đâu đến tự
nhiên nó ngồi ngay vào chiếu giữa đó là Nguyễn Huy Thiệp. Đoạn cuối Tướng
về hưu
  “Ông lại đi đâu -- Đi ra trận,-- A ông lại ra
trận.  Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Mẹ mày, thằng này láo.”


Cả một thời đi qua. Duật
là một thời. Trong cái thời đó, có tất cả anh em mình.





Nhớ một hôm ngồi ở chỗ
Lý Toàn Thắng.Tự nhiên tôi nghĩ xa xôi, hình như trong cái việc đối xử với Nhân
văn Giai phẩm
, rộng ra là trong những việc làm bậy hôm qua, có lỗi của tất
cả mọi người sống trong thời đó. Giá anh em mình vào cảnh ấy, thì cũng chỉ biết
thụ động như mọi người.


Bằng Việt: Tôi vẫn có
thể chứng minh với ông là trong thời ấy, có những người đứng đắn, không có gì
phải hối hận.


 Thanh Thảo: Với
lại ai làm, kẻ đó chịu chứ.





Trần Ninh Hồ nói về việc
Ng M Châu ốm. Ng Ngọc buồn lắm. Vì cũng phải dựa vào Châu chứ. Chính Châu là
người đầu tiên có ý đưa Ngọc trở lại báo Văn nghệ. Còn bây giờ Ngọc
muốn Châu trở về, nắm tờ Tác phẩm văn học, rồi hai tờ dựa vào nhau
mới sống được.





         Thư Mai Liên sang. Sài Gòn họp, có
loại bảo thủ như Bảo Định Giang, Viễn Phương, Anh Đức, Đoàn Giỏi. Những người
này cho hôm qua đủ lắm rồi, không phải gì thêm nữa.


         Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, nói mấy
câu tiến bộ chẳng qua vì không có quyền.


Ng Quang Sáng khá, Lê
Đình Kỵ khá. Ở Minh Hải, có một cậu Lê Đình Trương họ nhà bà Lê Giang, viết một
truyện tả cái chết của ông ngoại ai đọc cũng kinh. Nhân vật là một người cộng
sản băng hoại về đạo đức và không còn biết sợ là gì.


Hồ Ngọc kể Nguyễn Huy
Thiệp có truyện Không có vua, nói về sự đổ đốn trong một gia đình
tầm thường, thấy rất nhục.  Một nhân vật phụ nữ trong đó nói về cuộc sống:
”Khốn nạn lắm. Nhục lắm. Thương lắm“.





Tiếp chuyện Hồ Ngọc.


Vụ nhạc Trần Tiến. Trần
Tiến có chùm nhạc rất hay, trong đó có bài Trần trụi 87 nghe
phát khóc. Lời có những câu:


Bạn tôi giờ đi buôn ở Nga


Bạn tôi giờ đi xin ở Mỹ


Bà mẹ già tiếp cơm cán
bộ hôm qua


giờ ăn xin lề đường v.v..


Chính giới nhạc sĩ lại
đánh Trần Tiến nhiều. Trần Tiến không sống được ở Sài Gòn, phải ra Hà Nội.
Dương Thu Hương, Hồ Ngọc đưa đến gặp Trần Độ. Trần Độ vào tận Sài Gòn nói mới
đỡ hộ.


Nói chung Trần Độ chủ
trương không đánh ai, không cấm ai, rồi người ta sẽ sàng lọc lấy cái người ta
cần.


        
Hà Nội đang quay sang sùng bái Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm. Nhưng một lần Trần
Dần nói một câu rất hay:


- Bọn này có cái lỗi là
chống cái ác nhưng không đến nơi đến chốn, để nó đánh trả lại cái đẹp đến mức
tàn tệ và anh em về sau không có đường mà tới.


Đúng quá. Vụ Nhân
văn Giai phẩm
 đã qua. Theo Hồ Ngọc, không nên bìu ríu nhau làm gì.


Có một giai thoại.


Tố Hữu: Các ông định
khôi phục lại cho cánh Nhân văn đấy à?


          Trần Độ: Cũng có lúc, chúng ta phải
sám hối chứ!


Tố Hữu: Bọn này chỉ sám
hối là cái lần ấy không cho đánh cho bọn đó tiệt hẳn, không còn một mống nào
sống sót.





         Nghị quyết mới về văn nghệ (do ông Độ
giật dây), bị giới tuyên huấn căm tức, vì tước đi ở họ bao nhiêu quyền hành. Họ
không thể chịu được điều đó.


Cuộc họp ở tạp chí Cộng
sản
 nhạt nhẽo, nặng về thanh minh.  Xuân Trường chỉ nói một điểm
chống Trần Độ. Là chúng ta phải hướng dẫn quần chúng chứ không để họ tự phát
lựa chọn.


Hồ Ngọc: Nói chung Xuân
Trường cũng bất tài, nặng về trị văn nghệ.





Người viết bài chôn Phan
Cự Đệ là Tôn Gia Các, dạy ở Khoa văn Tổng hợp, một người bông đùa và lâu nay
không tham gia viết lách gì. Nhưng hình như đến lúc này, phải lên tiếng. Chỉ
buồn cười, viết xong, lại đến hỏi Ban văn hoá văn nghệ xem là viết thế có được
không ?





Vẫn theo Hồ Ngọc, có sự
suy thoái của một số nhân vật vốn có vai trò chủ đạo trong sinh hoạt văn học.
Ông Tào Mạt đổ đốn. Đi làm thơ ca ngợi Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng.


Thấy Hồn Trương
Ba da hàng thịt 
được khen, Tào Mạt  viết một bài rất nặng đến mức
bọn Lưu Quang Vũ Ng. Đình Nghi doạ đánh cơ mà.


Lưu Quang Vũ vẫn loay
hoay kiếm cơm, còn Xuân Trình rất giàu, mới làm nhà và chỉ mộng làm thứ trưởng.
Có một ông bầu là tay bạn cũ bí thư ở Hà Nam Ninh, nay về làm Phó ban Tổ chức
Trung Ương.


Trần Văn Thủy cũng khệnh
khạng lắm. Đến Đại hội liên hoan phim vừa rồi, không bằng lòng vì người ta chỉ
cho mình giải Hà Nội dưới mắt ai, mà không cho Chuyện tử tế
Thủy làm phách dỗi.


Kịch của Tất Đạt có cảnh
một ông giáo phải xoay đi đạp xích lô, để kiếm sống (nhưng cũng có nét tự nhiên
chủ nghĩa). Các quan chức Hà Nội xem mà không dám cho diễn.


21/4


Ý Nhi vừa viết một thứ thư
ngỏ gửi nhà văn Nguyễn Khải
, lên án chuyện ông Khải “cải chính” ý kiến về
tôn giáo mà ông phát biểu trong buổi họp ở báo Văn Nghệ  rồi
khi đăng không đưa ông xem lại.


Đại khái một đoạn thuyết
lý về tôn giáo. Con người là một sinh vật thiêng liêng nhưng trong con người,
cũng có những nỗi khao khát sợ hãi đáng quý. Ý Nhi nói thêm là Khải sợ quá nên
hóa điếm.


Tôi nghĩ, một người như
Khải ngày hôm qua sống khéo léo như thế, vừa vặn thế, làm sao ngày hôm lại có
thế thành người của cái mới ngay được? Nhưng lộ vở hơi sớm.





Nguyễn Văn Hạnh cũng cho
là Khải tỏ ra không có bản lĩnh lắm.


Ý Nhi: Thời gian ghê
thật. Thời gian làm lộ ra mọi thứ. Giá kể Đại hội Nhà văn xảy ra vào tháng ba,
có khi ông Khải đã trúng TTK rồi đấy.


Nhàn: Thực ra, ông Khải
vẫn có cái chất lưu manh trong người. Nhớ cái lần năm 1979, sau thất bại của
hội nghị Đảng viên, Khải theo hẳn phía kia. Gặp Bùi Bình Thi giữa đường, Khải
nói về một buổi họp sắp tới:


      
--Ngày mai bọn này sẽ rô-ti thằng Ngọc.





Một sự kiện trọng đại
trong dịp này là báo Văn Nghệ 40 tuổi. Người ta xúm vào khen
Nguyên Ngọc (cả đại sứ Liên Xô ở Việt nam  cũng khen!).


 Tôi nghĩ bọn các
ông Ng V Bổng, Đào Vũ chắc thèm lắm.


 Trần Ninh Hồ bảo
Đào Vũ  làm làm sao được! Thèm cũng chịu.





Nhưng trong diễn văn của
ông Thi trong dịp kỷ niệm 40 năm báo Văn nghệ, có đoạn chê ngay là
báo Văn nghệ, biên tập không kỹ. Và áp đặt ý tưởng cho người khác.
Việc này liên quan đến bài phát biểu của Nguyễn Khải về tôn giáo mà lá thư Ý
Nhi đã viết. Khải có gửi thư thanh mình với ông Trần Độ, cho là ông Ngọc biên
tập không kỹ!


Ý Nhi bảo đây là ông Thi
muốn khoét sâu mâu thuẫn giữa ông Ngọc và ông Khải.


Đọc lời phát biểu trên
của ông Nguyễn Đình Thi nhiều người chỉ cho là Nguyễn Đình Thi cay cú. Lai có
người nói là có ai rỉ tai Nguyễn Đình Thi ý đó (loại như Xuân Trường, Lê Đức
Thọ v.v..). Nhưng Nguyễn Đình Thi làm thế chỉ dại, xu thế chung đổi làm sao
được.





Gặp một số ông sang học
lớp AOH. Chuyện của Ng V Hạnh.


-- Cái lần thông qua
Nghị quyết Bộ Chính trị, cũng là may lắm. Đương thời điểm đẹp, bài ông Linh gây
xôn xao. Mà ông Linh phát biểu thế, thì nghị quyết thế là đúng thôi. Bây giờ
thông qua một nghị quyết như vậy có khi lại không được.


-- Bây giờ lại có tín
hiệu ngập ngừng rồi. Chính Khải cũng ngập ngừng. Có lần ông Trần Độ phổ biến
nghị quyết gì đó, bảo cái này tôi đã tham khảo ý kiến ông Tố Hữu. Nguyễn Khắc
Viện nói ngay anh nói làm cho bọn tôi buồn hẳn đi!


-- Một lần ông Hồng
Chương vào Sài Gòn nói gì đó, ở CLB Hội nhà báo. Nửa chừng nghe chán quá, nhiều
anh em bảo thôi ông xuống đi. Quần chúng bây giờ là thế.





  Nguyễn Khoa Điểm
kể ở Huế, rất muốn cấm bộ phim Cô gái trên sông. Nhưng cấm có cái
phiền là rồi có cấm mãi được không. Hay ít lâu lại phải cho chiếu thì dại mặt.





19/5


Vẫn chuyện của Ng V
Hạnh.


           Tình hình dù thay đổi ra
sao, cũng phải chiến đấu cho chân lý. Chứ dễ nản lắm, chính ông Linh cũng nản.
Ông ấy hay nói đến kết thúc có hậu. Và có lần ông ấy nói lại một câu của thằng
Pháp:”Không phải sự thật nào cũng nên nói ra”.


 Qua một bài như
của Trần Bạch Đằng thấy ông này thông minh, sắc sảo, nhưng cũng chỉ đến thế.


Điềm nó có mang ý của
ông ấy (ý gì? về Stalin?) hỏi một ông giáo ở đây Moskva, ông ấy bảo cũng được
thôi, nhưng người giờ còn nói thế là loại chưa trưởng thành về mặt đạo đức và
trí tuệ.





Tôi kể với Hạnh rằng Mai
Liên viết trong thư là Nguyên Ngọc thích nịnh, nó là cái mầm tai họa.
 Ng V Hạnh: Đúng,
phải bảo Nguyên Ngọc. 


Lại định kể anh em cũng kêu ông Độ. Vương Trọng rất khó chịu cái lần gặp ông ấy ở Trại sáng tác. Trần Độ mặc quần ngủ pijama tiếp anh em. Còn Nguyên Ngọc ưa nịnh kèm hách dịch, thấp bé nhưng quen nhìn qua đầu mọi người, không coi ai ra gì. Lại nữa vẫn chưa thoát khỏi tư duy một chính ủy.

          Nhưng thôi, kể làm gì!





 Theo Từ Sơn, Đổi
mới khó thắng lắm. Đến Hội Nhà văn, thấy người ngả về Nguyễn Đình Thi đông lên
hàng ngày. Tú Nam cũng ngả rồi. Cả ông Khải nữa. Ông Thi làm hay ai chủ trì Hội
nhà văn cũng được, Khải chả cần, miễn là Khải vẫn được viết.





Bàn về kịch Lưu Quang
Vũ, Trung Đông ở báo Nhân dân bảo sân khấu là cái nơi người
ta  phải đối mặt với đám đông ô hợp. Xưa có một bọn nịnh quần chúng bằng
những câu đùa rẻ tiền, những chuyện tình yêu sướt mướt. Nay lại nịnh quần chúng
bằng việc nêu lên những uất ức làm cho người ta hả dạ. Cả hai có khác gì nhau
đâu? LQV là loại viết mỗi tuần một vở. Làm sao mà có chất lượng được !





1/6


Đi đâu cũng có tin Ng
Khải đã ngả theo ông Thi. Mọi người có vẻ thắc mắc, sao  lại thế? Sao
Nguyên Ngọc hách thế, dại thế? Sao có mấy tay phê bình ở VNQĐ tự nhiên lại đánh
Tôn Gia Các thế?


Tôi nghĩ, thế chứ sao
nữa, cuộc đời vô lối, chúng ta chẳng hiểu sẽ đi đến đâu và chúng ta lấy việc
trị được nhau làm vui.





10/7


Hai mẩu chuyện vừa nghe.


Một bác sĩ làm ở An giê
ri kể, báo Đất Việt của Việt kiều yêu nước đăng tham luận của
Dương Thu Hương khi gặp ông Linh, kèm theo một đoạn NVL kể chúng tôi đã đến
điều tra tận xưởng phim, xem cô này làm sao. May mà xưởng phim nói là “cô nàng”
(chữ của NVL?) đã xung phong ra đi trong đánh Mỹ.


Rồi có lần Hương làm
phim kịch bản không duyệt. Có người xui phải mang đến nhà giáo sư Đ (Đệ
?).  Nhưng DTH không mang. Báo Đất Việt ( hay Đoàn
Kết 
) tỏ ý khen DTH: Phụ nữ có thể cứu nước .Thật là
chả đâu vào đâu.





        Phạm Huy Thông chết. Ai đó đánh. Có lẽ là cướp của. Vì tiền. PHThông có
em ở Nhật, rất giàu. Mà có thể còn vì tình. Ông này hay bồ bịch cướp vợ người
khác lắm. Rồi vì chính trị. Thông hay tranh quyền của người khác, nên bị họ chửi.


Tôi nghĩ đến ba cách
chết khác nhau của ba ông trí thức lớn họ Phạm: Phạm Huy Thông(bị giết), Phạm
Thiều (tự tử) và Phạm Ngọc Thuần (sang Pháp ở lại không về nữa !).


Thời buổi tạp văn đây,
mà chả có ai viết được !


Nghe ông Bùi Hiển kể, ở
Hà Nội, nhiều sinh hoạt nghề nghiệp, mọi người chuyện trò trao đổi. Sau bài
Dương Thu Hương (đòi quyền lãnh  đạo cho lớp 40) Nguyễn Đình Thì có nói
tôi sẽ thôi, nhưng từ giờ đến đại hội, tôi sẽ làm công việc của mình.


20/8


 Đọc thư Lại Nguyên
Ân, thường tôi thấy dội lên nỗi buồn về sự không được tham gia vào đời sống văn
học hôm nay. Rồi lại sợ, do sự thương cảm vô duyên mà mình mất
hết thì giờ. Phải biết làm sao tận dụng được thế ở xa của mình, cái thế của một
người đã biết khá rõ hôm qua, để đoán ra hôm nay.




28/8


 Bà Hương, vợ
Nguyễn Hoành Khung, bảo có lẽ tôi không bao giờ đọc anh Ân được nữa. Đọc bài
trên Văn nghệ quân đội số 5, chỉ nghĩ đúng thật nhưng sao mà
ác. Giá anh Nhàn, hoặc anh Mạnh không bao giờ viết thế.


Lý Toàn Thắng  cũng
không  thể chịu được Lại Nguyên Ân, như không thể chịu được Phẩm
tiết, 
với những chi tiết mà họ cho là bệnh hoạn!


Tôi thì tôi chỉ nghĩ để
đáp trả cái cuộc đời này (với những Đức, Đệ...) phải có những người như Ân!
Những Lại Nguyên Ân, Tôn Gia Các rõ ràng là một thứ đối trọng của tất cả!





Một ý toát ra từ truyện
ngắn Âm vang chiến tranh của Xuân Thiều: Những anh hùng, liệt
sĩ trong chống Mỹ, thường khi là bọn lưu manh mất hết tình người. Bọn vô học
đó, hiện nay lại nắm những cương vị quan trọng, phá hoại xã hội.


Còn truyện ngắn của Lê
Công Thành - Hai trăm bạc : Bộ máy này đã hỏng
rồi, và càng làm nữa, nó càng hỏng. Người lương thiện, không có chỗ đứng. Hiện
đang diễn ra một sự tan rã về tư tưởng và tâm hồn của hàng loạt người bình
thường.





Những lá thư mà Lại
Nguyên Ân gửi sang, nói về tình hình văn nghệ, gợi ra cảm giác chúng ta có một
đám văn nghệ sĩ nhà quê dở công chức dở, không làm gì có ích cho xã hội.


Nhưng làm gì có một đám
văn nghệ sĩ nào khác?!








***



Nội cuối 1988





27/9

Họp ở Ban Văn hóa văn nghệ. 

Trần Độ báo cáo: 

1/Đại hội  6 mở ra nhiều vấn đề. Quyền được sống công bằng của người dân. Đổi mới là lẽ sống còn. Cần dân chủ hóa xã hội

2/ Đổi mới không thể vội vã. Phải do Đảng lãnh đạo. Có người nóng vội. Có người hoài nghi , đi tới hư vô. Thời nào cũng có những kẻ cơ hội.

3/Nghị quyết 05 ký ngày 28/11/1987. Có ý kiến cho rằng nghị quyết TW có chỗ sơ hở. Nhưng phải thấy nó phù hợp với yêu cầu Văn nghệ sĩ. Nó coi trọng yếu tố con người  là luận điểm chủ đạo của Đại hội 6. Các chính sách quan trọng của Đảng -- chính sách kinh tế, chính sách văn hóa xã hội -- luôn có sự đồng nhất.

Đảng không chấp nhận quyền phe nhóm, quyền của những kẻ tiên phong chủ nghĩa.

 Tổng quát lại: Đổi  mới có xu thế tiềm tàng từ trước. Văn hóa nhập cuộc vào cuộc đổi mới đó. Cảm hứng nhân bản đang là nội dung chi phối văn nghệ hiện nay.

Cái cao cả và cái bình thường, tình yêu tình dục nay là lúc các giá trị tinh thần đó đang được đặt lại.

Một số tác phẩm chưa được phê phán đúng mức. Em đẹp dần trong mắt anh. Cô gái trên sông.

Trong khen chê có biểu hiện bè phái. Sáng tác theo khuynh hướng thương mại đang nẩy nở, bắt nguồn từ sự lỏng lẻo trong quản lý. Nhưng nhiều khi lại rơi vào cấm đoán tùy tiện.



Về Hội nhà văn : Tuy có một số bài chưa đúng đắn, song phương hướng Văn nghệ là đúng.

Nghị quyết BCH vừa công bố cóa biểu hiện sợ hãi trước Đổi mới. Đang có nhiều anh em lên án Ng Đ Thi



Ý kiến phát biểu của Ng Đăng Mạnh:

Bạn đọc đang có nhiều ý kiến rất khá về phê bình văn học.

Anh Đệ nói trúng tâm lý nhiều người - sợ đổi mới phủ định tất cả.

Trong văn ta số người hôm nay nói thế này mai nói khác nhiều lắm. Đặt nặng yêu cầu đề phòng đổi mới phủ định là một thứ hoảng hốt. Thành thử  nêu vấn đề đổi mới nhưng không được phủ định chẳng trúng gì cả. Câu anh Đệ giống câu anh Thi hôm nọ. Lúc ấy tôi đã đề nghị bỏ.



Văn chương hay không ai phủ nhận được.

Chắc là văn anh cũng xoàng nên mới sợ.

Nếu đổi mới mà lại không phủ nhận thì nói làm gì.



Nếu nói sai lầm bình thường thì chẳng nói làm gì

Theo tôi(NĐM), sailầm vừa rồi là lớn.



Văn học  chống Mỹ là đáng quý. Nhưng đó là văn chương tuyên truyền.

Chính Ng Đ Thi cũng thổi kèn đánh trống.



Có người xưa kia chúa vi phạm quan điểm lịch sử, thì  bây giờ lại hay hô hào quan điểm lịch sử, dựa vào đó bảo vệ cáu cũ.



Có lỗi của lịch sử, nhưng rõ là có lỗi của cá nhân.


4/11


Mấy năm trước, giá kể có
ai bảo rằng sẽ có lúc, những Mùa hoa dẻ Sắp cuớiVượt
Côn Đảo
 được in lại chắc nhiều người không tin. Và nếu tin, thì người
ta thả nào cũng chêm một câu “Chắc là lúc ấy tình hình thay đổi nhiều lắm rồi.”


Nay thì cái việc người
ta giả định hôm qua, đã thành chuyện thật. Nhưng có phải vì thế mà đời sống văn
nghệ khá hơn? Đâu có.


Cảm tưởng chính của tôi
là đời sống văn nghệ quanh tôi quá ồn, quá ô nhiễm, quá nhiều trò bẩn thỉu.


Giới quan chức – lớp
người  vốn được coi là ưu tú - chỉ lo quyền lợi của riêng của họ. Bởi vậy
làm gì có thể có một cuộc cách mạng tự bên trong, làm gì có thể thay đổi theo
kiểu perestroika.


Đúng là phải tống hết cả
những người cũ đi cơ. Còn để những người đó cho họ làm lại, thì sớm muộn có
quay về cái cũ, cũng là chuyện bình thường.





         Một con người như Nguyễn
Khải, thật là kỳ lạ.


Mai Ngữ lại cũng nhảy ra
như một nhân vật. Mai Ngữ và Xuân Thiều  mỗi người đang đóng đúng vai của
mình.


Tôi nghĩ, nhiều
người muốn thay đổi hiện nay, khi họ thành công, họ cũng sẽ áp chế mình nặng
nề, như những người khác. Và họ cũng chỉ biết cách làm như hôm qua, hoặc có
“cải tiến” đi chút ít.


...


Nghĩ cho cùng, thấy nản
lòng vì một cuộc sống mà mình nghĩ là không nên có, không đáng để có.


Sao lại có một cuộc sống
tệ hại như cuộc sống dân tộc này.





8/11


Đang thấy mọi người
truyền tay nhau lá thư Chế Lan Viên.


 Những ý chính
trong thư


Sau phần ráo đầu: a/ Tôi
xin rút  b/Tôi là người tiên phong, trong việc đổi mới (viết lời giới
thiệu Hàn Mặc Tử....) , trình bày một số luận điểm.


1/ Nói văn nghệ dự báo
là sai, không đủ báo gì cả, chụp ảnh cũng là tốt rồi, đừng nói phản ánh.


Nói văn nghệ không ca
tụng cũng không đúng. Hugo ca ngợi Chúa.


Nói Văn nghệ thực hơn
chính trị, không đúng. Không có Bác Hồ, Đảng, chúng tôi chỉ có Vàng 
sao, Điêu tàn.


Chống Văn Nghệ khủng bố,
lấy đời tư ra nói, nhét dái vào mồm nhau ( chi tiết trong Vàng lửa của
Ng Huy Thiệp).


Chống văn nghệ tấn công,
ba phải. Đổi mới không phải là đổ máu.Thà phải đạo còn hơn phá đạo.


Cũng chống cả văn nghệ
ba phải. Vẫn phải có lập trường (Pháp không đọc Céline)


Đừng để cho Việt kiều,
người ở ngoài lôi cuốn (đoạn tái bút)


2/ Về một số nhân vật.
Nguyên Ngọc thâm hiểm, tấn công tứ tung, trong đó có tôi (CLV). Nhưng chỉ riêng
tội thảo luận rộng rãi nhiều chuyện gây ra  tình trạng hỗn độn -- báo Văn
Nghệ
 như vô chủ-- cũng đã đáng cách chức.


       
Những tính cách khác. Nguyễn Duy đi đâu cũng nói sắp vào chấp hành hay thư ký.
Thanh Thảo quỵt tiền việc in thơ tình Xuân Diệu (cái này thì Mai Liên đã nói –
VTN).  Lại Nguyên Ân dốt, có chữ gì đó mà dịch là  là thời kỳ bọ
chét, và nói sai về một trăm năm sinh Aragon.


[Tố cáo việc in lại bàn
đề dẫn. Nêu “việc bếp núc” năm 1979, thời kỳ giải toả. Lúc ấy, anh Sáu chỉ đạo
tất cả.] Theo lệnh a Sáu, Nguyên Ngọc còn có bài phê phán Hoàng Ngọc Hiến rất
độc ác, trong khi tôi, sau khi trao đổi, lại rủ Hoàng Ngọc Hiến đi uống nước.
Nếu bây giờ tính lại 79, thì phải đăng cả bài ông Trần Độ, bài ông Xuân Trường
v.v..


Kết luận: Nếu có Đại
hội, chớ dùng loại Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Thanh Thảo.





 25 - 26 /11  


Hai ngày liền họp ở Đảng
bộ Hội Nhà văn. Hóa ra có nhiều chuyện mình không biết. Sau những vận động hậu
trường, vừa rồi đã có những bước ngoặt. Cấp trên có những chỉ đạo mới. Cao Tiến
Lê bảo rằng, TW  có nhiều người chỉ là đàn em các anh. Những ông như Phạm
Thế Duyệt có gì không hiểu thì các anh phải giảng cho họ biết chứ. Ng Đ Thi bảo
không được Nguyên tắc của Đảng không cho phép. Thật ra thì chính Thi đã đi giật
dây các ông đàn em đó để có cái Nghị quyết mới.





       
Ấn tượng chính là những lời đả kích Nguyên Ngọc. Kim Lân - lâu nay được đưa vào Ban phụ trách Tác phẩm văn học -- chửi ráo riết.


Đỗ Chu cũng chửi từ Đất
nước đứng lên
 trở đi. Phải học là học. Nhưng từ bé, tôi đã khinh
thường cái nhân vật anh hùng Núp được dựng lên đó.  Lại nghe nói ông Fidel
quý tác giả của nó lắm, khi Nguyên Ngọc thăm Cuba, tới ngủ chung giường với
Nguyên Ngọc. Trong bụng nghĩ đúng là một thứ hấp lìm.


     
Không thể để một người như thế thao túng văn học. Đăng những truyện kích động.
Đăng những bài bảo thủ. Gần đây, sau buổi họp Ban Chấp hành, Ng. Ngọc còn giở trò
chống trọi. Từ Sài Gòn ra, bóc bài Bùi Hiển, đăng bài Nguyễn Quang Sáng để bảo
vệ mình. 


       

        Hôm sau Nguyên Ngọc bảo tôi, Kim Lân với Đỗ Chu cùng một ruộc, một loại lưu manh làng, một loại lưu manh phố huyện.





 Huy Phương nói mấy
điều tâm sự. Chúng ta hỏng từ lâu rồi, chế độ bao cấp đẻ ra một lũ quan liêu.
Và trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi, mọi người vừa xáp vỗ đánh nhau, vừa sợ
nhau.


 Ông Nguyên Ngọc
luôn luôn cảm thấy cẩn thận không người ta đánh mình. Ông Thi cảm thấy không
cẩn thận người đánh mình. Mỗi người lại có cái ngông ngạo riêng. Nguyên Ngọc
nghĩ mình đã từ chiến trường về, giờ mình cái gì cũng phải. Cốt động cơ mình
trong sáng, còn bài nào mình  đăng cũng đúng. Ng Đ Thi cho mình làm Tổng
Thư ký từng ấy năm, mình phải có trách nhiệm uốn nắn anh em mới.


 Sau nữa, hôm biểu
quyết tại sao ông Nguyên Ngọc lại giơ tay, để bây giờ lại hối hận. (Ý Huy
Phương nhắc lại trước đó BCH có cuộc họp, khi biểu quyết phê bình báo VN,
Nguyên Ngọc cũng giơ tay). Vì vốn thiếu một cuộc sống tình thần riêng mà. Thấy
anh em giơ cả lên, thì mình cũng giơ. Thế thôi.


 Chúng ta sống chán
lắm. Phải làm lại hết cả thì mới được.





… Một nhân vật khiến cho
tôi thấy rõ thời này: Mai Ngữ


Lúc đầu ông ta cũng hăng
hái chạy theo Đổi mới. Viết liên tục Chuyện như đùaLại
chuyện như đùa
.


Viết nhiều bài báo khác.
Bài trên Văn nghệ Quân đội số 6/88, kể ra tình trạng văn học
ta - Văn học không còn là Văn học nữa. Và đổ tất cả lỗi cho phê bình – với
nghĩa là sự chỉ đạo của trên -- đã làm hỏng nền văn nghệ.


Đến bài viết trên Quân
đội nhân dân
, về Nguyễn Huy Thiệp, MN còn giữ được mình một phần. Sửng sốt
vì Nguyễn Huy Thiệp, khi cho Không có vua là rất ghê. Thấy
rằng Nguyễn Huy Thiệp có nói cái gì đó về xã hội ta. Nhưng băn khoăn: đáng mừng
hay đáng sợ?


Có lẽ được Hà Xuân
Trường mơn - nê, đến 10/88, thấy bài  MN trên tạp chí Học
tập
 chửi bới tình hình lộn xộn trong văn học, cho là bây giờ toàn
chuyện nói xấu nhau, chuyện khiêu dâm tục tĩu. Chửi Ban Văn hoá Văn nghệ ( của
Trần Độ) là đã tổ chức một cuộc họp để làm đối trọng với cuộc họp Ban Chấp
hành.


Rồi MN viết những truyện
ngắn đây sẽ đăng trong Văn nghệ quân đội số Tết, tiếp tục chửi
bới Nguyễn Huy Thiệp và trở lại với việc vua Quang Trung.


 Bằng Việt cho biết
bên Hội Hà Nội cũng phải công nhận rằng MN quay cờ rồi, không đăng cái truyện
MN gửi (chính là truyện Giấc mộng đêm xuân sẽ in ở Văn
nghệ quân đội
)


Tôi  còn đọc truyện
ngắn Tôi là ai của MN trên báo Độc lập, số 16
(1988), một truyện  chửi Huy Cận và Xuân Thiêm. Và tôi nghĩ về Mai Ngữ:


Vốn là một người cũng
tinh ma, lọc lõi.


Lại chuyện lý lịch bị
trù dập.


Mấy chục năm nay thất
thế căm ghét người đời.


Nay nhân có lúc thuận
lợi xông ra chửi một trận


Nhưng một là chửi
thế thôi, xong cũng tầm thường như mọi người hai là, vẫn đau đớn,
xót xa vì khổ, vẫn thèm ăn, thèm uống, thèm sống. Và về căn bản, vẫn là người
căm ghét thay đổi xã hội từ trước tới nay, vẫn khinh bạc, trắng trợn. Vì thế,
sẵn sàng làm viết bậy, làm bất cứ cái gì có lợi,--  kể cả làm tay sai cho
kẻ mà mình vốn căm ghét --mà tận đáy lòng, vẫn đơn độc, chua chát.


Loại như M N, vừa là bị
chế độ này áp chế, vừa trở thành một bộ phận vun trồng cho  chế độ đó.





…/11


Họp ở Hội Nhà văn


Nguyễn Văn Bổng bảo đang
có cái mới -- tự do. Phải giữ tự do trong mức độ có thể, không làm hỏng nó đi.
Có tự do chính trị kinh tế, mới có thể tự do trong văn nghệ. Tự do văn nghệ lại
thúc đấy tự do chính trị.


Nhận định về báo Văn
Nghệ
,  Bổng nói tiếp. Nguyên Ngọc làm báo sơ hở vô cùng. Tại sao nói
nhiều về Dương Thu Hương? Ở đời khen quá lối không được. Chê quá lối không
được.Thành vấn đề xã hội, lui hay tiến đều khó.


Ý kiến tôi: Tổng biên
tập báo nên là người của ban thư ký. Bổ sung người cho tổ lý luận phê bình và
văn xuôi.





Ng Văn Hạnh: Với Đảng
ta, năm 1975 không quyết liệt bằng năm 1986. Không thể nói tình hình lộn xộn lý
luận hồ đồ. Bây giờ việc không phải Ban bí thư, mà là  Ban Văn hoá Văn
nghệ, Ban Tuyên huấn, Ban chấp hành.


Đặt vấn đề trước lương
tâm lương tri (Khái niệm cũ: nhân loại ).Tình hình đi tới, sẽ giải quyết được
nếu ta căn cứ lương tâm lương tri.





Nguyễn Đình Thi thoạt
đầu kể lại chuyện cũ nói năm 1974 chính Tố Hữu gạt vụ Cây táo  ông
Lành
 đi.  Phải  ông muốn nói hãy tin tưởng anh em cũ, tất cả
đều muốn đổi mới ?


 Về thể thức tiến
hành đại hội nhà văn: Chúng tôi phát phiếu thăm dò theo gợi ý  Ban Văn hoá
Văn nghệ. Ý của Xuân Trường là chỉ phiếu đúng 44 người mới hợp lệ.





 Rồi Ng Đ Thi giải
thích về Hội nghị Ban chấp hành vừa rồi.


        a/  Là đấu tranh để xác
định thế nào là đổi mới. Ban chấp hành đã phê bình báo Văn nghệ  không
nên độc quyền, không một chiều. Tiếng nói của Ban chấp hành lúc này là hết sức
can đảm.


b/ Làm sao để hoạt động
Ban chấp hành có ý nghĩa. Một đoàn thể, như hội nhà văn, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, phải tự chủ trong phạm vi trách nhiệm của mình.


Báo Văn nghệ có
thiên hướng -- tôi nói từ hồi thành lập tạp chí Văn nghệ -- thiên
hướng tách ra. Không được. Mỗi chúng ta cố gắng bỏ cái riêng của mình. Chúng
tôi chỉ chống thả nổi, không chống định hướng rộng.


***








Trở lại Moskva





14/12


Ngồi với anh em ở Mát, nói chuyện về tình hình văn học Hà
Nội. Chỉ thấy nổi nhất là tất cả đều đứng về một phía nào đó để tranh cãi về
Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp chia rẽ các gia đình (Cao Xuân Hạo và Văn Tâm) chia rẽ
các đám bạn bè.


 Về Đại hội , thấy không dám nói ai là người hành
động đúng cả.


Sở dĩ một người như Nguyên Ngọc làm việc được, là vì ông
ta có chút điên trong người -- cuồng nhiệt, tự tin (tuy là đầy thói xấu, nhưng
vẫn là một nhân cách cao cả).


Chưa bao giờ con người nhục nhã như lúc này. Cả loại như
Thi, Khải đều thấm nhục.





Một thanh niên: Anh nói thế, bọn em hoang mang chết.


Nhàn: Tùy. Chúng tôi cũng chưa bao giờ hoang mang như bây
giờ. Nhưng nhớ hoang mang mấy cũng phải lo viết. Viết về chính cái hoang mang
của mình. Ghi nó lại. Sau này sẽ cần. Chẳng phải là Hồi Nhân văn, đâu Lê Đạt đã
nói rằng lạc quan cũng sai, bi quan cũng sai, chỉ hoang mang là đúng.





18/12


 Ở Hà Nội mải đi
đấu hót, đi  họp, sang đây mới đọc lại báo Văn nghệ. Thoạt đầu
tôi hơi hoang mang về ông Thi, và bài phỏng vấn. Hình như ông cũng biết điều,
và với ông, không nên diều hâu quá chăng. Nhưng nghĩ kỹ lại, thấy nói như
Nguyễn Đình Thi không  được. Sẽ không là gì cả. Sẽ chỉ là cải lương thôi,
đổi mới mà như thế thì không được.





Nhớ phát biểu ở Hội Nhà
văn, Xuân Thiều tủm tỉm đầy vẻ tự tin, phân tích. Thế nào là làm giàu theo kiểu
tư bản? Khi nào là làm của theo kiểu xã hội chủ nghĩa? Rồi thế nọ thế kia.


 Cũng Xuân Thiều
khi trả lời tạp chí Văn Học: Nhà văn bao giờ cũng là người đổi mới.
Sau nữa ông ta trả lời một nhà báo nước ngoài, chúng tôi còn đang phải suy nghĩ
đểm xem đổi mới là sẽ đi đến đâu ?


LNA : Bọn nhà văn bây
giờ, sẵn sàng nói đổi mới một cách rất bậy bạ.





29/12


Một kỷ niệm sống ở Hà Nội, trong 2 tháng.


 Tại sao có lúc tôi
lại mê Đỗ Chu được nhỉ? Bây giờ Chu đã trở thành một kẻ chuyên môn đi áp phe
tin tức trong cả giới văn nghệ. Tự cho mình quyền dúng mồm vào mọi chuyện. Ngồi
đâu, Chu cũng dạy bảo người khác. Luôn luôn sử dụng lối nói đàn anh áp chế, bắt
nạt.


Một điểm nữa cũng lạ.
Chu rất hiểu về sự kém cỏi đi trong sáng tác của mình, kể cả sự lười lĩnh. Nghe
nói hình như có một lần, Lê Lựu bảo sẽ họp đại hội của những ai làm việc. Ai
không làm không họp. Chu hiểu điều đó là ám chỉ mình, và Chu sừng sộ không thể
như thế được.       


        
 Hôm họp Đảng bộ Hội Nhà văn, Chu nói đến mức tôi phải bỏ ra, vì ghê sợ
quá. Chu biết điều đó, cũng như Chu biết rằng lúc Huy Phương nói, tôi nghe rất
say sưa. Một đoạn đối thoại giữa tôi và Chu hôm sau:


- Các ông cứ nói thế, ai
dám làm  phê bình nữa? Ai làm bây giờ nào?


- Nếu tao làm báo, tao
sẽ lấy mày về. Cậu làm được, nhưng thỉnh thoảng phải trừng mắt thì cậu mới đỡ
lộn xộn.


Chu rất hiểu cái yếu
lòng của tôi.


Nhàn: Mọi chuyện đánh
giá sau sẽ hay.


Chu: Nhưng cậu phải nghe
người ta chứ. Đừng viết như hôm qua nữa.


Nhàn: Nếu viết lại, tôi
vẫn viết như thế.


Chu: Không thể được,
người ta không đăng cho cậu nữa chứ cậu tưởng!


... Đại khái như vậy.





Đề tài để suy nghĩ:


Văn học và chính trị. Chân dung Nguyễn Đình Thi.


Tình hình của giới trí
thức Cuộc vận động cách mạng và sự chính trị hoá trí thức. Bản
chất của người cán bộ. Sự quan liêu hoá như một xu thế không gì cưỡng nổi.


Mèo già hoá cáo. Rút
lại đáng quan tâm nhất chỉ còn những người làm nghề.






Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét