TRỜI THẤP





truyện Lưu Na



1.

Tháng Ba, sinh nhật của Ngà đến trong ánh đèn hỏa châu dường như thắp sáng cả đêm dài.  Ngà nằm trên gác nhìn xuyên mùng ra ngoài cửa sổ.  Những ngọn dừa lạt sạt ngả nghiêng nhưng không phải vì gió, đại bác dường như chồm gần hơn vào thành phố, làm rung rinh nhà cửa cây cối.  Ngà nằm im, thấy lòng rỗng không, Ngà muốn mơ ước mà chả biết mơ ước gì -chỉ có thể nghĩ đến dòng sông Thủ thiêm đen ngòm ngoài bến đò.  Mặt nước có dồn đập lên cầu phao vì đại bác?  Những cọng rác có hốt hoảng quấn quanh chân cầu?  Mỗi sáng Ngà vẫn đạp xe thẳng xuống cầu phao dập dềnh để đợi đò, chỉ những hôm nước cạn cầu quá dốc thì Ngà phải dắt xe xuống vì sợ mình sẽ lủi xuống sông. Ngà không biết bơi, và cái dòng nước không mấy trong đó có lẽ sẽ làm mình chết trước khi chìm. Từng đêm dài với đại bác với hỏa châu đi qua, Ngà nhìn quanh thấy sao mọi người vẫn thản nhiên như nỗi lo sợ đạn bom đã là điều vớ vẩn.  Ngà sẽ phải ở đây bao lâu?  Cách một con sông mà cứ như mình đã về miệt vườn nào đó sống, rồi khi đặt chân lên bàn đạp đạp xe vòng theo công trường Mê Linh thì lại đã thấy mình về với xã hội thân quen.  Cái phố phường bụi bặm này có hứa hẹn gì cho Ngà không?  Ngà sẽ tìm được một người bạn trai, sẽ tìm được một tương lai?  Trong cái nóng dính dấp ngột ngạt và bụi bặm của phố phường, Ngà thấy dường như cuộc sống mình vô duyên và vô nghĩa như những vòng bánh xe đạp đều đều qua đường phố.  Tháng Ba, Ngà đã mười sáu tuổi.

****

Nghiêm!
Chào!

Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…  nhạc vang ra rè rè từ cái loa, không chát chúa vào tai vì thiếu công suất, nhưng cũng chả yếu đến nỗi có thể vờ đi. Ngà nhìn lá cờ 2 màu nửa vàng nửa xanh nước biển giữa có ngôi sao màu đỏ, thấy như năm cánh sao cào vào mắt theo những đợt uốn lượn khi gió thổi.  Rà mắt xuống sân trường, cái im phăng phắc của giờ chào cờ đầu tuần hôm nay có thêm cái nín lặng hậm hực của những cái đuôi tóc chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra cho lũ nữ sinh. 
Dưới cột cờ, bây giờ bà chủ tịch _ chủ tịch gì nhỉ, sao khó nhớ thật, những lời vừa mới buông ra đã biến mất dù cũng là tiếng Việt chứ có phải tiếng Anh tiếng Pháp gì đâu, bắt đầu nói.  Thầy, cô, giám hiệu, giám thị, đứng một khoảng giữa sân, gần cột cờ, nét mặt âm thầm khó đoán, chỉ cô giám học là lộ rõ băn khoăn.  Tứ bề là học sinh các lớp.  Lớp sáng là trung học đệ nhị cấp, gồm  đệ nhất (12), đệ nhị (11), và đệ tam (10).  Ngà đã nhảy lên lớp 11 dù chưa học hết lớp 10 vào lúc ấy, ngày 30 tháng 4.  Cấp 11 của Ngà có 15 lớp, chia ra chính yếu ba ban: ban A là ban sinh vật, sẽ đi các ngành y khoa, ban B chỉ có 3 lớp _ 2 toán Anh Văn và 1 toán Pháp văn, dự trù sẽ theo các ngành khoa học.  Ban C cũng vậy, 2 lớp văn chương Anh Văn, một lớp văn chương Pháp văn, về sau sẽ đi tiếp vào các bộ môn văn học.  Còn một ban, ban D, là ban Sử Địa, nhưng sao Ngà chả bao giờ biết có lớp sử địa nào dù trường có phân ban. 
Ngà đảo mắt nhìn quanh, rặt những khuôn mặt ngơ ngác, tựa như mắt Thủy ngơ ngác khi Ngà tìm đến hỏi thăm tin tức Thu Hằng.Thủy đã buồn bã:

_Nhà trống trơn, cổng không khóa. 
_Có gặp ai, có ai nhắn gì không?
_Không.  Tuần sau tao trở lại, gặp ông Rinh tài xế.  Ổng nói muốn gặp con Hằng thì theo ổng.
_Mày theo?
_Còn lâu.

Thủy và Ngà đã đứng im bên nhau rất lâu, rồi Ngà đạp xe về lại bến đò Thủ Thiêm.  Hai đứa không gặp nhau cho đến khi nhập học lại.

Bà chủ tịch bắt đầu đọc diễn văn hay diễn thuyết gì đó, ta rất anh hùng  Bên cạnh bà chính là chị Chánh.

Chị Chánh, chị Hai, là 2 chị Ngà đã gặp trong 2 lần đi trại với các trường bạn.  Một ngày, lớp 9, nhỏ Phan Xuân Loan đến rủ Ngà đi trại do nhóm Áo Tím tổ chức.  Ngà mừng hết lớn.  Ngà ước ao được ở trong một đoàn thể, được có một sinh hoạt nhóm, mà đó chỉ là ước mơ _ tựa như người ta mơ ước đi đến một chân trời xa, vì Ba, đúng hơn là Má quyết định mọi việc, không bằng lòng cho các con “đàn đúm” hội đoàn gì cả.  Má không nói trực tiếp, nhưng những lúc rảnh rang Má thường kể chuyện họp thanh thiếu niên ở ngoài Bắc, đoàn thể đoàn thiếc rồi là nhảy son đố mì…  Dì Lân mê lắm nhất quyết bỏ nhà đi theo đoàn công tác và oán trách chị, má của Ngà, là bóc lột em mình làm người ở không công.  Để mang được dì vào Nam với gia đình cũng là một cuộc toan tính lừa gạt, vì xe lửa chạy xa rồi dì mới biết là đi đâu.  Kết luận: Ngà đi chơi thì ai lo cơm nước cho gia đình?

Nhưng chả biết sao Ngà lại đi “thoát” được tới 2 lần!  Sớm tinh mơ Ngà đến bên hông chùa Xá Lợi, đã có 2 chuyến xe đò chờ sẵn, nhưng một chuyến đã đầy nhóc nam nữ sinh lẫn lộn.  Ngà và Xuân Loan lên chuyến xe thứ nhì.  Chỉ ra ngoài Thủ Đức, tới Lái thiêu là nhiều nhất, mà Ngà thấy lòng phơi phới tưởng như mình đang được du ngoạn nơi biển trời nào xa tắp.

Đến một nơi thật rộng, mới biết có rất nhiều trường trung học tham dự, và các anh chị lớn đã bắt đầu phân chia các trường vào chung một tổ để sinh hoạt.

Trong nhóm của mình, Ngà thích nhất anh Nguyễn Trãi.  Anh vóc cao cao xương xương, da ngăm đen và mắt dường như hơi hơi lác, nhưng anh có cái quả quyết tự tin và rất vững chãi trước đám đông.  Anh hướng dẫn mọi người lập vòng tròn, chia đội để tranh tài, phân công đội nào lo bếp nước củi lửa đội nào vệ sinh.  Xong, anh hô hào mọi người tham dự trò chơi, thật nhiều trò vui nhộn: thụt dầu, chim đổi lồng, đố chữ bằng dấu tay, nhảy bao bố, mang trứng trong thìa đi bộ…  Khi mọi người đã mệt, anh cho ngồi xuống tập hát.  Anh cầm đàn, kiên nhẫn dậy từng đoạn, không cần đưa bài mà Ngà vẫn thuộc trọn vẹn một bài ca lạ hoắc chưa nghe bao giờ

Tình Bắc Nam ta như trời biển bao la
Thề giữ quê nhà không bao giờ lìa xa
Trong cơn nguy biến đất nước gọi chúng ta
Vai chen vai đứng thấy như lòng nở hoa
Từ đồng sâu cho đến non cao cờ phấp phới
Bừng nhịp chân theo tiếng loa kiên cường đi tới
Trăm năm vang tiếng núi sông dục căm thù tiến lên
Bao nhiêu nguy khó bấy nhiêu lòng người vững bền

Hỡi, làng quê dấu yêu bờ tre xác sơ đang đợi ta
Giòng sông có nghe người qua bến xưa nay ngậm ngùi
Rừng rừng dừa cao cũng lớn theo tuổi người đi
Mặt trời vừa lên nghe gió reo qua ngàn bước chân

Hỡi, mẹ ta đã đi từ khi tiếng bom qua làng quê
Từng đêm vẫn mong chờ đuổi hết quân giặc trở về
Hận thù còn cao hơn Thái sơn hay Trường sơn
Người người còn đi theo bước chân anh hùng không sờn

Trong tai Ngà lúc ấy, bài hát thật oai hùng và thật thiết tha, cũng lạ như cái phong sương của anh Nguyễn Trãi _ phong sương chứ không lôi thôi, ngược với những công tử sinh viên học sinh hào nhoáng.

Lần thứ 2 đi trại không có chị Chánh, thay vào đó là chị Hai mập và lùn.  Bây giờ Ngà còn được dịp đọc tờ bồ gam của nhóm Áo Tím, giới thiệu sinh hoạt trong tờ giấy khổ đôi in roneo đơn sơ.  Bên cạnh nỗi ham vui cái lạ, Ngà còn có cảm tưởng mình đang bước trên một cái bẫy vô hình, đến gần một điều gì thật bí mật và lôi cuốn vì nó bí mật.  Nhưng rồi Ngà dợm xa nhỏ Xuân Loan khi nó đưa bài thơ có mấy câu đầu:

Có phải thanh bình về không em
Trưa êm tiếng võng nhẹ bên thềm
Ca dao nồng ấm trong hơi mẹ
Ru nhẹ hiền hòa mấy nhánh cau

Bài thơ của Xuân Loan có cái gì đó lợn cợn mà Ngà không thể nói được, nhưng lúc lớp 9 Ngà còn đang lo đôi guốc tấm áo dài, đang lo tụi con trai hàng xóm chê mình mập như cái hủ lô, không rảnh để suy nghĩ.  Hay tại Xuân Loan già trước tuổi?

Ngà ngó quanh, lạ, từ hôm nhập học giữa tuần trước đến giờ không thấy nhỏ Xuân Loan đâu cả, nó đi đâu?  Nơi cột cờ, bà chủ tịch đang vinh vang giới thiệu thành tích của chị Chánh.  Chị đã nhiều phen vào tù ra khám, bị tra tấn nhưng vẫn không khai bí mật của tổ chức, trở lại trường chị vẫn tiếp tục hoạt động cho cách mạng, vân vân.  Ngà ngẫm nghĩ, làm sao chị trở lại trường học được?  Sao Ngà không hề thấy chị ở trường bao giờ?  Mà, cái trường đông vậy thì ai biết ai, rõ ngu.  Bất chợt đám đông cười khúc khích xì xầm, vừa lúc Ngà nghe kịp câu nói của bà chủ tịch: ta vẫn oai hùng đánh địt.  Bà nói tiếng Trung, nhưng không phải Huế, thấp và tròn.  Tấm áo bà ba bằng vải ny lông in bông với cái quần vải đen dầy mịn như lạc loài giữa rừng áo dài trắng.  Có lẽ, phải nói là nó kiêu hãnh một mình giữa rừng tà áo mới đúng.  Ống quần của bà lật phật theo làn gió trên đôi guốc gỗ, Ngà ngó xuống mình, ngó chung quanh, có ai thấy khó chịu như Ngà với cái ống quần tới mắt cá ấy?  Cùng với cái giọng lanh lảnh, cái ống quần phần phật như vả vào mặt mọi người.  Bên cạnh bà chủ tịch thấp tè, chị Chánh đã cao như cao hơn.  Chị đứng nghiêng nghiêng đầu, tóc kẹp kéo qua một bên vai áo sơ mi trắng, quần đen.  Chị cười cười, nụ cười thật vô tư như những thành tích đấu tranh, những mưu mô lươn lẹo để tồn tại với chính phủ cũ là của một ai đó ba đầu sáu tay.  Thật lạ, bà chủ tịch, chị Chánh, hay những anh bộ đội ngơ ngác, tất cả như từ cuốn phim “cộng sản” má kể mấy mươi năm trước, hiện ra sống động.  Những khuôn mặt im lìm không biểu lộ gì.  Ngà lại lang bang nghĩ đến buổi trại.  Những khuôn mặt nam nữ học sinh hiền lành ấy có gì khác với lũ bạn của Ngà?  Dường như họ nghèo, họ đơn sơ hơn cái lũ nữ sinh đang đứng nơi sân trường này.  Ngà lại nghĩ tới Xuân Loan và ngạc nhiên nhận ra, giữa Ngà với nó sự tương đồng có lẽ chỉ ở cái vóc dáng “phì nhiêu” như hủ lô, và bộ ngực phát triển vô tổ chức.  Nó có cô đơn như Ngà không?  Nỗi cô đơn vì không hòa được với đám đông mảnh mai và à la mốt, cái mốt học sinh thanh tao chơi ping pong, đi bơi ở sẹc, đi học Anh văn hội Việt Mỹ, đi bát phố bằng xe PC với các cô giáo trẻ, đi mua sắm phố Lê Lợi, tan học có xe zip đến đón…  Nó có phải giặt quần áo quét nhà lau nhà đi chợ nấu cơm rửa bát đổ rác như Ngà không?

Đã xong phần diễn thuyết và vinh danh chị Chánh.  Học sinh lũ lượt vào lớp của mình.  Ngà ngó quanh, giữa cái lao xao tựa của mấy trăm cái miệng cùng nói trên chỉ 60 cái đuôi tóc sao nghe im vắng thảm thiết.  Một nỗi chán chường bao la từ từ thấm vào lòng Ngà.  Dưng không Ngà hối mình đã đi hai buổi trại, đã biết có nhóm Áo Tím trong trường của mình.  Ngà thấy chán ngán chỉ muốn bỏ học ra về.  Xuân Loan vẫn vắng bóng.  Nhưng có thực Ngà muốn gặp lại nó? 


***

Từ ngày “giải phóng,” Ngà luôn thấy bực mình.  Ngà không thể nghĩ ra được một cái tên cho cái ngày 30 tháng 4 ấy, vì họ cứ nói vào tai mình một loại ngôn ngữ và chỉ trả lời mình nếu mình dùng đúng ngôn ngữ đó, cho dù với giọng diễu cợt.  Không lẽ Ngà phải nói ngọng với người đối diện nếu họ nói ngọng.  Nhưng thì giờ đâu mà tranh cãi với cuộc sống bị đẩy tới bất tận. 

Con Quyên đã bỏ học, ra ngoài học trường tư.  Đồ điên.  Thi tuyển vào trường công, lứa của Ngà có 10000 thí sinh, lựa được gần 900 đứa cho 15 lớp 6 (Ngà đậu thứ tám trăm mấy chục!!!) đâu phải dễ.  Con Quyên học giỏi, làm trưởng lớp những năm đệ nhị cấp cho đến khi phân ban lên lớp 10, rồi bây giờ nó bỏ ngang để ra ngoài học trường tư, thật liều.  Cái liều thì không lạ.  Nó chỉ có bố làm cho sở Mỹ, má nó cờ bạc đã bỏ 3 chị em gái của nó lại mà đi biệt tăm.  Bà người làm ở vú nuôi ba chị em nó và đứa con gái của bà, cả nhà chỉ có bố nó là đàn ông.  Hồi đó Ngà vẫn thường băng qua hẻm Mả đá, ngang qua trường tiểu học tư thục Minh Chánh, băng ngang quán nhậu Bảy lọ hay Bảy hổ gì đó để vào nhà nó chơi.  Một ngày, Ngà ngồi trong nhà nghe tiếng rao “ai bánh tét bánh ú không” sao lại giống giọng con Quyên, chạy ra thì đúng là nó.  Tối về Ngà mách má, qua vài ngày chờ, trưa đó má và Ngà túm được nó lại rao bán bánh ú bánh tét.  Lôi nó vào nhà, cả nhà cười cười.  Nó mặc tấm áo bà ba lùng bùng, ôm thúng bánh ngang hông đặt xuống bàn.  Má và anh chị em Ngà rộ lên hỏi tại sao, nó tỉnh bơ trả lời, “tại cháu thương ba phải đi làm một mình nuôi chị em cháu nên cháu mượn áo bà ba của dì vú để mặc đi bán bánh tét phụ ba!!!”  Ngà không còn nhớ má đã nói gì với nó, nhưng rồi nó thôi cái chuyện điên ấy, để bây giờ làm cái chuyện điên này. Ngà không hiểu sao bây giờ lại có lắm điều ngổn ngang như vậy.

Nhưng đã đến mùa thi ra trường, Ngà phải ráng học thuộc thơ Tố Hữu cho môn Văn.  Nếu không, phải bình thơ Bác Hồ “đến buồn đi ỉa cũng không cho” thì đâu biết nói sao.  Ra trường chỉ còn thi 3 môn: toán, văn, và sinh ngữ.  A ha cái chuyện sinh ngữ.  Quyên đã đậu tú tài, nghĩa là đã đậu tốt nghiệp phổ thông vì học nhảy lớp, và đã đậu vào trường Y khoa.  Nó mách với Ngà, là nó được đậu nếu bằng lòng dậy phụ đạo, nghĩa là dạy kèm, môn Anh văn cho bọn sinh viên miền Bắc mới được tuyển.  Dạy phụ đạo, xem ra trong lớp Ngà những đứa học giỏi đều phải dạy phụ đạo cho những trò ngoài Bắc vào, cho dù tụi nó nói, tụi nó chỉ học hết lớp 10 là đã coi như hết trung học chứ không cần phải học tới lớp 12 như tụi Ngà.  Thu Ánh bĩu môi, tựa như lúc nó thấy Ngà phải thêu hàng chữ số ký danh vào áo.  Lúc đó nó nói, “ông đếch làm,” và ra đầu ngõ thuê làm một miếng bảng tên nhựa trắng có kim băng mặt sau để cài vào áo dài lúc đến trường, ra khỏi cổng thì tháo ngay ra cất vào cặp.  “Bộ tù sao mà bắt người ta thêu số ký danh lên áo.”  Thu Ánh cũng điên không kém con Quyên.  Nó viết và bình văn rất giỏi, nhưng hôm nào không thích học thì úp sách xuống bàn.  Cô Hương liếc thấy thì không bao giờ đi ngang chỗ nó ngồi và không bao giờ kêu nó đứng lên đọc bài, chỉ khi nào nó mở sách đàng hoàng thì cô biết nó muốn học và sẽ gọi.

Nhưng Thu Ánh cũng chỉ là một trong muôn cô nữ sinh của trường được cha mẹ cưng chiều, nghiã là ở phía bên kia hàng rào mơ ước của Ngà.  Dẫu cuộc đời đã đổi thay, những tà áo ấy vẫn thướt tha, vẫn có những sinh hoạt rộn ràng tấp nập mà Ngà không bao giờ có: đi học thêm, đi làm việc thiện, đi nhà thờ.  Ngà chỉ bị cuốn vào cuộc đổi đời bằng những chuyện chẳng biết định nghĩa là gì, như đi bán quần áo cũ ở chợ trời cuối đường Trương Minh Giảng.  Chả cần phải biết bán buôn gì, cứ thấy có một xe đạp trờ tới với một gói gì sau xe thì các bà sẽ gỡ nón lá chạy tới hỏi “có gì bán đó em.”  Túi quần áo được mở ra xáo lên nhét xuống, một giá tiền được đưa ra.  Ngà mừng mình không phải ngượng ngùng rao bán hay tìm mối gạ gẫm. 

Ngà cần có tiền cho con Thủy.

Trưa nắng, Ngà đạp xe về nhà nó, hết cả hơi.  Con nhỏ gầy đét, răng hô, và cao.  Anh chị em của nó đẹp và học giỏi nữa, nó thuộc con nhà thư hương tuy cũng hơi nghèo nghèo, và cũng không có mẹ.  Ngà theo con Thủy leo lên căn gác tối mờ mờ, tuy bề bộn nhưng khá riêng biệt.  Mỗi đứa một cái mùng đơn, nghĩa là một giang sơn, không ai xâm lấn vào ai.  Nơi manh chiếu chỗ Thủy nằm, nó giở cho Ngà xem mấy cuốn sách của Dale Carnegie: Đắc Nhân Tâm, Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống; cuốn nhật ký ghi những suy nghĩ băn khoăn… 

_Thằng Tuấn sao rồi?
_Thì bây giờ phải lo gạo cho mấy đứa em chứ sao.
_Tao với mày đem tiền qua?
_Ừ, đi bây giờ nha.

Ba thằng Tuấn làm nhà báo và mới bị bắt, để 3 anh em Tuấn_Linh_Huyền chơ vơ (Ngà không dám hỏi Má tụi nó đâu). 

Ngà lại đạp xe theo Thủy.  Thằng Linh mở cửa đón 2 đứa.

_Anh Tuấn chưa về.  Thủy ăn gì không?  Chị Ngà?  Ngà lắc đầu.
_Để Thủy.

Thủy lẳng lặng xuống bếp.  Nghe lục đục một lát, Thủy lên tay cầm bát cơm và đôi đũa, ngồi xuống, chậm rãi ăn.  Ngà không biết Thủy ăn vì đói hay vì muốn chia với anh em thằng Tuấn
chút đạm bạc.  Hai đứa nói với nhau những chuyện không đâu vào đâu, nhưng Ngà không bận tâm.  Ngà chỉ chú ý cái tự nhiên thong thả nơi mọi cử chỉ của Thủy.  Thủy đã ăn xong, nhẹ nhàng xuống bếp rồi trở lên. Thủy vào, căn nhà ọp ẹp ấy như bừng sáng, như lớp bụi đang núp đâu đó nhảy lên lao xao, cái cô quạnh ẩm mốc như ấm lại, tựa như nó mới là chủ căn nhà này. 

Phút chốc, Ngà chợt thấy Thủy không chỉ trí thức mà còn là một thiếu nữ đẹp _ đẹp như một người con gái.  Dường như có một sự sống vô hình và âm thầm chỉ hiện vang trước tai mắt mình vào lúc bất ngờ nhất để mình ngẩn ngơ biết rằng những gì cụ thể trước mắt không là tất cả.  Nghèo và khốn đốn dường như cao cả.  Sống theo một cái gì đó khác hơn vật chất xa hoa dường như là lý tưởng.  Cái gì đó, phải chăng là anh Nguyễn Trãi nơi trại sinh hoạt, nơi bài thơ mà Xuân Loan làm _ mơ tiếng võng, câu ca dao?  Xuân Loan đã biến mất khỏi lớp học, hay nó còn đó mà Ngà đã không còn nhìn thấy nó?  Dường như mắt Ngà đã xước vì lá cờ, bây giờ là cờ đỏ sao vàng “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”  Cái gì đó, không biết rõ là gì mà sao Ngà thấy như lưng mình bị cắm dao.


***

Ngà theo thằng Tuấn đi sinh hoạt hội _ nghĩa là trai gái đàn đúm học chính trị với ca hát “Tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù…,” đi pic nic với Thủy và Tuấn Linh Huyền, và Ngà vẫn cứ thấy mình bơ vơ lạc lõng.  Có nơi nào cho Ngà đến, có cuộc sống nào chờ Ngà, có gì khác không ngoại trừ những tiếng loa thúc giục, những giọt mồ hôi đổ ra từ lúc mở mắt đầu ngày cho đến tối mịt về lại căn buồng chật hẹp?

Mỗi lúc đứng thay áo sau tấm màn vải hoa má may, quay kín một khoảng một thước vuông nơi góc phòng Ngà vẫn ngạc nhiên.  Hóa ra cái thứ người ta nói “đời là một vòng lẩn quẩn” là thực, và nó không lâu lắc gì để trở lại.  Mới chỉ áng chừng 15 năm, từ cái buồng cả nhà dồn chung vào nhau những năm đầu ba má mới di cư vào Nam, những ngày Ngà còn thò lò mũi xanh, bây giờ Ngà lại về cái phòng 5x5 thước vuông khác.  Và gia đình Ngà cũng không phải là duy nhất.  Mọi sự cứ như trò chơi chim đổi lồng nơi sân trại sinh hoạt năm nào, thổi một tiếng còi thì không con chim nào còn lồng và con nào khỏe chạy nhanh lấn giỏi sẽ có lồng mới (tất cả mọi lồng đều như nhau trần trụi 2 vòng tay nắm lại), và sẽ có con chim trở thành vô gia cư.

Gia đình Ngà ở phòng ngoài.  Phòng kế là gia đình ông Kính bà Kính chị Yến chị Sơn anh Hà thằng Hồng, con gì quá hiền không nhớ được tên, con Thúy và bé Na Ni.  Chị Yến đứng dưới cây bươm bướm trước nhà vẻ ngậm ngùi cho Ngà xem bức hình chị bồng Na Ni bên một ông thiếu tá đang phải đi cải tạo.  Chị tỉ tê thích đặt tên con là Na Ni rồi Tô Ny v.v…  Bên trong ông Kính bất ngờ gầm lên Na Ni cái con c.  Ngà giả vờ cần xuống bếp.  Ngang phòng trong, thấy anh Hà đi ra, cửa phòng vẫn mở và chị Sơn béo úc núc mặt đẹp như Thẩm thúy Hằng đang thay quần áo, trên người chỉ có 2 miếng vải. 

Xuống bếp Ngà gặp ông Sơn ở phòng trong cùng.  Ông ở nhà chăn 4 thằng con trai phá hơn tề thiên để vợ lo chạy hàng xách, gia đình Huế chạy vào Nam khi biến loạn.  Ông có vẻ học thức, nhìn Ngà cười cười như thông cảm cái bối rối của cảnh đời.  Hình như mọi sự không còn biên giới, hình như người ta phải tập không biết ngượng với nhau và với mình _ bà chủ tịch mặc quần tới mắt cá hô ta anh dũng đánh địt với một niềm tự hào, anh Lân con nhà giàu công tử đẹp trai cứ như là hoàng tử chỉ quen biết qua quýt với má vẫn lại thăm hằng ngày vào lúc 11 giờ rưỡi trưa giờ Ngà dọn mâm với một món duy nhất là mì sợi hợp tác xã sào cà chua cải xanh.  Ngà ân cần mời anh ăn chung và 2 đứa nói chuyện hết mức um sùm…  Mặt đất như chỉ còn quẩn quanh rối ren vào những sợi mì vàng khô buồn bã, ai ai rồi cũng cúi mặt lùng bùng.  Màn trời có cái lỗ nào cho Ngà chìa mặt ra thở, cho Ngà chút hy vọng rằng ngoài kia còn có một cái gì? 

Loay hoay trong căn phòng 5 thước vuông đó rồi Ngà cũng tốt nghiệp trung học.  Thi ra trường rồi thì mỗi đứa một phương không còn quấn quít, dù có khi 2 phương chỉ cách nhau mấy con đường.  Mỗi con đường đều có một đám bụi của riêng mình, ngày một lớn, bao phủ mọi ước mơ.  Ngà, Quyên, Thu Ánh, Thủy, Tuấn, Xuân Loan… phải chăng chúng mình chỉ là những hạt bụi bên đường bùng lên khi một chuyến xe qua.

2.

Ngà đã tìm thấy nhà thằng Ân.  Cái hẻm rất rộng đủ cho xe hơi vào ra, và nhà dĩ nhiên cũng lớn.  Qua tường rào có một mảnh vườn sâu trồng cây cảnh rồi mới tới bực thềm.  Khi Ngà vào nhà, đã có đủ bọn con trai: Ân chủ nhà, Hoàng An hàng xóm, Hùng, Minh, Giàu, và Đắc.  Bọn nó học chung Võ Trường Toản, và làm sao để Giang biết mà hợp lại thành nhóm thì có trời biết.  Ngà chỉ biết hùa theo Mai, Ngọc, và Giang cho đủ mười đứa đóng tiền học luyện thi đại học. 

Thầy Cù an Hưng là một ngôi sao sáng của Toán hình học, học với thầy giỏi thì mới mong thi đậu.  Lớp còn có thầy Viêm giải tích và đại số, nhưng thầy già và hiền quá, trông thầy từa tựa bức hình ông Nguyễn Hiến Lê, hết khóa học Ngà cũng chỉ còn nhớ vậy.

Ngà ngồi đâu góc với thằng Đắc.  Hắn lầm lì và coi bộ bần tiện.  Thằng Ân thì ra vẻ người lớn dù cả bọn chắc chỉ bằng tuổi nhau.  Thằng Hùng có đôi mắt to như hồ nước và tinh ranh ngầm, thằng Minh bộ dáng ăn chơi hào hoa láu cá, thằng Hoàng An cù lần, và thằng Giàu ngây thơ trong sáng.  Khi Hùng hẹn Ngà đi xi nê thì Minh đã nắm tay Ngọc.  Ngọc kể, thằng Giàu ngã vật ra giường khi Minh tuyên bố với cả nhóm con trai Ngọc là của tao, đừng có mơ.  Cái lũ đó làm Ngà quên thầy Viêm nói cái gì, chỉ có thầy Cù mới túm được đầu óc của Ngà.  Thầy Cù rất cưng Ngọc. Ngọc học giỏi, cao gầy và rất yếu. Mỗi khi đôi mắt nâu to chớp dưới hàng lông mày cao góc thật đẹp thì Ngà đều thấy mình nín thở. Ngọc như cành lan quý mỏng manh với những cánh hoa trắng muốt.  Ngọc đã thay con Thủy ngự trị trong lòng Ngà.  Ngọc còn có lá bùa này, là ba Trung tá đi cải tạo.  Khi mọi giá trị chỉ còn là giá trị âm thì phân chia giai cấp vẫn như con rãnh còn đó, và có lẽ còn sâu hơn vì rãnh đà khô cạn.  Bọn con gái của Ngà không nói ra, nhưng ăn chắc một điều: “lấy chồng bộ đội lấy thằng khùng sướng hơn.”  Con nhà cải tạo và thành phần ác ôn là một bảo đảm cho tư cách “phe ta,” dễ dàng mở đường cho một tình yêu, tình bạn, một sự quý mến, nể trọng dù chỉ trong âm thầm.  Cái đói nghèo bệ rạc của từng lớp đó được mặc nhiên coi là cái giá phải trả.

Thầy Cù giảng bài như chỉ cho mình Ngọc hiểu.  Đích thân thầy vào trường coi điểm thi cho Ngọc.  Thầy báo Ngọc được 24 điểm, dù 22 điểm là đủ để du học Liên xô nhưng có lẽ may lắm thì Ngọc được nhận vào đại học với lý lịch ba cải tạo.  Ngọc vào được Tổng hợp; Mai, Ngà, Giang vào Đại học Kinh tế, Minh và Đắc vào Phú thọ, và Hùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.



***

Từ trại bộ đội Long Khánh, cứ vài ba tháng Hùng lại về thăm nhà, lấy đồ ăn thức uống và tiền tiêu xài.  Những lá thư Hùng gửi đến trường đại học trở thành lý do để Ngà chăm chỉ đến trường.  Dầu sao có một người để thương nhớ đợi chờ khắc khoải vẫn dễ sống hơn là sống không không hờ hờ không có ai quanh.  Nhiều khi Ngà tự hỏi mình có phải Ngà ưng bồ với Hùng vì không có ai khác tới với Ngà, hay vì gia đình Hùng có tiền sẽ cho Hùng vượt biên.  Ngà không biết mình có bị ám, mà những lần chia tay với Hùng đều mang đầy nước mắt chia xa.  Vượt biên, hai chữ nghe có tương lai hơn mấy anh K1 sẽ ra trường năm tới, nghe hào hùng hơn anh Út làm công an phường.  Vượt biên là xuyên tâm liên chữa bá bịnh từ thể xác tới tâm hồn, là mảnh bằng cao nhất của đại học, là trang sức quí giá của xã hội bây giờ.  Bồ với một anh sắp vượt biên hình như dễ chấp nhận hơn bồ với một anh sẽ làm cán bộ.  Ngà không biết làm sao để ra khỏi cái kén ngày càng dày.

Và cho dẫu có lúc điên điên Ngà đã viết lá thư dài hai chục trang giấy học trò cho Hùng, một lúc nào đó Ngà vẫn nhận ra, trong âm thầm trong riêng lẻ, Ngà vẫn gọi những người bạn trai của mình là thằng. Hóa ra cái máu hoang đàng chi địa, cái máu thô lỗ cộc cằn vẫn đang chảy rần rần trong huyết quản của Ngà, Ngà vẫn chưa là một người con gái!!

Chỉ khi Minh đến rủ Ngà đi bơi, Ngà mới biết mình đã là một thiếu nữ.  Khi đó mối tình của Minh và Ngọc dường như đã tới cái chỗ tay ba với thêm một cô bé mà cái lũ con trai đó gọi là Sáu Diệu.  Bây giờ ai cũng được thêm “Sáu” vào trước tên.  Minh đạp xe tới nhà Ngà, nói vẩn vơ gì đó và vờ thản nhiên rủ kèo một câu “đi bơi không.”  Nhưng cái gì đó sau ánh mắt nói với Ngà là hắn không đạp xe vào cuối ngõ nhà Ngà chỉ để nói một chuyện bâng quơ.  Rồi thêm một chiều 30 Tết, thằng Tuấn ghé nhà tặng Ngà một tấm thiệp Tết do chính nó vẽ.  Thằng Tuấn rất khéo tay, nó vẽ tấm thiệp với hoa văn của nhà thờ Gothic rất sắc sảo.  Ngà những tưởng nó sẽ đi với Thủy một đỗi đường dài, dài lắm, nhưng dường như cái đầm ấm dịu dàng của Thủy không đủ bù cho hàm răng hô và tấm thân gầy đét nên thằng Tuấn rồi thằng Huyền đều lần lượt giã từ nó.  Hôm Ngà đi xi nê với Hùng thoáng gặp thằng Tuấn đi lang thang một mình nơi rạp Eden thì Ngà đã có linh cảm rằng nó đã “nhìn” thấy Ngà.  Thật buồn cười, chính những gã con trai không là gì của Ngà chứ không phải Hùng _ bồ của Ngà _ nói với Ngà rằng Ngà đã thật sự mang vóc hình của một người con gái.

***
Tan buổi học, Ngà lủi xuống phòng thư tín ở lầu 2 tìm xem có lá thư nào cho mình.  Lá thư mỏng manh nhàu nhĩ của Hùng tựa như ly nước xy rô thơm cho Ngà lúc trưa nắng.  Hùng báo đã thôi bộ đội, dù chỉ là bộ đội canh tác ở Long Khánh.  Con Lan con Tân cười cười, đứng xê ra một góc chờ cho Ngà đọc vội lá thư.

_Sao rồi?  Tân nheo mắt hỏi.

Ngà muốn nói thật với Tân, nhưng tự dưng ngại ngần vì có mặt Lan.  Lan mới là bạn thân, nhưng không hiểu sao Ngà lại tin rằng Tân hiểu Ngà cho dù khi Ngà chỉ nói nửa câu.  Lan đã từ giã chàng công tử nơi quê nhà để đi với anh Hiếu K1, dù anh Hiếu rất nghèo, bởi vì nó học đại học thì không muốn bồ với anh chỉ học cao đẳng.  Ngà cứ thấy gờn gợn một nỗi bất bình dù vẫn biết đó là điều thực tế.  Không phải ai cũng cần chút đỉnh mộng mơ như Ngà, như Tân.  Ngay cả với người bạn mình nghĩ là thân nhất mà cũng không dám nói, Ngà tự hỏi mình sẽ sống sao đây những ngày tháng tới.  Hùng, Hùng bỏ bộ đội thì Hùng có con đường nào không để sống?  Chúng ta sẽ ra sao?


***

Từ hôm về lại thành phố, Hùng ở luôn dưới ghe trong Chợ Lớn.  Ghe mua lại, giả đi nghề cá ngoài Long gì đó...  Đi đi về về, xem chừng bãi bến trét chai cho kỹ và trữ đồ ăn thức uống dần dần.  Vượt biên, cái tiếng linh thiêng ấy mang Ngà lại gần Hùng hơn.  Hùng là tương lai sắp chia xa của Ngà.  Ngà chuẩn bị nước mắt phân ly, chuẩn bị mang vết thương lòng khi Hùng đi, một vết thương lòng sang như có ba đi cải tạo phải ngày ngày nắm than đá lõng bõng trong xô thành từng viên như trái trứng rồi phơi ở sân cho khô cứng lại để mỗi lần đốt được một bếp than thì cả nhà cùng khóc.

Minh đã tới được Pháp.  Cách vài tối Ngọc lại tà tà đạp xe qua Ngà tán dóc.  Ngọc kể những chuyến vượt biên thất bại, những chuyến vượt biên con gái bị hiếp 42 lần.  Ngọc kể có bạn của anh ở bên Úc về thăm, chở Ngọc lên uống nước ở Caravelle 32 từng (mấy từng thì Ngà cũng không bao giờ biết được), mua hoa hồng tặng Ngọc mỗi khi đến đón…  Ngà chưa kịp nói gì, chưa kịp có gì để nói, thì con Giang cũng qua báo tin “tụi tao biết mày sắp đi với thằng Hùng.”  Đi học đại học chỉ có vậy, đứa này chạy qua xem đứa kia còn hay đã đi, báo tin đứa nào mới thoát đứa nào mới bị bắt.  Một chân của Ngà đứng ở hàng rào nghe tin vượt biên, và chân kia đi bán lương thực.  Mỗi tháng sinh viên được 18 đồng, và được mua thêm 7 ký lương thực bên cạnh 9 ký sổ hộ khẩu.  Ngà cho con Lan nửa ký gạo nấu cháo cho má đau bao tử, còn 6 ký rưỡi bột mì đem bán ở chợ Đa Kao.  Tổng số tiền có được má cho Ngà giữ làm tiền tiêu xài, và Ngà chỉ xài 2 việc: bao con Lan mỗi khi đi chung, và học anh văn với thầy Hòa.

Thầy Hòa hơn Ngà chừng 5 tuổi.  Thầy nói đã học hết lớp 18 và có bằng Michigan (?), và thầy chỉ dạy từng nhóm 5 người vì 1 người không đủ trả tiền.  Ngà bậm môi nói xin trả đủ, vì biết mình sẽ không học được gì nếu học nhóm.  Con mắt một mí của thầy dừng lại trên mặt Ngà, rồi thầy gật đầu, vậy em cứ lại.  Sau buổi học đầu tiên, Ngà đưa bao thư trả tiền học.  Thầy mở ra xem rồi trả lại Ngà, nói chỉ lấy học phí như Ngà học trong nhóm thôi.  Trong vòng 3 tháng đối diện với thầy, Ngà đã có thể nói thực sự, nghĩa là phun ra những âm thanh chứ không lúng búng trong cổ họng như khi đọc những bài trong cuốn English For Today.  Nhưng vốn liếng sinh ngữ đã mất sau 7 năm biếng học thì 15 năm sau cũng chưa bù đủ.

Một ngày mưa tầm tã Ngà tới lớp thầy Hòa.  Thầy đang ân cần chậm nước mưa trên đầu của chị Phụng, người Hoa lai Việt.  Chị về rồi, người nhà thầy chửi gióng giả sau bếp, môi thầy mím lại cằm bạnh ra, mặt trắng bệch, con mắt một mí như tóe lửa.  Thầy ngồi xuống, nói bằng tiếng Anh, kể với Ngà mối tình với chị Phụng.  Ngà nghe tai được tai không, nước mưa dán tóc sát xuống da, Ngà nghe từng giọt nước thấm xuống lòng buốt lạnh, đầu óc váng vất hình ảnh thầy Hòa chậm nhẹ những giọt nước trên tóc chị Phụng.  Ngà ra về, nước mưa chảy dọc màng tang nhiễu xuống cổ áo.  Có bàn tay nào cho Ngà.  Có cuộc sống nào cho Ngà.  Có tương lai nào cho Ngà.  Học Anh văn để làm gì ở cái xứ này?  Chết trên biển hay mất tích như Thu Ánh, hay bị hiếp 42 lần, không trả lời được câu hỏi thằng Minh sống ra sao ở Pháp.  Ghe vượt biên có to bằng cái tàu thủy đậu ở bến Bạch Đằng? 

Bước từ tuổi mười sáu không biết mơ ước gì, bây giờ Ngà đã 19 tuổi, đã có một mối tình để tự an ủi mình.  Nhưng chỉ mới ba năm, trời dường đã khác.  Khác, vì trời đã không còn có thể khác. Ngày nào cũng là ngày 30, tháng nào cũng là tháng tư, một năm 365 ngày ba mươi tháng tư.  Cuộc sống vẫn không ngừng trôi, mà dường như tất cả những biến đổi chung quanh đều chỉ là lớp vôi tường mỗi ngày mới mang một sắc tối hơn và không còn liền lạc như ngày hôm qua cho dù bức tường vẫn như vậy.  Mỗi ngày Ngà đạp xe qua những con phố quen, thấy không còn là phố cũ, thấy nhộn nhịp tất tả mà lạ sao dường cả con phố cũng như mình đều chỉ là những bóng ma. 

Ngà thấy mình lúc nào cũng đói.  Đói thức ăn hay đói truyện để đọc thì dễ xác định, đói tình yêu lãng mạn mộng mơ thì hiểu được, nhưng Ngà đói một cái gì đó không rõ dạng hình.  Ngà cứ thấy như cơ thể mình ngày một khô kiệt.  Ngà thấy mình sống kịch liệt, yêu kịch liệt tưởng như mối tình với Hùng là tất cả, và mình không phải tên Ngà.  Những lúc ngồi họp tổ ở trường để nghe bạn bè “góp ý,” “đóng góp ưu khuyết điểm…” Ngà luôn thấy ngượng cho mình cho bè bạn.  Làm thinh không nói thì sẽ bị phê, mà nói cái gì?  Chỉ trích bạn rồi lát nữa sao ra ăn chè chuối với nhau, đi lang thang với nhau?  Vừa dơ tay xin phát biểu vì đã tới phiên mình phải “xin phát biểu” thì Ngà thấy dường như máu trong người khô lại, dường như thằng Dũng đang cười Ngà bằng đôi mắt long lanh, dường như Ngà đang phản bội bè bạn, tựa như bọn con Xuân Loan chị Chánh chị Hai nhóm Áo tím và anh Nguyễn Trãi đã dối gạt Ngà đã đâm vào lưng Ngà một nhát dao.  Ngà thấy ngượng và không thể chịu nổi mình.  Làm sao để lên được năm thứ ba, thứ tư, để ra trường mà còn nguyên vẹn?  Ra trường sẽ đi đâu?  Đồng Nai, Sông Bé?  Cái bọn sinh viên từ miền Bắc và các tỉnh đổ về đây chiếm 90 phần trăm tổng số sinh viên các trường đại học.  Họ vào Sài gòn học không phải để trở về nguyên quán phục vụ.  Trúng tuyển nghĩa vụ quân sự chỉ toàn dân Sài gòn và người Việt gốc Hoa.  Ngà thấy mình sắp rụng.  Ngà thấy mình khô kiệt.  Ngà thấy mình hèn mọn.  Ngà không còn có thể ngước mặt bình thản ngắm những vì sao những đêm trời trong gió mát. 

Mười sáu tuổi Ngà đã không biết phải ước mơ gì.  Mười sáu tuổi Ngà đã phải mang cảm giác bị đâm lén.  Ngà vẫn loay hoay không tìm được một tên gọi cho cái biến cố năm 16 tuổi ấy, rồi bây giờ Ngà thấy mình bị ám bởi một giấc mộng chưa bao giờ có trong lịch sử, chưa bao giờ có trong ngôn ngữ _  giấc mộng với cái tên hai chữ lạ hoắc: vượt biên.  Vượt biên không phải là vượt biên giới như Dũng của Đôi Bạn.  Vượt biên không phải là băng qua ngả Lào _ Căm bu chia, cái đó là vượt biên đường bộ.  Vượt biên nghĩa là trốn ra biển bằng những chiếc ghe bé tí, rồi sẽ có tin về là đã tới Mã Lai Thái Lan hay đã được tàu biển vớt.  Chữ đã không còn mang đúng nghĩa của nó, như tất cả mọi thứ có nơi này không thứ nào còn mang được đầy đủ ý nghĩa mà nó đã được ước định từ xưa, kể cả con người.  Ngà phải mang tên gì?  Ngà sẽ là ai?  Ngà có thể nhìn thẳng vào mắt Hùng không khi chính Ngà không dám nghĩ đến một câu cần phải hỏi.  Hãy tự tha cho mình, Ngà nghĩ vậy.  Ngà gật đầu, Ngà đã gật đầu khi Hùng nói Bố Mợ sẽ sang nói với Má cho Ngà đi với Hùng.  Cái nguy cơ bị hiếp 42 lần hiện ra như giải độc đắc.  Đất với trời còn nhòe nhoẹt vào nhau, có gì để chọn lựa…


Lưu Na

07/22/2014

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét