nguyễn xuân thiệp
Mùa thu và phở. Gớm cái ông này bộ hết chuyện nói rồi sao mà kết hợp mùa thu với tô phở. Dạ thưa, thú thiệt Nguyễn này đôi khi cũng bí đề tài, đâm ra nói chuyện trên trời dưới đất, không đâu vào đâu cả và cũng chẳng theo một logic nào ráo trọi. Thế nhưng, chuyện mùa thu và phở có cái lý riêng của nó đấy. Cũng như chuyện mùa thu và... thịt chó ấy mà. Ôi chao... Có người sẽ lại la lên: Ông Nguyễn ơi, nhà văn nhà báo gì mà dung tục. Mùa thu đẹp thế, rực rỡ thế, vậy mà liên tưởng tới thịt chó và tô phở. Rõ ràng là tham ăn tục uống.
Quả đúng là dung tục. Nhưng không phải tự dưng Nguyễn xắn quần vào chợ đâu. Do người ta nói, và Nguyễn bắt chước nói leo đấy thôi. Mà người nói đó không ai khác ông bạn Châu Liêm của Nguyễn. Để rồi có dịp tới đây Nguyễn sẽ nói về ông bạn CL và bài văn Mùa Thu và Thịt Chó của hắn ta.
Bây giờ chỉ xin tản mạn (tức bàn nhảm) về Mùa Thu và Phở.
Này nhé, xin các bạn cùng Nguyễn tưởng tượng chút xíu, nhé. Lúc này, nơi Nguyễn ở là 4, 5 giờ chiều. Trời nhiều mây, gió thu lành lạnh, lá vàng bay trên đường. Bụng chợt thấy đói. Bèn rủ bạn ra quán phở ở ngã tư Plano-Beltline làm một tô chín gầu vò viên nóng hổi. Sướng ơi là sướng. Mùa thu và phở đấy, một bản ballad rộn ràng. Ôi, mùa thu. Ôi, phở.
Nói tới phở, tức là nói tới những gì thân thiết gần gũi nhất của đời sống. Nói tới tâm tình và văn hóa. Sao không? Ai không nhớ bát phở ăn hồi nhỏ, ở một góc phố nào đó khuất sau màn sương của trí tưởng. Bát phở của một gánh phở rong thơm lừng đường phố. Và qua màn sương vừa nói, lung lay ánh lửa của nồi nước lèo trong khuya. Rồi tiếng rao theo gió lạnh chạy dài trên khu phố. Tô phở ăn vào lúc khuya khoắt ấy trong đêm mùa thu hay mùa đông ngồi học bài, thấy nóng ấm cả người. Vị ngọt của nước phở, cay của ớt, nồng của hành khiến cơ thể và trí óc bàng hoàng. Hồi ức của tô phở hồi còn nhỏ tỏa ra ánh sáng của yên vui và hạnh phúc, điều sau này ít thấy trong đời. Sau này, qua cuộc "đổi đời" (chứ không phải "lên đời" như mấy ông bên nhà), trên đường lưu lãng, phở và hồi ức về phở càng thêm nồng thêm ấm. Cho đến nỗi nhà văn Huy Phương -người cũng có tâm hồn ăn uống như Nguyễn- phải thốt lên: "Những ngày đi đâu ở xa về, qua một chặng đường dài trên máy bay, xuống tới đất, làm một tô phở là thấy tỉnh cả người. Mùi vị của phở làm cho người ta đói, và làm cho những người xa quê thấy nhớ nhà. Ở đất khách, nhiều vùng dân mình không tập trung đông đúc, người ta phải lái xe năm bảy chục miles để kiếm một tô phở, ăn cho đỡ... thèm".
Hôm xưa, trong hội thoại trên đài về việc ăn phở từ trong nước ra đến nước ngoài, Nguyễn tôi có nhắc tới những tô phở ở Sài Gòn. Có thể nói, rất chủ quan và đầy thách thức, phở Sài Gòn là ngon nhất. Ấy là vào thời điểm trước 1975. Phở Pasteur, Hiền Vương, Công Lý. Phở 79, phở Xe Lửa, Tàu Bay. Sau này có Phở Quyền, Phở 2000 -nơi nghe nói Bill Clinton từng ngồi ăn khi đến thăm Việt Nam. Ngoài ra, ở Sài Gòn xưa ấy, còn có xe phở của Bà Nhẫn ở trước nhà đường Hòa Hưng, kẻ này và tiện nội không thể nào quên được. Những đêm mưa Sài Gòn, ngồi ăn tô phở của Bà Nhẫn, có thêm đĩa xíu quách thơm lừng, phải nói hạnh phúc nằm chính trong khứu giác và vị giác của ta khi nó được đánh thức tưng bừng.
Phở từ Hà Nội xuôi Nam, tới Sài Gòn rồi tỏa đi các nơi khác. Con đường đi của phở tất yếu là như vậy. Ai không đồng ý thử chứng minh ngược lại xem. Từ Sài Gòn, phở đến Mỹ Tho. Những năm cuối thập niên 50 và đầu 60, kẻ này dạy học ở đó thấy có tiệm phở của một ông Bắc Kỳ to béo, râu ria, là có vị phở hơn cả. Đó là Phở Bắc Hải, nằm trên bờ sông, chỗ gần Cầu Quay. Ngoài ra, sau lưng trường Nguyễn Đình Chiểu, ở kiosk sát bến xe, cũng có một tiệm phở. Phở ở đây có mùi và vị củ cải, và bánh phở là bánh hủ tíu. Không có gì gọi là chính thống cả, hoàn toàn Nam Kỳ, ấy vậy mà ăn vào rất ngon. Các bạn cùng dạy học ngày ấy -Lâm, Hy, Ruyên... hẳn chưa quên tiệm phở này. Còn cô học trò, hiện là cô giáo, ngày ấy mới mười ba, giờ ra chơi còn buộc hai vạt áo lại nhảy lò cò với bạn dưới bóng cây me tây, cô làm sao biết được tiệm phở đó -cũng gần nhà cô thôi, chừng mươi phút đi bộ. Giờ đây, làm sao Nguyễn này về lại bến sông xưa, và biết tiệm phở ấy còn không?
Ở Đà Lạt thời của Nguyễn và các bạn cũng có mấy tiệm phở ngon. Trước hết là phở Ga Xe Lửa, nơi mỗi sáng các giáo sư Võ Bị -những Nguyễn Thạc, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Minh Diễm (ôi, Khánh và Diễm đã ra đi), Đào Phú Thọ (nhà văn Đào Trung Đạo bây giờ)... thường ghé ăn cho ấm bụng trước khi vào lớp giảng bài. Rồi phở Bằng đường Hàm Nghi, sau này có thêm tiệm phở Cao Nguyên ở Khu Hòa Bình. Còn nữa, phở Ngọc Lan ở bến xe. Ở đây, đặc biệt miếng thịt chín gân thái rất to, và tô phở lúc nào cũng đầy ắp, hậu hĩnh. Nói tới phở Đà Lạt mà quên tiệm phở của ông Chín dưới chân Đài Phát Thanh là cả một thiếu sót lớn. Không biết Uyên và Phương mỗi tuần lên thâu chương trình Mây Cao Nguyên có ghé ăn tô phở ông Chín không. Chứ còn như Yến và Ngọc Hân thì ăn thường xuyên, chính mắt kẻ này trông thấy. Ăn sáng, ăn trưa và có khi ăn chiều. Phở không ngon lắm, nhưng lúc bụng đói, làm một tô cũng thỏa dạ. Rồi nhìn chim én lượn bay dưới mái Hotel du Parc...
Phở Sài Gòn, phở Mỹ Tho, phở Đà Lạt -đối với kẻ này- là như thế. Còn thiếu sót rất nhiều, cố nhiên, nhưng đó là những nơi đầy bóng vang của tuổi xanh tôi, không bao giờ tìm lại được. Từ ấu thơ, phở đã cùng tôi đi qua suốt hành trình dài dặc của kiếp nhân sinh -vui có, nhưng buồn thì vô số kể. Giờ đây, ở xứ người, lại ăn phở.
Ôi, mùa thu và Phở. Giá có Tô Thẩm Huy ở đây, Nguyễn sẽ mời ông ra Phở Bắc ăn một tô chin gầu béo ngậy, thơm lừng, uống cạn bình trà xanh do chủ nhân khoản đãi, rồi bắt ông ngâm Thu Hứng của Đỗ Phủ. Lúc bấy giờ nhìn ra sẽ thấy, trong trí tưởng, “Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm / Mặt đất mây đùn cửa ải xa.”
NXT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét