Khánh Trường
Photo: Khánh Trường và Nguyễn Xuân Hoàng
Khánh Trường, hoạ sĩ, nhà thơ, nhà văn, chủ biên Tạp Chí Hợp Lưu từ 1990 tới 2005. Tác phẩm đã xuất bản: Đoản Thi Khánh Trường (1988), Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng (1991), Có Yêu Em Không (1997), Chung Cuộc (1997).
Trong một cuộc hành quân dài ngày cuối năm 1970 thế kỷ trước, chúng tôi những người lính tác chiến của Quân đội Miền Nam Việt Nam, được lệnh trang bị khá chu tất, từ súng đạn tới quân trang quân dụng. Tuy cồng kềnh, nặng trĩu, tôi vẫn cố sắp xếp để ba lô có được một khoảng nhỏ, đủ chứa vài ba cuốn sách, do vợ tôi, bấy giờ còn là “người yêu” gửi ra hậu cứ. Đó là bốn tác phẩm của Y Uyên, Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Ngọc Tuấn, và Ngô Thế Vinh. Ba tác giả đầu tôi đọc say mê, đến Vòng Đai Xanh thì khựng lại. Ở tuổi ngoài hai mươi, tâm hồn còn sũng ướt mộng mơ, tất nhiên loại sách nhiều trăn trở như Vòng Đai Xanh không phải là món ăn tinh thần tôi ưa thích.
Mãi đến khi giải ngũ, rồi không lâu sau miền Nam cáo chung, tuổi đời chồng chất, thê nhi, cơm áo lao đao, mộng mơ dần rơi rụng, cuộc đời buộc tôi đối diện với một thực tế quá nhiều thô nhám. Tôi tìm đọc lại những tác giả một thời bị tôi quên lãng. Trong số này tất nhiên có Ngô Thế Vinh. Vòng Đai Xanh không khô khốc như tôi tưởng. Gấp cuốn sách lại, thân phận bọt bèo của những đồng bào dân tộc Tây Nguyên vẫn lảng vảng trong tư duy tôi với nỗi ngậm ngùi.
Tôi nhìn văn chương Ngô Thế Vinh qua một góc nhìn mới.
Sau này được may mắn quen ông, đọc thêm những tác phẩm khác: Mây Bão, Mặt Trận ở Sài Gòn… Và gần đây nhất Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, tôi càng nhận ra ở người viết này một nhân cách đặc biệt. Đó là tấm lòng và sự cẩn trọng, tận tuỵ, thuỷ chung của Ngô Thế Vinh với mọi công việc. Từ y khoa đến báo chí, từ văn chương tới giao tình bằng hữu.
Đơn cử, để làm nên tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, ngoài một núi sách báo, tài liệu phải đọc, Ngô thế Vinh cũng đã dành nhiều ngày, một mình rong ruổi qua nhiều quốc gia, từ hạ nguồn tới thượng nguồn Mekong để tìm hiểu, ghi nhận bằng hình ảnh và ghi chép, tìm hiểu tại sao dòng sông “nghẽn mạch”. Và tác hại của sự nghẽn mạch này đã, đang và sẽ ảnh hưởng thế nào cho các nước có chung dòng chảy, nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam ?
Tôi sẽ không nói tới nội dung những tác phẩm của Ngô Thế Vinh. Nhiều người đã nói. Và, tự thân những tác phẩm ấy cũng đã nói, rất cuốn hút, thuyết phục, và tài hoa. Cho nên với tôi, một điều duy nhất vẫn tồn tại trong tâm trí, mỗi khi nghĩ về Ngô Thế Vinh. Đó là ông ta, một nhà văn, một đại biểu hiếm hoi, cho giới cầm bút có trách nhiệm, với từng con chữ.
Văn chương Ngô Thế Vinh không phải để mua vui cũng được một vài trống canh.
KHÁNH TRƯỜNG
Little Saigon, 07/ 07/ 2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét