Việt Phương
Nguyễn Xuân Hoàng & Việt Phương
Nghe tin nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mất từ nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Tôi không cầm giữ được lòng mình. Buổi chiều ren rén vào thu. Dallas, chiều thứ bảy ngày 13 tháng 9. Khí trời thay đổi đột ngột. Gió không còn hừng hực mùa hè Texas, và bóng mây cũng đã bắt đầu dịu lại. Cho mọi người cảm giác trời đã vào thu. Buổi chiểu họp mặt bạn bè thân hữu. Cuộc vui không trọn vẹn. Bởi tôi vừa nghe một mất mát lạ lùng. Như một vết dao, cắt lìa hiện tại và quá khứ. Vết dao rướn mình trên da thịt tôi tạo thành vết cứa, không sâu, nhưng ngọt, sắc. Có chút gì đó bàng hoàng. Tôi không tin ở tai mình. Có thể âm thanh từ máy vi âm phát ra không được chuẩn lắm? Tôi quay qua anh Nhật Hoàng hỏi nhỏ. Anh xác định nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vừa ra đi lúc 10:50' sáng. Tôi nén tiếng thở dài.
Tôi gặp nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lần đầu tiên vào tháng Giêng 1997. Đó là buổi ra mắt sách của tôi ở San Jose do hai tờ báo Thị Trường Tự Do và Việt Magazine mà tôi từng cộng tác, đứng ra bảo trợ. Ban tổ chức có hai nhà báo Nguyễn Châu và Nguyễn Xuân Nam cố tình mời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng giới thiệu tác phẩm của tôi. Lúc đó nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vẫn còn ở Nam California. Anh bay xuống San Jose cùng chị Trương Gia Vy, hiền thê của anh. Tôi nhớ chị Vy diện, đẹp như một ca sĩ. Thật xứng đôi với anh Nguyễn Xuân Hoàng. Anh hơn tôi hai thập kỷ. Có nghĩa là lúc anh đang học Võ Tánh, Nha Trang. Tôi vẫn chưa ra đời. Sau này tôi vào Võ Tánh, lần mò đọc lén tạp chí Văn của người chị, đã thấy tên tuổi anh lừng lẫy.
Nói chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, xưng anh em vẫn không thấy khoảng cách của tuổi tác. Anh thích thế. Anh trẻ trung và nói chuyện hiền lành. Anh còn khoe trung tâm ca nhạc Làng Văn mời anh làm M.C. Họ khen anh "ăn đèn" lắm. Tôi tin. Vì ngồi bên anh trong quán cà phê nhỏ ở San Jose dưới ánh đèn mờ. Anh có dáng dấp của một người nghệ sĩ, thật lôi cuốn.
Năm 1970, chị tôi mang về nhà cuốn sách "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu" vừa mới xuất bản của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi bắt gặp chị trốn trong phòng, ngấu nghiến đọc. Thì ra chị tôi đã "mê" văn Nguyễn Xuân Hoàng. Chị thèm làm nhận vật tên Vy ở trong truyện.
Lần thứ hai tôi được anh Nguyễn Sĩ Đẩu, nhà báo Nguyễn Huỳnh Mai cùng bạn hữu trong nhóm Thụ Nhân ở Nam California tổ chức một buổi ra mắt sách tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA (hình như cũng là phòng sinh hoạt Thế Kỷ 21), thành phố Garden Grove vào những ngày sắp sửa vào hạ, 1997. Tôi bay sang Nam California cùng anh Nguyễn Sĩ Đẩu. Tôi nhớ chương trình có sự điều hơp của nhà văn Lê Đình Điểu, có tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát. Và điều bất ngờ. Người giới thiệu 2 cuốn sách của tôi là hai nhà văn Phạm Xuân Đài và Nguyễn Xuân Hoàng.
Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã gián tiếp tặng tôi câu chuyện "Bông Hồng Vàng" của nhà văn Nga Konstantin Paustovsky trong bài nói chuyện của anh, ví người viết văn như một người đãi vàng trong tro bếp của tiệm kim hoàn để kết thành bông hồng vàng tặng người yêu, đem lại một chút hạnh phúc nào đó cho người đọc. Tôi làm theo lời anh, cố gắng đãi vàng, nhưng bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn chưa có được hạt bụi vàng nào. Huống chi là cả một bông hoa để tặng người, tặng đời?
Năm 1998, Văn muốn mở đầu việc tái bản một số tác phẩm trước 1975. Bắt đầu bằng tập truyện, tùy bút "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu" của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Anh gửi tặng tôi ngay sau khi sách được tái bản. Tôi nâng niu như ngày xưa chị tôi đã từng nâng niu "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu" của anh. Ở đó, có một câu anh viết mà tôi không quên được "Sống thì khó chứ chết thì ai mà chẳng có phần."
Ngoài "Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu", anh còn có: "Mù Sương", "Sinh Nhật", "Kẻ Tà Đạo", "Ý Nghĩ Trên Cỏ", "Khu Rừng Hực Lửa", "Người Đi Trên Mây", "Sa Mạc", "Căn Nhà Ngói Đỏ", "Bụi Và Rác.".
Sau khi nhà văn Mai Thảo giao lại tờ Văn cho anh phụ trách. Tôi có cộng tác với Văn, đọc Văn không thiếu một số. Tôi thương anh o bế Văn rất kỹ mỗi kỳ, dù tài chánh không được lạc quan lắm.
"Sống thì khó chứ chết thì ai mà chẳng có phần." Vẫn câu nói này đeo đuổi tôi mãi. Sống cho ra cách. Khó thật!
Theo tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã đãi đủ vàng để đúc cho người, cho đời chiếc Bông Hồng Vàng vĩnh cửu.
vp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét